(SaoZone.net) – Tài xế cho rằng đường trơn, xe khách chạy hơn 80km/h và chỉ cách xe cứu hỏa khoảng 10m, nếu đánh lái tránh sẽ bị lật, tổn thất nhiều hơn.

Ngày 21/3, anh Đỗ Hùng Mạnh (37 tuổi), người lái xe khách tông vào xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chiều ba hôm trước, vẫn đang điều trị vết thương ở quê nhà, xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Sau cú đâm mạnh, buồng lái bẹp khiến anh Mạnh bị chấn thương vùng bụng, gãy chân trái, phải bó bột. “May mắn không trọng thương, nhưng tôi bất tỉnh ngay sau đó”, anh Mạnh kể. Do còn mệt, chưa ổn định tinh thần nên anh Mạnh chưa đến cơ quan công an làm việc theo triệu tập.

taixemanh-3099-1521631278

Tài xế Đỗ Hùng Mạnh: “Chưa bao giờ tôi thấy xe cứu hỏa đi ngược chiều vào cao tốc và lao nhanh như vậy”

Tài xế Mạnh nhớ lại, trưa 18/3 như mọi hôm, anh đón khách từ Hậu Lộc (Thanh Hóa) đi Hà Nội. Hơn 16h, xe đi trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Do trời mưa, đường trơn, tầm nhìn hạn chế nên xe không chạy tốc độ cao, dù được phép chạy tối đa 100 km/h.

“Đến ngã ba gần trạm thu phí Thường Tín, bất ngờ tôi thấy xe cứu hỏa lao ra rất nhanh. Khoảng cách giữa xe của tôi và xe cứu hỏa rất gần, chỉ hơn 10 m. Tôi cố giảm ga, rà phanh, song không tài nào tránh kịp”, anh Mạnh nhớ lại.

Trước ý kiến cho rằng xe khách đã không có dấu hiệu giảm tốc độ, hay đánh lái tránh va chạm với xe cứu hỏa khiến tai nạn nghiêm trọng xảy ra, anh Mạnh lý giải: “Nếu tôi chủ động bẻ lái, lúc đó xe chắc chắn sẽ lộn nhiều vòng và thương vong sẽ rất nhiều. Ở tình huống này, tôi chỉ biết xử lý sao cho an toàn nhất…”.

Nam tài xế cho hay, trên xe lúc đó đang chở 40 hành khách.

txm

Anh Mạnh bị gãy chân trái, đi lại phải nhờ người thân dìu và chống nạng. Ảnh: Lam Sơn

14 năm kinh nghiệm lái xe, riêng tuyến Thanh Hóa – Hà Nội chạy được 8 năm, anh Mạnh cho biết chưa gặp tình huống xe cứu hỏa đi như vậy. “Theo luật, xe cứu hỏa được ưu tiên kể cả chạy ngược chiều, không giới hạn tốc độ. Tuy nhiên, khi chạy ra cao tốc, lại lấn làn thì tài xế cứu hỏa phải dừng lại quan sát, hoặc chạy chậm vào làn khẩn cấp…”, tài xế xe khách trần tình.

“Tài xế dũng cảm khi không bẻ lái”

Với 20 năm điều hành xe khách, ông Đỗ Hồng Hải, chủ nhà xe Hải Hà (quản lý tài xế Đỗ Hùng Mạnh) đánh giá anh Mạnh xử lý tình huống va chạm với xe cứu hỏa là “chuẩn”, vì xe khách đang chạy 87km/h, trời mưa dễ trơn trượt. Nếu đánh lái tránh xe cứu hỏa thì nguy cơ lật xe rất lớn, sẽ gây thương vong cho hành khách và nhiều phương tiện khác.

Theo ông Hải, vận tốc trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tối thiểu 80 km/h, tối đa 100 km/h nên tài xế Mạnh điều khiển xe tốc độ 87 km/h là “hợp lý khi trời mưa”. Xe khách đang chạy tại làn ưu tiên, qua đoạn đường tách, nhập làn, chứ không phải nút giao nên không phải giảm tốc.

“Anh Mạnh rất dũng cảm vì đâm vào xe cứu hỏa là chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng. Thường thì tài xế bẻ lái để tránh thương vong tại vị trí người lái, chứ không mấy ai để đâm trực diện như vậy. Tài xế đã bảo vệ tính mạng hành khách trên xe và thực tế là không ai bị thương”, ông Hải nói và cho rằng việc lái xe Mạnh không nghe thấy còi xe cứu hỏa có thể do xe khách đóng kín cửa.

txm2

Xe khách và xe cứu hỏa hư hỏng nặng sau tai nạn lúc 16h45 chiều 18/3. Ảnh: Bá Đô

Nhìn nhận thiệt hại của hai xe, nhất là xe cứu hỏa có 5 chiến sĩ bị thương, một người tử vong, chủ nhà xe Hồng Hải cho rằng hai xe va chạm với tốc độ cao nên thiệt hại khó tránh khỏi. “Có thể đầu xe khách 42 chỗ với tải trọng 12 tấn chắc chắn hơn hông xe cứu hỏa nên thiệt hại ít hơn”, ông Hải phán đoán.

Đánh giá về tay nghề của tài xế, ông Hải cho biết anh Mạnh giàu kinh nghiệm, đã lái xe cho Hải Hà được 10 năm, chuyên chạy tuyến Thanh Hóa – Hà Nội với hai lượt mỗi ngày và chưa để xảy ra vụ tai nạn nào trước đó.

Tài xế xe cứu hỏa: ‘Tôi cố đánh lái, nhưng không kịp’

Phần nào bình phục sau ba ngày điều trị tại Bệnh viện 198, trung úy Trần Văn Tuân thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 12, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, nhận tin có người cần cứu hộ trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, anh và đồng đội chỉ muốn đi nhanh tới hiện trường.

Hai xe cứu hộ cùng xuất phát, nhưng khi chuẩn bị lên cao tốc thì nhận thông tin hướng Phú Xuyên về Thường Tín bị tắc kéo dài. Chỉ huy đội đã yêu cầu trung úy Tuân lái xe sang làn ngược chiều để tiếp cận điểm tai nạn nhanh hơn.

“Khi xe vừa rẽ vào làn ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thì xe khách chạy với tốc độ cao lao tới. Tôi đã cố đánh lái để tránh nhưng không kịp”, tài xế Tuân nói và cho biết sau cú đâm đó anh bất tỉnh.

Lý giải về việc tại sao tài xế xe cứu hỏa không đi ngược chiều vào làn khẩn cấp, mà lại đi vào làn trong, thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng PCCC và cứu hộ cứu nạn số 12, cho biết thời điểm đó góc đường cao tốc đang sửa chữa. Khi nhập vào cao tốc, xe cứu hỏa đã bật hết những tín hiệu cảnh báo, như xi nhan, đèn, còi hú, thậm chí cả loa thông báo để các phương tiện tránh.

Ghi nhận của VnExpress, làn đường khẩn cấp trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tại đoạn xảy ra tai nạn đang trong quá trình hoàn thiện. Hệ thống rào chắn cố định ở ngoài cùng của cao tốc chưa được lắp đặt. Một số đoạn đường chưa được thảm nhựa nên xuất hiện những đoạn gồ ghề, được đơn vị thi công cắm một số cột sơn phản quang cảnh báo.

Theo: vnexpress.net

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here