Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Thủ đoạn giả danh shipper gọi điện chuyển tiền, Thủ đoạn lừa đảo thay lõi lọc nước.

Thời gian gần đây, nhiều người dân bị không ít đối tượng giả danh shipper gọi điện thông báo giao hàng theo đơn đã đặt, yêu cầu chuyển tiền thanh toán để chiếm đoạt tiền. Tuy không nhiều, nhưng ngay sau đó là chiêu trò tâm lý khiến nạn nhân sập bẫy. Đối tượng lừa đảo nắm được nhiều thông tin, các nạn nhân vừa nghe qua đã dễ dàng tin tưởng và chuyển tiền. Các đối tượng này sử dụng công nghệ cao, tẩu tán tiền rất nhanh, sử dụng thông tin nhân thân giả nên cơ quan chức năng khó truy vết.

Thông thường, các đối tượng lừa đảo giả danh shipper hay chọn giờ hành chính, khi khách hàng không có mặt tại nhà để gọi điện thông báo giao hàng và yêu cầu chuyển tiền. Trong nhiều trường hợp, sau khi nạn nhân chuyển tiền, shipper giả mạo lập tức nhập tin nhắn xin lỗi vì đã gửi nhầm tài khoản đăng ký hội viên shipper. Để hủy đăng ký, khách hàng cần bấm vào đường link và thực hiện thao tác theo hướng dẫn. Tuy nhiên đây là đường link giả mạo và nạn nhân có nguy cơ bị nhiễm mã độc, bị mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử, sau đó toàn bộ tiền trong tài khoản có thể bị mất.

Anh H.T.T – huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết: “Tôi đưa hết thông tin địa chỉ nhà và số điện thoại cho họ, hỏi đơn hàng đó bao nhiêu tiền và tôi chuyển. Tôi không ngờ họ dùng thông tin của tôi để lừa đảo”.

Nguyên nhân sập bẫy, một phần có yếu tố thông cảm cho công việc vất vả của các Shipper, nên khi nhận yêu cầu trả tiền thì thực hiện chi trả chuyển khoản nhanh chóng. Mặt khác các đối tượng cũng cố tình lừa số tiền không lớn, nên nhiều người không băn khoăn. Chiêu trò tâm lý tinh vi này của các đối tượng xấu đã khiến hàng loạt nạn nhân sập bẫy khi mua hàng online.

TS Đào Lê Hòa An (Hội Tâm Lý học Việt Nam) chia sẻ: “Chính vì sự tiện dụng và nhanh chóng, cũng khiến cho chúng ta có thói quen vội vàng để thanh toán kinh phí cho những mặt hàng đã mua. Rõ ràng với những chiêu thức lừa đảo hiện nay, các đối tượng lừa đảo shipper đã đọc đúng địa chỉ, họ tên, số điện thoại, những thông tin đó dễ dàng khiến ta bị sập bẫy. Những đối tượng này cũng rất tinh vi khi thường xuyên lựa chọn khung giờ hành chính , lúc đang bận rộn với công việc, thì yêu cầu chuyển khoản”.

Theo Luật sư Lê Trung Phát (Hãng luật Lê Trung Phát): “Sau khi giả danh xong, các đối tượng sẽ tắt điện thoại, thực hiện rút tiền ra khỏi tài khoản. Nếu chỉ dựa vào số điện thoại thì rất khó để xác định được các đối tượng này ở đâu. Trong quá trình đối tượng mở tài khoản ngân hàng, thường mượn các giấy tờ tùy thân giả, hoặc những tài khoản đứng tên những người khác. Vì vậy, việc truy tìm lại số tiền hoặc các đối tượng rất khó, có thể số tiền này đã chuyển ra nước ngoài. Vậy nên, những nạn nhân chẳng may bị lừa đảo, dù là số tiền nhỏ, chúng ta cũng nên trình báo sự việc với cơ quan chức năng”.

Đáng chú ý, nhóm người mua hàng ở các khu chung cư thường có thói quen yêu cầu shipper để hàng ở khu vực giao nhận chung, nhờ người quen nhận giùm, đến khi về mở hàng hóa mới tá hỏa phát hiện món hàng là giả. Đối tượng yêu cầu chuyển tiền đã chặn liên lạc, khi liên hệ với người bán mới biết đơn hàng của mình còn chưa được giao. Chính việc rò rỉ thông tin khi đặt hàng đã khiến nhiều người sập bẫy, vì vậy việc cẩn thận với những ai có thói quen mua hàng online là không bao giờ thừa.

Chị Đào Thị Xuyến – Quận 8, TP.HCM chia sẻ: “Nếu chưa kiểm hàng, kiểm chứng thì không thể nào đưa tiền, điều này rất dễ bị lừa đảo”. Chị Vũ Thị Quỳnh Nga – Quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi sẽ gọi và check đơn hàng, rồi mới chuyển khoản”.

TS Đào Lê Hòa An đưa ra lời khuyên: “Bản thân chúng ta phải có ý thức trong việc bảo mật thông tin cá nhân của mình. Cần thiết lập tính bảo mật hai lớp hoặc tham gia thiết lập những tính năng bảo mật an toàn khi giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Chúng ta phải hết sức chú ý khi chuyển khoản cho người lạ hoặc người không xác định danh tính”.

