(SaoZone.net) – Sáu sáng kiến nghệ thuật về chủ đề phòng chống bạo lực giới do “nghệ sĩ không chuyên” là  lãnh đạo các câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật và cán bộ các hội người khuyết tật trên địa bàn học viên khuyết tật đã được trình diễn trong sự cổ vũ và khen ngợi của gần 1000 khán giả có mặt tại Tòa nhà Liên hợp quốc 304 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Sự kiện truyền thông nghệ thuật này nhằm kêu gọi sự tôn trọng, yêu thương và bảo vệ người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ.

Đây là hoạt động hợp tác giữa Dự án “Nam giới phòng chống bạo lực với phụ nữ khuyết tật” do Đại sứ quán Mỹ tài trợ và Dự án chung của Liên hợp quốc về Hòa nhập người khuyết tật do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP Việt Nam) điều phối.

Dự án Dự án “Nam giới phòng chống bạo lực với phụ nữ khuyết tật” do đại sứ quán Mỹ tài trợ  được thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2022 bởi nhóm Lăng kính người khuyết tật gồm 5 cựu sinh là người khuyết tật và không khuyết tật của các chương trình học bổng của chính phủ Mỹ. Sau làn sóng Covid-14 lần thứ tư, người khuyết tật là một trong những đối tượng bị tổn thất nhiều nhất khi gần 1 triệu người trong độ tuổi lao động mất việc làm. Gánh nặng kinh tế chồng chất khiến căng thẳng trong gia đình họ ngày một trầm trọng và nhiều phụ nữ khuyết tật phải trở thành nạn nhân bị bạo hành từ chính bạn đời và người thân.

Bên cạnh đó, người khuyết tật tiếp tục là đối tượng bị lề hoá trong môi trường công sở. Vì thế, dự án được thực hiện nhằm gia tăng kiến thức, sự thấu cảm và các kỹ năng quản lý cảm xúc, hành động để loại bỏ bạo lực giữa các giới thuộc cộng đồng người khuyết tật. Xuyên suốt 9 tháng, 20 gia đình có vợ hoặc chồng là người khuyết tật đã được các chuyên gia khai vấn đồng hành để thực tập nhận biết cảm xúc, chia sẻ những khúc mắc trong lòng để cùng nhau giải quyết bằng đối thoại ôn hoà.

Các học viên chia sẻ: việc nhận biết cảm xúc tưởng chừng đơn giản nhưng lại là điều họ từng rất lười đối diện, chối bỏ và từ đó dẫn đến những mâu thuẫn ngày một chất chồng. Các nam học viên cho biết, việc chia sẻ cảm xúc và nghĩ suy của mình đến người bạn đời chính là thử thách lớn nhất vì họ vốn dĩ mang áp lực là “phái mạnh”, hạn chế tỏ bày cảm xúc. Dự án đã giúp các cặp đôi gỡ bỏ mọi rào cản, lầm tưởng để thấu cảm lẫn nhau.

Bên cạnh đó, dự án tổ chức chiến dịch truyền thông tại các trường Đại học, các hội người khuyết tật, các trung tâm dạy nghề cho 753 lãnh đạo cộng đồng, lãnh đạo các tổ chức của khuyết tật, sinh viên và học viên các trường đào tạo nghề, người khuyết tật và gia đình nhằm  nâng cao nhận thức về quyền được tôn trọng, bảo vệ khỏi các hình thức bạo lực trên cơ sở giới của phụ nữ khuyết tật. Dự án cũng tập trung củng cố năng lực của cán bộ các CLB Phụ nữ khuyết tật, cán bộ truyền thông của các hội người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật và gia đình họ về cách thức xây dựng các quan hệ công bằng, tôn trọng với phụ nữ khuyết tật; phát triển các kĩ năng ứng phó phù hợp khi chứng kiến người khác gây ra bạo lực giới với phụ nữ khuyết tật và thực hành các kỹ năng xây dựng các sáng kiến nghệ thuật để đưa thông điệp đến công chúng.

