(SaoZone.net) – Hai câu thơ xưa bỗng hiện ra trong trí, khi tôi chạm mắt cùng Cổ Lũy Cô Thôn sau hành trình bay từ Sài Gòn về Quảng Ngãi. Miên man ngắm cảnh vật trong không gian rực nắng, nheo mắt ngắm hàng dừa cao vòi vọi soi bóng dưới dòng sông Vực Hồng trong xanh, vắt ngang là bờ kè ngăn mặn Hòa-Hà, đâu đó những nếp nhà cũ kỹ mái ngói thâm nâu đan xen cùng những căn nhà hiện đại. Khung cảnh đô thị hóa đã làm cảnh quê thập nhị thắng cảnh Quảng: Phố Cổ Thu Sà (Xà), Cô Lũy Cô Thôn khác xưa nhiều.
Sắc Tứ Từ Lâm tự- cánh cổng giao thoa giữa 2 thế giới
Hỏi han cư dân địa phương, tôi khá bất ngờ khi biết; 3 ngôi chùa thiêng tọa lạc ngay Quảng Ngãi bao gồm: Sắc Tứ Thiên Ấn, Chùa Ông Thu Xà và Sắc Tứ Từ Lâm tự đều do Người Hoa xây dựng nên để thờ Phật, kính Thần, bái Thánh!
Nếu Sắc Tứ Thiên Ấn hình thành do công một thiền sư Minh Hải (tức Pháp Hóa Hòa Thượng) đến từ Quảng Đông xây dựng thì Sắc Tứ Từ Lâm có tuổi đời ít hơn và được hình thành từ một vị sư người Phúc Kiến.
Có một điều khá lạ là các Sư khi chọn Quê Việt dựng Chùa tu tập. Hầu hết các thầy đều thuộc phái Thiền Lâm Tế. Chỉ riêng Chùa Ông Thu Xà được xây do công của ông Hoàng Chí Vịnh (Ông tổ nghề làm đường phèn, đường phổi) cùng 17 vị đại diện gia tộc người Hoa bỏ tiền của ra phụng cúng, rồi sau giao lại cho các Sư hay Hội tộc con cháu gần đó gìn giữ.
Nghe nói, Sắc Tứ Từ Lâm Tự được xây với nhiệm vụ là địa chỉ siêu độ, ngoài việc trấn áp tà ma quấy phá, Chùa còn là điểm hẹn, giúp các linh hồn an nghỉ ngay đỉnh Hòn Yàng dễ dàng nghe kinh sớm an yên về cõi Niết.
Dạo quanh ngôi chùa có tuổi đời vượt mốc trăm năm. Tôi nhận ra: Thời gian đã làm phai phôi ít nhiều nhưng Sắc Tứ Từ Lâm vẫn là chốn tâm linh không thể bỏ qua khi du khách tìm đến Cô Thôn, bởi cư dân địa phương luôn tin rằng: Đây chính là cánh cổng canh giữ, Trấn các linh hồn tâm chưa thiện không thể quấy nhiễu chọc phá cư dân, đồng thời cũng là nơi các vị Sư cầu nguyện khai kinh, giúp các hương linh học tu, đặng sớm thoát khỏi trầm luân khổ ải.
Sau nghi thức thăm chùa bái Phật, cả nhóm thả bước đi lên đỉnh núi đá Phú Thọ trong không gian trong trẻo nắng xuân. Xa xa, một âm điệu man mác theo điểu Bolero vẳng theo gió: “Ở nơi nào cũng nhớ về quê hương, Ở nơi nào cũng có tình yêu thương”.
Ừ nhỉ..! Đất Việt mình đi đâu cũng là quê hương kia mà. Vâng! Nhờ có duyên may nên tôi đã đến và ngưỡng mộ vùng đất từ trong những địa danh nổi tiếng xứ Quảng Nghĩa xưa, được các thi nhân ngợi ca và xếp vào danh sách Cẩm Thành Thập nhị Cảnh.
Cổ Lũy của thời hoa bướm.