Khi mua sắm online ngày càng quen thuộc, việc giao nhận hàng và chuyển tiền cho shipper cũng trở nên thường xuyên, khách hàng có thể bị kẻ gian lợi dụng. Vì vậy, người dân cần lưu ý mua bán ở các sàn thương mại điện tử và người bán uy tín. Bảo mật thông tin cá nhân khi đặt hàng online, theo dõi thông tin giao hàng trên ứng dụng chính thức, không thanh toán đơn hàng khi không có thông tin rõ ràng, không nhấn vào các đường link lạ do người khác cung cấp.

 

Mối đe dọa từ thủ đoạn lừa đảo thay lõi lọc nước

Hiện nay, tình trạng lừa đảo thay lõi lọc nước ngày càng gia tăng, nhiều gia đình do thiếu thông tin và sự hiểu biết về các sản phẩm lọc nước, dễ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Hậu quả, không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn đe dọa đến sức khỏe khi phải sử dụng nước không an toàn.

Thông thường, những kẻ lừa đảo thay lõi lọc nước giả danh nhân viên của hãng sản xuất gọi điện thông báo máy lọc nước của gia đình đã đến hạn bảo hành, đề nghị kiểm tra và thay lõi lọc nước với mức mức giá gấp 3 đến 4 lần. Đáng chú ý, các lõi lọc này thường là hàng giả, hàng nhái, có giá trị chỉ vài chục ngàn đồng.

Anh P.T.K – TP.HCM cho biết: “Tôi nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên của hãng máy lọc nước, thông báo máy tôi đến hạn bảo trì và cần thay đổi lõi lọc ngay. Họ đến nhà thay bộ lọc thô với giá 600.000 đồng và dán tem niêm phong để bảo hành. Sau đó họ mời tôi mua gói dịch vụ 2 năm với giá 2 triệu đồng, hứa sẽ đến thay đổi lõi định kỳ. Tôi thấy tiết kiệm nên đồng ý, nhưng sau khi thanh toán họ biến mất, đến khi bảo dưỡng tôi gọi số trên hóa đơn nhưng không thể liên lạc được”.

Chị T.K.N – TP.HCM chia sẻ: “Tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi chào mời thay lõi lọc nước, nhưng bây giờ lừa đảo rất nhiều nên mỗi lần có những cuộc gọi như vậy tôi đều xác minh với chỗ mua hàng , người ta nói không cử nhân viên nào xuống thay lỗi lọc nước”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo, do thiếu thông tin và kiến thức của người tiêu dùng về các sản phẩm lõi lọc nước. Có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thị trường và những mánh khóe quảng cáo hấp dẫn từ các nhân viên bán hàng, đã khiến nhiều người tiêu dùng bị cuốn vào các giao dịch không minh bạch.

TS Trần Thị Kim Anh – Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Trong cột lọc có nhiều sản phẩm khác nhau như cột lọc tinh, cột lọc than hoạt tính, cột trao đổi ion,… để xử lý vi sinh vật. Khi sử dụng những sản phẩm này, có thể thay thế lọc tinh của một hãng khác, vẫn đúng thông số để lắp đặt vào hệ thống. Nếu quảng cáo sai sự thật, không có bất cứ catalog của nhà sản xuất hoặc không có giấy chứng nhận nào để minh chứng. Chúng ta có thể đặt ra nghi vấn, liệu lõi lọc có đúng hay không”.

Hậu quả của việc lừa đảo thay lõi lọc nước không chỉ đơn thuần tổn thất về tài chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, bởi việc sử dụng lõi lọc nước không đạt tiêu chuẩn có thể dẫn đến tình trạng nước uống không an toàn. Nước bị ô nhiễm có thể chứa vi khuẩn, virus, hóa chất độc hại hoặc các tạp chất khác gây hại cho sức khỏe.

Theo TS, BS Lê Văn Nhân (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM): “Nếu nước không đảm bảo về mặt vi sinh, sẽ gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Chúng ta có thể bị những bệnh lý về tiêu hóa như tiêu chảy, nhiễm trùng dạ dày, đường ruột. Nếu nước nhiễm những yếu tố lý học sẽ gây mùi vị bất thường như chua, mặn, hay có mùi rất nồng. Lúc này sẽ gây cho người sử dụng cảm giác rất khó chịu, ảnh hưởng quá trình tiêu hóa và cảm thấy nặng bụng, khó tiêu, buồn nôn, dẫn đến quá trình viêm nhiễm ở đường ruột”.

Vì vậy để bảo vệ bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần được trang bị những kiến thức cơ bản về sản phẩm, đồng thời hiểu rõ những chiêu lừa đảo phổ biến. Việc lựa chọn những địa chỉ uy tín và kiểm tra nguồn gốc sản phẩm cũng là điều quan trọng để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.

TS Trần Thị Kim Anh khuyên người tiêu dùng: “Nên mua sản phẩm ở những nơi uy tín và chất lượng. Nhờ đại lý cấp giấy tiêu chuẩn để xác nhận. Trước khi sử dụng có thể gọi hỗ trợ test nước đầu ra để xem nguồn nước sau quá trình lọc có đảm bảo quy chuẩn dùng cho nước ăn uống hay không”.

Để khắc phục và ngăn chặn tình trạng lừa đảo thay lõi lọc nước, cần có những giải pháp đồng bộ từ cả phía người tiêu dùng và các cơ quan chức năng. Người tiêu dùng cần nâng cao kiến thức về sản phẩm, tìm hiểu kỹ và xác minh nguồn gốc của loại lọc nước khi thay thế.

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội..

Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here