(SaoZone.net) – Shark Tank – Thương Vụ Bạc Tỷ Tập 2 với ba dự án khởi nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau nhưng lại tình cờ cùng có một điểm chung mong muốn đưa những giá trị văn hóa lịch sử Việt Nam vào sản phẩm của mình, khiến dàn “cá mập”phải tranh cãi kịch liệt.

Thay mặt ông chủ đi gọi vốn, nữ CEO trẻ tuổi đã thuyết phục được Shark Đỗ Liên rót tiền để phát triển Làng nghề nước mắm

Thương vụ có nhiều cảm xúc nhất tập 2 là màn gọi vốn của nữ CEO trẻ tuổi Thùy Trang với dự án Làng Chài Xưa. Mở đầu chương trình, Thùy Trang cho biết dự án Làng Chài Xưa ra đời với mong muốn khôi phục  thương hiệu nước mắm Tĩn 300 năm của Phan Thiết Mũi Né. Thay mặt ông chủ, Thùy Trang kêu gọi 10 tỷ đồng cho 5% cổ phần. Nữ CEO trẻ tuổi bày tỏ mong muốn có được sự chung tay, đồng hành từ các nhà đầu tư của Shark Tank để cùng bảo vệ và phát triển Làng nghề truyền thống nước mắm Việt Nam.

Dự án Làng Chài Xưa gồm 4 hạng mục chính: Nhà hát trình diễn vở Fishermen show – Huyền thoại làng chài; Bảo tàng nước mắm; sản phẩm nước mắm Tĩn – Thương hiệu 300 năm của Phan Thiết – Mũi Né và cuối cùng là Nhà hàng Mũi Né Xưa và Mũi Né Deli. 

Chia sẻ về bức tranh tài chính, Thuỳ Trang cho hay tuy mới khởi động từ năm 2017 nhưng đến nay dự án đã hoàn thành 100% các hạng mục xây dựng. 60% doanh thu chủ yếu đến từ show diễn Fishermen; Bảo tàng nước mắm và Nhà hàng. Sản phẩm Nước mắm Tĩn chiếm 40% doanh thu còn lại nhưng hiện đang tăng trưởng rất tốt. Doanh thu lần lượt của năm 2017 là 15 tỷ, 2018 là 25 tỷ, 2019 dự kiến ở mức 40 tỷ đồng. Năm 2018, dự án đã đạt lãi ròng là 10%, dự kiến 2019 con số sẽ tăng 15%.

Cho rằng mức định giá dự án 100 tỷ là chưa hợp lý, Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông liên tục chất vấn về tài chính và tài sản cố định của dự án, trong đó có quỹ đất đai rộng 16 nghìn m2. Nữ CEO trẻ tuổi khá lúng túng trước những câu hỏi về tính pháp lý của quỹ đất của dự án .

Bên cạnh đó, sự xuất hiện gọi vốn của Thùy Trang chỉ với vai trò Giám đốc điều hành dự án cũng gây nên cho các Sharks nhiều băn khoăn. Mặc dù đại diện Startup khẳng định 100% vốn của dự án là chủ đầu tư. Dù không sở hữu cổ phần nhưng trước khi đến Shark Tank, Thùy Trang đã được chủ đầu tư ký giấy ủy quyền có toàn quyền quyết định thương vụ này.

Dẫu vậy, người đi gọi vốn không phải là người chủ của dự án đã để lại cho các nhà đầu tư nhiều lo ngại. Shark Phạm Thanh Hưng là người đầu tiên lắc đầu từ chối vì lý do người lên kêu gọi vốn không phải là người chủ thực sự của dự án, tiếp đến Shark Dzung Nguyễn và Shark Nguyễn Ngọc Thủy cho rằng dự án có giá trị nhưng cũng nhanh chóng rút lui vì không phải lĩnh vực sở trường. 

