(SaoZone.net) – Cái tiêu đề của tớ nghe xoắn quẩy nhỉ, nhưng đó lại là vấn đề mà rất nhiều bạn da dầu (hoặc ngộ nhận là da dầu) đang gặp phải. Tớ nhận được nhiều mail với lời mở đầu chắc nịch “Em thuộc da dầu” nhưng sau 1 hồi mô tả về biểu hiện của da thì tớ thấy các bạn ý phải là DA KHÔ mới đúng. Có ai đọc đến đây thấy hơi nhột không? Tớ tin là rất nhiều bạn ở đây cũng đang nhầm lẫn loại da của mình. Nhận định sai loại da là nguyên nhân lớn nhất khiến bạn dưỡng da bao nhiêu năm không có tác dụng, thậm chí da ngày càng tệ đi.

1. Định Nghĩa Lại Về Da Dầu

Điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần phải biết được là, da đổ dầu do 2 nguyên nhân:

  • Nguyên nhân 1: do vấn đề di truyền, nội tiết/ hormone nên da bị tăng tiết dầu quá mức -> đây là DA DẦU.
  • Nguyên nhân 2: da bị khô, mất nước, tuyến bã nhờn dưới da phải cố gắng tiết nhiều dầu hơn bình thường để cân bằng lại độ ẩm cho da -> tuy bạn cảm thấy da mình nhiều dầu, nhưng thực tế lại là DA KHÔ THIẾU NƯỚC.

Đến đây mọi việc bắt đầu đỡ rắc rối hơn rồi đúng không nào?

2. Biểu Hiện Phổ Biến Của Da Khô Thiếu Nước

  • Mùa hè bóng dầu nhưng đến mùa đông lại khô nẻ, có bạn còn vừa dầu vừa bong tróc, mặc dù nhìn bóng dầu nhưng sờ tay vào bề mặt da lại cảm thấy thô ráp kém mịn màng (Trong khi đó da dầu thực sự thì sẽ không bao giờ bị khô. Tớ có con bạn da dầu chính hiệu và cuộc đời nó chưa bị nẻ bao giờ dù mùa đông Hà Nội lạnh tê người).
  • Vì cảm thấy da mình nhiều dầu nên 1 số bạn chọn sữa rửa mặt dành cho da dầu (thường là sữa rửa mặt tạo bọt có pH khá cao, trên 8). Lúc vừa rửa mặt xong thì da rất sạch sẽ, khô ráo, nhưng sau vài phút đến 1 giờ lại tiếp tục tiết dầu nhiều hơn.

3. Những Sai Lầm Mà Các Bạn Da Khô Thiếu Nước Hay Mắc Phải

  • Sử Dụng Sản Phẩm Làm Sạch Dành Cho Da Dầu

Dầu nhờn tạo cảm giác khó chịu nên bạn luôn tìm cách “tống khứ” lượng dầu này càng nhanh càng tốt bằng các loại sữa rửa mặt đặc hiệu dành riêng cho da dầu. Các loại sữa rửa mặt này thường chứa chất tẩy rửa mạnh (như Sodium Lauryl Sulfate, Sodium Laureth Sulfate, Natri Laureth Sulfate hoặc Ammonium Laureth Sulfate…) có tác dụng làm sạch và loại bỏ dầu mạnh mẽ, khiến da vô cùng khô ráo ngay sau khi sử dụng. Nước tẩy trang hay Toner cho da dầu cũng thường chứa rất nhiều cồn (cồn khô) để giúp da có cảm giác thoáng sạch hơn.

Thực tế: Các chất tẩy rửa mạnh có pH cao và cồn khô lấy đi bã nhờn đồng thời cũng làm mất độ ẩm tự nhiên của da, khiến da bị tổn thương, hàng rào da lỏng lẻo dẫn đến hệ quả là nước trong da bị thất thoát, da càng trở nên khô hơn và “hoảng loạn” tiết dầu nhiều hơn để cân bằng lại độ ẩm, lâu dần dẫn đến quá tải dầu.

1

  • Sợ Hãi Và Tránh Xa Kem Dưỡng Ẩm

Bạn nghĩ rằng da mình thừa dầu lắm rồi, bôi dưỡng ẩm vào nữa thì chắc sẽ chiên khoai tây trên mặt được luôn.

