Trong tập 45 của chương trình Kính Đa Chiều, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang vừa có những giải đáp xoay quanh các thắc mắc liên quan đến nguồn gốc tên gọi chiếc áo bà ba.

Mở đầu chương trình, diễn giả Hồ Nhựt Quang hài hước đề cập đến vấn đề tên gọi áo bà ba mà không phải là áo bà hai, bà tư,… như cách gọi nhau giản dị của người dân miền Tây sông nước. Ngoài ra, không chỉ có áo bà ba mà còn có món chè với tên gọi chè bà ba.

Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, có người cho rằng thuở xưa, nhà bác học Trương Vĩnh Ký chịu ảnh hưởng từ văn hóa Nam đảo khi đến vùng Penang (Malaysia) để học tập. Nhà bác học Trương Vĩnh Ký đã mặc trang phục của người dân BaBas (Người Malaysia gốc Hoa). Tuy nhiên, một số thuyết lại cho rằng không có người Mã Lai gốc Hoa nào tên BaBas. Thực tế, chỉ có người Peranakan gốc Hoa định cư tại Đông Nam Á, chủ yếu sống ở Malaysia và Indonesia. Họ đã thiết kế và mặc trang phục đó.

Vào thế kỷ 16 – 17, người dân Nam Đảo qua Việt Nam để giao lưu buôn bán, mua trầu cau, đổi hương liệu,… và có từ xưng hô “Baba-Nyonya” trong đó “Baba” nghĩa là quý ông còn “Nyonya” là quý bà. Với cách chào hỏi xưng hô được lặp đi lặp lại nhiều lần, người dân dần quen gọi “Babas”. Về sau, tiếng Việt phiên âm thành “bà ba” và dùng để gọi tên cho chiếc áo có kiểu dáng của người dân Nam đảo.

“Đây là thuyết được nhiều người công nhận và giáo sư tiến sĩ Ngô Đức Thịnh đã viết trong tác phẩm Trang phục truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ. Giáo sư cũng chia sẻ thêm một số yếu tố để cấu thành ra áo bà ba như chúng ta thấy vài chục năm gần đây”, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cho biết.

Clip Diễn giả Hồ Nhựt Quang giải thích nguồn gốc tên gọi áo bà ba: https://youtu.be/VoY2BJdyavs

Cụ thể, vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát thế kỷ 18, đã chia ra cách ăn mặc đàng trong và đàng ngoài. Đầu tiên chúng ta mặc áo dài ngũ thân, về sau mặc quần, còn đàng ngoài mặc váy. “Chiếc áo mặc bên ngoài là dạng áo ngắn, cổ thấp. Với người làm lao động thì họ có túi hổ phệ, tức là chiếc túi đeo đằng trước và có dây buộc lại hay còn gọi là dây ruột ngựa, cho nên có từ “thắt lưng buộc bụng” là vậy. Trong túi đó người ta có thể đựng trầu, cau, thuốc xỉa, thuốc rê hoặc vài đồng bạc cắc. Đối với những người có tiền khấm khá thì họ có tay nải đeo ở vai”, diễn giả Hồ Nhựt Quang giải thích thêm.

Trước thắc mắc của đạo diễn Lê Hoàng về cụm từ “thắt lưng buộc bụng” chỉ túi hổ phệ nhưng nhiều người lại thường dùng trong hoàn cảnh đói kém, diễn giả Hồ Nhựt Quang trình bày: “Thật ra, từ “thắt lưng buộc bụng” đó chính là thời kỳ tiền xu có lỗ. Khi đó, người ta dùng sợi dây kim loại hoặc dây luộc hay còn gọi là dây ruột ngựa để xuyên qua, buộc ở thắt lưng, xài bao nhiêu thì rút ra. Khi tháo ra thì đồng xu chạm vào bụng nên có câu “đồng tiền đi liền khúc ruột”.

Trở lại nguồn gốc áo bà ba, diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ: “Đối với cộng đồng người Hoa sống ở vùng Nam bộ, họ có loại áo xá xẩu, cổ thấp. Khi chúng ta ảnh hưởng văn hóa của phương Tây với kiểu dáng xẻ phía trước, có nút nhựa. Sau khi tổng hợp tất cả điều này, chúng ta đã làm ra được chiếc áo bà ba. Đó gần như một chiếc áo dài được cắt ngắn. Túi hổ phệ hay túi tay nải được cấu thành hai túi phía trước. Như vậy, áo bà ba được định hình gần như hoàn chỉnh cho đến ngày nay”.

Khoảng 30 – 40 năm về trước, chiếc áo bà ba cổ tròn được chia thành bốn mảnh với hai mảnh ráp phía sau, hai mảnh ráp phía trước và thắt nút. Nhưng về sau chỉ còn một mảnh phía sau lưng.

Trong sách Quốc phục truyền thống của Nguyễn Đặng Côn, vào năm 1960 hầu hết áo bà ba có 6 nút tượng trưng cho 6 giá trị đạo đức bao gồm: thân hoà nghĩa là con người phải biết quý trọng thương nhau như chính bản thân của mình; khẩu hoà tức là biết lựa lời mà nói; ý hoà có nghĩa hợp ý nhau mà làm; kiến hoà là có kiến thức chia sẻ nhau cùng biết; lợi hoà là có gì mà làm ăn được thì chia sẻ nhau cùng sống; giới hoà có nghĩa những gì ảnh hưởng đến người khác thì phải hạn chế. Đó chính là giá trị ý nghĩa của lục hòa.

Tác phẩm trong Tự gia giáo nói về áo bà ba như sau:

“Ân nhà nợ nước gánh hai vai,

Áo vải đơn sơ mà đẹp thay,

Sáu nút giữ gìn bao mối đạo

Gái trai già trẻ chẳng phân ai

Hai vạt kết gìn câu tương kính

Thuỷ chung chồng vợ chẳng đổi thay

Hai túi nhắc công ơn phụ mẫu

Cổ tròn đạo nghĩa chớ đơm sai”

Thông qua cách kể chuyện thú vị, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang giải thích chi tiết về nguồn gốc tên gọi của chiếc áo bà ba. Không chỉ đơn thuần là một trang phục truyền thống của Nam Bộ, áo bà ba còn mang nhiều ý nghĩa đạo lý với bề dày lịch sử.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Sân khấu cho thế hệ trẻ với sự tham gia của host Lê Hoàng và Giám đốc Công ty Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương (Idecaf) – Huỳnh Anh Tuấn sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 20/3 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.