(SaoZone.net) – Tập 5 “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019” với những dự án cộng đồng ý nghĩa đã lên sóng, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Qua đó, các thí sinh được học cách xây dựng doanh nghiệp xã hội và tạo dựng ý tưởng lấy cảm hứng từ chính thực tế cuộc sống xung quanh.
Sau bài học về catwalk, thời trang và thanh lịch – hội nhập, “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019” dành riêng chủ đề tập 5 mang tên “Tôi vì cộng đồng – Woman for woman” để Top 60 thí sinh có cơ hội trải nghiệm bản thân ở một lĩnh vực khác. Là một người đẹp, không chỉ phải hoàn thiện bản thân về bên ngoài mà các thí sinh cần có một trái tim chân thành, nhân ái, hướng đến cộng đồng, xã hội. Đó cũng là một trong những tiêu chí mà cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 đang tìm kiếm. Vì vậy, tập 5 là dịp để các thí sinh cọ xát bản thân ở môi trường thực tế, tự chủ động lên ý tưởng và thực hiện một dự án cộng đồng riêng.
Hoa hậu – Giám khảo Hương Giang cũng bất ngờ xuất hiện, đưa ra lời khuyên và dặn dò dành cho các thí sinh: “Điều tạo nên sự khác biệt và giá trị cho Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đó là chúng tôi tìm kiếm những cô gái có khả năng truyền cảm hứng và có thể mang lại những hành động cụ thể cho cộng đồng”. 06 thí sinh có điểm dẫn đầu tập 4 gồm: Vũ Quỳnh Trang (SBD 330), Phạm Hồng Thúy Vân (SBD 218), Nguyễn Diana (SBD 150), Nguyễn Trần Khánh Vân (SBD 202), Nguyễn Huỳnh Kim Duyên (SBD 203), Lê Hoàng Phương (SBD 231) chính là 6 trưởng nhóm cho thử thách hôm nay và được quyền chọn thành viên về đội của mình. Lần lượt các nhóm bốc thăm chủ đề: nhóm Vũ Quỳnh Trang – Việc làm cho mẹ đơn thân, nhóm Phạm Hồng Thúy Vân – Kinh doanh viện dưỡng lão, nhóm Nguyễn Diana – Việc làm cho người chuyển giới, nhóm Nguyễn Trần Khánh Vân – Việc làm cho phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng, nhóm Nguyễn Huỳnh Kim Duyên – Kỹ năng phòng vệ cho phụ nữ, nhóm Lê Hoàng Phương – Phụ nữ kém may mắn. 6 nhóm sẽ có khoảng thời gian đi khảo sát thực tế tại các địa điểm để tìm ra ý tưởng cho dự án mô hình kinh doanh xã hội phù hợp với chủ đề đã bốc thăm.
Bước vào buổi thuyết trình tại Trung tâm hội nghị Asiana Plaza , hội đồng giám khảo khách mời gồm: Bà Võ Thị Tuyết Nga – Thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Nam Á, Hoa hậu Ngọc Diễm, Hoa hậu Hương Giang và Á hậu Hoàng Thùy là những người trực tiếp lắng nghe, phân tích và đánh giá tính khả thi, thực tế của các nhóm. Mỗi nhóm có thời gian 10 phút cho bài thuyết trình của mình.
Nhóm chủ đề “Kinh doanh viện dưỡng lão”
Nhóm của đội trưởng Phạm Hồng Thúy Vân (SBD 218) gồm các thành viên: Nguyễn Thị Quỳnh Nga (SBD 115), Kiều Thị Thúy Hằng (SBD 111), Đặng Nhật Minh (SBD 329), Lâm Thị Bích Tuyền (SBD 241), Nguyễn Thị Anh (SBD 317), Nguyễn Thị Vân Anh (SBD 205), Phạm Ngọc Bảo Ngân (SBD 204), Huỳnh Minh Thiên Hương (SBD 216), Trần Thị Dung (SBD 107) là nhóm đầu tiên thuyết trình. Trước đó, nhóm đã đến thăm chùa Lâm Quang (Quận 8, TPHCM) để thăm hỏi các cụ già neo đơn đang nương tựa tại đây. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động cộng đồng nhưng thí sinh Phạm Hồng Thúy Vân (SBD 218) cũng phải thừa nhận rằng việc tạo ra doanh nghiệp có thu nhập, việc làm cho các cụ nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận để nhân rộng mô hình này là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, cả nhóm đã cùng nhau tiến hành nghiên cứu và đưa ra mô hình kinh doanh mang tên “Nhà của ngoại”.