Tuy chưa hài lòng về câu trả lời của đại diện startup về tài chính và tài sản cố định, nhưng Shark Nguyễn Thanh Việt vẫn tỏ ra thích thú với sản phẩm nước mắm truyền thống, vị cá mập cho biết: “ nếu bạn đi đến New York hay những khu phố ẩm thực Châu Á ở nước ngoài, bạn sẽ thấy rất nhiều sản phẩm nước mắm của Thái Lan không có nước mắm của Việt Nam” Shark Việt bổ xung thêm: “trong lúc chúng ta mải tranh cãi ai đúng, ai sai thì họ đã chiếm cả thế giới rồi”

Tuy nhiên, Shark Việt cho biết cũng không yên tâm với phần thuyết trình của nữ CEO trẻ tuổi nên quyết định không đầu tư. 

Bị 4/5 “cá mập” từ chối, tưởng chừng như thương vụ đã phải khép lại. Nữ CEO trẻ tuổi không nén được xúc động chia sẻ về tâm huyết của người chủ dự án  mong muốn khôi phục lại thương hiệu nước nắm 300 trăm năm để làm một điều gì đó cho quê hương. Thùy Trang đồng thời tiết lộ lý do cô lên chương trình Shark Tank ngoài lý do cá nhân thì cô muốn tìm sự đồng hành của các Shark để khôi phục làng nghề truyền thống.

Đồng cảm với tâm huyết của nữ CEO trẻ tuổi, Shark Đỗ Liên bất ngờ đưa ra lời đề nghị 10 tỷ cho 25%. Vị cá mập mới của mùa 3 chia sẻ: “ Tôi rất thích phụ nữ kinh doanh mà lại có ý tưởng giữ gìn bản sắc dân tộc. Tôi muốn các bạn tiếp nối những gì mà chúng tôi chưa thực hiện được. Tôi sẽ đem nước mắm của bạn để lên những siêu thị ở Châu Âu, cùng bạn xây dựng một bảo tàng đúng nghĩa để con cháu chúng ta sẽ biết được cha ông ta đã làm những gì để có được những sản phẩm như thế”. 
Chia sẻ giá trị của dự án trên thực tế hiện đã lên đến 200 tỷ, Thùy Trang mạnh dạn đưa ra lời thương lượng 10 tỷ đổi 10% cổ phần với nhà đầu tư. Cuối cùng, hai bên thống nhất ở mức 10 tỷ cho 15% cổ phần khi Shark Đỗ Liên nhấn mạnh: “Tôi muốn bên cạnh kinh doanh nhưng cũng giữ lại giá trị của làng nghề truyền thống. Bạn vẫn toàn quyền quyết định. Tôi chỉ đồng hành và  giúp bạn không phải chỉ là thị trường trong nước mà còn đem sản phẩm của bạn hiện diện trong những bữa ăn của người Việt ở nước ngoài”.

Mang nhân vật lịch sử vào Card Game , startup Sử Hộ Vương khiến các “Cá mập” phải tranh cãi kịch liệt 

Thương vụ tiếp theo đến từ đôi bạn trẻ Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo – Nhà sáng lập của dự án trò chơi thẻ bài Sử Hộ Vương. 

Theo trình bày của Vĩnh Lộc, Sử Hộ Vương được lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Việt Nam. Sản phẩm hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu từ 15 – 24 tuổi, nhằm giúp cho các bạn trẻ biết nhiều hơn đến lịch sử Việt Nam.Trong vòng hai tháng khi kêu gọi quỹ cộng đồng, Sử Hộ Vương đã kêu gọi hơn 300 triệu từ 800 người, là dự án đạt kỷ lục về số lượng người đóng góp cao nhất trên nền tảng hỗ trợ họa sĩ truyện tranh Việt Nam Comicola. Trong 10 ngày đầu tiên phát hành, Sử Hộ Vương đã tiêu thụ mạnh mẽ 6000 bộ trên toàn quốc. Đến với Shark Tank hai bạn trẻ mong muốn được đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Gây được sự chú ý về ý tưởng đưa lịch sử Việt Nam vào trò chơi, nhưng Sử Hộ Vương lại khiến các Shark phản ứng gay gắt về việc tạo hình các nhân vật lịch sử không thuần Việt vì có hình thức giống như những nhân vật của Nhật Bản hay Trung Quốc không phù hợp với văn hóa Việt Nam