Dự án chung của Liên hợp quốc về Hòa nhập người khuyết tật  với mục tiêu thúc đẩy xây dựng, điều chỉnh các chính sách, quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức cho các cán bộ nhà nước và các tổ chức, hội người khuyết tật về hòa nhập người khuyết tật, phòng chống kỳ thị, phân biệt đối xử, bao gồm bạo lực giới với phụ nữ khuyết tật. Từ năm 2017 đến nay, trong 2 giai đoạn triển khai dự án, UNDP đã có những hoạt động hỗ trợ các tổ chức của người khuyết tật triển khai các sáng kiến truyền thông cộng đồng theo hình thức nghệ thuật: đào tạo kỹ năng làm phim ngắn cho người khuyết tật, hỗ trợ xây dựng các video truyền thông phòng chống Đại dịch Covid 19, hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp tổ chức các sự kiện truyền thông nghệ thuật: múa đương đại, khiêu vũ thể thao, triển lãm ảnh, trình diễn thời trang, kịch tình huống…  Sáu màn trình diễn nghệ thuật đã được thực hiện bởi 15 lãnh đạo các hội nhóm, câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật và 10 cán bộ truyền thông của các hội người khuyết tật gồm các dạng tật khác nhau như khiếm thị, điếc, khuyết tật tay, khuyết tật vận động và cột sống. Từ những nhận biết và kỹ năng đạt được qua dự án, phụ nữ và nam giới có khuyết tật đã cùng nhau truyền tải những sự thật về bạo lực, nghĩ suy của người trong cuộc và cả những giải pháp do chính họ đề đạt qua các tác phẩm nghệ thuật. Lần đầu tiên, những góc khuất của bạo hành gia đình có người khuyết tật và hướng giải quyết do chính người khuyết tật được thể hiện qua các tiết mục:

–      Khiêu vũ thể thao: Phản kháng bạo lực giới để tìm được hạnh phúc

–       Kịch tương tác với khán giả: Dòng sông cá sấu

–    Hát: Vượt qua sự kỳ thị để tỏa sáng trên sân khấu

–    Kịch ngắn: Không được im lặng khi bị sàm sỡ trên xe buýt

–    Bức thư gửi sếp: Sếp ơi, hãy xây dựng cơ quan thành nơi không còn bạo lực

–    Trình diễn thời trang áo dài: Sống như những đóa hoa vươn lên ngay cả khi bị bạo lực

Chấm dứt bạo lực không chỉ phụ thuộc vào một phía mà còn là nỗ lực của các giới. Nếu người phụ nữ khuyết tật bị bạo hành không im lặng, biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ và nam giới biết điều tiết cảm xúc, làm chủ hành động thì hành động bạo hành sẽ bị loại bỏ. Đó chính là thông điệp chính của các tiết mục diễn ra trong buổi tổng kết.

Chị Đinh Lan Hương – Giám đốc dự án  “Nam giới phòng chống bạo lực với phụ nữ khuyết tật” chia sẻ: “Nhóm dự án  và Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP Việt Nam đã xây dựng được một mô hình truyền thông cộng đồng theo hình thức nghệ thuật với hướng tiếp cận: đơn giản, vui vẻ và ý nghĩa phù hợp với cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi trong sự kiện tổng kết này, đã có nhiều đơn vị đến từ các tổ chức của khuyết tật, các tổ  chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, một số doanh nghiệp và huấn luyện viên nghệ thuật, các nhóm tư vấn về sức khỏe tâm thần cam kết đồng hành cùng các nhóm, tổ chức của người khuyết tật để nhân rộng mô hình trong tương lai. Điều quan trọng nhất là trong sự kiện, các lãnh đạo các CLB phụ nữ và truyền thông của các Hội người khuyết tật sau khóa đào tạo của chúng tôi đã chia sẻ mong muốn được triển khai mô hình này ngay từ năm 2023.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here