(SaoZone.net) – Gần 10 năm công tác dẫn đoàn với rất nhiều khó khăn cũng không làm Việt Lê cùng anh em nản chí nhưng đến khi nhận được một nhiệm vụ đơn giản hơn gấp nhiều lần thì ai cũng nặng lòng.
Phải là những con người dũng cảm, mạnh mẽ và có tính hy sinh mới có thể tham gia vào được công tác dẫn đoàn bởi vì đây không phải là một công việc có thể kiếm ra được tiền bạc của cải mà là công tác phục vụ xã hội. Để có thể tìm hiểu thêm về những người đàn ông hy sinh thầm lặng phục vụ cho xã hội này, chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng với anh Việt Lê, anh là một thành viên trong Hội mô tô Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Lê cùng chiếc mô tô phân khối lớn cùng anh chinh chiến nhiều cung đường đẹp ở Việt Nam.
Tôi là Việt Lê, là một người con của thành phố Đà Lạt ngàn hoa nhưng tôi đã sinh sống, học tập và lập nghiệp ở TP HCM tính tới nay đã hơn 20 năm rồi. Công việc chính của tôi là kinh doanh tự do và phụ giúp công việc cho công ty của gia đình.
Cơ duyên nào dẫn anh đến với nghề nghiệp này?
Nhà tôi ở ngoại ô của thành phố Đà Lạt và nằm trên trục đường Quốc lộ nên các cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình thường sẽ đi qua nhà. Hồi còn bé, tôi rất háo hức, thích thú cổ vũ mỗi khi có đoàn đua đi ngang qua và ước mơ từ lúc 7, 8 tuổi của tôi là được trở thành người lái mô tô mở đường cho đoàn đua.
Ước mơ thuở bé của tôi cuối cùng cũng thực hiện được rồi. Hơn 15 năm đi làm tôi cũng dành dụm được một ít tiền nhưng vì đam mê quá nên tôi đã mua chiếc xe cũ dòng thấp để tập chạy cho quen cũng như xin vào đội dẫn đoàn để học hỏi kinh nghiệm của đàn anh đi trước. Sau gần 10 năm công tác đủ vị trí nhiệm vụ, thì tôi hiện là thành viên trong Tổ Mở Đường Kỹ Thuật của hội.
Những khó khăn, thách thức đối với anh trong công việc này là gì?
Tôi nghĩ là làm bất cứ công việc nào cũng sẽ có những khó khăn, thử thách nhất định. Đối với công tác dẫn đoàn, chúng tôi phải xa nhà một thời gian dài có khi tới cả tháng tùy vào cuộc đua. Chính vì thế mà sức khỏe, kinh tế, công việc cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Có nhiều hôm phải đi từ 3, 4 giờ sáng, chạy xe chậm tầm 25 – 30km/h dưới cái nắng gay gắt của miền Trung rồi đến khi về nghỉ ngơi bị sốc nhiệt, vài ngày như thế là bệnh luôn.
Không những thế nhiều người dân họ không hiểu được tính chất công việc của đoàn dẫn nên chúng tôi có khi cũng bị chửi rủa, miệt thị nhiều lắm. Nghĩ cũng buồn và stress nhưng cũng đành chịu thôi, làm sao có thể giải thích hết từng người để họ thấu hiểu và thông cảm cho mình được.
“Thực hiện nhiệm vụ dưới cái nắng chói chang của miền Trung nhiều khi về là bị bệnh mấy ngày luôn” – Việt Lê chia sẻ.
Vậy dẫn đoàn có phải là một công việc nguy hiểm tới tính mạng không?
Tất nhiên là có, đặc biệt ở tổ tiền phương và tổ bảo vệ. Vì đối mặt trực tiếp với các phương tiện ngược chiều tốc độ cao, đôi khi gặp những tài xế cố chấp không nhường đường ép xe anh em dẫn đoàn té ngã, như có trường hợp cúp BTV 2017, tài xế xe tải rút dao xuống hăm dọa đâm chém anh em dẫn đoàn, sau đó công an địa phương đã có mặt giải quyết vụ việc. Thêm nữa anh em mô tô phải di chuyển thật nhanh để chiếm các cung đèo nguy hiểm cho vận động viên, phải hỗ trợ “lock” đèo, cảnh báo điểm mù, chướng ngại vật, đoạn dốc nguy hiểm cho vận động viên, để làm được điều đó đòi hỏi tay lái các anh phải rất cứng và tinh thần thép.
Trong những cuộc hành trình của mình, kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất đối với anh?
Kỷ niệm sau gần 10 năm dẫn đoàn thì nhiều vô kể. Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là lần dẫn đoàn đua xe đạp xuyên Đông Dương, qua 2 nước bạn Lào và Campuchia. Cảm giác sung sướng nổi da gà luôn khi được chạy xe dẫn đoàn băng qua cửa khẩu quốc tế 2 nước mà không cần dừng lại xuống xe xuất trình giấy tờ làm thủ tục xuất cảnh, cả ở cửa khẩu Việt Nam, Campuchia và Cam Lào, được sự chào đón nồng nhiệt của người dân 2 nước bạn đứng dọc 2 bên đường dài hàng km giữa trưa nắng vỗ tay với nhiều lá cờ Việt Nam trên tay vẫy chào đoàn. Tới giờ nhớ lại tôi vẫn còn thấy lâng lâng cảm giác thật khó tả.
Vậy kỷ niệm nào là buồn nhất?
