(SaoZone.net) – Tập 7 Shark Tank Việt Nam trở lại với 2/3 thương vụ được đầu tư. Điểm chung của các startup trong tập này chính là sự táo bạo, tự tin của các nhà sáng lập với thị trường tiềm năng chưa được khai thác.

Thương vụ đầu tư nổi bật nhất trong tập 7 đến từ Hồ Đức Hoàng – Giám đốc & Co-founder Edu2Review. Từng trải qua nhiều công việc mưu sinh như giao báo, hốt phân chó để kiếm sống tại xứ người và ngộ ra chân lý chỉ có giáo dục mới thoát nghèo được nên tính cách dứt khoát, quyết liệt của Đức Hoàng chính là chìa khóa giúp startup gây ấn tượng mạnh trước các nhà đầu tư.

Shark Bình chưa tìm được “long mạch” nhưng vẫn “liều” đầu tư cho startup

Đồng cảm là du học sinh, Shark Dzung Nguyễn đề nghị đầu tư 100 nghìn USD cho startup
Gửi đến các nhà đầu tư lời mời 100 nghìn USD cho 1% cổ phần, Hồ Đức Hoàng giới thiệu Edu2Review là nền tảng đánh giá giáo dục và đặt chỗ các khóa học đầu tiên trên thế giới. Giúp người dùng có thể tìm kiếm, đánh giá, so sánh chất lượng các đơn vị đào tạo một cách chính xác và nhanh chóng. Ba giá trị mà Edu2Review mang lại cho cho cộng đồng đó là: sự tin cậy, tiện lợi và tiết kiệm.

Startup đã trải qua 2 vòng gọi vốn thành công với tổng số vốn huy động là 750 nghìn USD. Sau vòng gọi vốn mới nhất vào cuối tháng 12/2018 giá trị công ty hiện đang ở mức 4,5 triệu USD. Doanh thu GMV gần đây nhất đạt hơn 300 ngìn USD, lợi nhuận đến từ phí thường niên từ các trung tâm, phí giới thiệu booking. Doanh thu tháng gần nhất 20 nghìn USD.
Hồ Đức Hoàng cũng không giấu khát vọng muốn dùng công nghệ để nâng tầm giáo dục Việt Nam phấn đấu biến Edu2Review trở thành Edtech Unicorn vào năm 2024. Và mục tiêu của nhà sáng lập chính là trở thành Shark trong 10 năm tới.

Dựa vào các chỉ số startup trình bày, Shark Việt đưa ra nghi hoặc: “Định giá doanh nghiệp có gì đó sai sai”. Giải đáp vấn đề này, Hồ Đức Hoàng dõng dạc tuyên bố: Edu2Review đã chứng minh được tính khả thi trong quy mô thị trường giáo dục tư nhân 5 triệu USD ở Việt Nam. Công ty thành công gọi được vốn với hai quỹ đầu tư từ Hồng Kong và Singapore. Từ tháng 12/2018 đến nay, doanh thu tăng trưởng gấp 2,5 lần. Đội ngũ của Edu2Review cũng đã góp vốn 1,2 triệu USD. Trong đó, 750 nghìn USD là tiền mặt, còn lại là lương thưởng quy thành cổ phiếu ESOP.

Chia sẻ về lộ trình gọi vốn, startup cho hay trong phân khúc tiếng anh công ty đã hòa vốn, vì vậy muốn kêu gọi thêm 100 nghìn USD để đầu tư trên các phân khúc ngôn ngữ khác. Edu2Review hướng đến kế hoạch huy động vốn đến giữa năm 2020, gọi vốn vòng serie A. Đến 2024 sẽ thành Unicorn và IPO.

Shark Nguyễn Thanh Việt chính là người đầu tiên rút lui khỏi cuộc chơi với lý do đã mạo hiểm đầu tư vào hai startup công nghệ trước đó. Tiếp đến, Shark Phạm Thanh Hưng và Shark Đỗ Liên cũng lắc đầu từ chối Edu2Review vì không đánh giá cao về nhu cầu thị trường và cách tiếp cận kêu gọi vốn của startup.

Trên bàn thương thuyết chỉ còn lại cuộc chiến giữa hai Shark Nguyễn Hòa Bình và Shark Nguyễn Mạnh Dũng. Là người đầu tiên đưa ra cho startup lời đề nghị 100 nghìn USD cho 5% cổ phần cùng điều kiện đi kèm.

