Bức xúc vì phía Đông Tây Promotion dùng bài hát “Mối tình không tên” trong gameshow không xin phép, cũng không phản hồi khi nhận được email nhắc nhở, ca sĩ Đình Nguyễn quyết định khởi kiện.

Trao đổi với phóng viên trong cuộc gặp gỡ vào ngày 20.05.2024, ca sĩ Đình Nguyễn cho biết luật sư bên anh vừa hoàn tất đơn khởi kiện Đông Tây Promotion lên Tòa án Nhân dân Q.3, TP. HCM, về việc Đông Tây Promotion tự ý sử dụng bài hát “Mối tình không tên” trong gameshow “Ca sĩ bí ẩn” mà không xin phép, cũng không phản hồi sau khi anh gửi email nhắc nhở.

Tự ý dùng bài hát đã được mua độc quyền như đúng rồi

Chia sẻ chi tiết về vụ việc, ca sĩ Đình Nguyễn cho biết anh mua độc quyền bài hát “Mối tình không tên” từ nhạc sĩ Lê Chí Trung từ tháng 09.2023, thời hạn 02 năm, bao gồm quyền ghi âm, biểu diễn và các hình thức sử dụng khác như nhạc chuông, nhạc chờ… Sau khi ra mắt, “Mối tình không tên” nhanh chóng trở thành bài hit, riêng MV bài hát này của nhạc sĩ Đình Nguyễn đã đạt hơn triệu lượt view, tính đến thời điểm hiện tại.

ca sĩ Đình Nguyễn cho biết anh mua độc quyền bài hát “Mối tình không tên” từ nhạc sĩ Lê Chí Trung từ tháng 09.2023

“Vì là bài hit, nhiều người yêu thích nên được các ca sĩ khác cover (hát lại) cũng là điều dễ hiểu. Nhưng điều tôi cần là một lời xin phép và được sự đồng ý của tôi trước khi biểu diễn. Hoặc nếu có sơ sót chưa kịp xin phép, khi nhận email nhắc nhở từ phía tôi, bên vi phạm cũng nên tỏ thiện ý sửa sai. Nhưng phía Đông Tây Promotion lại hành xử rất thiếu chuyên nghiệp và kém văn minh”, Đình Nguyễn bày tỏ.

Cụ thể, Đông Tây Promotion đã tự ý dùng bài hát “Mối tình không tên” mà chưa xin phép ca sĩ Đình Nguyễn trong gameshow “Ca sĩ bí ẩn”, và sau đó phát lại trên kênh Youtube của chính đơn vị chủ quản này. Ngay sau khi phát hiện sai phạm, ca sĩ Đình Nguyễn đã lập vi bằng vào ngày 02.05 và gửi email thông báo cho Đông Tây Promotion vào ngày 03.05, nhưng phía Đông Tây Promotion không phản hồi. Tiếp theo, ca sĩ Đình Nguyễn liên hệ Youtube để báo cáo vi phạm bản quyền trường hợp này. Sau khi xác mình, phía Youtube đã gỡ bỏ bài hát này trong gameshow “Ca sĩ bí ẩn” ra khỏi nền tảng của kênh.

Sau động thái này của Đình Nguyễn, phía Đông Tây Promotion đã nhờ bên thứ ba liên hệ anh để xin gỡ bỏ vi phạm cho bài hát xuất hiện trở lại. “Họ nhờ bên thứ ba nhắn cho tôi một tin nhắn hời hợt, không gặp tôi trực tiếp để xin lỗi hay trao đổi thêm. Nhận thấy họ không có thành ý nhận sai và xử lý sự việc theo hướng thiện chí, tôi quyết định khởi kiện để lấy lại sự công bằng cho mình”, Đình Nguyễn cho biết.

Showbiz Việt: Bao giờ thôi hết “dùng chùa”?

Trường hợp tranh chấp hoặc phải đi kiện để đòi lại sự tôn trọng, công bằng và quyền lợi chính đáng của mình như ca sĩ Đình Nguyễn vốn không hiếm trong showbiz Việt. Điển hình trong năm 2023, nhạc sĩ Đỗ Hiếu từng tuyên bố Noo Phước Thịnh không được phép biểu diễn các ca khúc đã hết thời hạn mua bản quyền mà không gia hạn của anh. Cũng trong năm này, ông Lý Hoàng Tuấn – quản lý của ca sĩ Đan Trường – cũng khởi kiện 3 ca sĩ là Thái Trinh, Bằng Cường và Dương Edward, vì sử dụng bài hát thuộc HT Productions mà chưa xin phép. Ước tính trong năm 2022, Việt Nam có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số, gây ra thiệt hại 348 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng).

