(SaoZone.net) – Ngày 1.12 là Ngày thế giới phòng chống AIDS, Việt Nguyễn với vai trò là một tiếp cận viên có thâm niên hỗ trợ xét nghiệm cũng như tuyên truyền miễn phí về ngăn ngừa và điều trị HIV cho cộng đồng Nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới (LGBT) đã có những câu chuyện chia sẻ xúc động nhằm lan toả thông điệp vì một thế giới không có HIV trong tương lai không xa cho xã hội nói chung và cộng đồng LGBT nói riêng.
Hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều hội nhóm, đơn vị thuộc nhà nước hoặc xã hội, tư nhân hoạt động hỗ trợ phòng, chống và điều trị HIV/AIDS cho nhiều đối tượng, tầng lớp, lứa tuổi khác nhau. Trong đó có Tổ chức G3VN: là tổ chức xã hội do một nhóm tình nguyện viên thuộc cộng đồng LGBT thành lập từ năm 2011 nhằm hỗ trợ cộng đồng, vận động quyền nhằm tăng cường tiếng nói và sự hiện diện, bảo vệ quyền được chăm sóc sức khoẻ, tinh thần và phát triển sinh kế cho cộng đồng người chuyển giới, người hành nghề mại dâm và nam quan hệ với nam. Đặc biệt, đơn vị này thường xuyên tổ chức xét nghiệm HIV và một số bệnh xã hội lây truyền qua đường tình dục miễn phí cho người quan hệ đồng giới, chuyển giới…
Suốt hơn một thập kỷ qua, G3VN cũng ưu tiên phục vụ cho nhóm MSM-TG (Cộng đồng nam quan hệ tình dục với nam và người chuyển giới) tại địa bàn TP.HCM, góp phần tuyên truyền kiến thức, sơ cứu hoàn toàn miễn phí cho người đồng tính phơi nhiễm với HIV bằng việc cho uống thuốc ngừa dự phòng phơi nhiễm hàng ngày (PrEP) và dự phòng phơi nhiễm khẩn cấp 72 giờ (PEP). Mọi kinh phí đề duy trì hoạt động của tổ chức G3VN đến từ sự quyên góp của cộng đồng LGBT và sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức xã hội phi chính phủ nước ngoài như: PATH, LIFE, USAID, PEPFAR, Red Umbrella Fund…
Việt Nguyễn sinh năm 1987, là một trong những tiếp cận viên thâm niên của G3VN từ năm 2014, từng giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân dương tính với HIV được tiếp cận với ARV (thuốc kháng HIV nhằm ức chế sự nhân lên của virus gây bệnh, duy trì nồng độ virus trong máu ở mức thấp nhất có thể để duy trì tuổi thọ và giúp những bệnh nhân sinh hoạt bình thường trong xã hội mà không lây nhiễm). Song song đó, anh cũng là người quản lý Phòng khám đa khoa GALANT ,đây là phòng khám tư nhân đầu tiên được cấp phép điều trị hiv qua bảo hiểm y tế và là nơi cung cấp Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV, PrEP cho nhóm quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới.
Nam tiếp cận viên điển trai cho biết cơ duyên mình đến với công việc vì cộng đồng cũng đơn thuần là xuất phát thì sự đồng cảm, thấu hiểu. Nghề này không mang lại cho anh thu nhập cao nhưng lại mang đến cho bản thân những giá trị cống hiến về mặt tinh thần và sự đóng góp cho xã hội. Suốt gần một thập kỷ làm công việc xã hội, Việt Nguyễn đã hỗ trợ xét nghiệm và hỗ trợ điều trị HIV cho hơn 1000 người Nam đồng giới tiếp cận với thuốc ARV, còn con số người sử dụng Điều trị trước phơi nhiễm được đơn vị hỗ trợ xét nghiệm miễn phí và phát thuốc, bao cao su phòng ngừa HIV là không đếm xuể…
“Làm nghề này rủi ro lớn nhất là tiếp cận viên phải theo sát sao và liên tục trực tiếp tiếp xúc với các bạn trong cộng đồng LGBT. Nhiều khi 1-2 giờ sáng mà các bạn vẫn nhắn tin hay gọi điện để hỗ trợ với những bạn xét nghiệm có phản ứng với hiv, thời gian này họ rất lo sợ, cần được ổn định tâm. Do đó, giờ giấc ngủ nghỉ không cố định như các công việc khác được khiến sức khoẻ của mình cũng bị ảnh hưởng ít nhiều”, anh chia sẻ. Việt Nguyễn bày tỏ rằng ngày nay dù các phương tiện truyền thông xã hội cũng đã làm rất tốt, giúp mọi người dần có cái nhìn cởi mở hơn với bệnh nhân HIV/AIDS. Tuy nhiên, thực trạng ngày nay vẫn còn không ít người chưa được phổ cập đầy đủ về kiến thức phòng ngừa HIV/ AIDS, họ vẫn còn dành ánh mắt kỳ thị cho chính bệnh nhân và căn bệnh này rất nhiều.
