Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Cân bằng cuộc sống và công việc thời điểm gần tết; Về quê ăn Tết – Nét đặc trưng trong văn hóa người Việt; Để trẻ em cảm nhận trọn vẹn hơn về tết.

Cân bằng cuộc sống và công việc thời điểm gần tết

Tết Nguyên Đán là Tết đầu tiên của năm và là lễ hội lớn nhất trong truyền thống của người Việt. Gần Tết là thời điểm nhiều việc hơn mức bình thường, nếu chúng ta không biết cách cân bằng hợp lý sẽ dẫn đến vấn đề công việc, gia đình, việc nhà bị xáo trộn và ảnh hướng đến sức khỏe và các mối quan hệ xung quanh.

Anh Nguyễn Minh Hiếu (tỉnh Hậu Giang) chia sẻ: “Cuối năm công việc, hồ sơ tồn đọng rất nhiều, và làm sao phải đạt KPI trước Tết”. Chị Nguyễn Hồng Lệ (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Thông thường thời gian làm việc của tôi là theo giờ hành chính. Thời điểm cận Tết tôi phải thường xuyên tăng ca để xử lý hồ sơ, bàn giao hồ sơ, có những ngày hơn 20 giờ tôi mới về tới nhà, có khi phải mang việc về nhà”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn San (Phó trưởng khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Bàng, TP.HCM) chia sẻ: “Cuối năm thường có nhiều công việc ở cơ quan cũng như công ty. Và cũng là thời điểm cần chuẩn bị tiền để sắm sửa, trang hoàng. Tất cả công việc và tài chính gây ra áp lực rất lớn, đặc biệt là người đã có gia đình, người chưa có kỹ năng cân bằng giữa công việc và gia đình, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần”.

Thạc sĩ Trần Hải Nguyên – Chuyên gia Kỹ năng sống chia sẻ: “Cách giúp giảm áp lực công việc và mối quan hệ công việc và gia đình, thứ nhất, sắp xếp lại công việc. Thứ hai, chủ động và phân tích và sắp xếp các hoạt động chuẩn bị tết, thứ ba, xử lý hài hòa giữa công việc và gia đình”.

Thời điểm gần Tết là thời điểm rất bận rộn, nhưng nếu biết cách sắp xếp cân bằng, nghỉ ngơi hợp lý, chúng ta sẽ có năng lượng hoàn thành công việc. Hãy tự tin vượt qua vì phía trước mùa xuân tươi vui đang chào đón.

Về quê ăn Tết – Nét đặc trưng trong văn hóa người Việt

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng ta lại cùng hòa mình vào không khí rộn ràng, đầm ấm những ngày đầu năm mới. Tết không chỉ là dịp để đón chào mùa Xuân, mà còn là lúc để nhiều người về quê đoàn tụ cùng gia đình, nhớ lại truyền thống được lưu giữ qua bao thế hệ. Về quê ăn Tết không chỉ là thói quen, mà là biểu tượng của tình yêu quê hương, sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình và cộng đồng.

Chị Nguyễn Như Thảo (Quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi tranh thủ về quê để cùng gia đình dọn dẹp, đi chợ sắm Tết, chuẩn bị mâm cúng, cùng gia đình, ông bà, cha mẹ ôn lại những kỉ niệm xưa”.

Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh (Trường Khoa xã hội học, Trường Đại học KHXH – Nhân Văn, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Tết là một trong những nét văn hóa của người Việt dù ở bất cứ đâu. Tết là thời điểm tất cả mọi người cùng hướng về gia đình, quê hương, nơi mà ta sinh ra, có gia đình ở đó. Vì vậy việc duy trì nét văn hóa “Về quê ăn Tết” vẫn được duy trì đến ngày nay. Nhất là những người dân sống thành thị luôn phải tất bật với công việc, rất trân quý dịp Tết này, tận dụng và tranh thủ cơ hội để được về với gia đình ấm áp”.

