(SaoZone,.net) – Sau khi ra mắt, bộ phim Rừng Thế Mạng vinh dự nhận phản hồi tích cực từ báo chí và khán giả. Trong đó, phần hóa trang cũng là một khâu rất được quan tâm, khi đã tạo cho Huỳnh Thanh Trực vẻ ngoài đầy thương tích của một người bị lạc rừng, và khoác cho tài tử điển trai Trần Phong một khuôn mặt giòi bọ gây ám ảnh.
Ba nhân vật cần nhiều hóa trang nhiều trong phim là Kiên (Huỳnh Thanh Trực), Bách (Trần Phong) và chàng trai bí ẩn (Hưng Võ). Với Kiên, quá trình hóa trang thể hiện hoàn cảnh của nhân vật khi bị lạc. Theo diễn biến, nhân vật sẽ xuất hiện các vết trầy xước, vết máu, vết thương, vết bầm, vết sưng, rồi sắc mặt ngày càng tiều tụy.
Chuyên gia hóa trang Tony Nguyễn Art cố gắng thể hiện những vết thương theo đúng theo thực tế của một người bị thương trong rừng sâu. “Điều khó khăn với tôi là thể hiện sự chân thực của vết thương. Khi mới bị, nó sẽ là máu tươi nhưng khi qua vài ngày hoặc vài tiếng sau, vết máu và vết bầm sẽ đổi màu ngay”, anh nói.
Trần Phong là diễn viên tốn nhiều thời gian nhất để hóa trang. Trong phân cảnh kịch tính khi Bách mang “khuôn mặt giòi bọ” xuất hiện trước Kiên, đạo diễn Trần Hữu Tấn yêu cầu phần hóa trang phải đủ để gây ám ảnh cho người xem. “Ban đầu, tôi làm một gương mặt bị phân hủy, sau đó làm những lỗ sâu, bị giòi bọ khoét sâu vào khuôn mặt này, Rồi sẽ có những cái cây khô, rong rêu bám vào mặt Trần Phong”, anh Tony giải thích.
Về công đoạn gắn sâu lên mặt diễn viên, chuyên gia hóa trang sử dụng loại sâu cho chim ăn, vốn lành tính và không có độc. Anh Tony chia sẻ: “Trước khi để sâu lên mặt Trần Phong, tôi có những lớp bảo vệ da mặt cho diễn viên. Nên cho dù sâu bò hay ngoe nguẩy thế nào thì cũng không đụng vào da mặt, không làm diễn viên nhột và khó chịu”.
Một cảnh khác mà Trần Phong mang khuôn mặt chết chóc mất đến hơn ba giờ thực hiện. Diễn viên được đắp một lớp silicon, sau đó chuyên gia sẽ lên màu sao cho giống da bị trương sình, trắng bệch. Một số vùng da khác bị thâm tím, với một số vết da bị phân hủy. Ở những chỗ bị phân hủy, da không được láng mượt như khi còn sống mà phải có những chỗ cần tạo độ sâu. Để thực hiện cảnh này, chuyên gia Tony cũng phải lội xuống nước, ngâm mình dưới thác lanh để đến được vị trí ghi hình.
Trong đoàn Rừng Thế Mạng, tổ hóa trang thường phải thức dậy lúc 2 giờ sáng để làm cho diễn viên trước khi ra địa điểm quay. Với đặc thù của tác phẩm về rừng núi, địa hình quay phim thường không có chỗ ngồi để hóa trang và thời tiết cũng rất lạnh. Một yếu tố khác gây khó khăn cho phần hóa trang là ánh sáng. Trong rừng, trời tối rất nhanh, nên đôi khi không dễ để canh màu sắc cho những vết thương. Thời tiết lạnh cũng khiến vết thương khó giữ màu hơn bình thường. “Thật sự từ xưa tới giờ có rất ít phim hoặc báo chí nhắc về một người làm hóa trang cho phim. Khi Rừng Thế Mạng ra rạp, có nhiều người nhắn tin cho tôi để chúc mừng. Tôi vui mừng kinh khủng vì có những người quan tâm và nhìn nhận tích cực về công việc của mình”.