Tuần này, Lời Cảnh Báo đề cập những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như Chiêu trò lừa đảo gắn thẻ người dùng mạng xã hội, Nguy hiểm từ việc dùng cây mắt mèo để chữa bệnh.
Chiêu trò lừa đảo gắn thẻ người dùng mạng xã hội
Với chiêu trò ngày càng tinh vi, tội phạm công nghệ cao đang khai thác sơ hở trên không gian mạng để thực hiện các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng. Một trong những phương thức đó là gắn thẻ, tag, tài khoản cá nhân, mạng xã hội vào các bài đăng với nội dung giật gân thu hút sự tò mò của người dùng, từ đó nhiều người bị chiếm đoạt tài sản.
Chị NAT chia sẻ: Tài khoản của chị và một người khác được gắn thẻ trên một bài đăng của một ca sĩ nổi tiếng, xem đầy đủ bài viết chỉ cần nhấp link trong phần bình luận. Tuy nhiên, ngay sau khi nhấn vào điện thoại chị hiện lên giao diện giống của Facebook, sau khi nhập tài khoản vào và ấn đăng nhập người dùng phát hiện tài khoản mình đã mất quyền truy cập. Đến khi bạn bè gọi điện báo mới cho chị vay 20 triệu đồng thì mới tá hỏa.
Ngoài chị NAT, anh ĐNA ngụ tại TP.HCM cũng trở thành nạn nhân của chiêu thức lừa đảo này: “Hôm đó, tôi thấy thông báo tài khoản của tôi được gắn thẻ vào bài viết với nội dung thông báo có người mất kèm theo một đường link, vì tò mò nên tôi ấn vào xem và không hiện thông tin gì ngoài giao diện Facebook bắt xác minh tài khoản, ngay sau đó tôi không thể đăng nhập vào tài khoản của mình và tôi biết tôi đã bị đánh cắp. Kẻ gian đã sử dụng tài khoản để vay tiền và xin nạp điện thoại. Ngay lập tức tôi đã điện cho người thân bạn bè thông báo tài khoản đã bị chiếm đoạt”.
Thạc sĩ Phạm Đình Thắng (Trưởng bộ môn An ninh mạng, Trường ĐH Tin học Ngoại ngữ TP.HCM) cho biết: “Thông thường họ sẽ đánh vào tâm lý người dùng, đưa ra câu chuyện cảm động khơi dậy lòng trắc ẩn, thứ hai đánh vào sự hiếu kì cái mới, cái hay hoặc lợi ích quà, trúng thưởng. Sau đó, yêu cầu người dùng thao tác một việc gì đó như nhấn link,.. thì chiêu trò mới thành công”.
Hành vi này thực chất là biến tướng của chiêu trò phát tán tin nhắn, mục đích dẫn dụ người nhẹ dạ cả tin bấm vào đường link chứa mã độc, khiến người dùng mất quyền kiểm soát điện thoại di động và đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Phạm Văn Hiệp cho biết: “Hành vi gắn thẻ người dùng không vi phạm pháp luật nhưng nếu với mục đích phát tán nội dung lừa đảo thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo cách thức và mức độ sẽ có thể bị xử lý theo vi phạm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự như phạm vào tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng xã hội mạng viễn thông theo quy định 288 Bộ luật Hình sự. Đối tượng sẽ bị phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 7 năm. Đối tượng còn có thể vi phạm vào tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, điện tử để chiếm đoạt tài sản tại điều 290 Bộ Luật Hình sự sẽ chịu cải tạo không giam giữ 3 năm, phạt tù tối thiểu 6 tháng, tối đa 20 năm. Đối với chế tài hành chính, đối tượng thực hiện có thể phạm hành vi chiếm đoạt tài sản của tổ chức cá nhân bằng điện tử viễn thông, mức phạt hành chính có thể từ 35 đến 50 triệu đồng, tổ chức thực hiện hành vi có thể bị phạt từ 70 đến 100 triệu đồng”.
