Tác giả Mị Dung ra mắt truyện dài đầu tay có tên “Ngẩng mặt nhìn mặt” do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý IV-2023 tại Tòa nhà Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, vào 18h ngày 29/11/2023 tới.

Qua tác phẩm, nữ nhà văn trẻ này mong muốn gửi gắm “tình người” vào dòng văn học của mình. Mỗi câu chữ được chắt lọc đúc kết từ những ký ức của thế hệ đi trước. Mà theo cô, đó là 3 năm ròng rã đi lượm lặt, ghi chép, xâu chuỗi từ những người ở cả 2 chiến tuyến, bên thua cuộc và bên thắng cuộc.

Mị Dung: Tôi viết về hậu chiến với trái tim đầy nữ tính của một gái đất võ Bình Định

Giọng văn dù được kể bằng quan sát, góc nhìn của một cô bé mới lớn, nhưng đây không phải truyện dài dành cho tuổi mới lớn, vì có tính xã hội rộng.

Là một nhà phê bình văn học nổi tiếng của đất Bình Định, khi nhận bản thảo của Mị Dung gửi, Nhà văn Lê Hoài Lương nhận định: Đây là tiểu thuyết về đất và người Bắc Bình Định. Dù khuôn lại thời điểm trước và sau 1975, những xáo động lớn thời khắc đất nước hòa bình thống nhất, nhưng cách viết in đậm nét phong vị đất và người Bình Định. Có thể gần với tạng tiểu thuyết phong tục. Phải là người yêu quê hương lắm mới viết được thế này. Và nó thành riêng, khác biệt ít có.

Mị Dung: Tôi viết về hậu chiến với trái tim đầy nữ tính của một gái đất võ Bình Định

Mị Dung và Cha ruột

Một cuốn sách đậm đặc đời sống xã hội một thời, đời sống gia đình, những hệ lụy chiến tranh, hậu chiến, về hình thành giới tính… Có cao thượng, thấp hèn, có tệ nạn, nỗ lực vươn lên… Dù được kể bằng quan sát một cô bé mới lớn, nhưng đây không phải là tác phẩm dành riêng cho tuổi mới lớn, vì nó có tính xã hội rộng.

Cái nhan đề Ngẩng mặt nhìn mặt khá hay. Đó là cái nhìn trực diện vào mọi vấn đề kể trên, không khoan nhượng. Đôi chỗ quyết liệt đáng khen.

Tiếp mạch chủ đề thì GS-TS Đào Văn Lượng, Giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ: Tôi không nghĩ đây là tác phẩm của một nhà văn trẻ, chưa qua cuộc chiến, chưa sống những ngày tháng sau chiến tranh, với cái nhìn ngơ ngác của một thiếu nữ… Sao cô lại có thể có những mô tả tinh tế đến vậy, đời thường và dân dã một cách bản năng đến vậy!

Nội dung truyện xoay quanh cuộc mưu sinh của những con người ở cả hai phía, bên thua và bên thắng sau cuộc chiến 1975. Cốt truyện không quá gay cấn, nhưng lại thu hút bởi những tình tiết rất đời thường, có chỗ rất cảm động… Với lối hành văn rất “dân dã” đã lôi cuốn người đọc vào cuộc cùng tác giả, như được sống trong những ngày tháng đầy biến động, đầy nghi hoặc, đầy chật vật… sau cuộc chiến.

Với cái tâm rất nhân văn, tác giả đã mô tả cuộc sống đời thường của các nhân vật một cách tự nhiên như nó đã và đang xảy ra… và từ đó đúc kết ra một vài nhận xét “triết lý” như những bài học của cuộc sống.

Có thể nói “Ngẩng mặt nhìn mặt” là một tác phẩm của một nhà văn trẻ rất nên đọc và ngẫm nghĩ để rút ra những “lẽ đời” bình dị nhưng sâu sắc!