Shark Phạm Thanh Hưng ngay lập tức đưa lời nhận xét khá gay gắt: “Nếu các bạn định mượn lịch sử để kinh doanh thì các bạn không được phỉ báng lịch sử. Tôi tôn thờ những nhân vật lịch sử của tôi, tôi không thích nhìn những thần tượng của tôi bị bóp méo đi một cách không liên quan đến hình tượng tôi tôn thờ suốt thời thơ ấu cho đến nay”. Shark Hưng cho rằng với những nhân vật đã được lịch sử ghi nhận có công với đất nước nhưng trong game giả tưởng của các bạn thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nguyễn Ánh lại đánh thắng Nguyễn Huệ như vậy dẫn dến việc giới trẻ hiểu sai về lịch sử.

Đồng tình với Shark Hưng, Shark Đỗ Liên đưa ra lời nhận xét: “Những nhân vật các bạn vẽ không giống những nhân vật lịch sử. Ví dụ như Nguyễn Huệ tôi thấy như là truyện tranh của Nhật Bản. Rất là khó có thể chấp nhận được. Các bạn mới chỉ đưa tên để áp lên trên cái hình ảnh lai căng như vậy thì tôi thấy không ổn về mặt văn hóa.”

Trái ngược với ý kiến của Shark Đỗ Liên, Shark Việt lại ủng hộ với ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ. Ông bày tỏ: “Ta đòi hỏi những tiến bộ tại sao ta không chấp nhận những cái tiến bộ. Ta chỉ muốn nhìn thấy cái ta muốn nhìn thấy. Trò chơi dành cho người trẻ, miễn là giới trẻ hiểu được lịch sử. Nếu thị trường chấp nhận, các bạn hãy giữ như thế, nếu kêu xấu quá thì ta bỏ đi. Hãy để cho thị trường trả lời câu hỏi này”. 

Quan điểm này đã ngay lập tức bị “cá mập bà Ngoại U60” phản đối vì cho rằng lịch sử phải ghi nhận cho trung thực. Chủ đích ban đầu của bạn là muốn đưa lịch sử Việt Nam cho các bạn trẻ yêu thích. Nếu bạn lấy những nhân vật lịch sử thì bạn phải tôn trọng cái gốc của lịch sử”

Đồng quan điểm với Shark Đỗ Liên, Shark Dzung Nguyễn đã đưa ra lời từ chối đầu tư vào Sử Hộ Vương vì những nhân vật các bạn vẽ không phải là nhân vật lịch sử nữa, chỉ gắn vào cái tên thôi.Tiếp theo Shark Thủy cũng từ chối vì dự án còn chưa có giấy phép và không phù hợp với quan điểm đầu tư của vị cá mập này 

Là người phản đối mạnh mẽ nhất tuy nhiên, bất ngờ ngay phút 89, Shark Đỗ Liên lại đưa ra lời đề nghị đầu tư 1 tỷ cho 10% cổ phần theo đúng ý của các nhà sáng lập Sử Hộ Vương. Nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN đưa ra điều kiện: “ Kinh doanh nhưng chúng ta đừng quên đi giá trị về lịch sử, về văn hóa. Mục đích của tôi vào với các bạn không phải để chia lợi nhuận. Mục đích của tôi là muốn giữ giá trị nguyên gốc về văn hóa, lịch sử của người Việt. Các bạn được tự do phản biện nhưng khi số đông đồng ý với ý kiến của tôi thì các bạn phải làm theo. Xuất thân của tôi là một nhà giáo, lại dạy về văn nên vì thế tôi không muốn bị méo mó đi những nhân vật lịch sử đã ghi nhận. Tôi sẽ hỗ trợ các bạn xin được giấy phép một cách nhanh nhất theo đúng luật”.

