Trong tập 94 chương trình Kính Đa Chiều, vận động viên Cao Ngọc Hùng có những chia sẻ chi tiết về thể thao dành cho người khuyết tật. Các môn thể thao này không chỉ giúp các vận động viên mang trên mình khiếm khuyết rèn luyện sức khỏe mà còn truyền cảm hứng đến những số phận có hoàn cảnh tương tự.
Vận động viên khuyết tật Cao Ngọc Hùng là một trong những gương mặt vàng của làng thể thao Việt Nam với loạt thành tích ấn tượng tại các đấu trường quốc tế lẫn quốc gia. Anh là vận động viên đầu tiên mang huy chương về cho Việt Nam tại Thế vận hội Paralympic Rio 2016 (Thế vận hội thể thao dành cho người khuyết tật). Nam vận động cũng khẳng định tài năng của mình với loạt huy chương vàng ở nhiều giải đấu khác nhau, bao gồm các giải tại ASEAN Paragames.
Dẫu bị teo cơ một bên chân vì sốt bại liệt từ năm 3 tuổi nhưng vận động viên Cao Ngọc Hùng vẫn không ngừng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, phấn đấu vươn lên khó khăn và trở thành nhân vật truyền cảm hứng, nghị lực sống cho nhiều người. Hiện nay, Cao Ngọc Hùng không chỉ là vận động viên mà còn là huấn luyện viên cho những tài năng “kém may mắn” như anh.
Chia sẻ trong chương trình Kính Đa Chiều, Cao Ngọc Hùng tiết lộ anh là vận động viên điền kinh với nội dung chính là ném lao. Phân tích sự khác nhau giữa thể thao dành cho người khuyết tật so với người bình thường, Cao Ngọc Hùng cho biết số lượng vận động viên khuyết tật rất ít và tùy thuộc vào hạng thương tật mà vận động viên chọn bộ môn thể thao để tham gia thi đấu.
Đạo diễn Lê Hoàng thắc mắc người khuyết tật hầu như góp mặt trong mọi lĩnh vực cuộc sống như công việc, nghệ thuật,… nhưng vì sao mọi người chỉ nhắc đến các thành tích thể thao? Vận động viên Cao Ngọc Hùng giải thích rằng sau Thế vận hội Paralympic 2016, thể thao dành cho người khuyết tật nổi trội và được nhiều người quan tâm chú ý hơn. Điều này không chỉ vì thành tích thể thao dành cho người khuyết tật được quốc tế công nhận mà còn vì thể thao là một phương tiện truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Theo nam vận động viên, trước đó nhà nước cũng dành sự quan tâm đến những mảnh đời kém may mắn khi tạo công ăn việc làm và giúp đỡ những người khuyết tật học nghề, làm chủ cuộc đời. Lý do thể thao dành cho người khuyết tật được quan tâm vì đây là bộ môn truyền động lực mạnh mẽ cho những người có hoàn cảnh tương tự.
Cao Ngọc Hùng nhận định: “Không phải vì khiếm khuyết mà bản thân có thể co ro hay khép mình vào một góc nhỏ nào đó. Nhờ thể thao mà mọi người có thể vực dậy, rèn luyện sức khỏe cũng như tiếp cận, giao lưu với mọi người. Tôi nghĩ đó chính là đặc thù cho thể thao dành cho người khuyết tật”.
Đạo diễn Lê Hoàng nhận định, đôi khi anh không thể hình dung được sự phi thường của những người mang trên mình khiếm khuyết. Nam đạo diễn lấy ví dụ về câu chuyện khiếm khuyết của người em họ. Em họ của đạo diễn Lê Hoàng là người gặp vấn đề về thị lực. Để có thể quan sát mọi thứ xung quanh, anh ấy phải mang kính với độ dày “kinh hoàng” và mỗi khi xem tivi thì ngồi với khoảng cách cực gần.
Dẫu gặp tình trạng không tốt về thị lực nhưng em họ của đạo diễn Lê Hoàng vẫn thường xuyên xuất ngoại một mình để tham gia những hội nghị ngoài nước. Với khả năng thị lực kém như vậy, Lê Hoàng thắc mắc em họ của mình xoay sở ra sao để đọc biển chỉ dẫn hay vé máy bay nhưng nam đạo diễn lại không dám đề cập với em họ. Do đó, đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ sự nể phục đến người em họ khiếm khuyết cũng như những hoàn cảnh không may tương tự.
Cao Ngọc Hùng bày tỏ sự đồng cảm với đạo diễn Lê Hoàng và chia sẻ câu chuyện của một vận động viên khiếm thị tên Hiệp cũng có nghị lực phi thường như thế. Theo lời kể của nam khách mời Kính Đa Chiều, Hiệp là vận động viên khiếm thị đạt đến trình độ quốc tế. Dẫu bị khiếm thị hoàn toàn nhưng Hiệp vẫn tham gia bộ môn chạy 100m và nhảy xa, trong đó có nhảy xa tam cấp (nhảy xa 3 bước).
“Người mắt sáng bịt mắt lại đã khó, người khiếm thị như Hiệp vừa chạy 100m vừa nhảy xa nữa, có những khoảnh khắc rất phi thường”, vận động viên Cao Ngọc Hùng chia sẻ. Theo khách mời Kính Đa Chiều, không chỉ vận động viên Hiệp mà những thế hệ sau này cũng rất tài năng.
Clip Đạo diễn Lê Hoàng nể phục trước vận động viên khiếm thị hoàn toàn tham gia chạy 100m và nhảy xa: https://youtu.be/1rgewTDqfE0
Thông qua chương trình, vận động viên Cao Ngọc Hùng bày tỏ mong muốn nhà nước quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào thể thao dành cho người khuyết tật. Anh nhấn mạnh rằng việc đào tạo chuyên sâu và có định hướng rõ ràng là cần thiết để phát triển những tài năng mới cũng như duy trì thành tích cao trong các đấu trường quốc tế.
Đồng thời, Cao Ngọc Hùng hy vọng nhà nước sẽ chuyển giao từ phong trào thể thao cho người khuyết tật sang hướng đào tạo chuyên nghiệp để các vận động viên có thể phát triển hơn nữa, nâng cao thành tích.
Đạo diễn Lê Hoàng đồng tình và giải thích thêm vì phong trào thể thao có thể tham gia cho vui, còn đào tạo thể thao chuyên sâu thì rèn luyện trở thành vận động viên trở chuyên nghiệp.
Cuối chương trình, vận động viên Cao Ngọc Hùng gửi lời cảm ơn vì có cơ hội chia sẻ về tâm tư của một vận động viên khuyết tật để khán giả truyền hình có thể thấu hiểu nhiều hơn.
Có thể thấy, thể thao không chỉ rèn luyện, nâng cao sức khỏe mà còn là cầu nối giúp người khuyết tật hòa nhập với xã hội, thể hiện tài năng và khẳng định giá trị của mình. Với sự quan tâm và đầu tư đúng mức từ nhà nước và xã hội, thể thao dành cho người khuyết tật chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều thành tựu đáng tự hào.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Đưa âm nhạc dân gian vào bài hát với host Minh Đức và nhạc sĩ Hoài An sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 28/5 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.