(SaoZone.net) – Ngày 26/11/1978(nhằm ngày 26/10 Âm lịch), khi vừa bước qua tuổi 36 tuổi, đang lúc hoàng kim của nghề diễn, nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết cùng chồng ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM). Vụ án gây chấn động dư luận bấy giờ.

Kỷ niệm 40 năm ngày NSƯT Thanh Nga và chồng ra đi vĩnh viễn, cháu trai cô – nghệ sỹ Hữu Châu và gia đình sẽ làm giỗ của cô cùng chồng tại Riverside Palace vào trưa ngày 2/12 (nhằm ngày 26/10 Âm lịch).

Những câu chuyện đời thường của NSƯT Thanh Nga lúc sinh thời

NGHỆ THUẬT

Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa – dưỡng phụ của Thanh Nga – làm bầu gánh. Nhờ nhạc trưởng Út Trong của đoàn Thanh Minh rèn luyện cho nhiều bài bản cổ nhạc, Thanh Nga được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt khi mới 8 tuổi, bắt đầu chính thức diễn trên sân khấu qua vai đào con trong các tuồng như Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn di hận, Lửa hờn…Biệt hiệu “Thần Đồng Thanh Nga” có từ giai đoạn này. Rèn luyện cho chín muồi, cô bước vào vai chính đầu tiên lúc 16 tuổi: vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới.

Những nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, cô Ba Thanh Loan đã nỗ lực dìu dắt Thanh Nga. Với sắc đẹp dịu dàng, lộng lẫy, quyến rũ cùng lối ca diễn truyền cảm đặc biệt, cô đã mãi gây ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn giới mộ điệu qua những vai kế tiếp như Xuân Tự trong tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Giáng Hương trong Sân khấu về khuya, Diệp Thúy trong Đôi mắt người xưa, Uyên trong Ngã rẽ tâm tình, Trinh trong Con gái chị Hằng, Mía trong Bọt biển…Từ lúc lên sân khấu năm 8 tuổi với vai diễn đầu tiên là Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa, 8 năm sau bắt đầu được biết tới với vai Phà Ca trong Người vợ không bao giờ cưới của sọan giả Kiên Giang, cô đã làm cho khán thính giả xúc động theo mối tình ngang trái của nàng Phà Ca và chàng Kiểu Mộng Long – con của sứ quân Kiểu Thuận ở đất Sơn Tây. Chính lối ca chân phương và cách diễn thật thà, chân chất đã đưa Thanh Nga bước thẳng đến đài vinh quang, trở thành nghệ sĩ đoạt Huy chương Vàng đầu tiên của Giải Thanh Tâm, khi tuổi mới 16.

Thanh Nga cũng có nhiều thể nghiệm khác dưới ánh đèn sân khấu hoặc vô tuyến truyền hình. Đầu năm 1970 Thanh Nga làm cho giới nghệ thuật và khán giả phải nể phục và chú ý khi sáng tác tuồng theo chủ đề Không tung lên màn ảnh nhỏ truyền hình Sài Gòn. Từ loạt vở này, Thanh Nga được mọi người đặt thêm biệt hiệu “Người đẹp không tên”.

Diễn cải lương cho đoàn nhà, Thanh Nga còn là gương mặt sáng trên truyền hình Sài Gòn (THVN9). Ngoài ban Thanh Minh – Thanh Nga, cô còn hợp tác diễn chính cho các ban khác qua những vở như : Ban Năm Châu – Trời muốn cho em đẹp của soạn giả Ngọc Linh (diễn chung với Thanh Tú, Bảo Quốc, Ngọc Đan Thanh…), ban Kiều Mai Lý – Người thua cuộc của soạn giả Nguyên Thảo (diễn chung với Hùng Cường, Kiều Mai Lý, Bảo Quốc…), ban Phụng Hảo – Yêu trong mộng tưởng của soạn giả Trần Qụân (diễn với Dũng Thanh Lâm, Thanh Sang, Bạch Lê, Bảo Quốc…), Tình xuân muôn tuổi của soạn giả Nguyễn Phương (diễn cùng NSND Phùng Há, Ngọc Nuôi, Thành Được, Ngọc Đan Thanh,…), diễn vai Thúy Kiều – Cung thương sầu nguyệt hạ (của ban Bạch Tuyết), …

