(SaoZone) – Đêm Chung kết xếp hạng của chương trình Kịch cùng Bolero 2017 vừa diễn ra khá kịch tính vào tối 14/8 với sự cạnh tranh ngang tài ngang sức giữa đạo diễn Ngọc Duyên và đạo diễn Vũ Trần. Danh hiệu Quán quân đã thuộc về nữ đạo diễn duy nhất của chương trình, với sự nhất trí từ 4 giám khảo: NSƯT Công Ninh, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Đức Thịnh và danh ca Phương Dung.
NSƯT Công Ninh – giám khảo xuyên suốt của chương trình cho rằng: “Quán quân Kịch cùng Bolero là người xuất sắc nhất trong việc chọn diễn viên, xử lý không gian sân khấu, âm nhạc, ánh sáng. Ý tưởng của tác phẩm phải thể hiện được tính nhân văn nhất, tôn vinh nhân nghĩa và lên án điều ác”, và tác phẩm tối qua của đạo diễn Ngọc Duyên đã hội tụ đủ các yếu tố trên.
Tiết mục của đạo diễn Ngọc Duyên mang tên “Một kiếp nhân sinh” do diễn viên Quang Thảo viết kịch bản, có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Tuyết Thu, Quang Thảo, Đình Toàn, Lê Nam – Á quân Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ 2016, Phương Dung, Hồng Đào… Vở kịch mang màu sắc “liêu trai”, nói về mối tình cảm động giữa người và yêu. Vì khát khao làm người, Tố Nương (NSƯT Tuyết Thu) vốn là 1 con bạch miêu tinh tu luyện ngàn năm trong rừng sâu đã tìm mọi cách để tiếp cận chàng trai tốt bụng Y Lang (Quang Thảo), nhằm có được tình yêu của con người. Không biết Tố Nương là yêu tinh, Y Lang đem lòng cảm mến. Hai người nên duyên vợ chồng rồi sinh được một cậu con trai kháu khỉnh.
Ban đầu, Tố Nương chỉ định lừa tình cảm của Y Lang để cô có thể trở thành con người nhưng càng sống với Y Lang, cô càng yêu anh và mong muốn mãi mãi có được hạnh phúc như những người phụ nữ bình thường. Tuy nhiên, kể từ ngày Tố Nương về làm vợ Y Lang thì ngôi làng thường xuyên gặp thiên tai lũ lụt, trâu bò chết hết, mùa màng thất bát không đủ cống nạp “sưu cao thuế nặng” khiến quan trên nổi giận. Quan sai Pháp Sư (Đình Toàn) truy lùng yêu tinh đã gây ra họa cho ngôi làng và phát hiện ra Tố Nương. Pháp Sư đã dùng công lực của mình ép Tố Nương hiện nguyên hình bạch miêu tinh khiến Y Lang hoảng sợ. Pháp Sư dù biết những tai họa của làng không phải do Tố Nương gây ra nhưng để trấn an lòng dân và xoa dịu cơn thịnh nộ của dân làng muốn Tố Nương chết để gánh tội. Pháp Sư đã chiến đấu với Tố Nương và bại trận nhưng được cô tha mạng. Ngay lúc đó, Y Lang kéo theo dân làng đến, thấy bộ dạng thật của Tố Nương ai cũng khiếp sợ. Thấy vậy, Pháp Sư quay ra lật lọng, ép Tố Nương nhận mình là yêu tinh gây ra mọi tai ương cho ngôi làng rồi ra tay đánh đập, lột tấm da mèo của Tố Nương. Khi tấm da bị lột, những dòng máu đỏ phụt ra chứng tỏ Tố Nương đã trở thành 1 con người. Nhìn thấy vợ mình như vậy, Y Lang hối hận vì quá khiếp sợ mà đã xa lánh vợ, anh xin Pháp Sư tha tội cho vợ và hứa đưa vợ con đi thật xa làng. Tố Nương xin được cho con bú lần cuối. Hình ảnh người mẹ yêu thương con đã khiến cho Pháp Sư cảm động, đồng ý tha cho đi nhưng mọi thứ đã muộn.
