Nhận được 4 giải thưởng lớn cho bộ phim Chị Dâu tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ III 2025 (DANAFF III), đạo diễn Khương Ngọc đã nỗ lực thành công trong việc sản xuất một bộ phim vừa mang tính thương mại nhưng vẫn đảm bảo tính nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công vang dội ấy, nam đạo diễn đã có những chia sẻ về dự án khắc họa tình cảm gia đình ba thế hệ với đầy đủ các cung bậc tình cảm, đặc biệt, là sự hy sinh của người bà dành cho cháu có tên gọi Cục Vàng Của Ngoại đang thực hiện. 

Gặt hái nhiều thành công từ Chị Dâu, Khương Ngọc tiếp tục với dòng phim nói về tình cảm gia đình – Cục Vàng Của Ngoại. Đây có phải định hướng của anh? 

Chúng ta tạm thời không mở đầu về định hướng, tôi muốn chia sẻ về con người mang tên Khương Ngọc, bản thân tôi với khán giả. Khi bắt đầu một điều gì đó, tôi ưu tiên lựa chọn cảm xúc. Chính những cảm xúc nội tại đã nuôi dưỡng tôi từng bước trưởng thành hơn với nghề nên mình chưa bao giờ có suy nghĩ ép bản thân đóng khung vào một hướng nhất định nào. Tôi quan tâm mình đã làm được những gì, đạt được mốc thành công như thế nào chứ không phải cứ chăm bám vào một hướng rồi đến khi mọi thứ thay đổi thì mình đổ lỗi hay sao? Cho nên mình không có nói về “hướng đi”mà ở hiện tại, mình nói đến việc sản phẩm của mình mang lại xúc cảm gì cho khán giả.

Chính vì quan tâm đến sự rung động của khán giả và lắng nghe cảm xúc để xây dựng con đường của mình nên khi nhận được tình cảm của khán giả dành cho Chị Dâu, tôi càng tự tin hơn phát triển những ấp ủ về dự án tôn vinh giá trị cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nhất là tình cảm bà dành cho cháu – một thứ tình cảm chưa từng trở thành nhân vật chính trong điện ảnh Việt. Từ mạch cảm xúc ấy, Cục Vàng Của Ngoại ra đời, gói ghém những điều mộc mạc, dung dị, ký ức ngày thơ mà bất kỳ ai cũng cất trữ trong tâm hồn. Một ký ức không chứa đựng lời nói diễn giải, màu mè, không đòi hỏi quyền lợi nào của người phụ nữ đầy bao dung, hy sinh cả cuộc đời mình dành cho thế hệ kế thừa.

Tại sao mình lựa hai từ “cục vàng” để thể hiện tình yêu thương cho dự án lần này?

Thật lòng mà nói, tôi là một người vô tâm. Tôi cứ mượn lý do công việc hiện nay của mình chiếm thời gian quá nhiều nên những cuộc điện thoại gọi về cho mẹ dần thưa đi, vì thế tôi muốn làm sản phẩm này để dành tặng cho mẹ mình. Bà hiện nay cũng đang là người phụ nữ giữ trọng trách vừa làm bà, vừa làm cha và đôi khi cũng vừa là mẹ chăm sóc các cháu từng ngày vững bước hơn mà không một lời than vãn. Tôi đã từng là ‘cục vàng’ của mẹ. Giờ đây, cháu chính là tài sản quý giá của bà mà không ai có thể đánh đổi, cân đo đong đếm được nên “cục vàng” chính là từ ngữ thể hiện rất nhiều hàm ý, thân thuộc, mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng có sức nặng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Lý do thứ 2 cũng không kém phần quan trọng, mảnh đất Sài Gòn là nơi đã giúp cái tên Khương Ngọc thành danh trong lòng của khán giả nên nơi đây giống như người mẹ thứ 2 đã nuôi lớn tôi. Vì vậy, bộ phim điện ảnh Cục Vàng Của Ngoại sẽ bày biện tất cả những gì quý giá nhất trong ký ức mà mình có được để gửi đến khán giả mộ điệu.

