(SaoZone.net) – Sau 5 tháng với 3 vòng thi gắt gao, 28 gương mặt trẻ xuất sắc nhất từ mọi vùng miền đã chính thức trở thành đại biểu của đoàn Việt Nam xuất hiện trên chuyến hải trình trứ danh lần thứ 45.

Năm nay, Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản lần thứ 45 đã gọi tên các bạn trẻ học tập và hoạt động trải dài trong các lĩnh vực thuộc 3 trụ cột của ASEAN. Giỏi chuyên và sở hữu danh sách thành tích đáng ngưỡng mộ, các đại biểu của đoàn Việt Nam tham dự SSEAYP lần thứ 45 còn là những trái tim hết lòng vì cộng đồng với các dự án trải dài trên nhiều vấn đề của xã hội.

1. Tú Nhi cùng Đức Anh, Danh Tuyên thực hiện dự án PYoung

Đầu tiên phải kể đến chương trình trại hè kỹ năng thường niên PYoung xuất phát từ ý tưởng của đại biểu Châu Thị Tú Nhi – một người con của đất Phú Yên. Trong dự án này, Tú Nhi đã liên hệ với nhiều bạn thanh niên là đại biểu của chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản như Đức Anh, Danh Tuyên, Hoài Trâm tới chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho các em học sinh trung học. Trải nghiệm cá nhân và câu chuyện của mỗi đại biểu đã giúp cho các em có một cái nhìn toàn diện hơn về những cơ hội học tập, nghề nghiệp và cách thức nắm bắt cơ hội, phát triển năng lực, giảm thực trạng lãng phí nguồn lực của địa phương. Sau 4 năm tổ chức trại kỹ năng PYoung, chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 300 em học sinh. Đây cũng là nơi ươm mầm cho các dự án cộng đồng đầu tiên của học sinh trung học Phú Yên, có thể kể đến như PCom (dự án tình nguyện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn) hay PGreen (dự án về môi trường). Một hoạt động ý nghĩa khác là chương trình từ thiện tại Cô nhi viện Mằng Lăng (Tuy An, Phú Yên).

2. Đức Hiếu (hàng trên, thứ 2 từ trái sang) và chương trình Bamboo Builders

Cùng trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Mai Đức Hiếu đã cùng CLB Bamboo Builders do mình đồng sáng lập mang những cơ hội giáo dục, kỹ năng mềm và tư duy thiết kế đến các bạn học sinh cấp 3 vùng nông thôn. Từ đây, tổ chức mong muốn đẩy lùi vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục. Vừa qua, dự án này đã tổ chức thành công chương trình giáo dục – giao lưu thanh niên quốc tế cho các học sinh trường Chu Văn An (Chơn Thành, Bình phước) cùng thanh niên hai nước Myanmar, Singapore.Với chuỗi bài học tích hợp về tư duy mở rộng, đặt mục tiêu, quản lý thời gian, tinh thần trách nhiệm, tinh thần hợp tác, kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, khả năng lãnh đạo và tư duy sáng tạo…dự án đã được triển khai trong giai đoạn 2 rất hiệu quả, đặc biệt là việc áp dụng những phương thức khảo sát, đo lường sự thay đổi tích cực trong tư duy và nhận thức của các học sinh. Đây cũng được xem là nỗ lực đáng quý mở rộng mối quan hệ quốc tế cho các bạn trẻ Việt Nam vùng sâu vùng xa ngay trên quê hương.

