(SaoZone.net) – “Less is more – Sống tối giản để tận hưởng nhiều hơn” là phong cách sống bắt nguồn từ Nhật Bản, chú trọng vào chất lượng hơn số lượng, giúp cho con người hướng đến cuộc sống hạnh phúc, tránh phung phí năng lượng vào những vật/việc/người không thật sự cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần thật tỉnh táo bởi vẫn tồn tại một số cách tiếp cận sai lầm.

Phong cách tối giản bắt nguồn từ Nhật Bản với tên gọi Danshari dần trở thành lối sống được ưa chuộng trong cuộc sống hiện đại trên thế giới bằng cái tên “minimalism” (chủ nghĩa tối giản); còn “minimalist” là cách gọi những người theo lối sống này. Tuy nhiên, không có bất kì luật lệ nào tồn tại, cũng như những “con số vàng” vật dụng hoặc mối quan hệ mà một “minimalist” phải có là hoàn toàn không có cơ sở.

Tối giản không có nghĩa là lược bỏ tất cả một cách cực đoan

Không hề có một con số cụ thể hoặc một tiêu chuẩn chung cho lối sống tối giản như một vài người vẫn nghĩ, điều quan trọng trong lối sống này là loại bỏ những gì có thể gây mất tập trung, phiền não, ảnh hưởng tiêu cực và quá tải tới mình mà thôi. Thông thường, chính cảm giác ngột ngạt hiện hữu trong môi trường sinh hoạt hàng ngày làm cho bạn không hạnh phúc, nhưng ít ai trong chúng ta đủ quan tâm để nhận ra vấn đề này.

song-toi-gian-3

Việc chú trọng vào một con số nào đó có thể khiến bạn cảm thấy lo âu và căng thẳng, điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục đích của Minimalism. Tối giản không đồng nghĩa với việc lược bỏ hết tất cả, mà là phải biết từ bỏ. Mỗi người sẽ tự tìm cho mình một số lượng vật dụng thích hợp, cần thiết và đủ đầy cho họ.

Trắng và đen không phải là hai màu chủ đạo của Minimalism

Sự thật rằng hai màu trắng và đen có thể mang đến cảm giác đơn giản và mang tính nghệ thuật cao nhưng không có nghĩa bạn phải bao trùm bản thân bằng hai màu ấy. Bạn có thể sử dụng bất cứ màu sắc yêu thích nào, miễn sao thấy vui vẻ và thoải mái là được.

song-toi-gian-2

Việc có cho mình một tủ đồ với những gam màu trung tính sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho việc lựa chọn quần áo cũng không hoàn toàn đúng, vì cuộc sống và sở thích của mỗi người là khác nhau. Lối sống tối giản được áp dụng để bạn chọn ra quần áo nào thường mặc và cái nào không. Từ đó, bạn sẽ biết cách giảm tải tủ quần áo và giải phóng đi những thứ không dùng đến.

Sống tối giản không chỉ tập trung vào khía cạnh vật chất

Minimalism không chỉ tập trung vào vật chất, nó hoàn toàn có thể áp dụng cho công việc, mối quan hệ và đời sống tinh thần. Loại bỏ những hoạt động không tốt cho sức khoẻ, những con người “độc hại”, các mối quan hệ làm tổn hao tinh thần, những công việc dư thừa, v.v… tất cả đều góp phần xây dựng một cuộc sống thoải mái và lành mạnh cho bạn.

song-toi-gian-4

Rất nhiều người lầm tưởng lối sống tối giản là khái niệm chỉ nói đến vấn đề vật chất, nhưng họ quên rằng cách sống nói lên nhiều về chất lượng cuộc sống. Rõ ràng, tất cả mọi thứ xoay quanh bạn đều góp phần quyết định bạn có hạnh phúc hay không.

Lối sống tối giản không phải chỉ dành cho giới thượng lưu

Không chỉ người “có điều kiện” mới có thể theo đuổi cuộc sống tối giản, lối sống này phù hợp cho tất cả mọi người, và nhất là những người lao động bình thường. Vì khi chỉ sử dụng những gì cần thiết và không mua sắm những vật dụng không hữu ích, ta mới có thể tiết kiệm một số tiền lớn để dành chi tiêu cho những việc quan trọng hơn.

song-toi-gian

Mỗi người sẽ tự tìm ra cách giản lược riêng sao cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của mình nhất, đừng vội cho rằng nó không phù hợp với mình. Minimalism là cách để mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, vì vậy chẳng việc gì phải lo âu về nó cả.

Sống tối giản không có nghĩa là không được mua sắm

“Đối tượng bị vùi dập” của lối sống tối giản không phải là sự mua sắm, mà là sự mua sắm cưỡng chế. Mua sắm cưỡng chế là khi bạn đang cố gắng mua thật nhiều thứ bạn không cần để tìm thấy cảm giác viên mãn và hạnh phúc, hoặc khi bạn bị hấp dẫn bởi một số món đồ từ quảng cáo, hay sự gợi ý của người khác trong khi bạn thật sự không cần dùng đến hoặc chẳng yêu thích gì chúng cả.

song-toi-gian-1

Nhu cầu sở hữu nhiều vật chất để hạnh phúc hơn khiến bạn bị mắc kẹt trong sự mua sắm không kiểm soát, trong khi cảm giác hạnh phúc thật sự mãi vẫn chưa xuất hiện (hoặc có chăng nó cũng chỉ là cảm xúc nhất thời). Do đó, trước khi chọn mua bất kì thứ gì, hãy nhủ thầm “liệu mình có thật sự cần hay đơn giản là thích thôi?”. Thói quen này lúc mới bắt đầu có thể khó đối với ai đã quen mua mà không cần nghĩ nhiều, nhưng với sự quyết tâm để hướng đến cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh, bạn hoàn toàn có thể làm được.

Theo dep.com.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here