Có lẽ nhiệm vụ mở đường cho chiếc xe chở áo quan của chú Chí Tài di chuyển thuận tiện hơn là buồn nhất đó. Hôm đó tôi còn có một nhiệm vụ nữa là chở chú Hoài Linh, ai mà không vui sướng khi được chở thần tượng của mình nhưng cảm xúc lúc đó lẫn lộn lắm, không được vui mà cũng không được buồn, vì mình đang dẫn đoàn tang của một nghệ sĩ mà mình yêu mến. Công việc này đòi hỏi sự mạnh mẽ, cứng rắn, nếu tôi để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng thì sẽ không phối hợp được với đồng đội.
Dường như trời cũng buồn thương khi chúng ta đã mất đi một người nghệ sĩ đáng mến như vậy nên chiều hôm đó trời cứ mưa lâm râm, u buồn, não lòng suốt một chặng đường.
Hành trình này có gì khó khăn hơn những hành trình trước của anh?
Về chuyên môn thì không có gì khó khăn cả, vì được sự hỗ trợ của các anh CSGT Dân Phòng chốt chặn các giao lộ lớn, và người dân trên đường đồng cảm hợp tác với hoàn cảnh lúc đó. Chỉ có khó khăn về mặt cảm xúc thôi !
Để có thể đưa được chú Chí Tài ra sân bay an toàn lần cuối, anh và đồng đội đã phải lên kế hoạch mở đường như thế nào?
Thông thường một đội hình dẫn đoàn tiêu chuẩn để mở đường bảo vệ Yếu Nhân, cần có Tiền Phương, Bảo Vệ, Mở Đường Kỹ Thuật và Khoá Đuôi. Nhưng vì đoán trước lượng khán giả người hâm mộ đi theo tiễn đưa chú Chí Tài sẽ rất đông, nên trưởng ban chuyên môn đã thay đổi không dùng tổ Khoá Đuôi, dành lực lượng dồn lên trên để bảo vệ hành lang cho xe tang, để thêm lực lượng cho tổ tiền phương đi trước “lock” đường.
Điều gì khiến anh nhớ nhất trong buổi chiều ngày hôm đó?
Cảm xúc nghẹn cay sống mũi và nổi hết gai ốc khi khán giả hâm mộ liên tục gọi to tên chú Chí Tài trong nức nở lúc đưa áo quan của cố nghệ sĩ từ nhà tang lễ ra xe để di chuyển ra sân bay. Phải có mặt tại đó thì mới có thể cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của khán giả đã yêu quý chú như thế nào.
Khi đăng tải video mở đường để xe chở áo quan chú Chí Tài được di chuyển hanh thông, anh đã nhận được những phản hồi như thế nào từ phía khán giả?
Tôi đã vô cùng đắn đo trước khi up clip lên YouTube, tôi hỏi thăm ý kiến và quan điểm của nhiều người thân thiết. Sau cùng tôi quyết định đăng tải video đó lên nhưng tắt tính năng kiếm tiền như một sự kính trọng dành cho cố nghệ sĩ, qua đó tôi cũng muốn chia sẻ cho những khán giả ở xa không có mặt để đưa tiễn chú có thể theo dõi thông qua màn ảnh nhỏ.
Được biết video này lọt top trending YouTube, vậy cảm xúc của anh lúc đó như thế nào?
Tôi rất bất ngờ và thấy làm lạ kỳ vì theo như những gì METUB Network chia sẻ với tôi, nền tảng YouTube họ chỉ ưu tiên cho các clip bật kiếm tiền và gắn thẻ tag từ khóa liên quan tới sự kiện. Còn video của tôi đúng nghĩa là một “video trắng”, không có bất kỳ từ khóa hay thẻ tag nào được gắn.
Một lần nữa cảm xúc của tôi lại bị đảo lộn. Vì việc lên top trending là niềm mơ ước hạnh phúc của biết bao YouTuber, điều đó khẳng định được sản phẩm của họ có giá trị và được nhiều người yêu mến nhưng trong hoàn cảnh này, ai lại vui sướng hân hoan với sự thành công của một clip nói về chuyện đau buồn chứ!
Từ khi đăng tải video đó và được nhiều người biết đến hơn, cuộc sống của anh có nhiều thay đổi không?
Tôi thì vẫn vậy thôi, không phải là người của công chúng nên cuộc sống không có gì thay đổi. Tôi nghĩ mình không có gì đặc biệt cả, chỉ góp chút sức mình, góp chút chuyên môn về lĩnh vực dẫn đoàn cho lễ tang của chú thôi. Tuy nhiên cũng thêm nhiều khán giả sau khi xem video đã nhắn tin đồng cảm chia sẻ với công việc tôi đang làm, vậy là đủ ấm lòng lắm rồi.
Dự tính trong tương lai để phát triển kênh YouTube của anh là gì?
Ngoài đam mê lái xe mô tô tôi còn rất mê điện ảnh, hồi trước tôi có làm dự án phim cho lớp được giáo viên xin lại để làm giáo án cho khóa sau và được các bạn trong trường biết đến. Đó cũng là một phần thôi thúc tôi làm YouTube vì muốn được chia sẻ về nghiệp dẫn đoàn và được dựng những thước phim do chính mình quay.
Để nói về dự định sắp tới, tôi sẽ tiếp tục làm các video về công tác dẫn đoàn và các video về bộ môn thể thao khá mới ở Việt Nam là mô tô nước Jetski. Là một người đam mê du lịch, tôi sẽ dùng chiếc mô tô nước để đi du lịch sông nước, quay nhiều cảnh đẹp hơn ở Việt Nam cho khán giả của tôi.