Thực tế: Chỉ cần chọn đúng các sản phẩm dưỡng ẩm mỏng nhẹ thì da sẽ không hề bí nhờn, ngược lại, nó tạo 1 màng ẩm mỏng bảo vệ da, khiến da cảm thấy “yên tâm” hơn và không tiết dầu thêm nữa.

4. Với Làn Da Khô Thiếu Nước, Bạn Nên Làm Gì?

Bạn nhìn rõ từ THIẾU NƯỚC chứ? Việc chúng ta cần tập trung làm là CẤP NƯỚC cho da và ngăn chặn mọi tác nhân khiến da mất nước, bằng cách:

  • Sử dụng các sản phẩm cấp nước chứa nhiều humectant (chất hút ẩm) như Glycerin, Aloe Vera, đặc biệt là hoạt chất ngôi sao Hyaluronic Acid… vào việc xịt khoáng, đắp lotion mask hay 7-skin method để giúp da luôn ngậm đủ nước.
  • Tránh xa các loại sữa rửa mặt tạo nhiều bọt với pH cao, chuyển sang dùng sữa rửa mặt dạng kem (không bọt) hoặc ít bọt với pH cân bằng (pH 5.0- 6.0) để không làm khô da và không tổn hại đến lớp dầu tự nhiên trên da (Tip: những loại sữa rửa mặt có pH đẹp thường được gắn mác dành cho da khô hoặc da nhạy cảm, bạn nên chọn những loại này).
  • Dùng sản phẩm dưỡng ẩm dạng gel thân nước (thay vì dạng kem dày) với tên thường gặp là Gel Cream, Aqua Cream, Gel Moisturizer,… để vừa cấp nước, vừa tạo màng ẩm bảo vệ da và khiến nước không bị bay hơi đi mất (Tip: nên chọn các sản phẩm dưỡng ẩm dành cho da dầu vì chúng là dạng gel và không gây bí bách).
  • Nói 1 cách ngắn gọn hơn thì với da khô thiếu nước, bạn nên dùng sản phẩm làm sạch (tẩy trang, sữa rửa mặt, toner) dành cho da khô nhưng dưỡng ẩm (lotion, moisturizer) thì lại nên dùng loại dành cho da dầu.

2

Có 1 vấn đề mà rất nhiều bạn sẽ cảm thấy thắc mắc, đó là:

“Cùng là da khô, nhưng tại sao da khô mất nước lại phải dùng dưỡng ẩm dạng gel dành cho da dầu mà không phải dưỡng ẩm dạng kem dành cho da khô thông thường?”

Khái niệm DA KHÔ (Dry Skin) hay được dùng trong hệ thống phân loại mỹ phẩm và được nhắc đến trong các tạp chí sức khoẻ sắc đẹp là DA KHÔ DO THIẾU DẦU. Thực tế, da khô có 2 loại, chúng ta cần phân biệt rõ 2 loại này với nhau.

Đấy lại rắc rối nữa rồi. Da đổ nhiều dầu chưa chắc đã là da dầu mà có khi lại là da khô, chưa kể rõ ràng là da khô nhưng lại chưa chắc đã dùng được mỹ phẩm dành cho da khô vì mình không phải da khô thiếu dầu mà là da khô thiếu nước.  Túm lại, bạn cần xác định rõ da mình thuộc loại gì, vấn đề nằm ở đâu để vạch ra hướng giải quyết đúng đắn chứ không nên quá tin tưởng vào cái mác mỹ phẩm: dành cho da khô hay dành cho da dầu.

Làn da khoẻ mạnh là 1 làn da có đủ nước và đủ dầu (nói ngắn gọn là ĐỦ ẨM). Việc cân bằng dầu/ nước cho da sẽ giúp bạn có 1 hàng rào da vững chắc để chống lại mọi bệnh về da như mụn nhọt, viêm da hay lão hoá. Nếu da bạn tiết nhiều dầu, bạn từng coi các sản phẩm dưỡng ẩm như kẻ thù thì sau bài viết này hãy thay đổi suy nghĩ ngay và luôn nhớ rằng: ĐỘ ẨM LÀ NGƯỜI BẠN THÂN THIẾT CỦA LÀN DA nhé.

Theo: tranghannah.com