(SaoZone.net) – Tập 4 Shark Tank mùa 3 trở lại với cơn lốc gọi vốn thành công dành cho cả 3 startup tham gia. Dù cả 3 sản phẩm đều xuất phát từ thị trường ngách nhưng có nhu cầu rất thực tế khiến các cá mập phải liên tiếp chốt deal.

Thương vụ gây ấn tượng nhất trong tập này chính là màn gọi vốn của startup Hải Bình – Nhà sáng lập Doanh nghiệp xã hội Revival Waste với 1 tỷ đổi lấy 10% cổ phần cho dự án “Giải cứu rác chết”. Đây là doanh nghiệp cộng đồng đầu tiên tham gia gọi vốn và gọi vốn thành công tại Shark Tank Việt Nam qua ba mùa.

Mở màn phần thuyết trình, Hải Bình cho hay mỗi một năm Việt Nam đang thải ra 20 triệu tấn rác. Chỉ 10% trong số đó được thu hồi và tái chế, 90% số rác còn lại đang đi vào bãi chôn lấp hoặc ở đâu đó ngoài môi trường tự nhiên như sông ngòi, kênh rạch, hệ thống thoát nước… Việt Nam hiện đứng thứ 4 về xả thải rác nhựa ra biển nhưng 80% nhà máy tái chế nhựa tại Việt Nam lại đang nhập khẩu rác nhựa để vận hành sản xuất. 

Nhà sáng lập Revival Waste nhấn mạnh: “Phần lớn người Việt nghĩ loại rác ve chai thu mua là rác tái chế, còn lại là rác không tái chế được. Nhưng sự thật ve chai chỉ gom được 10% rác thải sinh hoạt. Trong 90% còn lại có một 1 lượng cực kì lớn rác có thể tái chế. Chúng tôi gọi đó là “rác chết” và mục tiêu của chúng tôi là hồi sinh “rác chết” đó lại”.
Revival Waste chuyên nghiên cứu từng chủng loại rác, đưa ra phương thức xử lý và phân loại phù hợp sau đó xây dựng một kế hoạch khả thi cho các doanh nghiệp khác tham gia vào. Doanh thu của Revival Waste đến từ tiền bán rác, chi phí tư vấn, các doanh nghiệp khi tham gia vào dự án. Hiện Revival Waste đang thu gom rác từ các nguồn là trường học và một số chương trình phối hợp với các địa phương.

Với ý kiến các công ty xử lý rác ở Việt Nam đều phải nhờ ngân sách nhà nước bù lỗ, Hải Bình cho biết, Revival Waste đã tìm ra cách tối ưu và giải quyết bằng cách phân loại rác tại nguồn và đưa thẳng đến nhà máy tái chế. Và dự án thực tế không cần nhiều người bởi Revival Waste đang nhận được sự hỗ trợ, đồng thuận từ rất nhiều người nhờ vào việc xây dựng thành công hệ thống của mình.

Đề cập đến vấn đề tài chính, nhà sáng lập Revival Waste cho biết doanh nghiệp mới được thành lập từ tháng 11/2018 với doanh thu đạt 125 triệu đồng, công ty đang lỗ khoảng 700 triệu đồng. Lý giải con số lỗ khá cao của Revival Waste, Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là doanh nghiệp xã hội”.

Không đồng tình với quan điểm của startup, Shark Hưng chia sẻ: “Doanh nghiệp xã hội không hoàn toàn phải phi lợi nhuận, vẫn có thể có lợi nhuận chỉ có điều các bạn sử dụng nó như thế nào. Vì nếu anh đi kêu gọi vốn từ nhà đầu tư thì chắc chắn họ sẽ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận, việc thu hồi vốn”.

Đánh giá các phương án xử lý rác của Revival Waste chưa đủ sức thuyết phục, các Shark Dzung Nguyễn, Nguyễn Ngọc Thủy, Phạm Thanh Hưng lần lượt lắc đầu từ chối.

