(SaoZone.net) – Vụ việc ca sĩ Noo Phước Thịnh gần đây bị kiện vi phạm bản quyền với MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi trở thành tiếng chuông cảnh báo về cách làm chưa chuyên nghiệp của giới nghệ sĩ giải trí trong nước.

Hình ảnh trong MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi – Ảnh cắt từ clip

Noo Phước Thịnh có lẽ là ca sĩ đầu tiên ở Việt Nam đối mặt với đơn kiện ra TAND TP.HCM từ nghệ sĩ quốc tế. Bên khởi kiện là nhạc sĩ Zack Hemsey (35 tuổi, quốc tịch Mỹ) và Công ty Epic Elite – nơi sở hữu độc quyền ca khúc The way.

Phía nguyên đơn cho rằng video ca nhạc Chạm khẽ tim anh một chút thôi có phân cảnh từ 6 phút 5 giây đến 7 phút 30 giây sử dụng đoạn nhạc trong tác phẩm này để làm nền mà chưa có xác nhận tác quyền.

“Hoạt động âm nhạc bây giờ không còn bó hẹp ở môi trường trong nước nữa, nên nghệ sĩ phải nâng cao tính chuyên nghiệp. Với mỗi tác phẩm, các ca sĩ cần có hợp đồng rõ ràng với nhạc sĩ, ở đó có những cam kết cụ thể về nguồn gốc, bản quyền tác phẩm. Lúc ấy ca sĩ chỉ còn quan tâm đến việc hát hoặc làm MV sao cho tốt nhất”

Nhạc sĩ Dương Cầm

Chạm Khẽ Tim Anh Một Chút Thôi (bản đã sửa) của Noo Phước Thịnh

Nộp phạt, bị kiện vì thiếu chuyên nghiệp

Thực tế việc “tố” Noo Phước Thịnh vi phạm bản quyền đã được nhạc sĩ Zack Hemsey nêu ra từ tháng 10-2017, ngay khi MV vừa nêu đạt mức 30 triệu lượt xem trên YouTube trong thời gian ngắn. Noo Phước Thịnh và êkip đã thừa nhận vi phạm và gỡ MV này, thay bằng MV có bỏ đoạn nhạc “xài chùa” kia.

Tuy vậy, bản sao MV (được cho) là vi phạm bản quyền vẫn được lưu hành trên một số kênh. “Hành vi này đã ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp tới sự toàn vẹn của tác phẩm cũng như độc quyền cho phép người khác khai thác khả năng thương mại của tác phẩm.

Vì vậy, theo điều 28 và 35 Luật sở hữu trí tuệ, hành vi của ca sĩ Noo Phước Thịnh đã xâm phạm bản quyền tác giả/quyền liên quan đang được bảo hộ của nhạc sĩ Zack Hemsey”, đơn kiện viết.

Vụ kiện cần chờ phán quyết chính thức của tòa. Tuy nhiên những rắc rối pháp lý đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của Noo Phước Thịnh, nam ca sĩ có thực lực. Hàng loạt sô diễn trong tháng 10 đã được anh cùng êkip chủ động thông báo hủy để “tĩnh tâm suy nghĩ”.

Rất có thể phía ca sĩ Việt Nam sẽ phải bồi thường thiệt hại gần 1 tỉ đồng và công khai xin lỗi nhạc sĩ Zack Hemsey trên truyền thông như yêu cầu; nhưng điều quan trọng hơn, vụ việc này có ý nghĩa cảnh báo về quy trình làm việc thiếu chuyên nghiệp lâu nay của giới hoạt động giải trí trong nước.

Mới đây, trong một cuộc họp báo ra mắt MV mới, một nữ ca sĩ đã có nhiều năm đi hát kể rất “hồn nhiên” về việc đã thay đổi tên bài hát như thế nào. Còn tác giả ca khúc cũng xác nhận ngay chỉ đến khi bài hát của mình được quay MV anh mới biết điều đó. Cả ca sĩ và nhạc sĩ đều coi đây như… chuyện vui!

Qua đây có thể thấy rất nhiều ca sĩ còn ứng xử rất lơ mơ về chuyện bản quyền, dễ tự tiện dùng tác phẩm của người khác theo… ý thích.

Ca sĩ Noo Phước Thịnh – Ảnh: NVCC

Không thể cứ nhìn nhau cười trừ

Lâu nay ở Việt Nam, hầu như ca sĩ tự đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của họ. Nếu có công ty đại diện thì thường cũng do ca sĩ lập lên, đứng tên.

