(SaoZone.net) – Sau một tuần khiến người xem trầm trồ không ngớt về mùa “bội thu” đầu tư của các “cá mập”. Shark Tank tập 9 lại tiếp tục đem đến những giây phút ngã giá nghẹt thở với ba thương vụ có ý tưởng đi tiên phong trong lĩnh vực ngách.
Điểm nhấn gây chú ý nhất trong tập 9 đến từ dự án Mạng xã hội du lịch Astra của Nguyễn Tiệp. Gửi đến nhà đầu tư lời mời 1 triệu USD cho 10% cổ phần với tham vọng chiếm 5% thị phần du lịch online toàn cầu, và trở thành một trong những công ty công nghệ du lịch hàng đầu thế giới và khu vực trong vòng 5 năm tới. Với các con số mới chỉ dừng lại ở sự giả định nhưng giấc mơ lớn đi kèm tham vọng lớn, Astra của Nguyễn Tiệp đã thành công thuyết phục Shark Hưng gật đầu rót vốn.
Trình bày trước nhà đầu tư, Nguyễn Tiệp – Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Astra giới thiệu đây là mạng xã hội đầu tiên có công nghệ trả thưởng cho người dùng, áp dụng công nghệ Blockchain để minh bạch trả thưởng. Nhà sáng lập bày tỏ mong muốn trong 5 năm tới chiếm 5% thị phần du lịch online toàn cầu và đưa Astra thành một trong những công ty công nghệ du lịch hàng đầu thế giới và khu vực.
Về cơ cấu cổ đông của Astra, Nguyễn Tiệp hiện chiếm 28% cổ phần, các Co-founder còn lại chiếm 24% cổ phần. Và dự án cũng nhận được vốn góp từ nhà đầu tư thiên thần với tổng số 100 nghìn USD cho 6% cổ phần công ty.
Ứng dụng của Astra hiện đang đóng trên cả CH Play lẫn App store, Nguyễn Tiệp giả định trong vòng 3-6 tháng, Astra sẽ cán mốc 200 nghìn users và ước lượng nếu bỏ ra 5 USD để lôi kéo được một người dùng thì doanh nghiệp sẽ thu về được khoảng 50 USD/ mỗi user.
Quay trở lại với tham vọng chiếm 5% thị trường OTA toàn cầu, Nguyễn Tiệp chia sẻ: “Agoda hay Tripadvisor là những công ty nổi tiếng nhất của du lịch bây giờ đang chiếm 35 tỷ USD/năm. Em chỉ ước tính chúng ta chiếm 5% trong số đó thôi như là Booking chẳng hạn, họ chỉ là phương tiện để book phòng hay là Tripadvisor có hệ thống đánh giá nhưng không khách quan”. Mạng xã hội của Astra sẽ thu hút user bằng cách cho họ điểm thưởng và ngoài doanh thu đến từ quảng cáo, Astra sẽ có thêm các dịch vụ booking…
Tất nhiên, cái giá mà Shark Hưng đưa ra cũng không hề dễ chịu chút nào khi yêu cầu đầu tư 100 nghìn USD cho 5% cổ phần, phần còn lại đổi lấy 15% nhưng 900 nghìn USD chỉ được giải ngân khi mô hình kinh doanh của Astra được các chuyên gia đánh giá tin cậy.
Với một góc nhìn mới và ủng hộ những người trẻ khởi nghiệp, đầu tư 1 triệu USD vào Astra, “cá mập kén ăn” Phạm Thanh Hưng đã có thương vụ đầu tư độc lập đầu tiên trong mùa 3 của Shark Tank.
Thương vụ tiếp là sự xuất hiện nhà đồng sáng lập công ty cổ phần đầu tư Rubiz – Nguyễn Thị Tâm Thơ. Mở đầu phần thuyết trình, Tâm Thơ mô tả Rubiz là khu phức hợp vui chơi mua sắm bằng Container, 90% vật liệu xây dựng mà Rubiz sử dụng đến từ những Container cũ và vật liệu tái chế. Bao gồm 200 gian hàng thời trang, ẩm thực, sân khấu, biểu diễn ngoài trời, khu vui chơi thiếu nhi.
Chia sẻ về bức tranh tài chính, Tâm Thơ cho hay sau 2,5 năm hoạt động, doanh thu năm đầu tiên thu được 9,5 tỷ đồng, năm thứ hai tăng 12 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 đạt 6,6 tỷ đồng. Lãi ròng 2017 đạt 1,3 tỷ đồng, năm 2018 là 2,5 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 là 1,3 tỷ đồng. Với 10 tỷ kêu gọi đầu tư, startup sẽ dùng 60% nhân rộng dự án hướng đến là các khu công nghiệp mà công nhân đang thiếu thốn khu vui chơi giải trí, 20% để đầu tư vào marketing, 20% cho mô hình quản lý vận hành.
Thương vụ đi đến phần gay cấn khi Tâm Thơ bất ngờ tiết lộ Rubiz hiện có 4 cổ đông chính. Tuy nhiên, nhà sáng lập Rubiz đang chiếm đến 98% cổ phần, các nhà đồng sáng lập trong đó bao gồm cả Tâm Thơ chỉ chiếm 2% cổ phần còn lại.
Thông tin trên lập tức khiến các Shark phẫn nộ, cảm thấy phi lý khi “1% đi gọi vốn thay 98%”. Bắt buộc, Hoàng Tuấn Anh – nhà sáng lập của Rubiz phải tiến vào phòng thương thuyết để đối mặt với các chất vấn từ nhà đầu tư. Shark Đỗ Liên lên tiếng: “Chúng tôi đầu tư phải biết chủ là ai, con người mới là cái quyết định thành công còn cổ phần chiếm bao nhiêu không quan trọng”.
