(Saozone.net) – Tại phiên xử vắng mặt phía bị đơn và HĐXX đã tuyên chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn vì cho rằng có căn cứ.
Ngày 21-3, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (TNH) do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị và bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông Vũ, ngụ tại quận 3).
Tại phiên xử vắng mặt phía bị đơn và HĐXX đã tuyên chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn vì cho rằng có căn cứ.
Theo đơn khởi kiện tháng 7-2017, TNH là công ty mẹ của 9 công ty con như Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên (TNG), Công ty cổ phần cà phê hoà tan Trung Nguyễn , Công ty Trung Nguyên Singapore… Và bà Thảo là cổ đông của TNH với tỉ lệ cổ phần chiếm 30% vốn điều lệ.
Cũng theo trình bày của phía nguyên đơn, sáng 16-10-2015, bà Thảo đã dẫn theo một số người đến trụ sở của TNH khống chế bà Lê Thị Bích Hạnh (thư ký Ban Tổng giám đốc) để cưỡng đoạt bất hợp pháp hàng loạt con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH, các công ty con và chi nhánh của các công ty trong hệ thống Tập đoàn Trung Nguyên. Sự việc này đã được Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân lập vi bằng.
Sau khi bị mất con dấu, TNH và các công ty con trong Tập đoàn Trung Nguyên đã gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn Trung Nguyên đã phát hành nhiều văn bản yêu cầu bà Thảo trao trả toàn bộ con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà đang giữ bất hợp pháp nhưng không được.
Và bà Thảo còn sử dụng con dấu trái phép trong một số việc. Cụ thể ngày 23-10-2015, bà Thảo đã gửi đến toàn bộ nhân viên và quản lý cấp cao của Tập đoàn Trung Nguyên Quyết định số 23.10/QĐBN-HĐQT tự mạo danh HĐQT để tự bổ nhiệm chính mình giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), sử dụng con dấu TNG để đóng lên quyết định này.
Ngày 30-5-2017, bà Thảo tự ý nhân danh TNH phát hành các văn bản có đóng dấu của TNH đến các nhà phân phối của Tập đoàn Trung Nguyên để yêu cầu đối tác “dừng việc phân phối hay bán sản phẩm Trung Nguyên, G7 tại thị trường Mỹ”….
Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu toà án buộc bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH cùng các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của TNH; chấm dứt hành vi nhân danh TNH để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền. Đồng thời, yêu cầu bà Thảo trả ngay cho TNH con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà Thảo đã chiếm đoạt vào ngày 16-10-2015.
Dù không có mặt tại toà, nhưng trước đó phía bị đơn cũng có ý kiến về vụ kiện. Theo đó, phía bà Thảo cho rằng những quy buộc trách nhiệm của nguyên đơn cho bà là không đúng. Bà đủ tư cách giữ con dấu và các giấy chứng nhận trên vì bà Thảo là người hôn phối với ông Vũ và có phần trong tài sản chung của vợ chồng. Có thời gian, ông Vũ thường xuyên vắng mặt vì lý do cá nhân, bà có văn bản gửi thông báo về vụ việc giữ con dấu. Bà Thảo cũng đã mời thừa phát lại lập vi bằng việc bà trao trả con dấu nhưng phía TNH không nhận.
Tại phiên toà, luật sư và đại diện nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện. Theo đó, họ rút yêu cầu hoàn trả con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với các công ty con, chi nhánh. Với yêu cầu rút phần này toà chấp nhận và đình chỉ đối với nội dung này.
Về nội dung vụ kiện, HĐXX nhận định, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu (12-12-2009) và giấy thay đổi lần 3 ngày 12-4-2016 thì TNH có người đại diện theo pháp luật là ông Vũ. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, việc quản lý sử dụng con dấu thuộc người có thẩm quyền của công ty. Bà Thảo không phải người đại diện theo pháp luật nên không có quyền chiếm giữ con dấu. Vì vậy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Bà Thảo phải trả lại con dấu đã chiếm giữ trái phép cũng như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH.
Về yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên các chữ ký của người không có thẩm quyền của công ty, HĐXX xét bà Thảo không được phép làm chuyện này vì pháp luật quy định nghiêm cấm hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền. Và thời hạn ủy quyền cho bà Thảo được sử dụng con dấu chỉ có hiệu lực đến ngày 31-12-2014. Từ ngày 1-1-2015, bà Thảo sử dụng con dấu để đóng lên các văn bản là trái luật.Do bà Thảo không phải người có thẩm quyền của TNH, mà chỉ là thành viên của HĐQT và cổ đông góp vốn nên phải tuân thủ quy định của điều lệ doanh nghiệp và cổ đông công ty, chỉ thực hiện các công việc theo thẩm quyền của cổ đông góp vốn. Cạnh đó, việc bà Thảo nói đã bàn giao con dấu, giấy chứng nhận nhưng các cấp quản lý không nhận. Toà nhận thấy từ khi thụ lý vụ kiến đến hoà giải vẫn chưa giải quyết.