“Trong thời gian tôi làm việc tại G3VN, tôi cũng từng chia sẻ rất nhiều lần là cách đây 15-20 năm về trước thì HIV luôn được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng là dạng “căn bệnh thế kỷ”, căn bệnh chết người với biểu tượng “đầu lâu xương chéo”, là gắn liền với các tệ nạn xã hội nên khi một người nam mà mắc bệnh này thì người ta sẽ mặc định đây là một kẻ nghiện ngập hay một người nữ mà mắc bệnh thì người ta lập tức nghi ngờ rằng cô này làm nghề mại dâm. Truyền thông thời điểm đó mang tính tiêu cực rất nhiều để xã hội sợ mà xa lánh, phòng tránh. Nhắc đến HIV là người ta ghê sợ, lạnh da gáy rồi. Nhưng tôi nghĩ cách tuyên truyền này ngày nay không còn phù hợp nữa”, Việt Nguyễn phân tích về vấn đề truyền thông. Chính vì tâm lí hoảng sợ, xa lánh đó nên có không ít người cố tình phớt lờ về việc phòng tránh, thậm chí nhiều bệnh nhân khi xét nghiệm ra có phản ứng dương tính với HIV vẫn không chấp nhận nổi sự thật. Khi ấy, họ xem nó như một án tử rồi hoảng loạn làm chuyện dại dột, sinh ra tâm lí trả thù đời hoặc phổ biến hơn là không dám thừa nhận, phớt lờ không chịu tiếp nhận điều trị ARV để lâu ngày bệnh tiến triển nặng dẫn đến tử vong đáng tiếc.
Anh kể thêm về một kỷ niệm có thật mà mình từng chứng kiến: “Có một bạn nam đồng giới ở một vùng quê vùng sâu vùng xa lên TP.HCM làm phục vụ nhà hàng. Khi bạn nghi nhiễm và đến trung tâm nơi tôi công tác xin xét nghiệm HIV miễn phí bạn rất e dè và bạn rất lo lắng đến nỗi không dám xét nghiệm. Bạn nói rằng những người ở quê bạn truyền tai nhau rằng khi có một người bị phát hiện dương tính với HIV thì khi vào bệnh viện và phát hiện có HIV sẽ tiêm cho một liều thuốc để chết luôn để không còn làm gánh nặng cho xã hội vì bệnh này không thể chữa được… Tôi nghe vậy thì rất bất ngờ và phải làm công tác truyền thông, tư tưởng cho bạn những kiến thức, quan điểm đúng đắn về HIV. Sau khi xét nghiệm bạn dương tính thì mình cũng chỉ cho bạn phương án mua BHYT để được tiếp cận miễn phí với thuốc ARV, phân tích cho bạn những lợi ích của việc tiếp nhận điều trị kịp thời sẽ làm giảm nồng độ virus trong máu xuống ngưỡng thấp đến mức không lây lan, vẫn có thể có con, kết hôn, sống như một người bình thường sau 6 tháng điều trị đúng cách”.
Dù rất cố gắng nhưng cũng có những lúc Việt Nguyễn và các cộng sự cũng hỗ trợ thất bại cho các bệnh nhân có HIV, bất lực nhìn họ rơi vào giai đoạn cuối của AIDS vì họ không vượt qua được nỗi sợ và kỳ thị của cộng đồng dành cho căn bệnh thế kỷ. Những lúc đó anh cảm thấy rất lo lắng và đôi khi mất niềm tin vào con đường mình đang đi, cảm thấy nản chí. Nhưng nhờ những trường hợp tổ chức hỗ trợ thành công giúp anh và đồng đội của mình vực dậy tinh thần cho người bệnh và gia đình của họ. Mỗi khi, động viên và phân tích được cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân tiếp nhận được khái niệm đúng đắn, mở ra ánh sáng cho họ, làm họ không còn sợ chết hay kỳ thị nữa thì họ vẫn sống vui khoẻ bình thường, kéo dài tuổi thọ, cống hiến cho đời là anh lại củng cố thêm niềm tin vào công việc mình đang làm.
Thông qua đây, Việt Nguyễn cũng cảnh báo khẩn cấp rằng thực trạng số người thuộc nhóm MSM-TG nhiễm mới và phơi nhiễm với HIV rất đông. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế có đến 76% các số ca mắc mới tính từ 10 tháng đầu năm 2022 là người quan hệ đồng tính nam, cao nhất so với các nhóm đối tượng khác. “Ở TP.HCM là một thành phố có văn hoá cởi mở, hội nhập rất thoải mái với các bạn đồng tính nhưng cũng chính vì vậy mà sự thoải mái đôi khi hơi đi xa. Nhiều bạn chủ quan và chưa có đủ kiến thức về quan hệ tình dục đồng giới an toàn nên vấn đề cấp thiết bây giờ là chúng ta phải tuyên truyền và hỗ trợ các phương pháp quan hệ tình dục từ không an toàn sang an toàn.Với Xã hội hội nhập, thực trạng xã hội cũng khác nên phương pháp tuyên truyền của chúng ta cũng cần phải đổi mới”, nam tiếp cận viên dạn dày kinh nghiệm đề xuất phương án xử lí thực trạng.