Đứng trước nguy cơ phải ra về tay trắng, Hải Bình cung cấp thêm thông tin đến các nhà đầu tư rằng số vốn của Revival Waste đang bảo toàn. Mới hoạt động chỉ trong 6 tháng nhưng dự án đã lan tỏa đến 18 Quận, Huyện và 9 Tỉnh thành trên cả nước. Nhà sáng lập Revival Waste bày tỏ tham vọng: “Từ bây giờ đến năm 2030 chúng tôi sẽ làm sao để định giá cho rác 0 đồng trong mắt người dân trở nên giá trị. Số tiền rất nhỏ nhưng chúng tôi sẽ tạo ra một hiệu ứng rất lớn”.

Giữ vững quan điểm startup đang đi sai hướng, Shark Nguyễn Thanh Việt kiên quyết ‘lắc đầu’ từ chối đầu tư. Quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, hiện đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Quỹ môi trường xanh Việt Nam, Shark Đỗ Liên đưa ra cho startup lời đề nghị 1 tỷ đồng đổi lấy 50% cổ phần của Revival Waste.

Shark Đỗ Liên chia sẻ: “Nghe bạn nói, tôi rất hiểu các hoạt động kinh doanh của bạn. Đương nhiên đang lỗ rồi, bản thân các công ty quản lý rác của nhà nước cũng đang lỗ nhưng tôi thích mục đích bạn đang hướng đến là làm sạch cho cộng đồng. Đây là ý tưởng rất hay. Bạn đang có định hướng rất tốt, tôi vào sẽ giúp bạn rất nhiều thứ. Tôi không mong muốn được chia lợi nhuận. Nếu được chia tôi sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận đó quay ngược lại giúp cho cộng đồng. 

Chúng ta muốn xử lý triệt để thì phải đánh vào ý thức của từng người dân. Khi chúng ta vứt rác ra khỏi nhà thì phải biết phân loại ngay từ trong nhà. Điều đấy là quan trọng và tôi muốn bạn phải làm được điều đó. Đặc biệt, các bạn phải lan tỏa cho những thế hệ trẻ gìn giữ môi trường, nơi sống của chính bản thân mình”. 

Mạnh dạn bày tỏ mục đích đến Shark Tank để đi tìm người đồng hành, nhà sáng lập của Revival Waste đề nghị thương lượng ở mức 1 tỷ đồng đầu tư cho 49% cổ phần. Con số này nhanh chóng được nhà đầu tư gật đầu đồng ý. “Tôi đầu tư vào bạn! Bạn sẽ là người dẫn dắt, điều hành công ty. Tôi chỉ là “bà đỡ” cho bạn, nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm” – Shark Liên nói.

Động lòng trước tình yêu của startup với Guốc Việt, Shark Việt rót vốn đầu tư

Thương vụ thành công tiếp theo của tập 4 Shark Tank mùa 3 là sự xuất hiện của nữ startup đã đeo đuổi nghề làm guốc tròn 15 năm, từng làm đôi guốc kỷ lục Việt Nam, từng mở siêu thị guốc lớn nhất Việt Nam.

Phạm Như Hoa (còn gọi là Hoa Guốc) – CEO Guốc Việt mở đầu phần thuyết trình với lời kêu gọi đầu tư 6 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty với mong muốn tái cơ cấu, gầy dựng lại giấc mơ guốc Việt.
Như Hoa chia sẻ, vào năm 2007 cô khởi nghiệp với dự án làm Guốc, trong lúc công ty đang ăn nên làm ra thì nữ CEO mắc sai lầm đem thương hiệu đi cầm cố, đáo nợ ngân hàng và bị vỡ nợ. Hậu quả để lại hậu phá sản là gia đình đổ vỡ, chuyện học hành của con gái cô bị ảnh hưởng. 

Startup trải lòng: “Không phải tôi đến đây kể khổ để lấy sự rủi thương vì tôi thấy con đường đi của guốc. Tất cả những gì tôi quay trở lại là vì đam mê với guốc, nhà tôi ở tôi có thể không có chỗ nằm nhưng những bao guốc thì tôi giữ lại. Một trong những khổ tâm và đau lòng nhất của tôi là tại sao giỏi mà chưa giàu, tôi không biết mình phải gồng lên đến bao giờ”. Nhận định công nghệ làm guốc Việt hiện nay đã trở nên lỗi thời, nữ startup đến Shark Tank gọi vốn với mong muốn tiếp tục được thực hiện sứ mệnh đem Guốc Việt tiến xa hơn nữa. 