Vừa chỉ tay cho chúng tôi xem các Ông đá lặng im “trơ gan cùng tuế nguyệt” với nhiều giai thoại là lạ. Thúy và Trường Kha – 2 người bạn có “tuổi thơ dữ dội” tại vùng đất quê Cổ Lũy không quên kể cho chúng tôi nhiều ký ức vui mà cậu còn lưu giữ. Từ chuyện cởi truồng tắm mưa cùng lũ bạn cho đến việc cả đám tinh nghịch leo đỉnh núi Thạch Sơn, thỏa chí ngồi vắt vẻo trên cây Sộp cao vút, thỏa chí mơ mình là một vị tướng quân oai hùng, chống kiếm vung tay, ngênh ngang đứng ngắm Cô Thôn Cổ Lũy từ trên cao của núi. Chưa đã nư, Trường Kha kể cho tôi nghe chuyện đi cào Don về bị mẹ đánh quắn đít vì sợ cậu bị ma da bắt cho đến ngày cúng Vía Bà thì cả lũ nhóc kéo vô miễu chờ ông Từ và tranh nhau giành túi bánh kẹo, bị ông cầm roi rượt chạy tuột dép. Tình tiết vui đến nỗi cả đám đều cười nắc nẻ.
Câu chuyện càng nhộn hơn khi Thúy nhắc lại kỷ niệm thuở thiếu thời với âm giọng chữ “mém” lập đi lập lại rất ngồ ngộ: “Chu choa! Hồi nẫm Út Kha nghịch dữ trời lắm, Ông mém chết rất nhiều lần đó chị: Có lần chị hai ẵm Út đứng chơi trên thành giếng, chả hiểu sao chỉ bị trượt tay nên Út bị lọt xuống giếng, may nhờ người hàng xóm vớt kịp chứ nếu không là giờ này ổng nằm trên đỉnh Hòn Yàng ngắm sao; rùi hồi chị Hai và chị Ba của Út tập chạy xe “độp”, chạy chưa rành nhưng do Út đòi nên chị ba bồng ổng rồi leo lên cho Hai chở. Ai dè Chị Hai đạp xe lên dốc hổng “nẫu”, loạng choạng té khiến chị Ba trượt tay làm Út văng xuống cầu mém chết luôn á.
Ngày xưa lũ con nít mỗi khi có dịp cúng Đình là kéo nhau cả đám đi xem, khi hết tuồng, mọi người cùng ùa ra, chen chân về rồi chạy cho lẹ vì sợ ma trơi rượt. Vậy là cả đám nháo nhào thi nhau chạy, chả hiểu sao Út lại bị vấp vô ụn cát, ổng té nằm cái bẹp một đống, đã vậy còn bị bao người đạp qua nên cũng mém tắt thở; Ôi thôi,..Kỷ niệm chất đầy, kể hoài tới sáng cũng chưa hết.
Vừa đi vừa kể chuyện, chả mấy chốc, cả nhóm cùng đến Miễu Bà Ngũ Hành Phú Thọ. Một địa chỉ thiêng kính của cư dân Cổ Lũy, ngày trước dân làng hay tập trung vào ban đêm để cầu sấm Thánh lên cho thuốc, Miễu này xưa gọi Miễu Trung (Miễu Bà), nhích lên phía trên chừng 50 mét là Miễu Thượng (Miễu Ông). Mời mọi người uống ly trà cho bớt khô họng, Ông Từ (Chú Đô) chậm rãi kể chuyện những ngày xưa êm đềm thắm đợm; Cái tình làng nghĩa xóm nghe linh thiêng lắm!.
Run sợ nghe chuyện kho vàng Thành Hời cùng các hồn ma ẩn hiện
Theo sử sách, địa danh Cổ Luỹ Động từng thuộc châu Amaravati, trực thuộc triều đại Champa mà người Việt quen gọi Chiêm Thành. Vương quốc ấy từng có một nền văn hóa kinh tế nghệ thuật vô cùng rực rỡ. Tuy nhiên triều đại Champa chỉ tồn tại trên dưới 1600 năm và bị diệt vong vào năm 1832 sau khi thất bại nặng nề dưới quan binh Đại Việt.