Vi Bằng của sự việc

Với riêng trường hợp ca sĩ Đình Nguyễn, trước Đông Tây Promotion, các phòng trà cũng hay “dùng chùa” ca khúc “Mối tình không tên” của anh. “Sau khi tôi gửi mail nhắc nhở, họ đều xin lỗi và ngỏ ý bồi thường thiệt hại, nhưng tôi chưa bao giờ lấy tiền của bất cứ ai. Anh em trong nghề với nhau, chủ yếu là sự tôn trọng và chia sẻ, chỉ cần đôi bên có thành ý, mọi chuyện đều có thể giải quyết êm đẹp. Nhưng Đông Tây Promotion chỉ phản hồi tôi bằng sự im lặng khó hiểu và không có động thái nào cho thấy họ muốn ngồi xuống nói chuyện cùng nhau. Tôi không thích kiện tụng nhưng phải làm mạnh tay để các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là những công ty lớn và có tiếng nói trong ngành, cần phải học cách tôn trọng bản quyền. Không thể thích thì làm và xem thường những ca sĩ mới vào nghề. Mỗi tác phẩm đều là sự đầu tư chất xám, thời gian và cả tình cảm, tâm huyết… của người nhạc sĩ lẫn ca sĩ. Dù là ca sĩ hạng A hay hạng B, lâu năm hay mới vào nghề, chúng tôi đều cần được đối xử công bằng và tôn trọng. Nếu tôi không giải quyết dứt điểm, những chuyện thế này sẽ còn lặp lại và rất thiệt thòi cho những ca sĩ trẻ”, Đình Nguyễn cho hay.

Đơn Khởi Kiện của ca sĩ Đình Nguyễn

Trong đơn khởi kiện, Đình Nguyễn cũng nêu rõ anh cần Đông Tây Promotion xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại và nếu muốn mở lại bài hát “Mối tình không tên” trên kênh Youtube của đơn vị chủ quản, họ cần mua tác quyền theo giá thỏa thuận. Theo Đình Nguyễn, không chỉ Đông Tây Promotion mà cả đơn vị cấp phép cho gameshow “Ca sĩ bí ẩn” cũng sai sót vì xem nhẹ bản quyền. “Từ khi “Mối tình không tên” trở thành bài hit đến nay, tôi đã báo cáo lên Youtube hơn 300 đơn vị vi phạm bản quyền. Nhưng nếu người vi phạm xin lỗi đàng hoàng, tôi sẵn sàng gỡ bỏ lệnh. Các ca sĩ lớn như Trung Quân, Quốc Thiên khi cover “Mối tình không tên” đều liên hệ tôi trước, khi đăng cũng dẫn lại link gốc và tên tôi đàng hoàng. Cư xử như vậy mới là văn minh và tôi luôn sẵn lòng chia sẻ cho những ai có tâm và đạo đức nghề nghiệp. Showbiz Việt cần mạnh tay hơn với những trường hợp vi phạm bản quyền để những ca sĩ chân chính có thể yên tâm cống hiến hết mình cho những tác phẩm hay”, Đình Nguyễn đúc kết.

Doanh nhân – nhạc sĩ – ca sĩ Đình Nguyễn hoạt động tích cực trong lĩnh vực kinh doanh nhiều năm qua và đạt được những thành tựu nhất định. Sau khi làm Tổng quản lý cho Tập đoàn Changhum vào năm 2008, anh thành lập công ty riêng vào năm 2010 và hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, xuất nhập khẩu, xây dựng, khách sạn và nhà hàng.

Năm 2022, anh thành lập Công ty Truyền thông TTV có trụ sở tại tòa nhà Bitexco, Q. 1, Tp. HCM, để thỏa mãn đam mê được cống hiến cho nghệ thuật và làm nghề một cách chân chính bằng tất cả nhiệt huyết.

Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT), tổ chức hoặc cá nhân nào có hành vi xâm phạm đến quyền SHTT nói chung và quyền “độc quyền bài hát” nói riêng, tùy vào tính chất và mức độ xâm phạm, mà có thể bị xử lý bằng các biện pháp hành chính, hình sự, dân sự.

– Xử lý bằng biện pháp hành chính: Các cá nhân, tổ chức nào có hành vi hành chính “vi phạm độc quyền bài hát” thì có thể bị xử phạt với mức tiền phạt tối đa đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Họ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả.

– Xử lý bằng biện pháp hình sự: Theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, nếu một cá nhân không được phép của chủ thể quyền tác giả mà lại cố ý sao chép tác phẩm hoặc phân phối đến công chúng bản sao của tác phẩm, xâm phạm đến quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.