Chia sẻ với tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, chị B cho biết, chị và anh A cưới nhau được 3 năm. Cách đây 2 năm, hai vợ chồng chị B sống chung với cha mẹ chồng và em gái của chồng. Anh A là anh cả và là bộ đội nên thường xuyên vắng nhà. Một – hai tuần anh A mới về nhà một lần. Trước khi kết hôn, chị B nhiều lần đến nhà anh A để thăm hỏi, ăn cơm, nhưng chị gặp mặt em gái chồng không nhiều, đặc biệt, chồng chị cũng ít kể về em chồng, chỉ biết là cô em gần 30 tuổi, đang trong quá trình tìm bạn đời.

Gần một năm ở chung, chị B biết phận làm dâu, chị lễ phép, cơm bưng nước rót, yêu thương và tôn trọng gia đình chồng, việc nào làm được chị cũng cố gắng không để mẹ chồng phiền lòng. Chị B chia sẻ: “Từ đó, gia đình chồng, và đặc biệt là em chồng bắt đầu có suy nghĩ ỷ lại, đùn đẩy cho tôi từ việc nhà, cơm nước, giặt giũ, thậm chí cô ta còn bảo tôi giặt quần áo bằng tay!”.

Vừa đi làm kiếm tiền, vừa phải phục vụ bốn người nhà chồng, chị B cảm thấy ấm ức bèn tâm sự với chồng: “Em làm việc từ sáng đến tối, khi về nhà, gia đình anh vẫn mặt nặng mày nhẹ, em không có thời gian để nghỉ ngơi và em cảm thấy không được tôn trọng”. Tưởng chừng được chồng thông cảm, thấu hiểu, nhưng không, chị B sốc nặng khi chồng cho rằng chị ích kỷ và tát cho chị một cái. Tức giận vì hành động của chồng, chị B tát lại chồng. Không may lúc đó mẹ chồng thấy được và gào lên: “Tại sao mày đánh con tao?” và mắng chửi chị B thậm tệ, còn anh A chỉ im lặng, không nói lời nào.

Một hôm đi làm về, chị B thấy phòng riêng hai vợ chồng mở cửa và sáng đèn. Thì ra, cô em chồng dắt bạn trai về phòng chị, phá cửa và ngang nhiên làm chuyện tình cảm trên chính chiếc giường của chị B. Đồ đạc trong phòng đều bị lục tung, xáo trộn. Quá tức giận, chị B gọi ngay cho chồng và nhận được phản hồi đầy vô tâm: “Nằm xíu có sao đâu, đâu có ảnh hưởng gì, vẫn là phòng của vợ chồng”.

Chị B yêu cầu cặp tình nhân ra khỏi phòng chị nhưng họ không ra. Chị B lao vào kéo họ ra. Ba mẹ chồng nghe tiếng xô xát thì chạy lên phòng. Mẹ chồng quy chụp chị B là đánh con gái mình nên bà vừa đánh con dâu vừa mắng: “Nhà này là nhà của tao, con tao thích ở đâu là quyền của nó, mày là người ngoài, mày là con dâu cấm được ý kiến”. Chị B hoang mang trước sự đối xử của nhà chồng. Chị thuật lại cho chồng nghe, nhưng anh ta không tin là mẹ chồng đánh chị, và tất cả là lỗi của chị.

Một lần khác, chị B bị mất chiếc lắc tay bằng vàng. Đây là món quà kỉ niệm mẹ chị tặng khi con gái đi lấy chồng. Khi chị B nói với mẹ chồng rằng chị bị mất đồ, thì mẹ chồng lên tiếng trách móc: “Ý mày nói người trong gia đình này lấy cắp?”. Còn em chồng xen vào: “Chị giấu diếm đem về cho ba mẹ ruột, cho anh trai, chị lấy đồ của cái nhà này chị đem cho, rồi chị về đây la làng mất của!”. Vừa bị mất của, vừa bị mắng chửi, nên chị B ngán ngẩm không muốn nói tới nữa.