Đối mặt với câu hỏi không nhìn thấy bí quyết hay giá trị riêng của Guốc Việt từ Shark Phạm Thanh Hưng, nữ startup khẳng định trên thị trường có nhiều đôi guốc tương tự nhau nhưng các sản phẩm của Hoa guốc là độc nhất vô nhị. Như Hoa mạnh mẽ tuyên bố: “Nếu như Shark nào có thể search được dù là một chiếc ảnh có đôi guốc nào giống guốc tôi thiết kế ở đây thì tôi sẽ không gọi 6 tỷ nữa mà đi cày trả lại cho Shark gấp 2 lần 6 tỷ”.

Quan tâm đến đầu ra của thị trường guốc, Shark Thủy liên tục đặt ra những câu hỏi liên quan đến tài chính, nhu cầu người tiêu dùng khiến startup gặp nhiều lúng túng. Như Hoa thành thật chia sẻ: “Về cái nhìn thương mại có thể tôi cũng chưa được tròn trịa, chính vì vậy tôi muốn đi tìm kiếm những người có tầm nhìn xa hơn”. 

Nhận định Guốc Việt chỉ có 1,9 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng được định giá quá cao và con số tài chính chưa rõ ràng, các Shark Dzung Nguyễn, Nguyễn Ngọc Thủy, Shark Đỗ Liên và Shark Phạm Thanh Hưng đều lần lượt rút lui. 

Tưởng như thương vụ sẽ thất bại khi 4/5 nhà đầu tư đã lắc đầu từ chối, nữ startup Như Hoa đã gặp được “phép màu” đến từ Shark Nguyễn Thanh Việt khi ông đưa ra lời đề nghị đầu tư 2 tỷ đồng lấy 50% cổ phần, còn 4 tỷ đồng cam kết đầu tư tiếp.

Chủ tịch HĐQT Intracom Group chia sẻ: “Bây giờ phải làm sao mà mình có gỗ sẵn, người ta đến cái là có thiết kế 3D ra guốc ngay. Cái nào handmade mình phải tính 200$ chứ không phải 200 đồng. Mô hình của bạn rất đáng khích lệ”. Shark Việt cam kết sẽ cố gắng biến ước mơ của startup thành hiện thực, giúp đỡ startup vấn đề tài chính và hỗ trợ cho đến khi thành công.

Nhanh chóng gật đầu nhận sự hỗ trợ từ Shark Việt, CEO Guốc Việt không khỏi xúc động sau thương vụ: “Phút cuối gần như không còn hy vọng, những Shark mình nghĩ sẽ đầu tư thì không hợp tác làm mình hẫng hụt rất nhiều, gần như không còn chỗ bấu víu. Đến lúc Shark Việt tuyên bố đầu tư, cảm xúc tôi vỡ òa giống như bàn thắng được ghi vào phút chót. Không còn cơ hội nào khác gật đầu ngay thôi. Được làm guốc rồi, được bắt đầu rồi”.

Shark Thủy rót 5 tỷ đầu tư vào dự án Macca “Made in Việt Nam”

Thương vụ cuối cùng đến từ Nguyễn Thị Thu Phương – CEO 9x là người đầu tiên mang sản phẩm Mắc ca Đắk Lắk đến với người tiêu dùng trong cả nước. 