Nếu không cảnh giác với chiêu lừa này, tài khoản bị chiếm đoạt có thể liên kết với các website, fanpage được sử dụng để kinh doanh, thương mại. Các đối tượng cũng có thể bịa chuyện bôi nhọ, hạ thấp nhân phẩm hoặc sử dụng thông tin cá nhân để tống tiền, chiếm đoạt tài sản. Thạc sĩ Phạm Đình Thắng chia sẻ: “Chúng ta có thể phòng tránh bằng cách dùng chức năng mạng xã hội cung cấp ví dụ như chặn gắn thẻ trên Facebook, chúng ta phải có một tâm thế cảnh giác khi cảnh giác thì mới đề phòng được các hành động tiếp theo”.
Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng nên hạn chế bấm vào các link không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các link yêu cầu đăng nhập mật khẩu. Cần thực hiện các biện pháp xác thực mạnh như xác thực 2 yếu tố hoặc bằng cả số điện thoại và địa chỉ email. Người dùng nên tải ứng dụng từ các nguồn chính thống tránh bị trục lợi cá nhân. Nếu không may rơi vào trường hợp trên phải nhanh chóng thông báo cho những người xung quanh để đề phòng.
Clip: Chiêu trò lừa đảo gắn thẻ người dùng mạng xã hội:
Nguy hiểm từ việc dùng cây mắt mèo để chữa bệnh
Dạo gần đây cây mắt mèo – một loại cây mọc dại ven đường được nhiều người tìm kiếm chữa đau lưng, nhức mỏi thậm chí là ung thư. Phải chăng điều đó là thật hay mọi người đang sử dụng loài cây này sai cách.
Chị Kim Oanh ở Long An có người nhà bị nhức mỏi nhiều năm. Sau khi xem được bài viết về công dụng chữa bệnh của cây mắt mèo trên mạng xã hội, chị đã liên hệ với bên người bán, được tư vấn rất nhiệt tình với vô vàn công dụng như giảm đau cơ, giảm kí sinh trùng, hạ sốt,…chi phí rẻ nên chị đã tin và mua cho người thân dùng.
Công dụng được người bán thêm những lời có cánh, tâng bốc loại cây này nhưng sự thật người thân chị Oanh sử dụng không những không hết bệnh mà còn bị ngứa, khó chịu: “Tôi có lướt mạng xã hội thấy được công dụng của cây mắt mèo trị cả đau lưng, nhức mỏi, cả ung thư. Người thân của tôi sau khi sử dụng một ít thì bị dị ứng và rối loạn tiêu hóa”.
Cây mắt mèo mọc hoang ở nhiều vùng quê Việt Nam, dạo gần đây loại cây được đồn đại với nhiều tác dụng thần kì nhờ vào các thành phần tự nhiên. Các sản phẩm như bột xay, hạt rang từ cây mắt mèo đang được bán tràn lan trên mạng xã hội với giá vài trăm ngàn một gói.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trương Minh Thế (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết: “Cây mắt mèo là một loại cây họ đậu mọc hoang ở các bờ, bụi ven đường. Trong các tài liệu y học chính thống đến các tài liệu nghiên cứu hiện đại người ta chưa thấy hiệu quả điều trị trong các bệnh thường gặp và các bệnh hiếm. Các bệnh ung thư dân gian cũng chưa có thông tin nào là cây mắt mèo có thể trị được”.
Nhiều người không hề hay biết rằng cây mắt mèo chứa các hợp chất hóa học gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu không xử lý đúng cách. Theo các chuyên gia y tế, cây mắt mèo chứa nhiều hoạt chất gây kích ứng mạnh, lớp lông tơ trên quả mắt mèo chứa độc tố có thể gây ngứa, dị ứng nghiêm trọng thậm chí có thể hít phải hoặc dính vào niêm mạc. Cây mắt mèo chứa một số dược tính nhưng cũng gây kích ứng da hoặc gây nguy hiểm khi dùng sai liều lượng gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa, gây tổn thương các cơ quan nội tạng.
Không chỉ ở các chợ quê, cây mắt mèo còn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, những lời thổi phồng như thần dược dễ dàng khiến người dân mắc bẫy. Thay vì tin vào những lời thiếu cơ sở người dân nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Clip: Nguy hiểm từ việc dùng cây mắt mèo để chữa bệnh
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội..
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.