(SaoZone) – Công nghệ số không chỉ có sức lan tỏa lớn, mà còn làm thay đổi phương thức hoạt động của các tổ chức tài chính truyền thống và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Công nghệ số là xu hướng tất yếu của ngành tài chính – ngân hàng.

Giải pháp công nghệ số hiện đại đang tạo ra cuộc cách mạng trên thị trường tài chính nói chung và việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói riêng.

So với dịch vụ ngân hàng truyền thống, dịch vụ ứng dụng công nghệ số giúp tạo sự khác biệt. Nó không chỉ giúp ngân hàng giảm chi phí, mà còn giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng dễ dàng hơn.

18596813_10209810094952563_1526431224_oNhiều cơ hội từ ngân hàng số

Với tốc độ tăng trưởng Internet 9%/năm và xếp hạng 15 trên thế giới, giới chuyên môn cho rằng, Việt Nam có tiền đề tốt để xây dựng hệ thống ngân hàng số (digital banking).

Một cuộc khảo gần đây cho thấy, khoảng 28,5 triệu người (tương đương gần 30% dân số) Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh và lượng người truy cập Internet là khoảng 52% dân số.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV, cho rằng sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo xu hướng phát triển ngân hàng số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Trên thực tế, tỷ lệ người sử dụng ngân hàng số trên tổng số người sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam đang không ngừng gia tăng. Năm 2011, tỷ lệ này chỉ ở mức 7%, nhưng đã lên tới 44% vào năm 2014 và con số này được dự báo còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới.

Sự bùng nổ của công nghệ tạo nền tảng giúp các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh thông qua phát triển loạt các sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Các sản phẩm, dịch vụ này gồm: thông quan điện tử, nộp thuế qua internet, thu tiền điện qua các kênh Internet/Mobile Banking/POS của ngân hàng hoặc thu qua ví điện tử của các trung gian thanh toán, thanh toán vé tàu, vé máy bay qua hệ thống thanh toán trực tuyến hoặc thẻ ngân hàng, thu hộ học phí, viện phí qua các kênh ngân hàng điện tử…

Theo giới chuyên môn, sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số đang tạo ra những lợi ích cho ngân hàng, đặc biệt là giảm được nhiều chi phí. Ngoài ra, công cuộc số hóa các dịch vụ tài chính cũng giúp các nhà cung cấp dịch vụ gia tăng lợi nhuận cần thiết để phục vụ những phân khúc khách hàng ngày càng rộng.

Tại hội thảo mang tên “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam”, trong khuôn khổ Banking Vietnam 2017 do Ngân hàng Nhà nước và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức tại Tp.HCM ngày 18-19/5, ông Lee J.Volante, Trưởng Bộ phận Đối tác chiến lược của Temenos khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng có thể cắt giảm tới 25% chi phí bằng cách ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh.

Song song với giảm chi phí, ông Lee J.Volante còn cho rằng, đầu tư cho công nghệ số cũng sẽ giúp ngân hàng gia tăng lợi nhuận.

Số liệu được ông Lee J.Volante dẫn chứng từ phân tích của McKinsey cho thấy, công nghệ số có thể đóng góp tới 45% lợi nhuận ròng trong mảng ngân hàng bán lẻ tại các ngân hàng tiên phong về ứng dụng công nghệ số.

Còn ông Cấn Văn Lực dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 40% giao dịch bán hàng của các ngân hàng được thực hiện qua mạng và thiết bị di động, thậm chí có khoảng hai phần ba nghiệp vụ của ngân hàng do hệ thống công nghệ thông tin đảm nhiệm.

Đồng tình với những nhận định trên, Phó tổng giám đốc Vietcombank Đào Minh Tuấn cũng chia sẻ khi thu nhập từ hoạt động tín dụng ngày càng giảm, phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số là cần thiết để giúp các ngân hàng gia tăng tỷ trọng nguồn thu dịch vụ trong tổng lợi nhuận chung.

Tạo giá trị gia tăng dịch vụ cho khách hàng

18596687_10209810094992564_1610062193_o

Với nhiều sản phẩm dịch vụ, khách hàng có thể thực hiện giao dịch ở mọi lúc, mọi nơi, miễn là có kết nối Internet, mà không phải đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng.

Chia sẻ tại hội thảo trong khuôn khổ Banking Việt Nam 2017, ông Sathish N, Phó chủ tịch phụ Khối phát triển sản phẩm của SunTec Business Solutions cho rằng, thực tế cho thấy, khách hàng mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ có thể mang đến cho họ một gói giải pháp toàn diện theo thời gian thực và đơn giản hóa cuộc sống thường ngày.

