(Saozone.net) – Sau khi ấn tượng với bản trailer gốc đầy vui nhộn kèm theo các màn so găng mãn nhãn không thua kém gì phim Hollywood, TÔN NGỘ KHÔNG ĐẠI NÁO NEW YORK (tựa gốc: MONKEY KING RELOADED) tiếp tục tung ra trailer lồng tiếng Việt kèm theo đó là bộ ba poster nhân vật hé lộ các tình tiết mới. Đồng thời, hãy cùng gặp gỡ đạo diễn lồng tiếng Nguyễn Thành Vinh, người thổi hồn Việt vào hàng loạt các phim hoạt hình Hollywood để hiểu thêm về thăng trầm của nghề “lồng tiếng” tại Việt Nam
TRAILER LỒNG TIẾNG VIỆT VÀ BỘ BA POSTER NHÂN VẬT CỦA “TÔN NGỘ KHÔNG ĐẠI NÁO NEW YORK”
Trái với trailer hé lộ nhiều chi tiết của câu chuyện, trailer lồng tiếng Việt của Tôn Ngộ Không Đại Náo New Yorklại đưa khán giả đến trực diện với cuộc chiến giữa khỉ con siêu quậy và kẻ thù truyền kiếp Ngưu Ma Vương to lớn nhưng nhanh chóng vấp ngã trước chiêu trò của đối thủ nhỏ bé. Với âm vang thoại là tiếng Việt, trailer mới đẩy cảm xúc của người xem lên nhiều hơn đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi, khi mà các em đã bắt đầu hiểu, rồi dễ dàng bị cuốn vào câu chuyện phim. Dù chỉ xem qua một trailer ngắn nhưng chúng ta vẫn đủ cảm thấy được nỗ lực của người làm lồng tiếng và hứa hẹn bản phim đầy đủ sẽ đầy đặn cảm xúc lẫn cảm giác gần gũi nhất về văn hóa lẫn nếp sống hằng ngày rất Việt Nam.
Đồng thời nhà phát hành cũng giới thiệu đến người xem bộ ba poster nhân vật, hé lộ thêm một chút nữa về các nút thắt quan trọng trong phim. Bên cạnh chú khỉ Sunny hài hước là cô bạn Gu Gu – người đã khiến khỉ con bỏ lại vườn thú, một mình tìm đến New York và bắt đầu cuộc giải cứu khó quên. Đồng thời kẻ thù truyền kiếp của Tôn Ngộ Không – Ngưu Ma Vương cũng xuất hiện đầy quyền lực với vóc dáng vạm vỡ, gương mặt hung dữ, chắc hẳn sẽ là chướng ngại vật lớn nhất trong hành trình trở thành Mỹ Hầu Vương thế hệ mới của chú khỉ con từ sở thú.
GẶP GỠ ĐẠO DIỄN LỒNG TIẾNG NGUYỄN THÀNH VINH VÀ HIỂU HƠN VỀ NGHỀ THỔI HỒN VIỆT VÀO HOẠT HÌNH NƯỚC NGOÀI!
Đạo diễn Nguyễn Thành Vinh sinh tại Quảng Nam, Đà Nẵng, hoàn tất cấp trung học rồi vào Sài Gòn học diễn viên và tham gia lồng tiếng sau khi tốt nghiệp Đại học sân khấu Điện ảnh. Anh trực tiếp chỉ đạo lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim trong và ngoài nước.
Một trong những bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của anh là bom tấn hoạt hình RIO của hãng phim 20th Century Fox. Toàn bộ quy trình từ việc lựa chọn diễn viên, chỉ đạo diễn xuất, thu âm phần lồng tiếng, hòa âm… và người nắm trọn toàn bộ quá trình này là anh Nguyễn Thành Vinh (đều do đạo diễn Carlos Saldanha cùng ê-kíp làm phim lựa chọn và giám sát chặt chẽ). Ngay sau khi ra mắt, RIO đã được đánh giá rất cao về chất lượng bản tiếng Việt, tạo nên cơn sốt vé tại rạp hiếm thấy lúc bấy giờ mà đối tượng chính là gia đình cũng như các khán giả nhí. Thành công tiếp nối thành công, Nguyễn Thành Vinh liên tục thổi hồn Việt vào các bom tấn khác như Xì Trum 2 (2013), Cơn Mưa Thịt Viên 2 (2013), Trứng Ung Trả Đũa (2016) hay gần đây là cuộc phiêu lưu của cậu bé ma cà rồng cực kỳ được yêu thích vào mùa Halloween vừa qua – Nhóc Ma Siêu Quậy. Tuần này, bộ phim Lino và 7 Kiếp Nạn cũng do chính anh thực hiện. Nhưng dự án được xem là quan trọng nhất của anh trong năm nay chắc chắn là Tôn Ngộ Không Đại Náo New York bởi độ khó trong việc chuyển ngữ phần thoại đến từ 2 nền văn hóa Đông – Tây khác nhau nhưng lại hòa hợp tinh tế đến bất ngờ trong phim.
Không chỉ Tôn Ngộ Không Đại Náo New York, mà mọi dự án lồng tiếng đều được xem là một cuộc “đánh vật với cảm xúc”. Từ cách đếm nhịp, lấy hơi để nói, tốc độ trong phim cũng diễn ra rất nhanh chỉ một vài giây ngắn ngủi, người lồng tiếng phải truyền tải đầy đủ cảm xúc của nhân vật. Không chỉ vậy, nhóm lồng tiếng phải tập luyện khả năng phán đoán và khớp hình ảnh vì khẩu hình nhân vật trong phim hoạt hình không hoàn toàn giống nhân vật thật. Thế nên, việc lựa chọn các diễn viên lồng tiếng cho phim hoạt hình, ngoài khả năng “diễn bằng giọng nói”, phải biết biến hóa và thích nghi nhanh chóng với đặc trưng công việc.
Để tìm được một giọng nói hay không khó, nhưng để tìm được các cá nhân có tố chất nổi trội, diễn cho ra được sắc thái biểu cảm của nhân vật thì không hề dễ dàng. Người đạo diễn lồng tiếng cần hiểu biết rõ ràng về các kỹ thuật hỗ trợ chất lượng lời nói, để giảm đi cái gọi là “gượng gạo” thường thấy trong phim nội địa, đồng thời vẫn giữ được sự tự nhiên và khí chất riêng trong giọng nói của diễn viên. Điều cuối cùng là khả năng tự chế hoặc chỉnh sửa thoại sao cho khớp với cách nhép miệng của nhân vật trong bản gốc nhất có thể.