Sân khấu là nơi Thanh Nga đón nhận nhiều tiếng vỗ tay với hàng trăm vở diễn thành công khác như Sắc đẹp nàng vô tội (Nguyễn Liêu), Mưa rừng (Hà Triều – Hoa Phượng), Gió ngược chiều (Nguyễn Thành Châu), Hoa Mộc Lan, Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài, Mạnh Lệ Quân, Dương Quý Phi, Tiếng hạc trong trăng, Giữa chốn bụi hồng, Mộng Bá Vương, San Hậu, Phụng Nghi Đình, Đời cô Lựu, Sau ngày cưới, Bóng tối và ánh sáng, Tấm lòng của biển, Bên cầu dệt lụa..

Thanh Nga tham gia phim ảnh nhiều là từ năm 1969, thời đó, cải lương khủng hỏang và bị xuống dốc trầm trọng, nhiều gánh phải tự giải tán, lắm đào – kép giải nghệ đi tìm sống bằng nghề khác, những người hoạt động có liên hệ đến bộ môn nghệ thuật này thì sống dở chết dở, không biết tương lai có còn tiếp tục đi hát hay là phải đành xa rời nghiệp Tổ. Gánh Thanh Minh – Thanh Nga cũng cùng chung số phận như bao nhiêu gánh khác, đào – kép than trời…

Trong khi phần đông người của cải lương không còn tin tưởng ở nghệ thuật có thể nuôi sống mình được, thì nữ nghệ sĩ Thanh Nga lại tiếp tục nổi tiếng ở lĩnh vực khác, cô được mời đóng phim, tức vẫn là người của khán giả. Thanh Nga được hãng Cosunam Films của bà Gilberte Nguyễn Văn Lợi (đây cũng là người chị cùng cha khác mẹ với Thanh Nga) mời đóng vai chánh trong phim Loan mắt nhung, một phim được coi như thành công về mặt tài chính. Cốt truyện phim dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Phim này Thanh Nga khá thành công, hãng Cosunam Films cũng hốt bạc, do đó cô được các hãng phim khác mời ký hợp đồng liền ngay với số tiền thù lao thật cao, tính bình quân thời gian thì thu nhập không thua gì lúc còn ở cải lương mà ngôi vị vẫn không xuống cấp, vẫn thủ vai chính như ở sân khấu.

Loan mắt nhung là phim màn ảnh đại vĩ tuyến. Vừa đóng xong cuốn phim này thì Thanh Nga được ngay những hãng phim khác mời ký hợp đồng, với số tiền thù lao thì hầu như lúc nào cũng cao hơn lần đóng phim trước, cái đặc biệt của Thanh Nga là vậy, càng lúc càng cao giá. Thanh Nga đóng vai chính, thì người mua vé đi coi không đơn thuần là khán giả xi nê, mà số lớn người vào rạp lại là khán giả cải lương. Có những người xưa giờ chẳng thích coi phim, thế mà nghe nói phim do Thanh Nga đóng thì họ lại hăng hái tới rạp. Điều đó cũng có nghĩa là khi chuyển sang lĩnh vực điện ảnh, Thanh Nga đã vô tình lôi kéo thêm cho điện ảnh một số lượng khán giả lớn mà xưa nay họ chỉ thích coi cải lương.

Sau Loan mắt nhung, Thanh Nga tiếp tục để lại ấn tượng sâu đậm trong Mùa Thu cuối cùng qua vai Thùy.

Bộ phim Mãnh lực đồng tiền do hãng phim Kim Thân thực hiện có sự tham gia của Thanh Nga nối tiếp vận hên, thành công mạnh về doanh thu.

Thù lao của Thanh Nga ngày càng cao. Các hãng phim nếu có sự tham gia của Thanh Nga, thì ngay từ lúc bắt đầu bấm máy đã nghĩ ngay đến vấn đề quảng cáo, họ muốn tranh thủ hình ảnh của Thanh Nga để lăng xê bộ phim đang thực hiện.