Tố Nương đã chết trong thân phận 1 con người và để lại một sự ray rứt đến ám ảnh cho những người đang sống rằng họ đã sống và hành động đúng như một con người hay chưa…. Vở kịch gây xúc động mạnh mẽ và các ca khúc trong vở như Duyên tình, Đừng nói xa nhau, Đoạn cuối tình yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Duyên kiếp được các diễn viên hát thật (không thu trước) theo yêu cầu của đạo diễn Ngọc Duyên, càng làm cho vở kịch thêm xúc cảm.
Tiết mục Ngọc Duyên đã được các giám khảo đánh giá cao về nội dung nhân văn hướng thiện, kết hợp các ca khúc mượt mà, diễn viên thể hiện tâm lý diễn xuất cùng những pha hành động nguy hiểm trên sân khấu sáng tạo kết hợp cùng âm thanh và ánh sáng thu hút. NSƯT Kim Xuân khen: “Ngọc Duyên có tiết mục mở đầu quá ấn tượng. Là nữ đạo diễn luôn có những áp lực để tiết mục không bị chất “đàn bà”. Vở diễn ấn tượng, thông điệp rõ ràng, đôi khi cái tốt, cái thiện bị khuất lấp nhưng vẫn có những con người nhận ra. Phải làm sao để lan tỏa điều đó để cho xã hội đang mang nhiều màu xám này bớt dần đi”.
Giám khảo NSƯT Đức Thịnh: “Xem vở kịch tôi phấn chấn vì tình yêu của các bạn dành cho sân khấu quá lớn, vở diễn dàn được dàn dựng rất công phu. Tuy nhiên tiết mục sẽ hợp lý hơn nếu trong kịch bản Tố Nương đã quan sát cuộc sống tươi đẹp của loài người và khao khát được sống như vậy, tình yêu là cầu nối trở thành người nhưng trong cuộc sống con người, cô phải đối diện với lòng tham, định kiến và cô phải vượt qua”. Giám khảo Phương Dung khen ngợi: “Một điểm son dành cho nữ đạo diễn. Một câu truyện liêu trai được dàn dựng trên sân khấu có thể coi là broadway của Việt Nam, mong rằng sẽ có nhiều đêm diễn nữa để thưởng ngoạn”. Giám khảo NSƯT Công Ninh vui mừng: “Trong đêm chung kết, tôi khá căng thẳng để chấm chính xác nhất nhưng khi xem xong tiết mục của Ngọc Duyên tôi thấy nhẹ nhàng vì không phải đi tìm khuyết điểm của tiết mục như những tập đầu của Kịch cùng Bolero, với tiết mục này Ngọc Duyên đã nắm chắc tính ước lệ của sân khấu, đây chính là điều luôn hấp dẫn khán giả”.
Tiết mục của đạo diễn Vũ Trần mang tên “Giọt nước mắt cuối cùng”, tiếp tục nói về số phận người đàn bà nhưng được nâng cấp lên đỉnh cao của bi kịch. Tiết mục có sự góp mặt của các diễn viên NSƯT Hữu Quốc, Hồng Trang, “kiều nữ làng hài” Nam Thư, Anh Tú – Quán quân Cười xuyên Việt 2016, Mai Tài Phến, Duy Tường, bé Kim Thư… Vở kịch xoay quanh cuộc đời bé Hai (Nam Thư) cô gái nghèo ở quê được Khanh (Anh Tú) chàng thanh niên hào hoa và giàu có ở thành phố về hỏi cưới với đám cưới to nhất làng.
Ngay khi đưa vợ về thành phố, Khanh đã lật mặt Sở Khanh khi gài cho ông chủ Hòa (Tiết Duy Hòa) hãm hiếp bé Hai với một khoản tiền lớn. Đến lúc này, bé Hai mới đau khổ nhận ra người chồng mới cưới của cô chính là tay ma cô chuyên kinh doanh thân xác phụ nữ. Bán xong “đời con gái” của vợ, Khanh giao bé Hai cho Thắm (Hồng Trang) – một má mì của quán bar chuyên chứa gái mại dâm. Má mì ép bé Hai phải ngoan ngoãn nghe lời nếu như không muốn bị đánh. Bà ta dạy bé Hai từ một cô gái chân quê trở thành gái điếm hạng sang của vũ trường với tên gọi mới Phượng Sài Gòn.