Với “Nhà của ngoại”, đây là tổ hợp dưỡng lão, bán lẻ và giải trí cùng 3 danh mục: nhà của ngoại, quà của ngoại và chơi với ngoại. Ngoài ra còn có một quỹ độc lập tên: “Quà cho ngoại”. Thí sinh Phạm Hồng Thúy Vân (SBD 218) là người thuyết trình chính, sau đó các thí sinh khác lần lượt giới thiệu về các vấn đề khác như tài chính, lý do chọn ý tưởng… nhưng Hoa hậu Hương Giang đã yêu cầu tạm dừng vì “chị xin lỗi, các em đã hết giờ”. Đánh giá mô hình này khá thú vị, nhưng Hoa hậu Ngọc Diễm đặt ra câu hỏi: “Nhà của ngoại ở đâu? Đầu tư về hàng hóa, nội thất chỉ 2 tỷ, em chỉ chị mua với?”. Thí sinh Nguyễn Thị Vân Anh (SBD 205) liền trả lời: “Dạ thưa chị, đây chỉ là một con số giả định…” nhưng bị hội đồng giám khảo cho rằng “không thực tế”. Sau đó, Á hậu Hoàng Thùy phân tích ý tưởng mang tính nhân văn nhưng “người được giúp đỡ người ta không cần điều đó” khi biết chuyện các cụ già không muốn dời đến ở nhà khác và bán hàng. Ngay lập tức, thí sinh Phạm Hồng Thúy Vân (SBD 218) phản biện rằng đây là mô hình độc lập, không liên quan đến các cụ già ở chùa Lâm Quang mà hướng đến những cụ già neo đơn của xã hội.
Nhóm chủ đề “Việc làm cho phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng”
Bốc thăm được chủ đề “Việc làm cho phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng”, nhóm của đội trưởng Nguyễn Trần Khánh Vân (SBD 202) gồm: Vũ Thị Hòa Liên (SBD 250), Lương Ý Như (SBD 134), Đặng Thị Mỹ Khôi (SBD 245), Nguyễn Đặng Tường Linh (SBD 331), Vũ Thục Chinh (SBD 342), Nguyễn Thị Hồng Vân (SBD 337), Nguyễn Thị Thu Cúc (SBD 217), Lê Thu Hòa (SBD 315), Nguyễn Lan Anh (SBD 148) đã quyết định tham gia buổi sinh hoạt dành cho các phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thạnh trước khi chọn ra ý tưởng cho dự án của mình. Sau khi tiếp xúc, trò chuyện cùng các chị trong Hội Liên hiệp Phụ nữ, nhóm chọn ý tưởng mô hình kinh doanh mang tên “Quán ăn Thiện Tâm”.
Cụ thể, 60% nhân viên của quán là những người phụ nữ cần được tái hòa nhập với xã hội, các món ăn đều đồng giá 45 ngàn đồng. Nhóm đã giả định doanh thu hàng năm trung bình và lợi nhuận sau thuế. Câu Slogan của nhóm: “Khỏe mạnh hơn, yêu thương hơn”. Nhận xét về bài thuyết trình, Hoa hậu Hương Giang khá thích thú và bất ngờ vì nhóm đã vạch ra bài toán kinh doanh rất chỉn chu, chi tiết. Nhóm cũng trình bày vấn đề đối với những người nhiễm HIV, sẽ sắp xếp bố trí làm những công việc cho mọi người thấy yên tâm. Hoa hậu Ngọc Diễm không đánh giá cao chi phí nhân công sẽ trả, đồng thời đặt ra câu hỏi về con số giả định doanh thu, chi phí, khấu hao không thay đổi trong 5 năm. Đặc biệt, Hoa hậu Ngọc Diễm khá băn khoăn chuyện quản lý nhân sự: “Làm sao để quản lý những người hoàn lương? Làm trong quán chay, nghe kinh Phật pháp hằng ngày, chưa đủ thuyết phục đâu!”. Bên cạnh đó, giá bán 45 ngàn đồng không phù hợp với mô hình quán chay, vì giá tiền này chỉ phù hợp với nhà hàng.
