(SaoZone.net) – Sau khi chia tay đạo diễn Như Huỳnh ở tuần trước, 5 đạo diễn còn lại của Kịch cùng Bolero 2018 tiếp tục bước vào chủ đề mới của chương trình đó là “Giới hạn là bầu trời”. Chủ đề khá rộng nên các đạo diễn có lợi thế trong việc chọn lựa kịch bản, đề tài. Thử thách lớn nhất đó là các đạo diễn phải vượt qua được những giới hạn của bản thân để mang đến những tác phẩm đặc sắc.
Minh Tuấn, Minh Nhật và Trần Bảo Châu là 3 đạo diễn mở màn cho chủ đề này trong tập 3 của chương trình, vừa phát sóng tối 23/7 trên kênh THVL1. So với vòng đầu tiên, cả ba tiến bộ hơn hẳn. Ngoài 2 giám khảo quen thuộc của chương trình là NSƯT Công Ninh, NSƯT Kim Xuân, đêm thi còn có sự góp mặt lần đầu tiên của NSƯT Thoại Mỹ. Cả 3 giám khảo đều kỹ tính và đòi hỏi cao ở các đạo diễn trẻ. Và người hội đủ các yếu tố từ kịch bản, diễn viên, xử lý sân khấu, chạm đến cảm xúc của 3 giám khảo đó chính là đạo diễn Minh Nhật.
Là người có số điểm cao nhất ở vòng thi đầu tiên, Minh Nhật bước vào vòng thi tuần này với áp lực phải vượt qua được chính mình. Quan điểm của anh là không để dành, vòng thi nào đều phải hết mình như là vòng thi cuối. Có lẽ vì vậy mà tiết mục của Minh Nhật tối nay có sự đầu tư nổi trội hơn, từ kịch bản cho đến dàn diễn viên tham gia cũng như các ứng dụng công nghệ vào kịch nói. Tác phẩm của Minh Nhật mang tên “Giới hạn của tình yêu”, nói về câu chuyện tình ngang trái của chàng họa sĩ tên Trọng và cô gái làng chài bị mù tên Biển. Cả hai gặp nhau khi chàng họa sĩ từ Sài Gòn về quê để tìm cảm hứng sáng tác. Tình yêu của cả hai rất đẹp và lãng mạn. Trước ngày quay trở về Sài Gòn, Trọng vẽ tặng cho Biển 1 bức tranh. Biển ở nhà chờ Trọng trở về và cô hy vọng sẽ sớm được nhìn thấy bức tranh của Trọng khi cô thực hiện ca phẫu thuật ghép giác mạc mà một người bí ẩn hiến tặng. Một thời gian sau, Trọng quay trở lại tìm Biển. Đi cùng anh là mẹ (Thanh Hằng) và Hương (Thiên Hương) vợ sắp cưới của anh. Mẹ Trọng cho biết Trọng sắp phải lấy vợ và buộc Biển phải rời xa con trai mình. Hương cũng hứa cho Biển một số tiền nếu cô chịu rời bỏ Trọng. Trước lựa chọn giữa tình và tiền, Trọng đã chọn tiền. Anh cùng mẹ và vợ sắp cưới quay về Sài Gòn, bỏ lại Biển trong cô đơn và đau khổ. Một thời gian sau, Biển được ghép giác mạc và tìm lại được ánh sáng. Lúc này, mẹ của Trọng một lần nữa quay trở lại tìm Biển. Nhận ra giọng nói quen thuộc, Biển chua chát xua đuổi bà đi. Lúc này, ông ngoại của Biển (Thanh Tuấn) mới cho cô hay sự thật là Trọng đã chết và không có một cuộc hôn nhân nào cả. Hương chính là em gái của Trọng. Hương cùng với mẹ đã tham gia vào vở kịch do Trọng bày ra cốt để cho Biển hận và quên mình khi anh phát hiện mình bị ung thư không còn sống bao lâu nữa. Người bí ẩn hiến giác mạc cho Biển không ai khác chính là Trọng. Biết được sự thật và “sự lừa dối” đau đớn của người yêu, Biển gào thét và đốt cháy bức tranh người đàn bà cô đơn dưới bầu trời mà Trọng vẽ tặng mình. Lạ thay, khi bức tranh vừa cháy hết lại hiện ra bức tranh thứ hai đó là hình ảnh của đôi tình nhân trước biển. Lúc này, hình ảnh của Trọng cũng hiện về trong tâm tưởng của Biển rồi lại tan biến. Biển như điên dại, bơi thuyền ra biển để tìm hình bóng của người yêu, mẹ của Trọng thấy vậy cũng lao theo để can ngăn… Hai người đàn bà đau khổ ôm nhau khóc và trong giây phút ấy, Biển đã gọi bà 2 tiếng “Mẹ ơi”, bởi trên cơ thể của cô có 1 phần thân thể của Trọng.