Anh cũng gửi gắm thông điệp đến cộng đồng quan hệ tình dục đồng tính nam, chuyển giới rằng: “Nếu các bạn đã xác định được rằng tất cả mọi người đều có thể có nguy cơ thì hãy mạnh dạn đến các cơ sở bảo trợ như G3VN để được tiếp nhận xét nghiệm miễn phí để biết được tình trạng của mình mà có hướng xử lí, phòng ngừa phù hợp, phải có ý thức tình dục an toàn để bảo vệ chính bản thân và bạn tình của mình. Chúng ta hãy cùng nỗ lực cố gắng hướng đến tương lai 2030 Việt Nam sẽ chính thức kết thúc đại dịch AIDS”.
Chàng tiếp cận viên điển trai, giàu lòng nhân ái cũng chia sẻ hiện nay xu hướng nhóm người mắc HIV đang trẻ hoá, nhiều bạn còn đi học hoặc làm công nhân bị mất sức lao động, bị xã hội xa lánh, cần được bảo mật thông tin tuyệt đối, có hoàn cảnh khó khăn… Trong khi các nguồn hỗ trợ kinh phí phòng, chống HIV/ AIDS trước nay hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài và đã chính thức rút viện trợ khỏi Việt Nam từ đầu năm 2022. Cộng với việc suy thoái kinh tế, hệ quả sau 3 năm đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của người dân, nhiều người mất việc, không được mua BHYT định kỳ. Nguồn lực của anh và tổ chức G3VN cũng có hạn, có thể xét nghiệm miễn phí, phát thuốc PrEP, PEP phòng ngừa nhưng với những bệnh nhân có kết quả dương tính HIV/AIDS hoặc các bệnh xã hội như sùi màu gà, giang mai… thì phải có BHYT mới được cấp phát thuốc ARV miễn phí, được hỗ trợ điều trị. Chi phí mua bảo hiểm y tế hằng năm của mỗi bệnh nhân chỉ 804.600 VNĐ nhưng với nhiều người nghèo, khó khăn thì đây cũng là một bài toán nan giải.
“Một người dị tính bình thường mắc HIV, bệnh xã hội đã bị xa lánh thì huống chi các bạn đồng tính nam, chuyển giới họ đã đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương và ít được thông cảm hơn nữa thì sự khó khăn, kỳ thị càng khủng khiếp cỡ nào. Đôi khi người ta không chết vì bệnh mà tinh thần, sức khoẻ đã kiệt quệ vì bế tắc do bị kỳ thị xa lánh rồi”, Việt Nguyễn xúc động nói. Anh cho biết hơn 15 năm trước khi tốt nghiệp 12 thì đi làm công nhân hơn một năm. Sau này Việt Nguyễn để dành đủ tiền đi TP.HCM học Đại học, rồi bén duyên với G3VN, doanh nghiệp xã hội về lĩnh vực HIV đến bây giờ. Do đó anh thấu hiểu và cảm thông với những hoàn cảnh công nhân có HIV hoàn cảnh khó khăn.
“Chúng ta phải trải qua mới hiểu được làm công nhân cực khổ như thế nào. Ngày 15.11, mình có hỗ trợ điều trị cho một bạn cũng làm công nhân, lương tháng hiện tại chỉ vài triệu, nào tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt…mọi chi tiêu này cũng hết 1 tháng lương của bạn, không có tiền dư để tích cóp, lương đủ để sống trang trải qua ngày. Ấn tượng ban đầu khi gặp bạn là xách theo trên tay một gói xôi vò, giống cảnh mình hồi xưa thế, chắc khó khăn lắm nên mới ăn xôi như vậy. Hỗ trợ cho bạn xét nghiệm để trong ngày có thuốc điều trị HIV, rồi hướng dẫn bạn thủ tục điều trị giang mai. Song hỏi bạn trưa ăn gì,bạn trả lời là ăn xôi. Vì gói xôi lúc sáng ăn dược một nửa, còn nửa để trưa ăn. Hiện bệnh nhân HIV điều trị tuân thủ vẫn sống khỏe mạnh như tất cả mọi người, nhưng mỗi thuốc ARV vẫn chưa đủ, cần có thêm dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ, hợp lý, nghỉ ngơi, thể thao… thay đổi lối sống, tình dục an toàn. Thấy bạn khó khăn ở giai đoạn hiện tại, nên mình có trích 1 triệu đồng từ quỹ quyên góp được từ đồng nghiệp và cộng đồng để hỗ trợ bạn ăn uống và một số chi phí điều trị giang mai. Hiện tại BHYT bạn còn hạn dùng nên điều trị HIV không tốn kém bao nhiêu”, anh kể thêm.
Do đó, thông qua lần chia sẻ này, Việt Nguyễn cũng mong các cơ quan đoàn thể, ban ngành, cộng đồng xã hội cùng các mạnh thường quân có lòng hảo tâm sẽ cùng dang rộng vòng tay giúp đỡ và tạo điều kiện để những đơn vị như G3VN có thêm kinh phí, nguồn lực hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng những người nhiễm HIV/AIDS nói chung và những bệnh nhân bệnh thế kỷ thuộc nhóm MSM – TG nói riêng.