(SaoZone.net) – Tỷ lệ nợ xấu đã có sự thay đổi đáng kể, giảm từ 7,7% cuối năm 2017 xuống còn 6,67% cuối tháng 6/2018 tương ứng với giá trị tuyệt đối là 486.000 tỷ đồng.
Sáng nay ngày 15/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính Châu Á và giải pháp thực hiện”.
Ông Eric Sidgwic, Giám đốc ngân hàng ADB tại Việt Nam, Chủ tịch luân phiên của IPAF cho rằng chủ đề an ninh tài chính đang nóng trong những tháng vừa qua, đặc biệt ở châu Á. Những biến động trên thị trường như đồng đô la tăng lên, căng thẳng thương mại, tăng trưởng kinh tế chậm đã đặt ra vấn đề cần tìm cách tạo bước đệm chống chọi với những cú sốc bên ngoài.
Theo ông Eric, cần phải xây dựng cách ứng phó liên quan tới quản lý tài sản bởi khi xem xét, tác động nợ xấu có hiệu ứng domino giữa các nước. Ông nói, “Sự kết nối đang gia tăng trên thị trường tài chính châu Á, những tổn thương tài chính của một quốc gia có thể lan sang quốc gia khác. Phải có ứng phó xuyên biên giới để giảm thiểu những rủi ro, tác động này”.
Tăng trưởng kinh tế, an ninh tài chính có mối liên hệ quan trọng với nợ xấu và quá trình xử lý nợ. Ở Việt Nam hiện có 2 doanh nghiệp quản lý tài sản với 2 thị trường tương đối độc lập. Trong khi, DATC có sứ mệnh tái cơ cấu nợ khu vực doanh nghiệp nhà nước thì VAMC quản lý tài sản trong hệ thống tín dụng. Cho đến nay, cả hai tổ chức này đều đã có những bước thành công trong vai trò và sứ mệnh của mình.
Ông Phạm Mạnh Thường, Phó TGĐ Công ty mua bán nợ Việt Nam DATC cho biết con số nợ xấu đã có sự thay đổi đáng kể, giảm từ 7,7% cuối năm 2017 xuống còn 6,67% cuối tháng 6/2018 tương ứng với giá trị tuyệt đối 486.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Thường, con số này mới chỉ phản ánh quy mô nợ xấu trong các TCTD chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế. Cần phải tìm cách để hệ thống ngân hàng khi duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp từ đó kiểm soát được rủi ro và làm tốt vai trò kênh truyền dẫn vốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhiều diễn giả cho rằng, vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ cho thị trường mua bán nợ ở Việt Nam. Trong đó, ông Phạm Mạnh Thường cho rằng, ở góc độ của DATC, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là các khoản nợ có tính chất “Nhà nước” có cơ chế xử lý rất cứng, dẫn đến sự lệch pha với xử lý các khoản nợ xấu thương mại và nhiều khi gây đổ vỡ phương án tái cơ cấu doanh nghiệp. Ông kiến nghị Chính phủ nên cho phép áp dụng cơ chế thị trường khi xử lý các khoản nợ có tính chất “nhà nước” bình đẳng như các khoản nợ thương mại để tạo sự hài hòa lợi ích giữa thu hồi nợ với bảo vệ sự sinh tồn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp tái thiết qua hoạt động xử lý nợ thường rất khó tiếp cận nguồn vốn mới trong khi đây là yêu cầu thiết yếu để phục hồi doanh nghiệp; do đó cần cho phép các ngân hàng được tái cấp vốn phù hợp với phương án phục hồi doanh nghiệp.
Ông Lê Việt Dũng, Phó trưởng ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp, NFSC cho rằng, cần chú trọng hình thành sàn giao dịch mua bán nợ, đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đẩy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư.
Hai là đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ, đồng thời cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ. Ba là phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập, giúp cho bên mua và bên bán xác định được giá trị thị trường của khoản nợ, từ đó xem xét quyết định việc mua bán. Bốn là cần tăng cường năng lực tài chính của các đơn vị tham gia thị trường như VAMC, DATC và các AMC của TCTD.
Theo cafef.vn