Đại diện nhóm, thí sinh Nguyễn Đặng Tường Linh (SBD 331) phát biểu: “Nếu dự án này được chọn, tụi em sẽ chỉnh sửa, theo các góp ý mà ban giám khảo đưa ra cho tụi em. Cái thứ hai là tụi em sẽ kêu gọi nhà tài trợ, chẳng hạn từ ngân hàng Nam Á”. Đánh giá chung về dự án này, hội đồng giám khảo nhận định nhóm cần lựa chọn những giải pháp đơn giản và ít rủi ro hơn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vì dự án hiện tại còn nhiều vấn đề khó giải quyết.
Nhóm chủ đề “Việc làm cho người chuyển giới”
Nhóm của đội trưởng Nguyễn Diana (SBD 150) gồm: Trương Quỳnh Ngọc (SBD 207), Đặng Trương Thủy Tiên (SBD 222), Chu Thị Minh Trang (SBd 345), H’Luai Hwing (SBD 319), Hoàng Thị Hương (SBD 142), Cao Thị Diệp Anh (SBD 344), Quách Thị Tin (SBD 126), Ngô Thị Thu Hương (SBD 119) ngay từ khi nhận được chủ đề về cộng đồng LGBT đã chọn đi khảo sát thực tế tại đoàn Lô tô Sài Gòn tân thời. Lấy cảm hứng từ câu chuyện của các nghệ sĩ đoàn lô tô và thực tế những vấn đề mà người chuyển giới ở Việt Nam đang gặp phải, nhóm chọn ý tưởng mô hình kinh doanh trường đào tạo và môi giới việc làm cho người chuyển giới – LGBT Academy.
Mục đích của mô hình này là đào tạo chuyên môn, giúp đỡ tìm kiếm việc làm, tạo môi trường làm việc lành mạnh cho người chuyển giới và cộng đồng LGBT. Lần lượt từng thành viên đã trình bày từng phần của bài thuyết trình. Doanh thu chính cho LGBT Academy đến từ học phí của các buổi học, với giá 300 ngàn đồng/buổi. Nhóm còn mong muốn thành lập quỹ tên “Cờ lục sắc” tạo học bổng cho những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc người chuyển giới hết khả năng lao động. Á hậu Hoàng Thùy dành lời khen cho tinh thần và ý nghĩa hướng đến giáo dục của nhóm, nhưng Hoa hậu Hương Giang thì cho rằng “về ý nghĩa thì rất hay, nhưng mông lung, chị không thấy một kế hoạch khả thi nào ở đây hết, đây giống như một bài ngồi máy lạnh nghĩ ra thôi, nó rất là ngộ nghĩnh trẻ con, nó không phải là một kế hoạch kinh doanh”.
Hoa hậu Ngọc Diễm có quan điểm khác: “Người chuyển giới không phải vấn đề xã hội. Nó là sự lựa chọn. Tuy nhiên vì sự lựa chọn này nó khác thường, nên bản thân những người chuyển giới đều có tâm lý mong muốn được thừa nhận. Cái tâm lý đó rất quan trọng. Kỳ vọng cả xã hội gỡ bỏ tâm lý đó cho họ ư? Không đúng! Người gỡ rào cản tâm lý đó phải là chính họ”. Tuy nhiên, Hoa hậu Ngọc Diễm phân tích được ưu điểm của dự án này vì kết nối được cộng đồng LGBT với nhau, có thể mời những người thành công của cộng đồng LGBT tham gia giảng dạy, đặc biệt hướng về lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng dự án có khó khăn về học phí khá cao.