Cũng chính nhờ tham gia đóng phim mà ngoài việc giúp mẹ và đoàn Thanh Minh vượt qua những khó khăn thời sân khấu khủng hoảng, Thanh Nga còn giúp mẹ có tiền nuôi người em trai thứ 7 sang Pháp du học và sống tại nơi đây cho đến ngày mất.

Cũng thành công như bên sân khấu với nhiều giải thưởng, Thanh Nga cũng vang danh bên điện ảnh.

Rồi Thanh Nga trở thành một trong những diễn viên điện ảnh đại diện miền Nam tham dự Liên hoan phim Á Châu tại Đài Bắc năm 1971, và là “Diễn viên xuất sắc nhất” tại Đại hội Điện ảnh Á Châu tổ chức năm 1974 cũng tại Đài Bắc (Đài Loan) với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều, là đại diện gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969, được cố Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp, hình ảnh đăng đầy trên báo chí Ấn Độ. Thanh Nga vẫn còn đó trong những thước phim lưu giữ tại các viện lưu trữ ở Tokyo, Paris, Hồng Kông. Thanh Nga cùng Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương, là 4 gương mặt nữ diễn viên tiêu biểu, mỗi người với thế mạnh riêng, đã đóng phim nhiều nhất tại miền Nam (trước 1975).

Cố Nghệ Sỹ Thanh Nga Và LHP Á Châu Lần Thứ 17 Năm 1971:

https://www.youtube.com/watch?v=MX4o-u1AB7g

Thanh Nga, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng Tại LHP Á Châu Lần Thứ 20 Năm 1974:

Sau năm 1975, Thanh Nga chỉ kịp xuất hiện trong các bộ phim sân khấu: Làm lại cuộc đời (phim đen trắng 35 ly), Tiếng trống Mê Linh (có 3 phiên bản : 1 quay truyền hình của HTV, 1 bản phim truyền hình mầu của VTV và một bản phim nhựa 16 ly của xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu) và một trích đoạn quay mầu của VTV vở Thái hậu Dương Vân Nga – nhân dịp các chuyên viên về truyền hình Nhật Bản sang giúp các nhà làm truyền hình Việt Nam thực hiện thu và phát sóng truyền hình mầu.

Sau ngày Thanh Nga mất, bộ phim Làm lại cuộc đời mới có dịp chu du khắp nơi, phục vụ bà con trên khắp mọi miền đất nước. Bộ phim tài liệu Thanh Nga – Tiếng hát bay xa do xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu thực hiện sau ngày Thanh Nga mất đoạt giải Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1982.

TÌNH YÊU

Nếu giải Thanh Tâm đưa “Phà Ca” sáng lên như ngôi sao mới mọc (1958), thì cũng là lúc Thanh Nga bắt đầu biết mộng mơ, biết làm thơ. Rất nhiều chuyện đồn thổi về cuộc sống tình cảm của Thanh Nga : có người yêu vào bưng, hay tâm đầu ý hợp với anh chàng bạn diễn Út Hậu, mối tình thầm kín của Hữu Phước dành cho Thanh Nga, rồi trở thành đôi tình nhân đẹp trên sân khấu với nghệ sĩ Thành Được.