Quay trở lại với các câu hỏi từ nhà đầu tư, Tuấn Anh trình bày mô hình Rubiz theo đuổi đã được các nước như Malaysia, Thái Lan làm nhiều năm qua. Giúp nạn bán hàng rong dồn về một chỗ, đảm bảo được vấn đề mỹ quan đô thị và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đánh giá ý tưởng và concept của Rubiz là hợp lý, tuy nhiên các Sharks khá e ngại về tính rủi ro của dự án khi: “Điều kị nhất của mô hình bán lẻ là di dời mặt bằng” – Shark Bình nói, chưa kể Rubiz cũng đang định giá bản thân quá cao khi lợi nhuận mới chỉ dừng lại ở mức 3 tỷ đồng/năm nhưng định giá doanh nghiệp là 90 tỷ, gấp 6 lần so với tiềm năng thực sự. Do đó, lần lượt các Shark Việt, Shark Hưng, Shark Liên và Shark Dzung Nguyễn tuyên bố không thể mạo hiểm hơn.
Cùng quan điểm, đánh giá mô hình của Rubiz là ngắn hạn không muốn đầu tư, tuy nhiên ở phút 90 Shark Bình bất ngờ thay đổi ý kiến. Chủ tịch NextTech chia sẻ: “Đã có nhiều startup đình đám làm mô hình kinh doanh theo Trends nhưng một vài năm cũng chết, lên nhanh mà xuống cũng nhanh. Chính vì vậy, mô hình kinh doanh này tôi đánh giá là ngắn hạn. Lúc đầu dự kiến không đầu tư rồi tuy nhiên, các bạn đưa ra hướng đi về các khu công nghiệp lo giải trí cho công nhân thì đó là lý do mình cảm thấy hợp lý. Định giá bạn đưa ra không tưởng, tôi đề nghị 10 tỷ cho 40% với điều kiện số tiền này đầu tư cho ít nhất 2 địa điểm khu công nghiệp phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân”.
Chia sẻ làm 10 khu khu phức hợp thì cần số vốn lên đến 100 tỷ, nếu Shark đầu tư 10 tỷ cho 40% thì sẽ là rào cản bất lợi cho Rubiz kêu gọi vốn trong tương lai, Hoàng Tuấn Anh mong muốn thương lượng ở mức 20% cổ phần cho 10 tỷ đồng đầu tư. Tuy nhiên thương vụ diễn ra bất thành khi cả hai đều không tìm được tiếng nói chung ở mức % cổ phần sở hữu. Shark Bình cho rằng chỉ đầu tư vào một dự án và ăn chia doanh số như mong muốn của nhà sáng lập Rubiz là quá rủi ro.
Bắt đầu phần thuyết trình, Ninh Gia Hạnh hùng hồn cho biết đa số mọi người đang làm việc rất mệt mỏi, bận rộn mà không còn thời gian làm việc gì khác. Họ tốn quá nhiều thời cho email, dùng quá nhiều kênh thông tin liên lạc như Facebook, Zalo, Viber… để trao đổi tương tác công việc với nha. Dữ liệu lưu trữ rời rạc trên từng máy tính cá nhân khiến việc tìm kiếm dữ liệu tốn rất nhiều thời gian. Do đó, My X Team mang đến giải pháp là một mạng kết nối các đầu công việc trong một dự án lại với nhau để giúp người dùng làm việc hiệu quả hơn.
Đưa ra lời mời 100 nghìn USD cho 1% cổ phần, CEO My X Team muốn kêu gọi các Shark cùng tham gia để mang đến cho Việt Nam một công nghệ ở nơi đó làm việc trong niềm hạnh phúc, từ đó tạo ra nhiều thành tựu trong cuộc sống.
Ra đời sau 4 năm, doanh nghiệp bước qua giai đoạn khó khăn nhất của startup là “Sống” khi có 1200 khách hàng đã thanh toán, 500 khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ. Doanh số trung bình từ 400 – 450 triệu đồng/ tháng, trung bình mỗi khách hàng chi trả 1 triệu đồng/tháng.
Ninh Gia Hạnh trình bày: “Mỗi doanh nghiệp chỉ cần trả cho chúng tôi 750 nghìn đồng/ tháng là họ dùng thoải mái với 100GB dữ liệu. Là người đi tiên phong ở Việt Nam, chúng tôi đang muốn tạo ra My X Team như mạng xã hội quản trị công việc”.
Từng đầu tư vào mô hình tương tự vào thời điểm 6 năm trước, Shark Dzung Nguyễn cho rằng My X Team cần ít nhất 400 – 500 nhân viên bán hàng. Tuy nhiên Ninh Gia Hạnh cho rằng, mỗi tháng chỉ cần tiêu 100 triệu cho chi phí Marketing và chạy các nền tảng online, offline khác bán hàng dựa trên công nghệ chứ không cần đội ngũ sale.
Đề nghị 100 nghìn cho 20% cổ phần, “bà ngoại U60” mong muốn giúp startup có thêm động lực và sẵn trả cổ phần mà không tính lãi.
Đứng trước một deal khá hời, cứ ngỡ thương vụ sẽ sớm khép lại với cái bắt tay của đôi bên thì bất ngờ, Ninh Gia Hạnh lắc đầu từ chối ngay sau khi nhà đầu tư dứt lời. CEO My X Team giải thích anh tự lượng sức mình dù có offer bao nhiêu cũng không lên được 200 nghìn USD như mong muốn, trong khi khách hàng của My X Team thì đang chờ sẵn để đầu tư vào chính sản phẩm phục vụ họ.
Tập 10 Shark Tank Việt Nam – Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ 3 sẽ phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 25/9/2019 trên kênh VTV3.