Hiện nay dấu tích sót lại của Vương quốc vang danh rực rỡ một thời chính là cổng thành Hời (Cổng Tam Quan) yên vị trên đỉnh thành Bàn Cờ mà nay ta gọi chung là núi đá Phú Thọ. Cư dân Cổ Lũy hay truyền tai về chốn này như sau: Chừng ½ thế kỷ trước, khu vực này hoang vắng âm u lắm. Những đêm không trăng, người ta thấy lập lòe những ngọn lửa bay bay, thi thoảng chúng bùng lên rồi phụt tắt. Ẩn hiện đâu đó là những bóng trắng bay lên, nhảy xuống tại ngọn Dương, thân Sộp rồi đảo quanh các hòn đá trong đêm nhìn rất kinh dị.
Ở đây, cư dân địa phường vẫn còn truyền nhau: Ngày xưa, đỉnh Phú Thọ Sơn vốn là kho vàng của một vương gia Champa chôn cất. Kho vàng ấy được các pháp sư phong ấn bằng cách chôn sống đồng trinh Nam nữ, triệu họ trở thành thần giữ của rất thiêng, kho vàng này có ký hiệu bằng các bùa phép. Nếu có ai đó đọc đúng pháp chú thì kho vàng tự động mở cửa cho người ấy nhận vàng. Còn nếu ai cả gan lên núi đào bới thì sẽ bị Thần vật chết không tha, hoặc khiến cho người ấy trở nên điên loạn, tự tìm đến cõi tử rất bi ai, thương thảm; Tuy nhiên kho Vàng này được chú phép là khi tròn đủ 1000 năm ngủ trong lòng đất. Vàng sẽ tự động bay lên trong đêm với hình dạng các con vật như heo – gà – chim – chó – cá – tôm…. Loại Vàng này được gọi là Vàng Hời xuất hiện vào đêm không trăng trời quang xám, phù hợp với ngày cúng dành cho ma quỷ và âm linh dạo thế.
Các cư dân cho biết: từ đầu thế kỷ XX cho đến những năm 50-60, đã có vài cư dân từng nhặt được của Trời cho này. Nghe nói, khi vàng Hời xuất hiện, chúng có phát ra ánh sáng vô cùng huyền ảo, sang và nhấp nháy lạ lùng. Để bắt được vàng, người ta chỉ cần cởi cái quần đang bận ra và quất vào nó, vàng sẽ rớt xuống đất (ngày xưa đa phần phụ nữ trong vùng mặc quần đen, không có điều kiện lựa chọn đa dạng như bây giờ; về sau người dân vùng khác truyền nhau phải dùng quần đen mới bắt được vàng Hời). Lúc bấy giờ ta có thể cầm vàng, đem về trao đổi làm ăn mua bán nhưng phải nhớ cúng trả lễ và tạ ơn. Nếu không làm các nghi thức này, sau này gia cảnh người ấy sẽ bị tan hoang, tiền của đi tong mà không hiểu vì sao, có cố gắng tối đa vẫn nghèo mạt hoặc bỏ mạng.
Thực tế, dưới chân núi Phú Thọ, câu chuyện thật về trường hợp bà Lê Thị Lòng nhặt được vàng Hời là trái cau lá trầu mang về để trong nhà; Sáng hôm sau bà ra chợ, con trai bà ngủ dậy lén mang đi khoe hàng xóm; bà Nhị biết là vàng nên tỏ lòng tham chiếm hữu mang giấu trong tủ quần áo; Gia đình bà Lòng biết chuyện sang đòi lại, bà Nhị mở tủ lấy trả thì vàng biến mất không vết tích; Bà Lòng vài ngày sau cũng mất không rõ nguyên do và mộ chôn cất cũng gần đó; gia đình con cái bà Nhị đến nay cũng không khá lên được, vẫn thuộc diện nghèo của thôn.
Hú hồn Ma đuốc – Ma le
Không chỉ có thế, Cổ Lũy Cô Thôn còn nổi danh với truyền thuyết Ma Le ( tức Ma lai rút ruột) và Ma đuốc (tức Ma trơi) vô cùng kỳ bí.
