(SaoZone.net) – Doanh nghiệp vay tiền là Công ty cho thuê tài chính ALC II đã mở thủ tục phá sản từ tháng 12/2016.

Ông Lê Bạch Hồng. Ảnh: Tiền Phong

Ngày 9/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt ông Lê Bạch Hồng, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cùng ba bị can khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ông Lê Bạch Hồng giữ chức Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội giai đoạn 2005-2008. Cuối năm 2008, ông được Thủ tướng quyết định cho thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động để giữ chức Thứ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Ông nhận quyết định nghỉ hưu vào năm 2014.

Theo cơ quan điều tra (Bộ Công an), ông Hồng cùng ba bị can khác bị bắt nằm trong diễn biến mở rộng vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công ty ALCII và các đơn vị có liên quan theo quyết định khởi tố từ tháng 12/2017.

Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sai quy định

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2011, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại Công ty cho thuê tài chính ALC II (do Vũ Quốc Hảo làm Tổng giám đốc), tổng dư nợ lên 1.050 tỷ đồng. Trong khi theo quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nam chỉ được phép cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn.

Đến năm 2015, khi kiểm tra và đối chiếu biên bản làm việc, thu hồi công nợ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại hai công ty tài chính thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là ALC I và ALC II, Kiểm toán Nhà nước thấy rằng việc thu hồi nợ (cả gốc và lãi) chưa tiến triển nhiều so với kết luận chỉ ra những sai phạm công bố một năm trước đó.

Cụ thể, đến cuối tháng 12/2015, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa thu hồi được hết các khoản nợ gốc và lãi của ALC II, số tiền 769 tỷ đồng vốn quá hạn và 735 tỷ đồng lãi. Nguyên nhân là ALC II không có khả năng trả nợ.

Ngày 15/12/2016, Tòa án nhân dân TP HCM có quyết định số 1016 mở thủ tục phá sản đối với ALC II. Hiện số tiền gốc ALC II còn nợ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 769,3 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi phát sinh).

Từ năm 2012, ông Lê Bạch Hồng đã bị khiển trách về mặt Đảng

Cũng liên quan đến những sai phạm khi ông Lê Bạch Hồng với vai trò đứng đầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bí thư Ban cán sự Đảng cơ quan này, ngày 25-28/12/2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã nêu rõ ông Hồng đã không chỉ đạo, đề xuất báo cáo Ban cán sự Đảng thực hiện việc bổ sung, sửa đổi Quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng cho phù hợp chức năng nhiệm vụ; không chấp hành đúng quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng.

Ông Hồng thông báo số kết dư quỹ Bảo hiểm Y tế năm 2010 không đúng chế độ quản lý tài chính; chưa nghiêm túc trong chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm trong việc cho vay tiền không đúng.

Ban cán sự Đảng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bị cho là không sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng từ khóa IX đến khóa XI; không thực hiện đúng, đầy đủ quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng để Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.

Với những sai phạm này, ông Hồng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương khiển trách về Đảng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật về chính quyền.

Việc bắt ông Lê Bạch Hồng nằm trong chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng liên quan đến đại án Vũ Quốc Hảo giai đoạn hai.

Vũ Quốc Hảo nguyên là Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt ALC II). Là doanh nghiệp nhà nước, hạch toán độc lập, ALC II trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Từ tháng 1/2006 đến tháng 10/2009, Vũ Quốc Hảo giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng cho thuê. Quá trình điều hành công ty, Vũ Quốc Hảo đã có hàng loạt hành vi sai phạm.

Ngày 10/12/2015, TAND TP HCM tuyên phạt Vũ Quốc Hảo (cựu Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính ALC II) 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bốn thuộc cấp của bị cáo cũng nhận từ 6 đến 16 năm tù về cùng tội danh.

Ngoài vụ án này, cuối tháng 9 cùng năm, Hảo bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án tử hình về tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây thất thoát hơn 450 tỷ đồng.

Theo vnexpress.net