Sau 2 năm trời không nghe tin tức của con, ông Năm (NSƯT Hữu Quốc) lặn lội khắp nơi tìm con gái, mới biết bé Hai đang làm trong quán bar. Ông vay mượn tiền, giả làm đại gia miệt vườn vào quán bar để gặp con gái mới biết đứa con ông nhất mực yêu thương đang phải làm nghề bán thân. Ông tìm cách dắt bé Hai bỏ trốn nhưng không thành. Hai cha con bị Thắm bắt lại và khi nhìn thấy ông Năm, Thắm như chết điếng bởi ông ta chính là chồng của bà. 20 năm trước, vì chán ghét cuộc sống nhà quê nghèo nàn, Thắm đã bỏ chồng con lên thành phố kiếm tiền và bị ép làm gái điếm, nhục nhã khi trở về quê Thắm đã giả bộ tự tử trên sông rồi bỏ đi biệt tích khiến ai cũng nghĩ Thắm đã chết. Đau đớn hơn, bà Thắm nhận ra bé Hai hay Phượng Sài Gòn – người mà bà hành hạ, ép buộc bán dâm bấy lâu nay chính là đứa con gái ruột của mình. Khi biết được sự thật, bé Hai đã rất sốc và oán hận mẹ. Cô tìm cách trả thù người mẹ ác độc của mình bằng cách đòi tiếp hết khách quán bar. Đau đớn trước bi kịch của gia đình, ông Năm ngã quỵ và qua đời. Bé Hai đưa cha về quê chôn cất. Trên dòng sông quê, bé Hai đã gặp lại bà Thắm nhưng cô không nhận mẹ. Bà Thắm đau khổ và khóc những giọt nước mắt cuối cùng, rồi tự tử ngay trên chính dòng sông ngày trước mà bà đã từng giả vờ chết để dẫn đến bi kịch cuộc đời của con gái bà 20 năm sau. Trong tiết mục, đạo diễn Vũ Trần đã sử dụng các ca khúc Duyên phận, Tơ duyên, Đêm đô thị, Sao đổi ngôi, Nhớ cố hương, Xin gọi nhau là cố nhân…
Nhận xét về tiết mục, giám khảo Kim Xuân khen Vũ Trần đã không chỉ đề cập đến vấn đề người phụ nữ như mọi khi mà đề cập thẳng vào nội dung xã hội. Giám khảo Công Ninh thì chưa thuyết phục với tác phẩm của Vũ Trần: “Phần khai từ tiết mục của Vũ Trần cảm giác như bị lặp lại so với những tiết mục trước của em, như có 1 công thức để dàn dựng. Đối với tôi, nghệ thuật phải không có công thức, nguyên tắc mới hấp dẫn. Phần xử lí cảnh trí bị rối, tôi hiểu ý đồ sử dụng những lá bài của em để ngụ ý cuộc đời như ván bài cuộc đời có may mắn, lừa lọc nhưng chưa hợp lý. Đoạn nhân vật Khanh đánh bé Hai, em xử lý đơn giản quá, đáng ra em phải cho chuyển động từ từ mỗi lần đánh là rớt 1 phục trang để từ cô gái nhà quê lột xác thành cô kỹ nữ chuyên nghiệp. Tôi thích đoạn dàn dựng cuối với hình ảnh chiếc ghe nhưng Vũ Trần còn mắc lỗi chính tả khi cho bé Hai đi ra ngồi lên thuyền không hợp lý”. Giám khảo Đức Thịnh có ý kiến trái chiều: “Vũ Trần chắc tay trong thủ pháp sân khấu, sử dụng các lá bài để tạo ra những cảnh rượt đuổi điều mà chỉ có ở điện ảnh. Tuy nhiên cảnh cuối cùng chỉ nên để người mẹ trên dòng sông là đủ vì đây chính là dòng sông nơi bà đã chọn ra đi 20 năm trước”. Giám khảo Phương Dung nhớ lại: “Thập niên 50 Phương Dung đã xem bộ phim “Ảo ảnh cuộc đời” không bao giờ quên và hôm nay khi xem vở kịch của Vũ Trần cô cũng có ấn tượng như vậy. Diễn viên Anh Tú đóng rất hay, Vũ Trần sử dụng những ca khúc vào vở kịch đúng nghĩa và đúng chất”.