Nhóm chủ đề “Việc làm cho phụ nữ khó khăn”
Hào hứng với chủ đề về “Phụ nữ khó khăn”, nhóm của đội trưởng Lê Hoàng Phương (SBD 231) gồm Lê Thu Trang (SBD 145), Nguyễn Thị Hương Ly (SBD 242), Lê Phương Thảo (SBD 403), Nguyễn Ngô Hoàng Nhi (SBD 229), Trần Thị Ngọc Trúc (SBD 247), Đỗ Thị Minh Tâm (SBD 249), Mai Thảo Nguyên (SBD 135), Hoàng Minh Trang (SBD 232), Vũ Thị Lan Anh (SBD 238) đã đến thăm Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại Hóc Môn, TPHCM để tìm ý tưởng. Với tư cách là đội trưởng, thí sinh Lê Hoàng Phương đã lắng nghe ý kiến của từng thành viên trước khi nhóm di chuyển đến địa điểm. Nhóm bàn luận sôi nổi nhưng vẫn chưa chốt được nên tập trung vào vấn đề gì. Thí sinh Nguyễn Thị Hương Ly (SBD 242) ý kiến: “Ly muốn tập trung vào những người khiếm thính. Khi bước ra đời để làm việc thì họ có sự giáo dục rõ ràng, họ có thể giao tiếp được…”’. Đội trưởng Lê Hoàng Phương lên tiếng: “Khoan! Phương không có ngắt lời, Nhưng vấn đề ở đây là Phương muốn mọi người có ý kiến về đối tượng mà mình muốn nhắm đến!”. Ngay lập tức, thí sinh Hương Ly liền đáp trả: “Phương đang cần quan điểm đúng không? Ly đang nói quan điểm của Ly, nhưng mà Ly đang nói đến cái sườn, và Ly chưa nói xong!”. Thí sinh Lê Phương Thảo (SBD 403) tiếp lời: “Cái điều Ly đang nói, nó đang trùng với trung tâm dạy nghề đang dạy”. Cuối cùng, sau khi thăm trung tâm dạy nghề, nhóm thống nhất chọn ý tưởng mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng “Another Saigon – Một Sài Gòn khác”.
Mỗi tour du lịch từ 1-2 ngày, chi phí dao động 500 ngàn đến 1 triệu đồng/khách. Thông qua tour du lịch sẽ tạo việc làm cho phụ nữ kém may mắn và tạo đầu ra cho sản phẩm thủ công đến từ các trung tâm dạy nghề. Hoa hậu Ngọc Diễm nhận xét: “Ý tưởng thú vị vì kết hợp trung tâm bảo trợ xã hội với hoạt động du lịch, nhưng vì là kế hoạch kinh doanh nên cần tính thuyết phục và khả thi”.
Nhóm chủ đề “Kỹ năng phòng vệ cho phụ nữ”
Nhóm của đội trưởng Nguyễn Huỳnh Kim Duyên (SBD 203) gồm Phạm Thị Anh Thư (SBD 144), Đào Thị Hà (SBD 334), Đỗ Thị Thu Huyền (SBD 125), Lê Ngọc Tuyền (SBD 209), Phan Thị Thảo Vân (SBD 140), Nguyễn Ngọc Thanh Ngân (SBD 147), Trần Tâm Thanh (SBD 320), Hoàng Thị Hải Yến (SBD 335), Trần Thị My (SBD 236) đã đến tham dự lớp học võ tự vệ dành cho phụ nữ của dự án “She will be trong” để có thêm thông tin cho chủ đề “Kỹ năng phòng vệ cho phụ nữ”. Trong quá trình bàn bạc ý tưởng, bất đồng quan điểm đã khiến các thành viên tranh cãi. Thí sinh Đào Thị Hà (SBD 334) bức xúc nói: “Hà tôn trọng chị Duyên, nhưng Hà chưa hài lòng vì ý tưởng đó chưa thực sự tốt. Chị Duyên khá là quyết đoán”. Đội trưởng Nguyễn Huỳnh Kim Duyên giải bày: “Mình lắng nghe ý kiến các bạn, nhưng mình không thể đáp ứng được hết ý kiến đó và phải gói gọn tất cả lại trong một dự án thôi”. Sau đó nhóm thống nhất chọn ý tưởng mô hình kinh doanh mang tên Step Up.