Số % mà hai “cá mập” công nghệ và tri kỷ đưa ra đều vượt ngưỡng mong muốn của Edu2Review, thế nên Hồ Đức Hoàng phải nhanh chóng xin hội ý cùng các cổ đông của mình.

Mỗi Shark đều có một thế mạnh riêng, hy vọng với sự tham gia của Shark Dzung Nguyễn và Shark Hòa Bình startup sẽ đi nhanh và sớm đạt được tham vọng của mình.

Tuyên bố đầu tư không lợi nhuận, Shark Liên xuống tiền 5 tỷ vì cộng đồng LGBT

Thương vụ tiếp theo đến từ một startup đặc biệt trong cộng đồng LGBT Việt Nam, với dự án Be Home, Lê Tiểu Luân – Cựu CEO và Chủ tịch hội đồng thành viên Be Home muốn chứng minh rằng người chuyển giới cũng có thể thành công.

Chia sẻ lộ trình sử dụng vốn, nhà sáng lập Be Home sẽ dùng 4 tỷ đồng để mở rộng 25 cơ sở trong 2 tỉnh thành tiếp theo, 1 tỷ đồng còn lại để xây dựng quy trình quản lý. Nhà sáng lập muốn thay đổi bộ mặt trong ngành du lịch Việt Nam, mỗi nơi Be Home đi tới việc trao đổi văn hóa sẽ được nhân rộng, giúp người nước ngoài hiểu hơn về Việt Nam.

Nhiệt huyết với dự án của mình, Lê Tiểu Xuân cũng chia sẻ thật với các Shark về khó khăn mà Be Home đang vướng phải là tranh chấp hợp đồng kinh tế với bên cho thuê. Và nhà sáng lập đang có ý định rút lui khỏi ban điều hành để thực hiện ước mơ chuyển giới của mình.

Quý mến tính cách và nghị lực của Lê Tiểu Xuân tuy nhiên nhận định startup đang sụt giảm doanh thu nhưng lại định giá doanh nghiệp 50 tỷ là vô lý, các Shark Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Thanh Việt, Nguyễn Mạnh Dũng lần lượt rút lui. Tuy nhiên, “cá mập công nghệ” vẫn cam kết sẽ dùng hệ sinh thái của mình để hỗ trợ startup.

Bàn thương thuyết chỉ còn một mình Shark Liên “đơn thân độc mã” đưa ra lời đề nghị 5 tỷ cho 35%, “bà ngoại U60” nói: “Khi bạn bước ra đây tôi không nghĩ bạn là người chuyển giới. Tôi rất quý mến cộng đồng LGBT, tôi biết các bạn cũng chịu rất nhiều thiệt thòi. Tôi đề nghị đầu tư với mục đích của tôi là muốn hỗ trợ bạn và cộng đồng của bạn. Điều kiện tiên quyết là bạn phải ở lại công ty”.

Cho rằng con số 35% sẽ khiến đội ngũ mất đi động lực làm việc, nhà sáng lập Be Home xin thương lượng lại ở mức 30%.

Yêu cầu này nhanh chóng đạt được sự đồng thuận từ Shark Đỗ Liên, nhà sáng lập Ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN nói: “Tôi không chú trọng số % nhiều, tôi chỉ muốn vào để có tiếng nói giúp các bạn về những kinh nghiệm của mình. Điều kiện tiên quyết vẫn là bạn phải ở lại Be Home. Bạn làm con gái không có nghĩa là phải rời công ty. Nếu bạn rời khỏi công ty tôi sẽ ngưng lại ngay”.

Cái bắt tay với Shark Liên mở ra một chương mới cho Be Home, giúp startup hồi sinh trở lại sau thời gian nguy cấp của mình. Đồng thời, nhà sáng lập của Be Home cũng đem lại nguồn cảm hứng vô tận dành cho các nhà khởi nghiệp trong cộng đồng LGBT.