Nghệ sĩ Thành Được rất thương Thanh Nga. Sau ngày chia tay với nữ nghệ sĩ tài danh Út Bạch Lan, Thành Được về với đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Thanh Nga nhỏ hơn Thành Được 8 tuổi và lúc bấy giờ đã là ngôi sao 24 tuổi. Được rất nhiều người đeo đuổi, nhưng Thanh Nga vẫn như “công chúa ngủ trong rừng” chưa dậy. Bà Bầu Thơ cũng chưa muốn nhận lời cầu hôn nào. Mọi người chờ đợi bữa rượu hồng giữa Thanh Nga với một chàng rể nào đó, nhưng chưa có. Sau này, khi biết Thanh Nga đã thương Thành Được, người mừng, người lo. Vở diễn Sân khấu về khuya của soạn giả Năm Châu, Thanh Nga vào vai Giáng Hương, Thành Được vào vai Lĩnh Nam, cặp đôi này diễn ngày càng khắng khít. Từ cảm xúc trên sân khấu, họ đã dần cảm nhận được nhau ở đời thường. Họ đã thương nhau. Rồi chuyện bất ngờ xảy đến, gây tan vỡ. Trong một đêm diễn tại rạp Hưng Đạo, Thanh Nga bỗng thấy bị xúc phạm vì trên hàng ghế ưu tiên, có mặt người tình cũ của Thành Được ở nước ngoài về, người đàn bà này được Thành Được mời đến xem, Thanh Nga không hề được Thành Được cho biết. Thanh Nga giận tím mặt, ngay đêm đó, Thanh Nga đã nói với Thành Được “Bắt đầu ngày mai tôi sẽ là vợ của người khác. Anh hãy quay lại với cô ấy!”. Không lâu sau, Thành Được buồn bã rời khỏi đoàn Thanh Minh – Thanh Nga với cái đầu cạo trọc và mấy câu ca: Ví dầu sợi tóc chẻ đôi. Thì hình bóng cũ trong tôi vẫn còn… Hình bóng đó là Giáng Hương của một thời để yêu hay chính là Thanh Nga của một thời để nhớ ?

Thanh Nga gặp nhiều đau xót trong các câu chuyện tình. Sau ngày chia tay Thành Được, Thanh Nga đi lấy chồng, nhưng rồi cuộc hôn nhân đầu tiên với người đàn ông tên Mẫn (Đại úy Mẫn – hiện đang sinh sống tại Mỹ) cũng không kéo dài,…Thanh Nga phải đối mặt với dư luận cay nghiệt của một đời nghệ sỹ. Những rắc rối không đâu cứ ùa đến, thậm chí cả việc vu oan, tố cáo….Có những lúc tưởng chừng Thanh Nga sẽ quị ngã, nhưng tình yêu sân khấu, tình yêu với nghệ thuật đã nâng đỡ cô, thành công nối tiếp thành công.

Đây là thời gian đi xuống nhất về mặt tinh thần của Thanh Nga, vì cô vừa trải qua 2 lần sóng gió, lần đầu là sự tan vỡ của cuộc tình kéo dài 3 năm với nam nghệ sĩ Thành Được, sau đó là một lầm lỡ thứ hai khi Thanh Nga lấy đại úy Mẫn. Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được vài tháng là đi tới kết thúc khi đại úy Mẫn bị chính quyền Sài Gòn bắt và bị xử án tù vì tội danh tham nhũng. Thanh Nga rất buồn nên thường đi chơi với bạn bè thân để đỡ buồn. Lúc này là lúc sau biến cố Tết Mậu Thân, biệt động thành của cách mạng đã làm cho chính quyền Mỹ Ngụy phải thức tỉnh để nhận thấy sức mạnh như triều cường của đội quân giải phóng Việt Nam. Trận chiến ngày trước chỉ xảy ra và được biết tại miền quê, nay đã lan tới đô thị. Chính quyền Ngụy vì lý do an ninh, đã ban lệnh giới nghiêm ở Sài Gòn làm đình trệ tất cả những sinh hoạt về đêm. Phòng trà, vũ trường cũng như sân khấu cải lương phải tạm ngưng hoạt động, do đó nhạc sĩ Huỳnh Anh cũng có thời giờ đến thăm bà Bầu Thơ và ở chơi với Albert (cố nghệ sĩ Hữu Thình, cha của Hữu Châu), anh của Thanh Nga và tập cho Thanh Nga hát tân nhạc để sau này có dịp sẽ hát tân cổ giao duyên trên sân khấu. Tình cảm quý mến trong sáng đã nẩy nở giữa hai người, ban đầu chỉ mang tính cách của một người anh trai và cô em gái nhỏ. Nhạc sĩ Huỳnh Anh chỉ dẫn Thanh Nga rất tận tình. Những buổi Thanh Nga không phải hát, người ta thấy hai người thường sóng đôi đi chơi, có khi từ hậu trường đi vòng ra vào rạp ngồi xem trước các cặp mắt tò mò của mọi người. Tình trạng giới nghiêm tại Sài Gòn không biết bao giờ mới chấm dứt, bà Bầu Thơ quyết định mang đoàn hát ra Huế. Trước khi đoàn hát rời Sài Gòn, nhạc sĩ Huỳnh Anh đến từ giã, khi ấy anh đang đứng nói chuyện với Albert, thì Thanh Nga ở trong đi ra, bí mật đưa lá thư cho anh. Về nhà mở ra, anh đọc những giòng chữ thân mến viết lời chào tạm biệt và dặn dò anh bớt uống rượu hút thuốc, không phải như lời của một người em gái, mà lời lẽ trong lá thư ấy chứa đựng một tình cảm thắm thiết hơn nhiều. Sau đó ít lâu anh nhận một điện tín của Thanh Nga đánh về yêu cầu anh ra Huế gấp, nhưng anh không thể đi được… Thế rồi từ đó giòng đời phân đôi ngả, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga sau khi đi lưu diễn miền Trung trở về, được mời đi trình diễn bên Pháp, người hướng dẫn phái đoàn đi Pháp là ông Đổng Lân. Sau khi lưu diễn bên Pháp về được vài tháng, đám cưới Thanh Nga và ông Đổng Lân đã nhanh chóng diễn ra. Từ đó, Thanh Nga sống yên ấm dưới mái gia đình vì có một người chồng rất mực thương yêu và chiều chuộng vợ…