Chị B mất niềm tin vào gia đình chồng. Chị bí mật lắp camera ẩn trong phòng.Trong một lần chị B đang thay đồ trong phòng của mình, thì bạn trai của em chồng xông vào sàm sỡ chị. Chị la lên, mẹ chồng và em chồng chạy lên. Họ vu khống chị quyến rũ đàn ông. Mẹ chồng vừa đánh vừa mắng chửi chị: “Chồng mày đi làm xa mà mày dám đem đàn ông vào phòng. Mày thiếu thốn tình cảm nên làm hành động bỉ ổi”. Lúc đó ba chồng vừa đi công việc về và vào ngăn cản, bảo vệ cho con dâu. Ngay lúc đó, chị B rất uất ức, tức giận, tủi thân, cảm thấy mình bị nhục mạ. Chị gọi ngay cho chồng bằng giọng kiên định: “Ngày mai anh về gấp, nếu không thì ly dị hoặc em sẽ cho gia đình anh sáng nhất khu phố này”.

Sáng sớm hôm đó, anh A về nhà nhưng không cần biết có chuyện gì xảy ra trong gia đình, vẫn đay nghiến và chỉ trích chị. Chị B bèn đưa video cho anh ta xem. Khi ấy, anh ta sững người khi biết sự thật. Chị B nói: “Em sẽ đem đoạn video này trình báo công an việc em bị gia đình anh tấn công, bạn trai của em gái anh sàm sỡ”. Anh A sau khi xem được video thì xuống nước và đồng ý dọn ra ngoài sống riêng cùng chị B. Theo lời kể của chị B, sau khi hai vợ chồng sống riêng, thì anh A đã cư xử với chị tốt hơn trước.

Nghe câu chuyện của chị B, tiến sĩ Tô Nhi A phân tích: “Em có biết tại sao chồng em lại chọn ra ở riêng không? Em nghĩ chồng em thấy day dứt và thấy có lỗi với em? Em thật sự nghĩ là chồng em thương em?. Chị rất tiếc, chị không tin chồng em thương em thật lòng, bởi vì trong các lựa chọn, phương án “Dọn ra ngoài sống riêng” là an toàn nhất thời điểm hiện tại. Và khi ra riêng thì chồng em chỉ về nhà vài lần một tháng, đôi khi không về em cũng không biết lý do chính đáng. Tại sao chồng em lại không ly hôn em, đơn giản vì chồng em là quân nhân, em cưới chồng là bộ đội sao em không nghĩ đến việc đó?”.

Sau khi nghe tiến sĩ Tô Nhi A phân tích, chị B vẫn một mực khẳng định chồng chị đang thay đổi rất tốt, biết quan tâm chị nhiều hơn trước kia. Tiến sĩ Tô Nhi A hỏi tiếp về kinh tế gia đình, thì chị B trả lời rằng, chị làm lương cao hơn chồng, và anh ta vẫn đưa hết tiền lương cho vợ, chỉ giữ lại một ít chi tiêu.

Sau khi có thêm dữ liệu, tiến sĩ Tô Nhi A đưa ra lời khuyên tiếp theo: “Tôi biết nói cái này là nghiệp, nhưng tôi khuyên em, bây giờ em chưa có con, mọi thứ vẫn còn kịp, em nên nghĩ tới vấn đề ly hôn. Em nói chồng em ít đi chơi với bạn bè hơn trước, vì chồng em đi đủ rồi, đi trước khi về nhà với em, sao em biết được? Em nên tỉnh táo lên, hôn nhân và tình yêu là cả quá trình, không phải nhất thời, một hai ngày tình yêu bền chặt ngay lập tức được, mà tình yêu là phải hai người bồi đắp từng chút mới bền chặt, lâu dài. Với những gì em phải chịu đựng trước đó, chị khẳng định em không quan trọng trong cuộc đời của chồng em. Chuyện này quá rõ ràng! Em đừng quên một chuyện là chồng em chứng kiến cảnh mẹ em đánh em như thế nào?. Em gái của chồng đối xử với em ra sao?. Chồng em lớn lên trong gia đình mấy chục năm, chẳng lẽ không hiểu được tâm tính từng người?. Chị không tin là em nhận được sự an tâm của trong hôn nhân này. Mọi quyết định là ở em, chị chỉ mong em quyết định mọi chuyện trong tâm lý khỏe mạnh, không bị tác động bên ngoài”.

Tiến sĩ Tô Nhi A cũng nhắn nhủ khán giả theo dõi chương trình, rằng khán giả hãy rút kinh nghiệm cho bản thân mình, hãy biết nói lên ý kiến, quan niệm của mình trong trạng thái tinh thần hoàn toàn khỏe mạnh. Hãy nhìn nhận bao quát vấn đề để chúng ta có được cuộc hôn nhân hạnh phúc và bình an.

Người Thứ 3 được phát sóng định kỳ vào lúc 20h Thứ Ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here