(Kinh tế toàn cầu) – Huyện Bình Chánh đã tổ chức hội thảo về Đề án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030. 

Thời gian qua, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Huyện Bình Chánh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phát triển kinh tế – xã hội toàn diện, tốc độ đô thị hóa và tang dân số cơ học nhanh; nhiều xã đang đô thị hóa mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc đầu tư – xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng kịp sự phát triển nhanh của Huyện Bình Chánh; hạ tầng giao thông đô thị chưa được chỉnh trang, hoàn chỉnh nên tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, chợ tự phát, ùn tắc giao thông chưa được cải thiện; quy hoạch còn bất cập chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư, phát triển nhà ở cho người dân. Do vị trí tương đối gần trung tâm thành phố, trong thời gian qua, dân cư các tỉnh khác đã di chuyển đến cư ngụ, sinh sống, tập trung khá nhiều ở các xã huyện Bình Chánh, càng gây ra hệ lụy về quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, chất lượng sống giảm sút, mặc dù đã có chương trình nông thôn mới giải quyết phần nào về điều kiện sống ở nông thôn huyện Bình Chánh. Đặc biệt, cơ chế quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy của xã, huyện không theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội, dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh , Ông Trần Văn Nam mong đợi các nhà khoa học đóng góp xây dựng cho Bình Chánh phát triển theo hướng xanh và bền vững

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam cho rằng:” huyện Bình Chánh là cửa ngõ của TP đến các tỉnh phía Tây. Ông ví huyện như một cái khớp kết nối quan trọng nhưng cái khớp này còn nhiều trục trặc. Cụ thể, hệ thống đường sá, cầu cống chưa hoàn thiện, không phát huy được thế mạnh của một địa phương cửa ngõ. Không chỉ vậy, huyện Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Bình quân mỗi năm dân số tăng thêm 40.000 người, vừa là cơ hội vừa là thách thức”.

Lực lượng công an xã chưa chính quy chuyên nghiệp không đảm bảo nghiệp vụ, dẫn đến tình hình phạm pháp hình sự tăng cao. Hiện nay, đối với các xã đang trong quá trình đô thị hóa nhanh (như xã Bình Hưng, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, An Phú Tây, Phong Phú, …), hệ thống chính trị ở địa phương vừa thực hiện yêu cầu quản lý, chỉnh trang đô thị, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý nông nghiệp, nông thôn, nên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền tại các xã này nói riêng, Huyện Bình Chánh nói chung, không còn phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Thực tế đó, đòi hỏi phải có cơ chế quản lý phù hợp, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả hơn.

Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam phát biểu tại hội thảo. Ông Nam định hướng Bình Chánh phải trở thành thành phố phức hợp về nhiều mặt như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục…

Việc thành lập chính quyền đô thị Huyện Bình Chánh thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là cấp thiết nhằm góp phần đảm bảo sự hài hòa và tăng cường công tác quản lý nhà nước địa phương; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có, phát huy thế mạnh về vị trí địa lý trong việc kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện Bình Chánh, nhiệm kỳ 2020-2025. Qua khảo sát, đánh giá sơ bộ thực trạng đến năm 2025, Huyện Bình Chánh khó có khả năng chuyển thành quận, do vướng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải là phường, do Huyện Bình Chánh vẫn còn một số xã thuần nông. Vì vậy, Huyện Bình Chánh chọn mô hình chuyển đổi lên thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, để tổ chức triển khai thực hiện.

Việc thành lập Thành phố Bình Chánh thuộc TP.HCM và thành lập các phường thuộc Thành phố Bình Chánh không những giải quyết được những khó khăn, bất cập hiện tại về cơ cấu tổ chức bộ máy, công tác quản lý nhà nước, mà còn là điều kiện cần thiết để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương và phù hợp với tiềm năng phát triển của Huyện Bình Chánh. Do đó, Huyện Bình Chánh phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đầu tư, xây dựng đạt các tiêu chí thành phố theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 1 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 05 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về tiêu chuẩn của quận trực thuộc TP.HCM quy định cụ thể là Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên; Diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên; Số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên; Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt quy; Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đạt quy định.

Huyện Bình Chánh còn nhiều hạng mục chưa đạt tiêu chuẩn để lên Quận

Theo đánh giá hiện tại Huyện Bình Chánh không có khả năng chuyển thành quận vào năm 2030 do: Không đáp ứng tiêu chuẩn “số đơn vị hành chính trực thuộc” do có 04 xã không có khả năng chuyển thành phường, về lâu dài; Một số tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt (chuyển thành quận) quá cao so thực trạng; Thực tế cho thấy, việc đề xuất các giải pháp đầu tư- xây dựng trên địa bàn huyện Bình; Chánh để cải thiện các tiêu chí còn thiếu theo quy định, đến năm 2025 để đạt được ngưỡng tối thiểu của đô thị loại III, có liên quan chặt chẽ đến các giải pháp tổng thể trong đầu tư xây dựng, theo định hướng phát triển chung của huyện Bình Chánh đến năm 2030.

Do đặc thù địa bàn huyện Bình Chánh chia thành 3 khu vực rõ ràng nên cần phải tính toán phát triển công nghiệp công nghệ cao, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch phù hợp với địa lý, văn hóa của từng nơi. Với các xã chưa lên được phường thì phải tính toán làm nông nghiệp đô thị, giữ lại mảng xanh cho TP.HCM nhưng phải nâng cao giá trị đất nông nghiệp.

Tại hội thảo, ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan cho rằng qua quá trình nghiên cứu đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển, đến năm 2025 huyện Bình Chánh khó thành quận, vì huyện còn một số xã thuần nông, không thể đáp ứng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải là phường. Vì vậy, huyện Bình Chánh chọn mô hình chuyển đổi từ huyện lên thành phố trực thuộc TP.HCM để tổ chức triển khai thực hiện.

Đây là định hướng mà huyện Bình Chánh nêu ra tại hội thảo đề án xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030 sáng 22-9 do UBND huyện Bình Chánh phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here