Ít người biết bài hát mà nhạc sĩ Huỳnh Anh viết về cuộc đời Thanh Nga, chính là bài Kiếp cầm ca nổi danh của người nhạc sĩ tài hoa này. Hai câu cuối “Ánh đèn lặng tắt. Gởi ai nỗi niềm” thì người gửi nỗi niềm là nhạc sĩ Huỳnh Anh chứ không phải Thanh Nga!

“…Mưa rơi cho đời thêm nhớ thương

Hạt mưa ướt vai người tha hương

Mưa rơi phố thưa vắng tiêu điều

Xóm nghèo quạnh hiu màn đêm tịch liêu

Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ

Đời ca hát cho người mua vui

Nhưng khi cánh nhung khép im lìm

Ánh đèn lặng tắt

Gởi ai nỗi niềm”

(Huỳnh Anh – Kiếp cầm ca)

Một điều cần nói là Huỳnh Anh vốn không nhiều lời, nhưng lại rất giàu tình cảm. Chuyện tình của Thanh Nga và nhạc sĩ Huỳnh Anh là một câu chuyện tình rất đẹp của hai tâm hồn đầy thông cảm và chia sẻ, không bị vẩn đục bởi hoàn cảnh và không gian…

Nhưng có một điều chắc chắn nhất là Thanh Nga chỉ thực sự tìm thấy hạnh phúc trong những ngày sống với ông Phạm Duy Lân, dù ông lớn hơn cô khá nhiều tuổi.

Thanh Nga và chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Nhất là thời gian họ dọn về ở cư xá Đô Thành, đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ, quận 3). Hai người thường chở nhau trên chiếc Honda. Ông Lân vóc dáng cao lớn vững chãi, bên cạnh là Thanh Nga xinh đẹp, mảnh mai. Chồng Thanh Nga yêu thương và rất thông cảm nghề nghiệp của vợ. Ở bên ông, Thanh Nga thêm điều kiện thăng hoa cùng vai diễn. Sau ngày sinh đứa con trai đầu lòng (và cũng là duy nhất) Phạm Duy Hà Linh năm 1973, vợ chồng Thanh Nga về ở đường Ngô Tùng Châu từ năm 1974. Đó cũng là nơi ông Lân mở văn phòng luật sư riêng và hoạt động điện ảnh của Thanh Nga rộn rịp với nhiều thành công.

Đêm 26/11/1978, diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng, nữ nghệ sĩ Thanh Nga bước lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt. Hơn 23 giờ khuya hôm ấy, một kẻ lạ mặt đã chĩa súng vào vợ chồng bà rồi bóp cò. Viên đạn bắn trúng ngực trái, chưa xuyên ra sau lưng, nhưng đủ kết liễu sinh mệnh của một ngôi sao đang thời kỳ rực rỡ nhất. Năm đó Thanh Nga 36 tuổi.