Giáo sư – TSKH Trần Ngọc Thêm (Giảng viên cao cấp, Trường Đại học KHXH – Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Người Việt Nam truyền thống là rất ít đi xa, thời xưa, mọi người sum họp với nhau ở quê. Sau này, những người đi xa ngày càng nhiều, vì vậy cho nên xu hướng về quê ngày tết rất được ưa chuộng và là điều ưu tiên hàng đầu. Tuy vậy, việc về quê ăn tết cũng có rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, vé tàu, vé xe ngày Tết không đơn giản và giá vé leo thang. Thứ 2, tốn kém nhiều hơn ngày thường. Thứ ba, phải chuẩn bị kỹ về kinh tế”.

Về quê ăn Tết không chỉ là phong tục truyền thống, mà còn là cách để người Việt thể hiện lòng yêu thương và kết nối với cội nguồn, là cơ hội để con cháu tưởng nhớ và tôn vinh gia đình, cội nguồn. Giữ gìn những giá trị văn hóa quý báu. Những nét đẹp này vẫn luôn tồn tại góp phần làm nên vẻ đẹp trong văn hóa dân tộc Việt Nam.

Để trẻ em cảm nhận trọn vẹn hơn về Tết

Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, đây là dịp cả gia đình quây quần bên nhau sau một năm làm việc học tập, mà còn là dịp con cháu thể hiện sự tôn kính, biết ơn ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Ngày nay cuộc sống hiện đại, khiến cái Tết khác đi ít nhiều so với tết của các thế hệ đi trước. Song đây cũng là cơ hội quý báu để ta giúp con trẻ hiểu và trân trọng những giá trị đặc biệt của ngày Tết.

Em Nguyễn Song Miên Khánh (Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, TP.HCM) chia sẻ: “Con rất thích Tết, bởi vì con được ăn bánh kẹo, được lì xì và được đi chơi với bạn”. Em Nguyễn Hoàng Minh Thư (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) chia sẻ: “Tết em được về quê chơi với ông bà và được gặp anh chị ở nhà”.

Chị Nguyễn Thị Hiểu (tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Mình sẽ cùng con trang trí nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ, gói bánh tét bánh chưng, để con nhớ về tuổi thơ và nét truyền thống của Việt Nam”.

Anh Trần Ngọc Trung (TP.HCM) chia sẻ: “Vợ chồng mình sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, thời gian dành cho con cũng rất hạn chế. Dịp Tết là dịp vợ chồng chơi với con nhiều hơn, dạy còn nhiều điều hơn về văn hóa ngày Tết”.

Thạc sĩ Hoàng Thùy Nguyên – quản lý CLB Truyền Thông Nhí chia sẻ: “Ngày nay không khí hào hứng ngày Tết vẫn còn nguyên đối với trẻ em. Nhắc tới Tết các bé rất háo hức, bởi vì Tết là ngày mà được nghỉ học dài ngày, được ăn bánh kẹo, được nhận lì xì, được đi thăm ông bà, được đi chơi, được hòa vào không khí tết cùng với ba mẹ,.… Tuy vậy, có một số bé không cảm thấy quá khác biệt giữa ngày Tết và ngày thường vì có những thiết bị hiện đại : Tivi, máy tính, điện thoại,…”.

Thạc sĩ Trương Văn Minh (Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, TP.HCM) chia sẻ: “Riêng đối với trẻ em, dịp Tết Nguyên Đán này là khoảng thời gian để học hỏi từ cha mẹ, ông bà, người thân trong gia đình, cộng đồng. Và điều đó góp phần rất lớn trong việc hình thành kí ức cá nhân. Kí ức tốt giúp trẻ phát triển tốt hơn về nhận thức và thái độ. Có thể nói rằng nhận thức về ngày Tết là phần quan trọng hình thành nhân cách con trẻ. Trẻ em hưởng Tết, chơi Tết và trải nghiệm Tết thông qua những bài học, câu chuyện của người lớn, giúp các em rút ngắn khoảng cách giữa Tết truyền thống và tết hiện đại”.

Tết Nguyên đán là thời khắc thiêng liêng, vì thế trẻ thơ cần phải hiểu ý nghĩa về ngày Tết, được chia sẻ và tận hưởng những phút giây tuyệt vời đó. Gia đình và cha mẹ đóng vai trò quan trọng, giúp gieo vào tâm hồn các con chứ Tết thật đẹp, từ đó biết yêu quý và giữ gìn nét đẹp văn hóa của cha ông.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here