“Để thỏa mãn kỳ vọng của khách hàng trong thời kỳ số hóa, các ngân hàng cần nghiên cứu và sáng tạo để tăng thêm các giá trị trên vòng đời của khách hàng và tối đa hóa giá trị trên hệ sinh thái số”, ông Sathish N nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng kỹ thuật số, các ngân hàng cũng tích cực bắt tay với các công ty Fintech – trung gian thanh toán, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán và cho vay.

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 40 công ty Fintech đang hoạt động, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán.

Có hơn một nửa các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến, hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS.

Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như: gọi vốn, dịch vụ cho vay trực tuyến, quản lý dữ liệu tài chính cá nhân, ngân hàng kỹ thuật số…

Dưới góc nhìn của ngân hàng, ông Đào Minh Tuấn cho rằng, cả ngân hàng và Fintech đều có những lợi thế riêng, có thể khai thác lẫn nhau.

Cụ thể, lợi thế của ngân hàng là: những mối quan hệ từ lâu với khách hàng, hành lang pháp lý quy định cụ thể, chặt chẽ, kinh nghiệm trong quản trị rủi ro, thanh khoản, phòng chống rửa tiền….

Còn với các Fintech, việc tự do sử dụng những công nghệ hiện đại nhất để xây dựng các giao diện thân thiện với người sử dụng là một trong những thế mạnh nổi trội.

Hơn nữa, do không sở hữu các cơ sở hạ tầng thị trường tài chính cơ bản nên các Fintech cũng làm tốt hơn các ngân hàng trong việc nắm bắt các giá trị cốt lõi của khách hàng từ lượng dữ liệu lớn nhằm cung cấp những dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn.

Trên cơ sở đó, ông Đào Minh Tuấn cho rằng, ngân hàng và Fintech cần “bắt tay” hợp tác để tạo thêm giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Nhận thức được lợi thế đó, những năm qua Vietcombank cũng tích cực hợp tác với các công ty Fintech. Đến nay ngân hàng này đang “bắt tay” với 10 đối tác Fintech để triển khai các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuân thủ chặt quy định quản lý rủi ro

Lợi ích từ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng là rất lớn nhưng sự phát triển ngân hàng số cũng đi kèm không ít rủi ro về bảo mật thông tin.

Ngoài ra, nếu các dự án công nghệ thông tin chậm trễ hoặc vượt ngân sách hay kém chất lượng sẽ tác động tiêu cực đến giao dịch của khách hàng cũng như kết quả hoạt động của ngân hàng.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch ngân hàng, ông Cấn Văn Lực khuyên các ngân hàng cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý rủi ro công nghệ, bảo vệ dữ liệu, an toàn, bảo mật thông tin khách hàng…

Bên cạnh đó, cũng cần có sự cam kết mang tính nhất quán của các cấp lãnh đạo trong ngân hàng khi phát triển ngân hàng số.

Còn dưới góc nhìn ngân hàng, ông Đào Minh Tuấn cho rằng, không chỉ ngân hàng, mà tất cả các doanh nghiệp cũng đều quan tâm đến vấn đề bảo mật.

Với ngân hàng, bảo mật thông tin luôn được đặt lên hàng đầu, bởi thông tin là tài chính và là tài sản của chính ngân hàng.

Do đó, dù phát triển sản phẩm dịch vụ gì đi chăng nữa, thì sản phẩm lõi của ngân hàng vẫn phải giữ truyền thống và tăng cường bảo mật. Không thể phát triển ngân hàng số mà lại bỏ đi các ứng dụng ngân hàng lõi, như vậy sẽ không an toàn cho các giao dịch của ngân hàng.

Như vậy, cơ hội luôn luôn song hành với rủi ro, do đó, để có thể nắm bắt những cơ hội tiềm năng mà tài chính số có thể mang lại, bà Nguyễn Thị Hòa, Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, Chính phủ, các ngân hàng cũng như khu vực tư nhân cần hướng tới xây dựng một thị trường dịch vụ tài chính đa dạng, ổn định và bền vững.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cần quản lý được rủi ro thị trường cho cả hệ thống, đồng thời tạo ra một cơ chế và không gian cho các nhà cung cấp dịch vụ có thể đổi mới và cạnh tranh một cách công bằng.

Ngoài ra, cần phát triển một thị trường có tính cạnh tranh cao và thúc đẩy các nhà cung cấp phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính tiên tiến…

Khi tất cả các yếu tố trong hệ sinh thái tài chính công nghệ hoạt động một cách đồng bộ, mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính được gia tăng nhanh chóng, thì tài chính số sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Theo TBKTVN