Trong tập 85 chương trình Kính Đa Chiều, đạo diễn Lê Hoàng và cựu danh thủ Hồng Sơn bày tỏ quan điểm huấn luyện viên ngoại “nhỉnh” hơn huấn luyện viên nội khi dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Mở đầu chương trình Kính Đa Chiều, cựu danh thủ Hồng Sơn tiết lộ có sự khác nhau khi huấn luyện viên ngoại và huấn luyện viên nội khi dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam. Với những kinh nghiệm thi đấu từng có, cựu danh thủ ủng hộ huấn luyện viên ngoại quốc dẫn đường cho bóng đá Việt vì có độ uy tín, tôn trọng và chắc chắn.

Từ thời điểm cựu tiền vệ Hồng Sơn thi đấu thì huấn luyện viên ngoại quốc đã chỉ dẫn đội tuyển bóng đá Việt Nam. Cụ thể vào giai đoạn năm 1991 – 1993, huấn luyện viên nội nắm vai trò chỉ dẫn đội tuyển bóng đá nhưng đến năm 1994 thì đội tuyển do HLV Tavares nắm chính. Sau đó đến HLV Weigang dẫn dẫn bóng đá Việt vào năm 1995 – 1996. Năm 1997, vai trò huấn luyện viên trưởng do HLV Colin-murphy đảm nhiệm. Năm 1998 thuộc về HLV Alfred Riedl và về sau do HLV Calisto thay thế.

Đan xen sự dẫn dắt của huấn luyện viên ngoại quốc là những huấn luyện viên nội như HLV Hữu Thắng, Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn. Tuy nhiên, cựu danh thủ Hồng Sơn bày tỏ quan điểm ủng hộ huấn luyện ngoại cầm quân đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề về việc sử dụng huấn luyện viên ngoại vì các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines đều mời HLV ngoại quốc để huấn luyện cho đội tuyển. Nhìn chung, bóng đá khu vực Đông Nam Á, châu Á đều dùng huấn luyện viên nước ngoài.

Cựu tiền vệ Hồng Sơn đồng tình: “Huấn luyện viên ngoại có trình độ và cách tiếp cận bóng đá thế giới thì chắc chắn nhỉnh hơn huấn luyện viên nội. Kể cả kinh nghiệm của những năm tháng cầm quân thì cũng có phần tốt hơn huấn luyện viên nội, chúng ta phải thừa nhận với nhau như vậy”.

Clip Cựu danh thủ Hồng Sơn ủng hộ huấn luyện viên ngoại quốc dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam: https://youtu.be/Lxn1-igB1qM

Đạo diễn Lê Hoàng lấy ví dụ Sir Alex Ferguson làm huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá MU suốt hơn 10 năm và tạo nên dấu ấn đặc biệt. Trong khi nhiều huấn luyện viên hiện nay không đủ thời gian như vậy, chẳng hạn như HLV Ten Hag đang cầm quân đội tuyển Manchester. “Theo tôi nghĩ chúng ta không thể có một huấn luyện viên năng lực để xây dựng triết lý bóng đá chỉ trong 1 – 2 năm”, host chương trình Kính Đa Chiều bày tỏ.

Cựu tiền vệ Hồng Sơn khẳng định triết lý bóng đá phải nhắc đến lối chơi kiểm soát bóng và sự kết hợp giữa những cầu thủ kỳ cựu và cầu thủ trẻ. “Người giỏi là người biết điều chỉnh, uốn nắn dù là ngôi sao hay thế hệ trẻ vào tập thể”, cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 1998 cho biết.

Lý thuyết là vậy nhưng cựu danh thủ Hồng Sơn cho rằng để thực hiện được như thế thì chẳng dễ dàng. Hồng Sơn từng có giai đoạn làm huấn luyện viên cho đội tuyển bóng đá Viettel, U20, U19 nên anh biết rằng dẫn dắt đội bóng là một điều rất khó. Cựu tiền vệ Hồng Sơn giải thích thành tích vàng của đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo do hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mới tạo nên thành quả như vậy.

Đạo diễn Lê Hoàng đặt câu hỏi nếu cựu danh thủ Hồng Sơn đảm nhận vai trò huấn luyện đội tuyển bóng đá Việt Nam thì sẽ thiên về cầu thủ trẻ hay cầu thủ kỳ cựu? Cựu danh thủ Hồng Sơn cho biết anh sẽ kết hợp hài hòa giữa những “viên gạch” gạo cội để tạo thành “nền móng” vững chắc cùng những thế hệ cầu thủ trẻ sau này. Sự có mặt của những cầu thủ kỳ cựu trong không chỉ “lèo lái” về chuyên môn mà còn động viên tinh thần của các cầu thủ trẻ.

Host chương trình Kính Đa Chiều đồng quan điểm khi lấy dẫn chứng về cầu thủ Ronaldo tuy đã 38 tuổi nhưng vẫn là đội trưởng đội tuyển Bồ Đào Nha hay Messi dù nhiều lần tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia nhưng vẫn được động viên trở lại đội tuyển Argentina. Đạo diễn Lê Hoàng giải thích vì có những cầu thủ kỳ cựu ấy trong đội góp phần tăng ý chí sức mạnh cho đồng đội và khiến đối thủ phải e dè. Dù đôi khi những cầu thủ kỳ cựu chẳng sút bóng nhiều lần nhưng khiến tinh thần đội tuyển dâng cao cũng như tiếp thêm động lực hưng phấn cho đồng đội.

Cựu danh thủ Hồng Sơn cho biết nếu làm huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam thì sẽ tận dụng những ngôi sao bóng đá để mang lại nhiều hiệu quả về mặt thành tích, kinh tế lẫn truyền thông như những bài học rút ra từ bóng đá thế giới. Theo Hồng Sơn, những cầu thủ kỳ cựu cũng là cánh tay phải đắc lực của ban huấn luyện khi làm cầu nối, truyền đạt lời của huấn luyện viên đến các cầu thủ.

Đạo diễn Lê Hoàng đồng tình và dùng cụm từ “phòng thay đồ” để chỉ mối liên hệ giữa các thành viên trong đội tuyển với ban huấn luyện. Vì đây là nơi các cầu thủ nói chuyện với nhau mà không có mặt của huấn luyện viên. Nam đạo diễn cho rằng nếu huấn luyện viên bị tẩy chay trong “phòng thay đồ” thì rất nguy hiểm và có thể thất bại trên sân cỏ.

Cuối chương trình Kính Đa Chiều, đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục đặt câu hỏi hóc búa dành cho cựu danh thủ Hồng Sơn rằng: “Nếu ngày mai cựu tiền vệ Hồng Sơn được bầu làm huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam thì anh có nhận vị trí này hay không?” Hồng Sơn khiêm tốn trả lời: “Tôi sẽ nhường quyết định này cho các đồng nghiệp của tôi”.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Kịch thiếu nhi với sự tham gia của host Minh Đức và đạo diễn Đình Toàn sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 15/5 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.