Đạo diễn cho mỗi MV, sản phẩm âm nhạc thực chất chỉ làm theo yêu cầu, đặt hàng; nếu không có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ và có tính pháp lý cao thì khi MV hay sản phẩm âm nhạc đó được duyệt, đồng nghĩa với việc đạo diễn, êkip thực hiện hết trách nhiệm. Nhiều khi chính ca sĩ không biết sản phẩm của mình có vi phạm, cho đến khi bị… tố.

Trước Noo Phước Thịnh, MV Sống xa anh chẳng dễ dàng của Bảo Anh cũng đứng trước nguy cơ bị xóa khi đưa vào hai đoạn nhạc của tác giả Ivan Torrent. Nhờ nhanh chóng bổ sung lời cảm ơn đến tác giả dưới phần thông tin MV mà Công ty Epic Elite và nhạc sĩ không kiện, chỉ lấy tiền bản quyền giá trị 100 triệu đồng.

Cả hai MV của Bảo Anh và Noo Phước Thịnh đều do đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư dàn dựng. Cũng liên quan đến quy tắc quốc tế, hồi tháng 9-2014, làng nhạc Việt đã từng chứng kiến MV Em của ngày hôm qua của ca sĩ Sơn Tùng M-TP biến mất khỏi YouTube vì nghi vấn đạo nhái sản phẩm Every night của nhóm nhạc EXID (Hàn Quốc), dù một ngày sau đó xuất hiện trở lại.

Về vụ kiện từ phía nhạc sĩ và công ty Mỹ, quản lý của Noo Phước Thịnh, anh Lê Tuấn Khanh cho biết ca sĩ cùng ê kíp đã giao toàn quyền giải quyết vụ việc cho luật sư. Khi có ý kiến của luật sư, phía Noo Phước Thịnh sẽ thông báo rộng rãi.

Anh nói thêm, đoạn nhạc được nhạc sĩ Zack Hemsey đề cập nằm ngoài bài hát gốc do nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ sáng tác. Đạo diễn MV Đinh Hà Uyên Thư đưa đoạn đó vào MV, phía Noo Phước Thịnh cùng ê kíp cũng đang làm việc với đạo diễn MV về sự viện trên.

Nhạc sĩ Dương Cầm

Xung quanh câu chuyện này, nhạc sĩ Dương Cầm nhìn nhận: “Khi các ca sĩ có sản phẩm âm nhạc đạt hàng chục triệu lượt xem, lượt nghe thì việc bị soi là đương nhiên. Một MV bây giờ dù chỉ sử dụng một đoạn ngắn không phép cũng dễ bị phát hiện.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc như bị kiện thì chỉ còn cách mua hoặc được cấp phép sử dụng. Giá mua không đắt đâu.

Còn không muốn mua từ bên ngoài, có thể nhờ chính nhạc sĩ hòa âm hay tác giả trong nước của ca khúc đó viết thêm. Nếu có kiện tụng thì trách nhiệm cuối cùng cũng nên quy về một mối là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất, phát hành sản phẩm âm nhạc đó”.

Quả vậy, sân chơi toàn cầu đã mở rộng từ lâu, đã đến lúc không thể “mất bò mới lo làm chuồng”, cứ “mình thích thì mình làm” với cách hành xử bó hẹp kiểu “bên bờ ao nhà mình” được nữa.

Nhạc sĩ Quốc Trung:

Nghệ sĩ đích thực không cóp nhặt

Nhạc số phát triển chỉ giúp phát hiện các hành vi đạo nhạc dễ và nhiều hơn thôi, thời nào chả có. Thường những nghệ sĩ trẻ chưa có bản lĩnh, chưa đủ kỹ năng và tài năng mà mong muốn thành công nhanh sẽ dễ rơi vào những lỗi như vậy.

Họ thường mượn nhạc nền để viết bài hát, hay dùng những vòng hòa thanh từ đâu đó. Nó là bệ đỡ dễ dàng cho người mới vào nghề nhưng lại là cái “bẫy” vô tình hay cố ý lặp lại những thứ của người khác. Nếu dùng nhạc nền mà lại giống cả giai điệu nữa thì khó thoát vi phạm bản quyền được.

Việc đưa MV lên YouTube chưa thể gọi là hội nhập âm nhạc với thế giới, chỉ là một cách kết nối với bên ngoài thôi. Đó cũng là cơ hội cho thấy âm nhạc của chúng ta vẫn lạc hậu và cách biệt với thế giới như thế nào.

Trong xã hội mà vi phạm bản quyền vẫn tràn lan như ở Việt Nam thì chẳng ai biết sợ gì cả. Những người nghệ sĩ đích thực là những người cần phải có ý thức và trách nhiệm cao nhất về những sáng tạo của mình. Làm nghệ thuật tức là làm sáng tạo, mà đi cóp nhặt đâu đó thì rõ ràng không thể gọi là nghệ sĩ đích thực được.

Theo tuoitre.vn