(SaoZone) – Cứ mỗi độ tháng 6 về, mỗi người Việt Nam chúng ta đều hướng về ngày lễ của cha và ngày gia đình Việt Nam. Gia đình luôn là cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng mỗi người trưởng thành trong cuộc sống. Cha mẹ là quê hương, là mạch nguồn có ảnh hưởng đến nhân cách của mỗi người trưởng thành. Theo quan niệm của người phương Đông: Con người là một tiểu vũ trụ, thì quá khứ, tuổi thơ, cùng những thăng trầm, đắng đót của cuộc đời đều gắn với khoảng không gian, thời gian nhất định của một đời người.
Nhạc sĩ Thế Hiển dành tặng những ca khúc hay về gia đình, tình yêu
Cuộc đời của mỗi người như là những thước phim quay chậm, những cảm xúc sâu thẳm mặn chát mồ hôi, máu và nước mắt được diễn tả qua những trang viết chất chứa bao điều bí mật ở bên trong. Dù anh là doanh nhân, nghệ sĩ hay anh hùng, tướng lĩnh, tất cả những thành công đều phải trả giá nhất định.
Tự truyện là một thể loại khá hấp dẫn hiện nay, bởi những trang viết ấy được viết ra từ chính những người trong cuộc, viết về những người thân yêu nhất, những sự thật luôn cất kín trong trái tim của mỗi người được thể hiện bằng chất giọng tự sự, chân thành giàu cảm xúc thông qua những trang sách, hàm chứa một tư tưởng nhân văn, nhân bản, khát vọng cao cả của con người.
Tác phẩm: “Chuyện nhà Dr. Thanh” của Trần Uyên Phương là một câu chuyện chứa đựng những bí mật của gia đình tác giả, được viết trong một khoảng thời gian khá dài gần 10 năm, cuốn sách gây được sự xúc động rất mạnh với ai đã từng đọc về nó.
Ít ai ngờ rằng, một doanh nhân như Trần Uyên Phương lại có thể trình làng một tác phẩm đầu tay đầy lôi cuốn và thú vị về những góc khuất của gia tộc, những chia sẻ về người cha về cuộc đời, về triết lý sống, triết lý kinh doanh.
“Trên đời ai cũng có cha mẹ, và tôi muốn viết quyển sách này khi còn có thể làm được điều đó” – Trần Uyên Phương chia sẻ.
Đến giao lưu với tác giả Trần Uyên Phương còn có NSND Hoàng Dũng, NSND Thế Anh, NSƯT Thế Hiển, đại tá-nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, bà Nguyễn Thái Thảo Nguyên – đại diện NXB Phụ Nữ tại TPHCM …
Mở đầu chương trình giao lưu là những ca khúc do ca sĩ, nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển, ca sĩ Phi Nhung biểu diễn.
Trần Uyên Phương tự sự, trong suốt quãng thời gian nửa đầu tuổi trẻ, tác giả luôn băn khoăn về tình cảm của những người trong gia đình, những giá trị nền tảng của chính ra đình mình. Có những điều hiển hiện trước mặt, nhưng hình như bản chất lại không phải như vậy.
Ông Trần Quí Thanh, nhân vật nguyên mẫu trung tâm của cuốn tư truyện là một người cha, nghiêm khắc, đôi khi đến mức nghiệt ngã khiến có lúc tác giả cảm thấy bị bị tổn thương, trong sách có đoạn “Trong quá khứ nhiều lúc tôi sợ ba, nhưng cũng ghét ba vì tôi chỉ quan tâm đến tính huyết thống và đinh ninh thế mới gọi là gia đình. Tôi thấy ba dành quá ít thời gian và tình thương cho chính gia đình thân yêu của mình”. Thế nhưng “Sống với ba, điều làm tôi luôn cảm thấy mình nhỏ bé, không phải vì ba là cha nên luôn lớn hơn, cũng không phải vì ba là doanh nhân thành đạt, người thầy tận tâm chỉ dạy cho tôi, mà vì chưa bao giờ tôi nghe ba kể lể hay trách cứ bất cứ ai đã đi qua trong cuộc đời ông. Đối với ba, mọi thứ đều là bài học tốt cho cuộc sống và công việc, gian khó đối với ba là thứ rất quen thuộc, ông luôn nói một câu ngắn gọn: “Không gì là không thể”!”
Anh Như