(SaoZone.net) – Bỏ học, trốn học đi làm bất hợp pháp để kiếm tiền là tình trạng xảy ra không ít trong du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến cuối tháng 2-2016, Việt Nam có hơn 8.000 du học sinh tại Hàn Quốc, chiếm 7,8% và đứng thứ 2 trong tổng số hơn 100.000 du học sinh nước ngoài ở nước này.
Vay tiền đi du học để kiếm tiền trả nợ
Đối tượng đi du học Hàn Quốc nhiều nhất hiện nay là các bạn trẻ đã tốt nghiệp cấp 3 nhưng chưa có việc làm, hoặc học nghề, cao đẳng, đại học tại Việt Nam nhưng không xác định được tương lai sau khi ra trường, mong muốn sang Hàn vừa học vừa làm để thay đổi cuộc sống.
Du học sinh có thể đi theo diện học tiếng Hàn (không quá 2 năm), học nghề 2 năm, học cao đẳng, đại học hoặc thạc sĩ, nghiên cứu sinh.
Thủ tục du học thường mất rất nhiều thời gian và công sức, nên các trung tâm tư vấn du học là cầu nối hỗ trợ thực hiện các thủ tục nhanh chóng và dễ dàng. Điều kiện du học cho từng đối tượng khác nhau. Người có bảng điểm thấp thì chi phí bỏ ra cho trung tâm càng cao.
Trung bình để sang được Hàn Quốc, du học sinh mất từ 150 triệu đến 300 triệu đồng (bao gồm chi phí kí túc xá 6 tháng và một phần tiền học phí, còn lại là phí cho trung tâm) .
Nhiều trung tâm du học vẽ ra viễn cảnh đi học nhẹ nhàng, tự do làm thêm với số tiền kiếm được lên tới 2-3 triệu won/tháng ( 40-60 triệu đồng), có thể chi tiêu và gửi tiền về nhà cho gia đình.
Để có được số tiền vài trăm triệu đối với phần đông du học sinh là điều rất khó khăn, nhưng nhiều gia đình sẵn sàng vay nợ cho con em mình được xuất ngoại, sau đó làm thêm và gửi tiền về nhà trả nợ.
Ở các hội nhóm về du học Hàn Quốc, các câu hỏi được hỏi nhiều không phải về chất lượng đào tạo của các trường, hay làm thế nào để thích ứng với cuộc sống mới, không bị sốc văn hoá… mà đó là các câu hỏi liên quan đến việc làm thêm, kiếm tiền.
Vân Anh – du học thạc sĩ ngành truyền thông (Seoul, Hàn Quốc) – chia sẻ một số bạn không muốn học tiếng Hàn trước ở Việt Nam sẽ chọn các trường nằm trong Top 1% ( trường có tỉ lệ học sinh bỏ trốn dưới 1%).
Đăng kí học tại các trường này không cần phỏng vấn qua đại sứ quán hoặc lãnh sự quán.
Trường hợp đi những trường khác phải phỏng vấn mà nếu vốn tiếng Hàn không đạt thì có thể không được cấp visa. Điều này dẫn đến một số bạn quá tập trung vào việc sang Hàn nhưng lại không có vốn ngoại ngữ, gặp rất nhiều khó khăn, các công việc làm thêm khi không biết tiếng phải lao động chân tay rất nhiều, còn dễ bị lừa gạt.
Đi du học hay đi kiếm tiền?
Theo quy định của Cục xuất nhập cảnh Hàn Quốc, du học sinh theo hệ đại học chỉ được phép làm thêm sau 6 tháng nhập cảnh, còn học nghề sẽ làm việc sau 1 tháng nhập cảnh vào Hàn Quốc. Số giờ quy định từ 20 đến 35 giờ/ tuần cho từng hệ đào tạo.
