(SaoZone.net) – Đi chùa hái lộc đầu năm, ăn mâm cỗ với những món ăn chay thanh đạm chính là cách mà rất nhiều người Việt làm để cầu cho 1 năm may mắn, nhiều phước lộc đến với gia đình, người thân. 

Trong tập 5 của “Tết Nay Ăn Gì ?”, Lâm Vỹ Dạ đi chùa đầu năm để cầu chúc cho một năm mới nhiều may mắn. Chỉ mới vài phút đầu chương trình, khán giả có thể bắt gặp hình ảnh quen thuộc của dòng người Việt hành hương về cõi Phật khi mùa xuân sang ở khắp các ngôi chùa lớn nhỏ trên cả nước như chùa Hương, Yên Tử… Tại Hà Nội, mọi người có thể đến chùa Quán Sứ hoặc chùa Trấn Quốc – ngôi chùa cổ nhất Việt Nam để cầu lộc tài, bình an cho gia đình. Ngoài ra không thể không nhắc đến địa danh Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi rất đông du khách thường xuyên ghé thăm với ước mong cháu con học hành giỏi giang, tài hiền giúp ích cho đời…Dẫu những lời thỉnh cầu, ước nguyện ấy có đến được với những vị thần linh hay không thì mọi người cũng tin rằng chỉ cần đi lễ đầu năm, thành tâm khấn cho gia đình, con cháu được sum vầy, vui vẻ, bình an, đất nước được an vui, thái bình, người người no ấm thì chính bản thân mỗi người cũng sẽ nhận được những phước lành trong cuộc sống. Đó cũng chính là nét văn hóa và nhân văn của dân tộc Việt Nam suốt bao năm qua.

Lâm Vỹ Dạ diện kiến “cao nhân ẩm thực chay" Cát Phượng

Sau những chia sẻ về truyền thống văn hoá của người Việt về chuyện đi chùa hái lộc đầu năm. Diễn viên Lâm Vỹ Dạ còn được diện kiến cao nhân trong nghệ thuật chế biến các món ẩm thực chay để bỏ túi cho mình vài bí kíp làm ra mâm cơm chay giàu dinh dưỡng và mang nhiều ý nghĩa đặc sắc. Đó chính là nghệ sĩ Cát Phượng. Trong tập này, Cát Phượng cùng Lâm Vỹ Dạ sẽ hướng dẫn khán giả chế biến 3 món chay gồm: Gỏi ngó sen chay, Mì xá xíu chay và Chả giò trái cây cực kỳ thơm ngon và tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Cát Phượng còn chia sẻ thêm về phong tục hái lộc đầu năm của xã hội hiện nay đang bị biến tướng. 

Phần lớn người đi hái lộc đều cố sức trèo lên cây bẻ cả cành to, chọn lộc đẹp, thậm chí mang cả công cụ trợ giúp để “chặt lộc”, “cưa lộc”. Cứ nghĩ càng hái được cành to, cành đẹp thì càng có lộc nhiều, nhưng hoàn toàn không phải. Cây cối đang vào độ xanh tươi, đâm chồi nảy lộc mà bị vặt trụi, phá hỏng đến độ tàn tạ, xơ xác thì đó là tội, là sự tùy tiện chứ không phải điều tốt. Phong tục này phải gắn với một ý thức rất cao.

Hái lộc có rất nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây làm biến tướng vẻ đẹp vốn có của tục lệ này. Sau khi đi giao thừa, mọi người có thể mua vài cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nhỏ mang về để trên bàn làm việc,…Hiện nay các nơi thờ tự tôn nghiêm như chùa, đền thường không cho phép cho người dân tự ý hái cây, bẻ cành mà chủ yếu phát cành lộc vàng có sẵn hoặc treo những bao lì xì chứa những lời chúc năm mới trên cây lớn để mọi người hái những bao lì xì đó. Việc làm này đã hạn chế rất nhiều việc vặt chồi non, cây cảnh trong chùa làm mất đi vẻ mỹ quan vốn có. 

Khi món ăn được dọn lên đĩa, Cát Phượng còn chia sẻ thêm về ý nghĩa của “Mai – Lan – Cúc – Trúc” được trang trí nơi chế biến món ăn. Không mang khí chất tứ quân tử như Tùng – Cúc – Trúc – Mai. Bộ tứ bình Mai – Lan – Cúc – Trúc mang đậm hương vị của bốn mùa. Theo quan niệm của người phương Đông xưa, bộ tứ quý Mai – Cúc  – Trúc – Lan là biểu hiện của sự đầy đủ, vững chắc, vĩnh cửu, hạnh phúc… như tứ phương, tứ trụ, tứ đức… Một bức tranh tứ bình treo trong nhà mang ý nghĩa cầu may mắn, bốn mùa mưa thuận gió hòa, bốn mùa cây cối tốt tươi.

Như vậy, sau những ngày chuẩn bị Tết ăn no nê những món đầy dầu mỡ, gây nặng bụng như thjt mỡ, dưa hành, củ kiệu tôm khô, các món mặn trong những mâm cỗ cúng thì ngày mùng 1 Tết, ăn một mâm cơm chay thanh đạm, đầy đủ dinh dưỡng cùng 3 món ăn mà “Tết Nay Ăn Gì” hướng dẫn sẽ giúp cho cơ thể lẫn tinh thần của mỗi người như được làm tươi mới lại.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here