(SaoZone.net) – Ông Phạm Xuân Hồng công bố số liệu đáng mừng cho ngành Dệt May trong diễn biến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thông tin tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và “Đêm hội Doanh nhân dệt may 2023” do Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK) tổ chức tối ngày 6/10, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch AGTEK – cho biết, từ đầu năm 2023 tới nay ngành dệt may gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sụt giảm đơn hàng, không chỉ vậy tại nội địa sức tiêu thụ cũng giảm. Tuy nhiên bước sang quý IV năm 2023 tình hình của ngành đã có phần khởi sắc hơn khi thị trường nội địa và xuất khẩu bắt đầu có nhu cầu trở lại. “Tính chung 9 tháng đầu năm, lượng đơn hàng sụt giảm từ 20 – 30% song 3 tháng cuối năm chúng tôi dự báo tình hình sẽ tốt hơn”- ông Hồng cho biết thêm.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch AGTEK công bố thông tin về ngành hàng. Các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng trở lại từ quý IV/2023
Chia sẻ về tình hình đơn hàng hiện nay, ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch AGTEK – cho biết: Đơn hàng của doanh nghiệp bắt đầu “ấm dần” song mới chỉ phục hồi khoảng 80% so với trước đây. “Dù thị trường xuất khẩu chưa đạt được mục tiêu như các năm nhưng đây là động lực để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho 3 tháng cuối năm”– ông Việt chia sẻ.
Liên quan đến sức cạnh tranh hiện nay của sản phẩm dệt may Việt Nam nói chung, VitaJean nói riêng, ông Phạm Văn Việt cho biết, sản phẩm dệt may của Việt Nam hiện được đối tác đánh giá rất tốt và có sức cạnh tranh cao so với các sản phẩm của các nước khác. “Việc sụt giảm đơn hàng trong thời gian qua nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thị trường giảm”- ông Việt khẳng định.
Theo ông Việt, trong thời gian tới để có thêm đơn hàng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm đến các thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm ở thị trường quen thuộc và đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất xanh theo từng thị trường, đối tác…
Đối với thị trường nội địa, ông Phạm Xuân Hồng khuyến cáo: Doanh nghiệp dệt may cần nắm tình hình sức mua, sự phục hồi của thị trường để đầu tư sản xuất hàng hóa có giá phù hợp. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp tránh bán lỗ và khôi phục sản xuất trong 3 tháng cuối năm.
ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – cho biết, người tiêu dùng đang ưu tiên chọn lựa sản phẩm bảo vệ môi trường, sản phẩm tái chế
Từ góc độ quản lý ngành Công Thương trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – cho biết, người tiêu dùng đang ưu tiên chọn lựa sản phẩm bảo vệ môi trường, sản phẩm tái chế – đây cũng là sự cạnh tranh mới dành cho doanh nghiệp Việt phải thay đổi để có thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may của thành phố đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Được biết, Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1993, với số lượng hội viên ban đầu chỉ hơn 40 doanh nghiệp. Đến nay, Hội đã phát triển được gần 200 doanh nghiệp hội viên và hoạt động của hội không chỉ giới hạn trong phạm vi của thành phố mà đã được mở rộng đến các tỉnh lân cận.
Qua hơn 30 năm thành lập và phát triển, AGTEK với tư cách là một tổ chức hội ngành nghề luôn đẩy mạnh công tác cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan, tạo điều kiện kết nối các hội viên để hình thành và hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước khép kín từ dệt nguyên phụ liệu đến cắt, may, thành phẩm, tăng tỷ lệ nội địa hóa, hướng đến dệt may phát triển bền vững.
Hiện tại, mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp hội viên của Hội đã và đang nỗ lực khẳng định mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, phấn đấu cùng toàn ngành hoàn thành mục tiêu năm 2023 đạt 47 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Hoàng Phương