3. Tâm Đan và dự án xã hội S.E.P

Đại biểu Phan Thị Tâm Đan cũng góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên TP HCM về nạn quấy rối tình dục, buôn bán người và những hiểu biết về cộng đồng LGBT, bình đẳng giới qua dự án xã hội S.E.P (Support.Educate.Prepare). Hiện nay, dự án đã tổ chức được 12 buổi chia sẻ ở các CLB, trường học và hai kỳ trại kéo dài 2 ngày với gần 300 bạn trẻ tham dự tại TP.HCM. Đại biểu Bảo Ngân cũng tham gia dự án giáo dục “S project” nhằm cung cấp kiến thức về giới tính, tâm sinh lý cho lứa tuổi dậy thì và ngăn ngừa hành vi xâm hại, quấy rối tình dục. Dự án đã được thực hiện ở các trường tại Hà Nội, Quảng Bình và Nghệ An.

4. Hoàng An (hàng dưới, thứ nhất từ trái sang) và chương trình Lăng kính về quyền của người khuyết tật

Mong muốn xóa nhòa khoảng cách giữa người gặp khiếm khuyết chức năng và có hội chứng Down, đại biểu Nguyễn Hoàng An hiện đang thực hiện dự án “I am you – Tôi cũng là bạn”. Hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, Hoàng An đang cố gắng dùng lĩnh vực của mình để tăng thêm sự tự tin lẫn cơ hội nghề nghiệp phù hợp cho các bạn khuyết tật như dẫn radio, viết kịch bản chương trình. Tháng 3/2018, Hoàng An đã trở thành một trong những giám khảo của cuộc thi làm phim của người khuyết tật do Đại sứ quán Mỹ và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP tổ chức tại Hà Nội. Năm 2016, Hoàng An cũng đã khởi xướng và thực hiện dự án môi trường “Kho Báu Rác – biến bãi rác thành vườn hoa” trong khuôn khổ chương trình Siêu Thủ Lĩnh do đài VTV6 thực hiện. Với sự hỗ trợ của các bạn sinh viên ngành tài nguyên – môi trường, kiến trúc, dự án đã biến một khu vực tù đọng rác hơn 10 năm tại trung tâm quận Tân Bình thành một vườn hoa. Đồng thời dự án cũng đã cung cấp kiến thức và kỹ năng phân loại rác cho dân cư địa phương.

5. Phan Văn Quyền góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số

Ở lĩnh vực văn hóa, chàng trai đến từ Bảo Lộc, Lâm Đồng Phan Văn Quyền – thủ lĩnh thanh niên của đoàn đại biểu Việt Nam năm nay đã thực hiện dự án Bảo tồn hoa văn người dân tộc thiểu số mang tên “Ethnic Việt” nhằm bảo vệ những họa tiết thổ cẩm của các dân tộc thiểu số đang bị mai một trước dòng chảy hiện đại hóa. “Chúng tôi sẽ gián tiếp giúp đỡ người dân tộc thiểu số địa phương đạt được cuộc sống ổn định và mục tiêu phát triển bền vững về lâu dài như tạo làng thổ cẩm, xây dựng chuỗi kinh doanh xã hội để hướng đến thị trường tiêu thụ, từ đó cung cấp động lực để họ bảo tồn và quảng bá các sản phẩm thổ cẩm” – Quyền chia sẻ. Cùng dự án này, Phan Văn Quyền đã trở thành một trong mười đại diện thanh niên Đông Nam Á và là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam diện kiến và trò chuyện với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama tại Singapore.

Ngoài ra, đoàn đại biểu SSEAYP Việt Nam lần 45 còn đóng góp rất nhiều cho các hoạt động xã hội. Bạn Hạnh Nhơn – nha sĩ đến từ Đà Nẵng đã liên tục tham gia các hoạt động của quỹ Trẻ em vì hoà bình thế giới nhằm chăm sóc sức khỏe và nha khoa cho người nghèo trên địa bàn thành phố. Đại biểu Đức Anh lại chia sẻ niềm vui đến các học sinh tiểu học & trung học cùng dự án “Lá lá land” với chuỗi lớp học kỹ năng vào cuối tuần xoay quanh 5 chủ đề chính gồm tiếng Anh giao tiếp, khoa học, tái chế, thủ công và nấu ăn.

Nhật Hạ