(SaoZone.net) – Hơn 120 năm ra đời và phát triển của điện ảnh cũng là khoảng thời gian rạp phim cải tiến từ nơi chiếu phim trở thành điểm hẹn văn hóa.

Phim và rạp vốn ra đời cùng lúc

Là “môn nghệ thuật thứ 7”, điện ảnh vốn ra đời sau kiến trúc, điêu khắc, hội họa, văn học, âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn. Mãi đến thế kỷ 19, khi hai anh em nhà Lumière chế tạo thành công chiếc máy ghi hình có tên ‘cinématographe’, con người mới biết đến khái niệm điện ảnh. Nhờ công dụng vừa quay phim, vừa chiếu phim của thiết bị này, rạp phim cũng như bộ phim đầu tiên của nhân loại đã cùng lúc ra đời. Đó là năm 1895.

Poster phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh về buổi chiếu phim công cộng của anh em nhà Lumière

Từ đó, thay vì ngồi quanh đống lửa, người ta đến rạp xem phim. Rạp phim là nơi thông qua hình ảnh (và sau này có thêm âm thanh), người làm phim kể chuyện và người xem phim lắng nghe. Điều tuyệt vời là, người xem giờ đây không cần tưởng tượng, mà được chứng kiến toàn bộ câu chuyện một cách sống động qua những thước phim trước mắt mình.

Theo thời gian, rạp phim trở thành tụ điểm văn hóa, không gian nghệ thuật, hay một chốn hẹn – nơi không chỉ dành riêng cho mục đích xem phim, mà còn là giao lưu, kết nối. Rạp phim từ chỗ “đống lửa” trở thành “hội trường” nơi mọi người gặp gỡ nhau qua việc gặp gỡ bộ phim. Những chuyến đi chơi, cuộc hẹn gắn liền với hoạt động đi xem phim là vì thế.

Rạp phim bên cạnh chức năng chiếu phim, còn mang ý nghĩa về văn hóa, cộng đồng

Đến rạp, trải nghiệm của chúng ta không chỉ gói gọn trong 90 hay 120 phút, mà diễn ra từ lúc tìm được bộ phim muốn xem, chọn chỗ ngồi, chờ đến giờ chiếu, cho đến khi bước vào rạp với bắp nước trên tay, cùng khóc cười với nhân vật trên màn ảnh lẫn khán giả xung quanh. Nhưng không dừng lại ở đó, vì chừng nào khán giả còn nhớ, còn bàn luận về phim, thì chừng ấy bộ phim còn hiện diện trong cuộc sống của mỗi người mà nó từng “gặp gỡ”.

Rạp phim vẫn luôn phát triển cùng công nghệ

Công nghệ đã sinh ra điện ảnh, và cũng nhờ công nghệ, giờ đây ta có vô vàn cách để thưởng thức điện ảnh. Rạp đã không còn là nơi duy nhất để xem phim, mà bên cạnh đó, ta có những nền tảng chiếu phim trực tuyến giúp việc xem phim có thể diễn ra ở bất cứ đâu.

Sự phổ biến của phim chiếu trực tuyến, nhất là trong bối cảnh hai năm đại dịch vừa qua, là điều tất yếu và không thể phủ nhận. Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng không trải nghiệm xem phim trực tuyến nào có thể sánh với xem phim tại rạp. Trong không gian của rạp chiếu, bộ phim được “trao” đến người xem theo cách tối ưu nhất, và người xem được tạo một điều kiện gần như hoàn hảo để toàn tâm toàn ý thưởng thức bộ phim.

Nhất là với những tác phẩm được đầu tư với kinh phí lớn, được sản xuất bởi những kỹ thuật và thiết bị điện ảnh tối tân nhất, chúng sẽ cần được trình chiếu tại rạp để “trưng ra” bằng hết những gì mà các nhà làm phim đã kỳ công xây dựng. Hãy tưởng tượng một người xem “Top Gun: Maverick” (Phi Công Siêu Đẳng) tại rạp IMAX, so với một người xem bộ phim này ở nhà. Căn bản là, họ đã xem hai bộ phim khác nhau.

CGV là một trong số các đơn vị chiếu phim tại Việt Nam hiện nay có cơ sở hạ tầng rạp chiếu chuẩn quốc tế

Công nghệ tạo điều kiện để các nền tảng xem phim mới ra đời, nhưng đồng thời cũng đa dạng hóa công nghệ trình chiếu phim tại rạp. Giờ đây khi muốn thưởng thức những bộ phim Hollywood đỉnh cao, khán giả có thể đến một hệ thống rạp hiện đại như CGV để chọn cho mình những phòng chiếu phim áp dụng công nghệ hàng đầu thế giới như IMAX, ScreenX, 4DX, Starium. Rõ ràng, rạp phim vẫn luôn đi liền với sự phát triển của công nghệ.

Nếu hỏi các hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam đâu là khoảng thời gian khó khăn nhất của họ từ lúc thành lập đến nay, câu trả lời chắc chắn là khoảng thời gian năm 2020 – 2021 vừa qua. Khi thị trường điện ảnh gần như đóng băng, và khán giả có những lựa chọn thiết thực hơn việc đến rạp xem phim, các nhà rạp vẫn gồng gánh từng chút một để gượng dậy sau đại dịch. Bất chấp thua lỗ, họ vẫn đang tiếp tục hành trình của mình.