Mô hình gồm 4 mảng chính: Khóa học tự vệ ở các trường đại học, cấp 3, cấp 2, cấp 1; Khóa học tự vệ nâng cao thông qua hình thức workshop; Hội thảo tư vấn tâm lý; Hỗ trợ việc làm cho những người phụ nữ bị xâm hại. Ngoài ra, còn có quỹ Brave Heart với 60% đầu tư giúp đỡ trẻ em mồ côi. Kết thúc bài thuyết trình, Á hậu Hoàng Thùy khá băn khoăn: “Chị thật sự chưa hiểu mô hình kinh doanh của mình là như thế nào, tất cả chi phí mọi người chưa đề cập! Chị thấy ý tưởng các em khá sơ sài so với các bài thuyết trình hôm nay”.
Nhóm chủ đề “Việc làm cho mẹ đơn thân”
Nhóm cuối cùng bước vào phần thuyết trình là nhóm của Vũ Quỳnh Trang (SBD 330) gồm Phạm Thị Thu Hà (SBD 104), Trần Thị Kim Vàng (SBD 213), Lê Thị Mỹ Trinh (SBD 228), H Lida Niê Cao (SBD 118), Hoàng Kim Ngân (SBD 233), Đào Nhật Linh (SBD 326), Nguyễn Diệu Hiền (SBD 316), u Hải Yến (SBD 325). Nhóm đã đến thăm “Mái ấm xanh” của sư cô Trúc Từ tại quận Bình Thanh, TPHCM để tìm hiểu chất liệu cho chủ đề “Mẹ đơn thân”. Qua đó, nhóm quyết định thực hiện mô hình kinh doanh SinMo – ống hút gạo đến từ những người mẹ đơn thân và mời sư cô Trúc Từ cùng nhóm tham gia phần thuyết trình.
Mô hình gồm 4 hoạt động chính: Mở ra các lớp tư vấn tâm lý cho mẹ đơn thân; Mở lớp đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng làm việc; Phân bổ công việc dựa vào kỹ năng; Workshop nâng cao trình độ làm việc. Sản phẩm chính là ống hút gạo.
Hoa hậu Ngọc Diễm đặt ra câu hỏi: “Cuối cùng thì mô hình của các em, sản phẩm là ống hút gạo hay sản phẩm là người mẹ đơn thân đã được trang bị kỹ năng?”, cùng với đó là thắc mắc “những người mẹ đơn thân tham dự các hoạt động chính các em đưa ra, là những người mẹ đang hoạt động trong công ty ống hút gạo hay là những người mẹ bên ngoài?”.
Kết thúc buổi thuyết trình, nhóm của đội trưởng Nguyễn Trần Khánh Vân và Lê Hoàng Phương lần lượt xếp vị trí thứ 3 và 2. Trong khi, nhóm chiến thắng là nhóm của đội trưởng Nguyễn Diana với chủ đề việc làm của người chuyển giới. Nhóm sẽ là gương mặt đại diện đồng hành cùng Nam A Bank trong những dự án liên quan đến phụ nữ, đặc biệt là dự án Happy Lady – Tôn vinh phụ nữ Việt.
Sau tập 5, bảng xếp hạng các thí sinh có sự thay đổi rõ rệt, nhiều thí sinh có vị trí cao ở các tập trước đã bị xuống phong độ do có phần làm việc nhóm và trình bày dự án không tốt, như Đào Thị Hà (SBD 334), Nguyễn Huỳnh Kim Duyên (SBD 203), Phạm Hồng Thúy Vân (SBD 218)… Trong khi nhiều thí sinh khác bứt phá vươn lên. Top 10 dẫn đầu tập 5 theo thứ tự gồm: Nguyễn Diana (SBD 150), Trương Quỳnh Ngọc (SBD 207), Chu Thị Minh Trang (SBD 345), Đặng Trương Thủy Tiên (SBD 222), Hoàng Thị Hương (SBD 142), H’Luai Hwing (SBD 319), Ngô Thị Thu Hương (SBD 119), Quách Thị Tin (SBD 126), Lê Hoàng Phương (SBD 231), Lê Phương Thảo (SBD 403). Nguyễn Diana (SBD 150) là thí sinh xếp vị trí thứ 1 của tập 5.