Ký ức của Khương Ngọc về bà là gì?

Lấy bản thân tôi ra làm tham chiếu, cùng với câu nói của ông cha ta để lại bao đời nay “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, nghe có đôi chút phiến diện, áp đặt nhưng thật sự nó rất đúng. Bà của tôi là một người rất thương cháu, luôn bênh vực, đứng về phía cháu, thậm chí can thiệp vào chuyện dạy con. Vì vậy, đối với tôi, bà là một người rất quyền lực cùng việc ‘được cho tiền’, thậm chí ‘cho rất nhiều tiền’ xuyên suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến khi trưởng thành nên cứ nhắc đến bà tôi không thể không nói đến điều hạnh phúc này.

Mỗi người đều có một miền ký ức tuổi thơ về người mình yêu thương khác nhau nên tôi muốn gửi đến khán giả những hình ảnh thân thuộc, ngóc ngách tâm tư của người bà vụng về trong việc thể hiện tình cảm với cháu nhưng thầm lặng hy sinh thời gian, sức lực và cả những niềm vui của bản thân cho con cháu. Hay, người bà không lý lẽ, áp đặt, mặc định đó là những điều tốt mà cháu mình phải có…. Tôi đã đem những hình ảnh thân thuộc, gần gũi, những ngóc ngách cảm xúc của một người bà Việt Nam gửi gắm vào dự án diện ảnh Cục Vàng Của Ngoại.

Và bộ phim với nhiều sự dồn nén tâm tư tình cảm để khán giả có thể vỡ òa trong nước mắt?

Bộ phim lần này không chỉ là một câu chuyện, mà nó còn là một hành trình đi tìm lại ký ức của những đứa cháu từng sống trong vòng tay người bà. Khán giả không ‘xem’ mà là ‘trải nghiệm’ – sống trong không khí của một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn, nơi chất chứa tình yêu, mâu thuẫn, trưởng thành và cả những biến cố của các nhân vật trong xã hội thu nhỏ này. Đó là thế giới mà tôi muốn kể lại, thế giới mà mỗi người chúng ta đều đã từng đi qua hoặc đang sống trong đó.

Những ký ức được khơi gợi lại thông qua hình ảnh những ngôi nhà trong những con hẻm nhỏ, từng chiếc bàn, chiếc ghế, chiếc xe cà phê, tiếng rao hàng, tiếng la mắng, cãi nhau…, khán giả hòa chung vào đời sống sinh hoạt, trở thành nhân chứng đi qua những đổi thay của cuộc đời nhân vật. Cảm xúc sẽ đến với khán giả một cách tự nhiên nhất, nước mắt có rơi thì chính là khán giả đang sống trọn với những điều mà tôi muốn truyền tải. Đặc biệt, bộ phim cũng được dự kiến khởi chiếu vào dịp Lễ 20/10, ngày tôn vinh Phụ nữ Việt Nam. Tôi tin chắc rằng, qua từng khung hình, câu chuyện trong Cục Vàng Của Ngoại được truyền tải khán giả không chỉ thấy thấp thoáng hình bóng của những số phận người phụ nữ xung quanh mà cả chính mình ở trong cuộc đời của các nhân vật.

Cục Vàng Của Ngoại thuộc thể loại tâm lý gia đình, xoay quanh mối quan hệ 3 thế hệ: Bà – Mẹ – Cháu, nhất là khai thác sâu tình cảm bà – cháu nhằm tôn vinh giá trị cao đẹp, không ngại hy sinh bản thân của người phụ nữ Việt. Phim điện ảnh Cục Vàng Của Ngoại dự kiến khởi chiếu tại tất cả các cụm rạp trên toàn quốc vào 24 tháng 10 năm 2025.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here