Linh cữu vợ chồng Thanh Nga được quàn tại Hội Văn học nghệ thuật TP Sài Gòn (81 Trần Quốc Thảo, quận 3). Hàng vạn khán giả Sài Gòn và các tỉnh ngoài Trung, trong Nam về thắp hương vĩnh biệt, đứng tràn cả ra đường Tú Xương – Trương Định… Giờ động quan, giới nghệ sĩ cải lương rơi nhiều nước mắt nhất, để khóc một tài hoa từng làm rạng rỡ nền vọng cổ nói chung. Đám tang Thanh Nga là một đám tang đông đảo người đưa tiễn nhất Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), chỉ thua đám tang cụ Phan Chu Trinh và anh chàng sinh viên yêu nước Trần Văn Ơn.

NHỮNG CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Thanh Nga mất đi, thì những câu chuyện liên quan đến Thanh Nga lúc sinh thời bỗng nhiên trở nên vô cùng đặc biệt, có những câu chuyện trở nên huyền thoại, ví dụ như chuyện « nhân vật vận vào thân » khi mọi người hồi tưởng lại nhân vật mà Thanh Nga đã đóng trong phim Hai chuyến xe hoa (năm 1960, hoặc 1961 – đạo diễn Hoàng Anh Tuấn) và đây cũng là một trong những vở cải lương nổi tiếng của NSƯT Thanh Nga. Hay câu chuyện về « mùi hương tự nhiên từ thân thể » của Thanh Nga đã khiến cho một mệnh phụ phu nhân giầu có tưởng lầm là một loại dầu thơm quí hiếm đã bỏ biết bao công sức săn lùng…

Thanh Nga có sở thích là “sưu tầm búp bê”. Trong nhà của nữ nghệ sỹ này là một thế giới búp bê – Thanh Nga đã bỏ công sưu tầm sau những chuyến lưu diễn, những chuyến xuất ngoại và của những khán giả ái mộ tặng.

Thanh Nga sợ gián, hồi nhỏ, mỗi khi ai muốn hù dọa Thanh Nga thì cứ đem gián ra, chắc chắn sẽ làm Thanh Nga chết khiếp.

Lúc sinh thời, Thanh Nga thích mặc áo dài, áo bà ba, thích màu vàng. Thanh Nga có thói quen hễ thích bộ trang phục nào thì cứ mặc hoài một kiểu. Mặc rồi giặt, giặt xong lại mặc tiếp.

Thanh Nga là người rất chăm chút đến mái tóc, cô rất cầu kỳ bới tóc mỗi khi lên sân khấu, đóng phim hoặc chụp ảnh.

Thanh Nga thích làm bếp, nấu ăn, nhất là làm bánh. Mỗi lần rảnh, cô lại tụ tập anh, em bạn bè tới nhà, tự tay nấu ăn hay làm bánh đãi mọi người. Lúc cải lương gặp khủng hoảng năm 1972, Thanh Nga còn tần tảo làm bánh cho em và cháu đi bán.

Thanh Nga là người rất tin đấng bề trên. Cô thờ Phật và cũng tin vào Chúa. Mỗi khi gặp chuyện buồn hoặc bế tắc, cô đều cầu cả Phật và Chúa.

Thanh Nga bày tỏ quan điểm của mình về phụ nữ như sau: “Phụ nữ cái gì tốt cũng nên học tập để biết”. Theo Thanh Nga, đó là điều cần thiết.

Năm 1968, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga sang Pháp diễn tại rạp Maubert Mutualité. Chuyến đi này còn có sự tham gia trong vai trò “cố vấn nghệ thuật” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Lực lượng diễn viên thật hùng hậu. Có cả Út Trà Ôn và Hữu Phước cùng diễn với Thanh Nga. Trong chuyến đi này, đoàn diễn nhiều vở từ xã hội cho đến tuồng cổ. Hai vở chủ lực là Giấc mộng đêm xuân và Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu thành. Đài truyền hình Pháp đã thu hình cảnh hai vở này phát trên đài trong chương trình Point Contre Point và Ile de France.

