Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những câu chuyện: Không nên trông chờ vào người khác, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho sinh viên, nuôi dưỡng lòng biết ơn cho con trẻ.
Không nên trông chờ vào người khác
Trong cuộc sống, câu chuyện ỷ lại, trông chờ vào người khác là tình trạng không khó để bắt gặp. Người mang tâm lý này thường thiếu năng lực, khó thăng tiến trong công việc và không có khả năng giải quyết vấn đề của bản thân. Đôi khi việc nhờ người khác giúp đỡ cũng là điều cần thiết, nhưng quá dựa dẫm vào người khác, sợ hãi đối mặt với khó khăn, thiếu tự tin vào bản thân sẽ cản trở sự phát triển của bản thân và gây ra những hệ lụy khác.
Chị Như Yến (TP.HCM) chia sẻ: “Mình thấy hiện nay có rất nhiều bạn trẻ thường xuyên phụ thuộc vào người khác. Họ thường có tâm lý yếu đuối, mỏng manh khi có sóng gió, khó khăn ập đến và đặc biệt họ dễ dàng vấp ngã và không tự mình đứng lên được”.
Anh N.T (TP.HCM) thổ lộ: “Hồi trước, mình hay được bảo bọc, mọi điều đều trông chờ ba mẹ làm cho, nên sinh ra ỷ lại. Và về lâu dần, mình ngày càng yếu đuối, làm biếng và không dám quyết định. Khi đi làm, mình không làm được nhiều việc và cũng không ai chịu nhận mình.
Thạc sĩ Cao Văn Cang (Chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Trông chờ vào người khác nghĩa là hành vi dựa dẫm, trông đợi và phụ thuộc vào người khác. Hệ quả của hành vi dễ trở thành một người không có chính kiến và tư duy độc lập, mất đi sự tự tin, sáng tạo. Việc trông chờ vào người khác là một căn bệnh lười biếng và ảnh hướng rất nghiêm trọng trong cuộc sống. Hãy tập cho mình một lối sống độc lập, tự tin, có tư duy phản biện, phải vượt qua tính ỳ trong tư duy, trong mọi việc”.
Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho sinh viên
Trong cuộc sống, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối tượng sinh viên. Việc quản lý tài chính hiệu quả giúp sinh viên có cuộc sống thoải mái hơn, tập trung học tập và phát triển bản thân.
Em Trần Nguyễn Như Ý (tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Tôi thường xuyên mua sắm trên nền tảng trực tuyến, vì vậy tôi không biết tôi đã chi bao nhiêu tiền, mua sắm những gì, tôi không thể kiểm soát được bản thân. Có những lần chưa đến cuối tháng, tôi hết sạch tiền, không đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu thiết yếu: tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, tiện nước…Thật sự tôi không biết nên chi tiêu như thế nào để hợp lý hơn”.
Chị Thái Thị Mai Trân (Chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính) chia sẻ: “Quy tắc tài chính hiệu quả là “thu phải cân bằng với chi” hoặc “ thu phải lớn hơn chi”. Các bạn sinh viên hay gặp những vấn đề như bị cắt nguồn thu, nguồn thu không ổn định, hoặc có mong muốn, nhu cầu đột ngột, không có kế hoạch theo dõi chi tiêu, bị tâm lý “chi tiêu cho hôm nay, ngày mai tính sau”. Hãy áp dụng phương pháp phân bổ ngân sách 50/30/20, 50% chi tiêu hằng ngày, 30% chi tiêu sở thích, 20% dành cho tương lai”.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân (Chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính) chia sẻ: “Có rất nhiều nguyên nhân chi phối hành vi sử dụng tiền của sinh viên như hội chứng “Sợ bị bỏ lỡ”, muốn thể hiện, chứng tỏ bản thân. Để quản lý tài chính tốt, học thói quen sử dụng tiền hợp lý, cân nhắc số tiền có được để sử dụng lâu dài”.
Việc quản lý tài chính hiệu quả, không chỉ giúp sinh viên vượt qua khó khăn trước mắt mà còn là nền tảng quan trọng trong việc phát triển trong tương lai. Để làm được điều này, quan trọng nhất là các bạn sinh viên phải có ý thức và kiên trì thực hiện những nguyên tắc quản lý tài chính lành mạnh.
Nuôi dưỡng lòng biết ơn cho con trẻ
Dạy trẻ lòng biết ơn là kỹ năng sống quan trọng các bé nên được dạy ngay từ sớm. Lòng biết ơn là yếu tố quyết định rất lớn đến nhân cách của một người, giúp con trở thành công dân tốt sau này. Hiện nay, không ít phụ huynh chưa quan tâm đủ nhiều đến điều này.
Chị Lê Thị Trúc (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Vì công việc quá bận rộn, mình không có thời gian chia sẻ nhiều điều với con, mình nghĩ con có thể tự học, tự giải trí được’.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Chuyên gia Kỹ năng sống) chia sẻ: “Việc nuôi dưỡng lòng biết ơn của con trẻ cực kì quan trọng và hữu ích trong suốt quá trình phát triển của con, giúp con có một tâm hồn đẹp, một sự thiện lương, học hỏi, quan sát. Phụ huynh và nhà trường nên tạo cho con thời gian và không gian, cho con trải nghiệm tăng sự nhạy bén, nhận thức. Ba mẹ nên làm gương cho con, chia sẻ với con những thông điệp như: “Để có được như ngày hôm nay, con cảm ơn ông bà ngoại, ông bà nội, thầy cô giáo, nhà trường tạo điều kiện, thương yêu con”. Ba mẹ tăng cường nói lời cảm ơn khi con giúp đỡ ba mẹ làm việc, cho trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử, bảo tàng chiến tranh. Hãy nhớ rằng, lòng biết ơn là tiền đề cao cả tạo nhân cách con người và chính là chìa khóa thành công của chúng ta trong cuộc sống này”.
Em Nguyễn Hoàng Phúc (Học sinh) chia sẻ: “Từ nhỏ cha mẹ đã dạy em biết yêu thương, biết ơn tổ tiên, chiến sĩ đã hy sinh để em có được hòa bình. Em học được lòng biết ơn qua cách ba mẹ đối xử với ông bà, mọi người. Điều bổ ích đó thấm vào lòng em, em cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc”.
Trẻ không đột nhiên thấm nhuần những lời chỉ dạy của ba mẹ, các bé cần thời gian trải nghiệm và tích lũy vốn sống. Vì vậy cha mẹ hãy bình tĩnh giúp bé hình thành thói quen về lòng biết ơn về những thứ mình nhận được, từ đó có một cuộc sống đầy niềm vui, hạnh phúc.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.