Gửi đến nhà đầu tư lời mời 5 tỷ cho 20% cổ phần công ty Macca DakLak Nguyên Phương, Thu Phương bày tỏ mong muốn kêu gọi đầu tư một phòng nghiên cứu sản phẩm mới và tìm được đầu ra ổn định cho người nông dân, chứng minh nông sản Việt Nam không thua kém các nước khác trên thế giới.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, chỉ có 30 quốc gia trên Thế giới trồng được hạt mắc ca và hiện Việt Nam là một trong số các nước trên. Sản lượng hạt mắc ca trên thế giới mới chỉ cung ứng được 25-35%, một số nước không sản xuất được vẫn phải nhập hạt mắc ca về để chế biến các sản phẩm khác. Hiện Mắc ca Việt Nam đang có giá cao hơn thị trường thế giới. Sản lượng tại Đắk Lắk chỉ có 300 tấn và Macca DakLak Nguyên Phương là doanh nghiệp sản xuất được hàm lượng lớn nhất khu vực.

Startup cũng cho hay, Macca DakLak Nguyên Phương được người tiêu dùng đón nhận tích cực trong 3 năm qua. Chủ yếu các thành phố lớn chiếm đến 85%, 15% còn lại ở thành thị và nông thôn. Khách hàng Việt chiếm 90%, sản phẩm đã xuất khẩu tiểu ngạch sang Canada và Đài Loan chiếm tỉ trọng 10% sản lượng. 

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 4 tỷ đồng. Trong vòng 5 tháng đạt doanh thu 5 tỷ đồng, ước chừng 1 năm có thể doanh thu tăng 12 tỷ đồng.

Đánh giá mô hình sản xuất của Macca DakLak Nguyên Phương vẫn còn nhỏ và biên lợi nhuận của sản phẩm ra thị trường vẫn chưa hợp lý, các Shark Dzung Nguyễn, Shark Đỗ Liên, Shark Phạm Thanh Hưng, Shark Nguyễn Thanh Việt đều từ chối đầu tư.

Shark Hưng đưa ra lời khuyên cho startup: “Em nên lưu ý hai vấn đề, một là làm sao tăng được profit margin lên, thứ hai là vấn đề thương hiệu vì đây là sản phẩm tiêu dùng. Thêm cách chế biến để tăng các giá trị lợi nhuận biên của sản phẩm lên. Em bán một sản phẩm rất tốt, do sức người tâm huyết tạo ra và còn mang ý nghĩa nhân văn nhưng lại sợ bán giá cao không ai mua thì em không truyền đạt được giá trị đến người tiêu dùng”.

Trái ngược với các nhà đầu tư khác, gặp lại Thu Phương kể từ cuộc thi “Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018” Shark Nguyễn Ngọc Thủy ghi nhận sự tiến bộ của startup khi đã có doanh thu và mô hình sản xuất ổn định đảm bảo đầu ra cho người nông dân, và Đắk Lắk là vùng nguyên liệu đầy tiềm năng để trồng hạt mắc ca. 

Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập Tập đoàn Egroup – Sở hữu chuỗi trung tâm tiếng anh Apax đưa ra cho startup lời đề nghị 5 tỷ cho 36% công ty. Shark Thủy chia sẻ: “Mùa 1 tôi đã có đầu tư vào Soya Garden. Tôi nghĩ những sản phẩm về hạt sẽ là một thị trường đang bắt đầu phát triển. Mục đích của tôi ngoài những sản phẩm chế biến uống tại chỗ trong ngành F&B, tôi muốn đưa thêm đến cho người tiêu dùng sản phẩm có Date như thế này. Với chỉ số hiện nay bạn khó có thể gọi số vốn nhiều hơn, tuy nhiên nếu tôi đầu tư vào bạn, tôi nhìn thấy có khả năng thành công được và có thể hỗ trợ được vì đã có sẵn hệ sinh thái”. 

Thương vụ diễn ra thành công khi startup nhanh chóng gật đầu nhận sự hỗ trợ từ Shark Thủy. Chia sẻ sau thương vụ, nữ CEO 9x bày tỏ mong muốn được sớm đưa các sản phẩm hạt mắc ca vào các chuỗi cung ứng của Shark Thủy trên toàn quốc, cũng như được Shark Thủy hỗ trợ đưa sản phẩm mắc ca ra thị trường thế giới. 

Tập 5 Shark Tank Việt Nam – Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ 3 sẽ phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 21/8/2019 trên kênh VTV3.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here