Hình ảnh Thanh Nga dịu dàng trong vai Xuân và Hữu Phước trong vai Tuấn người yêu của Xuân, than thở với nhau vì tình duyên ngang trái trong vở tuồng Giấc mộng đêm xuân hay hóa thân của Thanh Nga trong vai trò nữ tướng Lưu Kim Đính oai vệ, đầu đội mão lông trĩ, mình mặc áo giáp lộng lẫy, chân mang hia, lưng cắm cờ và múa cầm siêu với điệu bộ đẹp mắt, oai phong lẫm liệt vẫn còn in đậm trong mắt khán giả Pháp và kiều bào lớn tuổi.

Có lần trả lời trên báo Màn Ảnh Sài Gòn, Thanh Nga từng tâm sự về những nỗi cực khổ khi đóng phim. Và cũng cho biết việc đóng phim chỉ là vì đam mê muốn thử sức mình trong lĩnh vực mới, chớ thật ra thu nhập trong nghề diễn viên không thể sống nổi. Tất cả diễn viên đều phải có nghề khác để sống. Nghề nuôi sống cô chính là sân khấu. Thanh Nga còn bày tỏ mơ ước khi nào nghề điện ảnh Việt Nam mạnh, cô sẽ đứng ra thành lập hãng phim riêng của mình để sản xuất những bộ phim theo ý của cô.

Có một dạo vào khoảng giữa thập niên 1960, sân khấu cải lương gặp nhiều điêu đứng do phim ma, phim kiếm hiệp và do cả chuyện tuồng tích không có chiêu lạ. Bà bầu Thơ liền tung chiêu chứng tỏ vị trí “đệ nhất bầu show” của mình bằng cách tung ra hát tuồng “ma” và đã thành công nhiều với số khán giả đông đảo ủng hộ.“Soạn giả” Thanh Nga viết tuồng ma cũng đã là lí do thu hút sự tò mò của khán giả rồi. Báo chí và quảng cáo ì xèo làm cho khán giả nô nức đi xem vì lần đầu tiên thấy Thanh Nga viết tuồng, nhiều khán giả vốn ái mộ đã đi coi cho biết , thành ra “ma” của cô cũng khá ăn khách.

Thanh Nga đưa vở tuồng Ngôi nhà Ma lên sân khấu nhà, tức gánh Thanh Minh -Thanh Nga, và nghệ sĩ đóng vai cô gái ma là đào Thanh Lệ (chị dâu của Thanh Nga, Mẹ của nghệ sĩ Hữu Châu). Cũng trong tuồng Ngôi nhà Ma này, cô đào Thúy Lan đã xuất thần thủ vai “đào độc” đến nỗi khán giả chửi mắng um sùm, quên rằng họ đang coi hát, chớ không phải ngoài đời. Thanh Nga đã khai thác đào Thúy Lan đúng mức, trong một vai chọc giận khán giả chưa từng có trên sân khấu cải lương. Sau vở tuồng Ngôi nhà Ma làm bà Bầu Thơ hốt bạc, thì tiếp đó trên sân khấu Sao Ngàn Phương xuất hiện vở tuồng Nàng Ma trên sông Dương Tử của soạn giả Hoài Nhân, cũng đồng thời là bầu gánh, và cô đào trẻ đẹp đóng vai nàng ma là Kiều Hoa. Chọn người đẹp làm nàng ma, soạn giả Hoài Nhân cố tạo yếu tố ăn khách, thì quả thật sau khi xem tuồng nhiều người đã khen: “Con ma nữ này đẹp quá!” Tuồng được khán giả chiếu cố, đi coi đầy rạp nhiều đêm, và Kiều Hoa sau khi đóng vai hoàng hậu ma này thì lên như diều gặp gió. Rồi kế tiếp sân khấu cải lương lại có thêm tuồng Tình Tục Duyên Ma của nhóm Hoa Phượng bên đoàn Dạ Lý Hương, và tuồng này cũng ăn khách luôn. Không riêng gì mấy gánh hát lớn ở Sài Gòn hốt bạc nhờ ma, mà các gánh nhỏ hát đình hát chợ ở tỉnh cũng làm ăn khá. Các gánh hát làng xã cũng bắt chước Sài Gòn, liền đêm đêm cho ma hiện về trên sân khấu, với những vở tuồng của các soạn giả ít ai nghe tên. Bởi tuồng của các gánh nhỏ hát thường là do bầu gánh và nhạc sĩ của gánh đó tự viết ra cho đào kép của mình hát mà không cần đề tên. Kịch Sài Gòn bây giờ cũng nhiều “Ma” lắm…Còn phim nữa…Ma về theo chu kỳ: lạ, tò mò, hấp dẫn, ăn khách…lịch sử thời nào cũng thế!