Ngoài 2 tiết mục kịch, đạo diễn Ngọc Duyên và đạo diễn Vũ Trần đã cùng song ca ca khúc Tình Bolero của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt để gửi tặng khán giả.
Với giải Quán quân của chương trình, đạo diễn Ngọc Duyên nhận được phần thưởng 200 triệu đồng. Đạo diễn Vũ Trần đạt giải Á quân với phần thưởng 80 triệu đồng. Đạo diễn Xuân Trang nhận giải 3 trị giá 50 triệu đồng và đạo diễn Ngọc Tưởng nhận phần thưởng 30 triệu đồng. Ngoài phần thưởng này, các đạo diễn còn được nhận tiền thưởng trong các đêm mình chiến thắng với điểm số cao nhất.
Chương trình Kịch cùng Bolero do công ty Truyền thông Khang và Đài Truyền hình Vĩnh Long phối hợp thực hiện với sự tài trợ của trà thanh nhiệt Dr. Thanh. Chương trình đã đánh dấu sự hình thành, phát triển của một trường phái nghệ thuật sân khấu mới có thể gọi là trường phái Tân Kịch (Kết hợp thoại kịch và tân nhạc/bolero). Kịch cùng Bolero xuất hiện, góp phần thỏa mãn nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả nhiều độ tuổi, xóa mờ ranh giới đầy định kiến giữa học thuật và dân dã, giữa trí thức và bình dân. Kịch cùng Bolero cũng đã góp phần thúc đẩy nhu cầu thưởng thức kịch của khán giả. Điều không ai muốn thấy đó là một ngày không xa sân khấu kịch cũng vắng ánh đèn như sân khấu cải lương. Tất cả những nghệ sỹ và người tâm huyết đều mong muốn góp phần duy trì, phát triển sân khấu kịch và để làm điều đó phải sử dụng thêm nhiều công cụ truyền thông mới trong thời đại bùng nổ công nghệ Internet. Kịch cùng Bolero tự hào đã góp phần nhỏ của mình trong sứ mệnh chung này. Điều quan trọng nhất là với Kịch cùng Bolero, Đài TH Vĩnh Long và Truyền thông Khang đã mang Chính kịch đến rất gần những khán giả tỉnh, những người có lẽ cả đời chưa bao giờ được xem một vở kịch hay thậm chí không có nhu cầu xem kịch. Bởi loại hình nghệ thuật này được diễn ở thành thị, quá xa xôi với đời sống của họ, với túi tiền của những bà con lao động bình dân nơi thôn xóm.
Với hơn 30 tác phẩm kịch kết hợp cùng bolero của chương trình, khán giả ghiền bolero không chỉ đã tai mà còn mãn nhãn với phần nội dung thoại kịch lâm ly, sân khấu bối cảnh cầu kỳ mà các đạo diễn dàn dựng trên sân khấu. Ngược lại các đạo diễn cũng tha hồ bay nhảy trong phần cài cắm những cao trào nội dung, tâm lý nhân vật bằng những bài Bolero bất hủ. Với những chương trình được đầu tư nghiêm túc về chất lượng nghệ thuật mà Đài TH Vĩnh Long sản xuất, có thể coi Kịch cùng Bolero đã góp phần đóng góp nâng tầm thưởng ngoạn của khán giả truyền hình cũng như bà con bình dân. Kịch cùng Bolero đã bày biện nghệ thuật chính thống cho bà con bình dân xem và khiến họ yêu thích. Đó có thể coi là sự đóng góp của nhà sản xuất đến văn hóa người Việt đương đại. Khuyến khích con người sống chậm rãi, yêu thương nhau và yêu thương nghệ thuật. Điều này nghệ thuật chính thống chưa làm được với SỐ ĐÔNG khán giả bình dân. Nhưng Kịch Bolero đã mở đường cho cuộc chuyển mình về văn hóa này.
Ngay sau chương trình Kịch cùng Bolero 2017, chương trình Tình Bolero 2017 sẽ lên sóng cùng khung giờ vào lúc 21h tối thứ 2 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 21/8 trên THVL1.
Ngọc Minh