Nhà văn Nguyễn Trí cho biết: Tôi, tình thật mà nói, nay đã già, thời gian còn lại ít ỏi nên nói còn tiết kiệm từng từ nói chi đọc. Dài hơi mà nhạt hoặc khô thì…

Nhưng, may quá; tác phẩm của một cô gái mới ngoài ba mươi một chút nầy, cuốn tôi từ trang đầu đến trang cuối. “Ngẩng mặt nhìn mặt” không chỉ có trăng có rừng có biển có sông có suối… mà còn có nỗi niềm của kẻ thắng người thua, của mặt hoa, mặt người, của âm binh và bội phản… Đọc xong – tôi phong tác giả Mị Dung là nhà văn – vì tôi nghe một hơi hướng rất mạnh mẽ đang một mình một ngựa trên khúc khuỷu gập ghềnh của con đường văn chương.

BTV Nguyệt Lam chia sẻ ưu điểm nổi trội dễ thấy là khả năng miêu tả (tả cảnh và người). Đọc hình dung ra được quang cảnh chiến tranh, chết chóc, không khí căng thẳng do chạy giặc…

Ưu điểm thứ hai là khả năng kể chuyện, truyện logic, mạch truyện hợp lý, người đọc hình dung được bối cảnh xã hội, nội dung cốt truyện, diễn biến câu chuyện, có nhiều đoạn cuốn vào những vấn đề tác giả đặt ra, tạo được cảm xúc cho người đọc về vấn đề đồng cảm với câu chuyện, với nỗi lòng của nhân vật, với cuộc đời nhân vật…

Và, thứ ba là triết lý được lồng vào câu chuyện thông qua nội tâm của nhân vật tôi (nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất, tên Nga). Từ điểm nhìn và triết lý của nhân vật Nga, câu chuyện diễn ra một cách nhẹ nhàng, thuần khiết của tuổi mới lới, với những quan niệm rõ ràng.

Nhà văn Nguyễn Một cho rằng truyện không mới về cốt truyện, nhưng bằng ngòi bút khá nữ tính, ta thấy được sự nhân văn trong từng câu chữ mà tác giả gửi gắm, những đoạn văn như tự tình của quê hương đẹp và buồn! Đặc biệt, khi viết về người cha, người đã bỏ mẹ mình. Nó thật quá. Thật đến đau lòng.

Nhà báo Vân Phi nhận xét viết về thể tài lịch sử luôn là một thách thức, nhất là với người trẻ. Bởi ngoài tố chất văn, khả năng sáng tạo, thì vốn trải nghiệm là điều hết sức quan trọng.

Hiểu rõ điều đó, Mị Dung đã chuẩn bị kỹ cho mình “hành lý” mang theo khi làm cuộc du hành ngược về một thời đã xa, để thấy mình là một phần của thời đại ấy. Không chọn những điểm mờ lịch sử để sáng tạo hay phô bày kỹ thuật, Mị Dung lặn vào đời sống thời hậu chiến với những ngõ ngách số phận con người – từ cả hai phía.

Chị như bước ra từ những thân phận ấy với nhiều trang viết xúc động, giàu trắc ẩn. Không né tránh những lấm láp một thời với bao tồn tại thói tật dị hợm, cái xấu cái ác nhiễu nhương, “Ngẩng mặt nhìn mặt” như một đối diện, rọi soi sòng phẳng vào thời đại.

Trò chuyện với tác giả Mị Dung, nữ nhà văn trẻ cho biết, cô sẽ dùng toàn bộ doanh thu phát hành trong ngày ra mắt để đóng góp vào Quỹ thiện nguyện ở Mái ấm Nhân Tâm của họa sĩ Lê Phương. Ông cũng chính là người đã vẽ bìa sách ấn tượng bằng chất liệu sơn dầu ủng hộ tác giả.

Được biết, nữ nhà văn trẻ này tên thật là Đỗ Thị Mỹ Dung, đang công tác tại Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập khu vực phía Nam.

Đặc biệt, với lối viết chân thật, mộc mạc, Mị Dung cũng vừa đoạt giải Ba cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần 2-2023 do Báo Người Lao động tổ chức và trao giải ngày 17/11 vừa qua. Bạn đọc quý mến muốn mua sách có thể liên hệ qua hotline Ms Loan: 0938270977.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here