Ngoài đời, Thanh Nga cho biết từ nhỏ đến lớn rất sợ đánh nhau và thường tránh xa những nơi xung đột. Nhưng tháng 7/1962, Thanh Nga đã nếm mùi “đánh lộn”. Trong phim Đôi mắt người xưa, Thanh Nga đóng vai chính có đoạn phải đánh nhau trong vũ trường với diễn viên Linh Xuân. Cô nàng này quá nhập vai đã đánh nhau một buổi ra trò.

Thanh Nga hiền lành với mọi người, nhưng có lần cô đã tức giận. Đó là vào giữa năm 1974, báo Sân khấu Mới đưa tin Thanh Nga sẽ kiện thẩm mỹ viện Việt Nam, vì đã dám dùng hình ảnh của cô quảng cáo là cô đã đi thẩm mỹ viện sửa mũi. Thanh Nga khẳng định mình “đẹp thật 100%” không hề đi thẩm mỹ viện sửa hay tân trang gì cả.

Năm 1974, Thanh Nga cùng với La Thoại Tân chu du thiên hạ trong các chương trình đại nhạc hội Trường Xuân. Cô và La Thoại Tân diễn hài rất duyên dáng.

Năm 1969, Thanh Nga là nữ diễn viên được Đại hội Điện ảnh Ấn Độ mời đích thân tham dự phái đoàn điện ảnh miền nam Việt Nam sang dự. Cô cũng là gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969. Tại LHP, Thanh Nga đã được cố nữ Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp rất chân tình, hình ảnh đăng đầy trên báo chí Ấn Độ và Sài Gòn. Khi đến đêm giao lưu nghệ thuật, tại xứ sở Ấn Độ, Thanh Nga cũng diễn trích đoạn Hoa Mộc Lan cho phái đoàn quốc tế xem.

Sau năm 1975, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga có diễn lại vở này và cũng thành công vang dội. Nhưng sau đó không lâu, cuối năm 1975 thì vở hát được lệnh của SVHTT tạm thời cấm hát do tình hình quan hệ Việt – Trung bị xấu đi.

Nhưng đến năm 1977, một hôm, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga được chỉ đạo là tập hợp và tập lại gấp vở diễn Hoa Mộc Lan…Người muốn xem Thanh Nga diễn lại Hoa Mộc Lan chính là bà Indira Grandhi – Thủ Tướng Ấn Độ. Sau khi thắng cuộc lần 2 của nhiệm kỳ, bà có chuyến công du một số nước và có ghé thăm Việt Nam. Chính bà đã yêu cầu được xem Hoa Mộc Lan của đoàn Thanh Minh và phải chính Thanh Nga đóng vai này.

Đêm hát diễn ra tại Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc đêm hát, bà Thủ Tướng lên sân khấu bắt tay, khen ngợi Thanh Nga.

Thanh Nga hai lần diện kiến Thủ Tướng Ấn Độ. Một lần tại LHPQT tại New Delhi – Ấn Độ, một lần tại Thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam, cách nhau trên dưới 10 năm và cũng sau ngày Thanh Nga mất năm 1978, năm 1984, bà Thủ Tướng Ấn cũng bị ám sát và chết.

Năm 1984, Thanh Nga được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú;

Năm 2015, tên bà được đặt cho một con đường tại khu dân cư Gia Hòa (Q.9, TP.HCM).

Ảnh: Đinh Tiến Mậu và Huỳnh Công Minh

Nhật Hạ