Tác phẩm đã khiến cho NSƯT Kim Xuân và Thoại Mỹ rơi nước mắt bởi diễn xuất nhập tâm của nghệ sĩ kỳ cựu Thanh Hằng, đặc biệt là diễn viên Thùy Trang. Cô đã hoàn toàn nhập tâm và thăng hoa với vai Biển. Diễn viên Dương Cường cũng hoàn thành vai diễn đầy cảm xúc. Tuy chỉ xuất hiện trong một phân đoạn, song “thiên thần bolero” Thiên Hương cũng cho thấy tố chất diễn xuất khi vào vai cô em gái giả vờ làm người vợ tương lai đỏng đảnh, kiêu kì của Trọng. Các giám khảo đánh giá cao việc đạo diễn Minh Nhật chọn lựa diễn viên hợp vai. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định 50% thành công của tác phẩm. Và 2 chi tiết đặc biệt phải kể đến trong tiểu phẩm của Minh Nhật đó là việc anh đưa yếu tố ảo thuật vào ở chi tiết Biển đốt bức tranh thứ nhất thì hiện ra bức tranh thứ hai. Và chi tiết kế đến đó là việc anh sử dụng 3 màn hình led trên sân khấu để thể hiện hình ảnh Trọng hiện lên rồi biến mất. Ban đầu, chi tiết này gây khó chịu cho giám khảo Kim Xuân bởi chị vẫn thích những đạo cụ truyền thống nhưng với cách xử lý hoàn toàn hợp lý và tinh tế của Minh Nhật, chị đánh giá cao sự sáng tạo của Minh Nhật. Trong tác phẩm, Minh Nhật sử dụng các ca khúc Bọt biển (Sáng tác: Lam Phương), Ngày buồn (Sáng tác: Lam Phương), Biển cạn (Sáng tác: Kim Tuấn), Tình đầu tình cuối (Sáng tác: Trần Thiên Thanh Toàn). Giám khảo Công Ninh khen Minh Nhật xử lý các bài hát trong tác phẩm rất đắt, mỗi lần các nghệ sĩ cất giọng, ông cảm thấy rất xao xuyến, chạm đến cảm xúc. Chi tiết đốt bức tranh khiến ông bàng hoàng và phải khen Minh Nhật quá giỏi. NSƯT Thoại Mỹ cũng cho biết chị ngưỡng mộ Minh Nhật và cảm ơn chương trình Kịch cùng Bolero đã tạo điều kiện để các đạo diễn trẻ thể hiện sức mình và mang đến những tác phẩm hay cho khán giả. Tiết mục của đạo diễn Minh Nhật đã nhận được 2 điểm 10 từ NSƯT Kim Xuân, NSƯT Thoại Mỹ và điểm 9,5 từ NSƯT Công Ninh. Một lần nữa, Minh Nhật là người có số điểm cao nhất trong tập 3 của chương trình (29,5 điểm).
Tiểu phẩm của đạo diễn Minh Tuấn mang tên Biển rộng trời cao, nói về tình cha con. Nội dung câu chuyện bắt đầu từ 25 năm trước, khi ông Nam (Vũ Thanh) và bà Lệ Thanh (Nghinh Lộc) còn là đôi bạn học lớp 12. Lệ Thanh trót có bầu và bị người yêu ruồng bỏ nên đã cầu xin Thanh đứng ra nhận làm cha đứa bé bởi Lệ Thanh biết Nam thích mình. Nam đã đồng ý nhận làm tác giả của bào thai, song sau khi sinh đứa bé, Lệ Thanh đã bỏ con cho ông Nam nuôi và đi định cư ở nước ngoài. Ông Nam bất đắc dĩ phải làm cha ở lứa tuổi thanh xuân. Ông đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để nuôi con trai Huy Vũ khôn lớn và trở thành một ca sĩ trẻ đầy triển vọng. Tuy nhiên, đến lúc này bà Thanh trở về Việt Nam và muốn đưa Huy Vũ (Kim Hải) sang nước ngoài để phát triển sự nghiệp cũng như để bà được đoàn tụ cùng con. Một lần nữa bà ép buộc ông Nam phải hy sinh niềm vui tuổi già, chấp nhận cho Huy Vũ trở về với bà. Tình cờ nghe được câu chuyện, Huy Vũ xúc động vì sự hy sinh của ông Nam dù ông không phải là cha ruột. Anh quyết định ở lại Việt Nam, bên cạnh người cha đã hy sinh cả cuộc đời cho mình. Để tiết mục tăng cảm xúc, đạo diễn Minh Tuấn đã sử dụng ban nhạc sống thay vì sử dụng nhạc thu trước. Đây là điểm cộng được các giám khảo ghi nhận.