Điều kiện để du học sinh được đi làm thêm là phải có sự cho phép của phòng quản lý sinh viên quốc tế trường đang theo học, và được sự chấp nhận của phòng quản lý xuất nhập cảnh. Chỉ khi đăng kí làm thêm của du học sinh được phòng xuất nhập cảnh chấp nhận thì mới được xem là làm việc hợp pháp. Khi hết hạn, cần giấy gia hạn mới được tiếp tục làm việc.
Bất chấp các quy định khắt khe của Hàn Quốc, các du học sinh Việt Nam vẫn tìm nhiều cách lách luật tìm việc làm để trang trải chi phí và gửi tiền về nhà cho gia đình. Nhiều bạn vừa sang là xin đi làm ngay, hoặc làm quá số giờ quy định, làm việc ở những nơi không được cho phép.
Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bị bắt vì làm thêm trái phép mà không được trường hoặc một cá nhân sinh sống tại Hàn Quốc bảo lãn, du học sinh sẽ bị trục xuất về nước.
Tuy được bảo lãnh, du học sinh cũng sẽ bị phạt tiền tuỳ mức độ và tính chất công việc (du học sinh không được phép làm việc trong công xưởng theo quy định của Hàn Quốc).
Nhiều trường hợp đi làm được một thời gian rồi bỏ trường đi làm luôn. Điều đó dẫn đến việc một số trường, trung tâm du học yêu cầu du học sinh đóng phí chống trốn (thường khoảng 5.000-6.000 USD ). Trường có tỉ lệ học sinh bỏ trốn cao sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng và số thứ tự trên bảng xếp hạng các trường ở Hàn Quốc.
Ngoài việc đối mặt với tình trạng lo âu, thấp thỏm khi đi làm bất hợp pháp, các du học sinh phải làm việc rất vất vả, trong điều kiện khắc nghiệt khi mùa đông đến, có thể bị quỵt tiền. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và kết quả học tập.
Một số bạn vì tìm hiểu không kĩ càng, chọn phải trung tâm không uy tín dẫn đến việc “tiền mất tật mang”. Giấc mơ sang Hàn không thành hiện thực mà còn phải gánh thêm nợ nần.
Một du học sinh làm thêm bất hợp pháp chia sẻ câu chuyện bạn cùng 3 người khác từng bị bắt, trong đó có một du học sinh nữa. Bạn may mắn được thầy giáo và anh quản lý người Việt đến bảo lãnh, phải nộp phạt 2 triệu won (40 triệu đồng).
Bạn viết: “Dù là du học sinh, khi bị bắt thì đều là người phạm tội, bị đối xử không khác gì tội phạm. Lâm vào cảnh đó thật kinh khủng. Kiếm được đồng tiền ở trên đất khách chẳng dễ chút nào”.
Những chia sẻ này nhận được nhiều đồng cảm và chia sẻ, nhưng cũng kèm theo không ít lời trách móc.
Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình, bạn còn nhắn gửi: “Tôi chỉ muốn nhắn nhủ tới các sinh viên đã và đang có ý định qua Hàn, nếu gia đình các bạn thật sự đủ điều kiện để lo cho các bạn qua học, hoặc là các bạn thật sự có năng lực học tốt thì các bạn nên đi để thực hiện mơ ước của mình.
Còn các bạn gia đình khó khăn, cắm bìa đỏ vay mượn để qua đây đổi đời thì mong các bạn suy nghĩ thật kĩ và chín chắn. Nếu các bạn đi như kiểu đánh cược số tiền đó vào sòng bạc thì may rủi lắm, lỡ bị bắt thì gia đình lại gánh cục nợ lớn, rồi bản thân lại thấy day dứt tội lỗi”.
Mang danh du học nhưng không đi học, bỏ học, trốn học đi kiếm tiền góp phần tạo nên ấn tượng không tốt của một bộ phận người Hàn Quốc dành cho sinh viên Việt Nam, các quy định cho du học sinh, đặc biệt du học sinh Việt Nam, có thể ngày càng bị thắt chặt.
Theo: tuoitre.vn