Đến Shark Tank với lời kêu gọi 100 nghìn USD cho 10% cổ phần, Jessica Thảo Nguyễn – Giám đốc đầu tư Bất động sản Sạch mở đầu phần thuyết trình với loạt dẫn chứng về những bất cập trong ngành bất động sản. Nữ startup cho hay: “Hàng năm vẫn xảy ra hàng ngàn những vụ lừa đảo, tranh chấp bất động sản và phần thiệt lòi luôn thuộc về người mua. Việc bảo vệ quyền lợi người mua bất động sản sẽ là một nhu cầu rất lớn của xã hội”.

Theo giới thiệu của startup, doanh nghiệp xây dựng và phát triển hệ sinh thái bất động sản sạch bao gồm: cấp chứng nhận bất động sản sạch cho dự án bất động sản đạt tiêu chí sạch, cung cấp dịch vụ legal kit để bảo vệ quyền lợi cho người mua bất động sản, đưa ra giải pháp kết nối hỗ trợ Data dựa trên Platform bất động sản sạch để tra cứu phá lý các dự án bất động sản sạch.

Khi được nhà đầu tư hỏi về sâu về định nghĩa bất động sản sạch, Jessica Thảo Nguyễn phải cầu cứu sự xuất hiện của hai thành viên trong đội ngũ là Trần Duy Phong – Co-founder và Giám đốc điều hành; luật sư Trần Hạnh Trinh.

Giải đáp định nghĩa về bất động sản sạch, startup tự đặt ra 6 tiêu chí để xét chứng nhận bất động sản sạch gồm: hồ sơ pháp lý, tư cách của chủ sở hữu, nghĩa vụ thuế tài chính, sự bình đẳng của hợp đồng… Còn về cách xác minh bất động sản sạch, startup cho hay đã liên kết với 60 tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc và có hơn 80 luật sư trong lĩnh vực bất động sản. Khi nhận hợp đồng, doanh nghiệp sẽ cử luật sư đi đến để kiểm tra tính minh bạch về pháp lý của dự án.

Tuy nhiên, cách giải thích này không thể làm thỏa mãn tò mò của hai Shark Đỗ Liên và Phạm Thanh Hưng. Shark Hưng chia sẻ: “Một năm tôi giao dịch hàng vạn bất động sản tại Việt Nam và lỗi mà thẩm định viên của tôi thường xuyên mắc phải khi làm việc cùng các cơ quan pháp lý, cơ quan nhà nước là sổ một nơi, đất một nẻo”.

Quay trở lại phần thuyết trình, Jessica Thảo Nguyễn cho hay dự án vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm được bắt đầu từ năm 2018. Hiện các nhà sáng lập đã bỏ vào 6 tỷ đồng sau 2 năm hoạt động, cổ đông lớn nhất chiếm 95% cổ phần, Giám đốc điều hành Trần Duy Phong chiếm 5% cổ phần còn lại .

Quản lý chính phần công nghệ cho dự án, tuy nhiên Duy Phong tỏ ra khá lúng túng khi được hỏi về cốt lõi các công nghệ được sử dụng trong sản phẩm. Ngay lập tức, điều này khiến “cá mập” tri kỷ phải thốt lên: “Các startup Việt Nam lên shark Tank thông thường mắc hai bệnh, đầu tiên là bệnh “ngáo giá”, mơ mộng viễn vông về giá. Thứ hai là “ngáo thuật ngữ”, lạm dụng thuật ngữ công nghệ”.

Đồng quan điểm cảm thấy bị loạn vì startup nói quá nhiều về thuật ngữ công nghệ, Shark Dzung Nguyễn tuyên bố rút lui. Tiếp đến Shark Việt, Shark Liên cũng ra khỏi cuộc chơi vì startup chưa chứng minh được cơ sở chứng nhận bất động sản sạch.

4/5 “cá mập” từ chối, ngỡ như màn gọi vốn đã khép lại thì bất ngờ Shark Hưng đưa ra lời đề nghị giúp đỡ cho startup với mức 100 nghìn USD cho 36% cổ phần.

Rời khỏi phòng đàm phán của Shark Tank, các nhà điều hành của Bất động sản Sạch chia sẻ, startup đã dự trù 20 tỷ đốt tiếp trong 3 năm tới và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư có tầm nhìn xa hơn để phát triển mô hình kinh doanh của mình.

Tập 8 Shark Tank Việt Nam – Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ 3 sẽ phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 11/9/2019 trên kênh VTV3.