Tuy nhiên, giám khảo Công Ninh không hoàn toàn thuyết phục với phần kết của tiết mục khi người con trai chọn bố mà không chọn mẹ. NSƯT Công Ninh đòi hỏi Minh Tuấn xử lý tình hơn vì dù sao mẹ cũng là người đã mang nặng đẻ đau để sinh ra con nên dù có chọn quay về với bố cũng nên có lời chào dành cho mẹ. NSƯT Thoại Mỹ tiếc vì tiết mục chưa xử lý được nhiều không gian sân khấu. Đạo diễn Minh Tuấn nhận được số điểm 27,75. Các ca khúc được anh sử dụng trong tác phẩm gồm có Mẹ tôi (Sáng tác: Trần Tiến), Nhật ký đời tôi (Sáng tác: Thanh Sơn), Phượng hồng (Thơ: Đỗ Trung Quân, nhạc: Vũ Hoàng).
Tiểu phẩm của nữ đạo diễn Bảo Châu mang tên Xuôi dòng hoa đăng, nói về chuyện tình ngang trái của Minh (Tiết Duy Hòa) và Ngọc (Phương Trâm). Cách đây nhiều năm, khi Minh còn trẻ, vì trót dại nghe lời bạn xấu, anh đã cùng với Tài đột nhập vào một ngôi nhà để cướp. Tài vào trong, còn Minh ở ngoài canh cửa. Trong lúc trộm đồ, bị vợ chồng chủ nhà phát hiện, Tài đã ra tay giết chết cả hai. Lúc đó, cô con gái nhỏ của chủ nhà nghe tiếng động nên giật mình dậy tìm bố mẹ. Sợ cô bé thấy mặt mình, Tài định ra tay giết luôn nhưng Minh can ngăn. Trong lúc giằng co với Tài, Minh làm rơi sợi dây chuyền có mặt hình mẹ ôm con, sau đó Minh đã nhặt lại được, trước khi cả hai bị công an bắt. Tài bị tuyên án tử hình còn Minh bị kết án 12 năm tù. Sau khi mãn hạn tù, Minh ân hận và lên núi sống bằng nghề bán nhang trước cổng chùa. Tại đây, anh đã gặp một cô gái trẻ tên Ngọc – một phật tử thường xuyên lên chùa cúng bái. Trong một lần Ngọc bị cướp và được Minh cứu, phát hiện gã cướp có quen với Minh và tình cờ thấy sợi dây chuyền có mặt là hình mẹ ôm con của Minh, Ngọc đã xâu chuỗi lại và nhận ra anh chính là 1 trong 2 thủ phạm đã giết bố mẹ mình năm xưa. Cô căm hận và định giết Minh để trả thù nhưng lòng nhân từ của Ngọc đã không cho phép cô làm thế. Ngọc quyết định bỏ đi, từ bỏ mối tình ngang trái của mình. Tiểu phẩm kết thúc với hình ảnh trong đêm Vu lan, Ngọc thả đèn hoa đăng cầu siêu cho bố mẹ. Minh cũng đã mang đèn đến và cầu xin sự tha thứ của Ngọc. Hình ảnh chiếc đèn của Minh được đặt trên chiếc dù úp ngược theo lý giải của đạo diễn Bảo Châu: chiếc dù biểu trưng cho dự che chở, bảo vệ, nhưng mọi sự đau khổ của con người bắt nguồn từ chính bản thân mình mà ra. Cho nên, khi chiếc dù bị lật ngược xuống, cũng như khi con người đã biết lắng nghe tâm hồn mình, thả trôi muộn phiền thì sẽ tìm được sự an yên.
Giám khảo Công Ninh ghi nhận Bảo Châu xử lý không gian tốt và sử dụng phần nhạc đoạn khai từ hợp lý. Giám khảo Kim Xuân khen tiết mục mở đầu hấp dẫn nhưng tiếc là Bảo Châu không giữ được sự hấp dẫn đó đến hết câu chuyện. Giám khảo Thoại Mỹ góp ý về cách đánh đèn của Bảo Châu đoạn nhân vật Minh đứng 1 mình trước cổng chùa với chiếc xe nhang, cần đánh 2 màu đèn khác nhau để phân biệt giữa thiện và bất thiện. Tiết mục của đạo diễn Bảo Châu nhận được số điểm 26,5. Các ca khúc được đạo diễn Bảo Châu sử dụng trong chương trình là: Lý cây bông (Sáng tác: Dân ca Nam Bộ), Khi đã yêu (Sáng tác: Nguyễn Văn Đông), Huyền thoại chiều mưa (Sáng tác: Nguyễn Vũ), Nếu hai đứa mình (Sáng tác: Anh Bằng – Lê Dinh), Thói đời (Sáng tác: Trúc Phương).
Với số điểm gần tuyệt đối, một lần nữa đạo diễn Minh Nhật vươn lên dẫn đầu đêm thi. Tuần sau, chủ đề “Giới hạn là bầu trời” sẽ được tiếp tục với 2 đạo diễn còn lại là Thái Kim Tùng và Thùy Dương. Chương trình Kịch cùng Bolero 2018 do Đài Truyền hình Vĩnh Long và Công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Bột giặt nhiệt ABA và Binky. Dẫn chương trình là đạo diễn Ngọc Duyên và Vũ Trần, cũng là Quán quân và Á quân của chương trình mùa 1.
Nhật Hạ