Tuy nhiên, thương vụ đã bất thành khi cả Vĩnh Lộc và Phương Thảo đều không có tiếng nói chung với nhà đầu tư. Cặp đôi nhà sáng lập cho rằng, nếu Shark Đỗ Liên thay đổi hết những gì từng xây dựng thì sẽ đi ngược lại với giá trị cốt lõi mà Sử Hộ Vương đang xây dựng, hai bạn quyết định không nhận đầu tư để tiếp tục dự án theo mong muốn của mình.

Thầy giáo đam mê robot hình học lên gọi vốn Shark Tank

Thương vụ thứ ba đến từ thầy giáo dạy môn toán Nguyễn Huy Ngọc – với mong muốn tạo thuận lợi hơn cho việc dạy và học môn Toán, thầy giáo Nguyễn Huy Ngọc đã mang đến Shark Tank bộ sản phẩm lắp ghép hình học đa năng – trò chơi trí tuệ kèm lời kêu gọi 500 nghìn USD đổi lại 10% cổ phần công ty Gerobo.

Chia sẻ đầy tâm huyết trước hội đồng đầu tư, Huy Ngọc cho biết nếu triển khai được mô hình học đa năng này ra thế giới sẽ đem đến rất nhiều giá trị không những cho Việt Nam mà còn cả Thế giới. Bộ sản phẩm Gerobo không chỉ dùng trong giảng dạy mà còn cung cấp các kiến thức, đối tượng cơ bản của hình học dành cho trẻ khi tiếp xúc hằng ngày.

Theo Nguyễn Huy Ngọc ước tính ở Việt Nam một năm có khoảng 125 triệu học sinh, sinh viên. Chỉ cần bán được 2% trong thị trường này thì doanh thu tiềm năng lên đến 300 tỷ/ năm. Sản phẩm cũng đã bán thử nghiệm ra thị trường với giá 1,5 triệu đồng.

Shark Đỗ Liên ngay lập tức chỉ ra thiếu sót của startup khi lập kế hoạch kinh doanh có tính chủ quan chưa thuyết phục về yếu tố thị trường, chưa có phương án kinh doanh rõ ràng nhưng đã vội kêu gọi số vốn quá lớn.

Lần này, các Nhà đầu tư  đều “lắc đầu” từ chối Gerobo. Shark Hưng chia sẻ: “Tôi không phủ nhận câu chuyện làm giáo cụ chắc chắn sẽ có tác dụng giúp các bé hình dung ra mối tương quan giữa hình học và các vật thể với nhau dễ dàng, qua đó phát triển tư duy và trí nhớ. Nhưng điều đó không giúp cho mô hình kinh doanh phát triển ở mức quy mô lớn với mức độ vốn và giá trị công ty bạn đang kêu gọi lên tới hơn 100 tỷ.” 

Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập Tập đoàn Egroup – Sở hữu chuỗi trung tâm tiếng anh Apax cho startup lời khuyên: “Anh nên nhìn nhiều về thị trường mảng giáo dục steam. Mục đích của các Shark khi đầu tư vào là để giúp startup nhân rộng công ty, nhân rộng thị trường. Không phải vào rồi mới bắt đầu nghiên cứu sản phẩm có thể bán được hay chưa”. 

Tập 2 của Shark Tank mùa 3 khép lại với chỉ một thương vụ thành công. Thế nhưng, dù thất bại hay thành công thì các startup đều nhận được nhiều lời khuyên quý giá từ nhà đầu tư. Đây chính là cơ hội để các sản phẩm có ý tưởng độc đáo như Sử Hộ Vương, Gerobo sớm được hoàn thiện và những startup đầy nhiệt huyết như Thuỳ Trang – Giám đốc điều hành của dự án Làng Chài Xưa có nhiều động lực để hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Tập 3 Shark Tank Việt Nam – Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ 3 sẽ phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 7/8/2019 trên kênh VTV3.