Kha nói, Vào thuở 11-12 tuổi, chính cậu từng vài lần nhìn thấy Ma đuốc lập lòe, ẩn hiện trong đêm từ bờ bên kia sông (thời đó bên kia hoang vu kinh lắm), có lúc trên ngọn dừa hay trên đỉnh hòn Yàng nhìn xa giống như ngọn đuốc, thi thoảng chúng bay bay trong bụi tre và sà xuống mặt nước nhìn rất kinh dị. Lúc bấy giờ, nhà nhà đều đóng cửa chặt cứng, Người già bắt con cháu ở trong nhà và tắt hết đèn dầu lạc hay dầu hỏa khi vô giường ngủ, có lúc cũng dán bùa ở cửa cái (cửa vô nhà) để trấn tà Ma không cho bay chạm hại người trong nhà. Thậm chí có nhà còn thỉnh bùa phép và kính chiếu yêu, dán trước cửa rồi đóng cột 4 góc nhà để Ma quỷ không bay vô nhập hồn cướp xác.
Chuyện vàng Hời và Ma quỷ ở Cổ lũy cho đến nay vẫn còn được lưu truyền cho dù khi Vương quốc Champa không còn tồn tại. Vào những năm giữa thế kỷ XVII, Cổ Lũy tiếp tục đón chân những người Hoa đến đây an cư sinh sống. Do am hiểu vào địa lý phong thủy nên Người Hoa đã lập nhiều nghi thức trấn tà, yểm khí nên tất cả đều an yên và vui tươi hơn xưa. Có lẽ, khi Cổ Lũy đón tiếp lượng người đến đây an cư lập nghiệp ngày càng đông, nguồn dương khí dần đánh bạt âm khí xưa từng bao quanh làng nên Ma le – Ma đuốc nay chỉ còn là một câu chuyện mơ màng..khiến người phương xa cứ ngỡ tất cả chỉ là một câu chuyện hư hư thực thực, nhưng chắc chắn rằng nơi đây hồn thiêng song núi rất thiêng liêng.
Chút tình đọng lại trong tim khi đến Cô Thôn Cổ Lũy
Hôm nay, có duyên trở lại Phú Thọ sơn, Có thoáng chút bâng khuâng trong tôi khi đứng trước cổng thành Cổ Luỹ phong sương tuế tuế. Tiếp tục, chúng tôi rủ nhau trèo lên đỉnh cao nhất của núi, đứng nhìn 4 hướng và nhắm mắt để có thể hình dung; Kia là thương cảng Thu xà xưa, Nơi từng nhộn nhịp tàu khách ghé ăn hàng sầm uất nay chỉ còn là áng mây ký ức. Chỉ tay cho cả nhóm nhìn về hướng sông Vệ, sông Trà Khúc ngày đêm tải nước đầu nguồn, cuồn cuộn đổ ra biển. Trường Kha nói: phải công nhận Người xưa quan sát, xây đắp nên một thành trì, một pháo đài án ngữ cửa sông để kiểm soát toàn diện 2 mặt địa thủy thật cao minh. Ở một hướng đối lập 2 con sông, nép mình dưới bóng dừa xanh và lũy tre mộc mạc, Cổ Lũy Cô thôn thật yên ả trong tia nắng se dịu.
Ngửa mặt hứng gió trời vờn nhẹ bên tai, nghe tiếng lá xào xạc cùng gió rì rào, chợt một hình ảnh hiện ra trong tâm trí; Ước gì mình đứng trên đỉnh núi này trong không gian tà dương, ngắm nắng chiều nghiêng xuyên bóng lá, lan tỏa trong không gian le lói ngọn khói lam. Nhìn Mây tím dần loang phớt sắc hồng điểm nhẹ viền mây rực ánh vàng báo hiệu ông mặt trời đi ngủ. Thấp thoáng trên trời cao, vài cánh diều vi vu bay lượn trên đồng lúa và vườn hoa. Khung cảnh thanh bình ấy thật nên thơ mỹ vị.
Nói không ngoa, Cổ lũy Cô Thôn xứng là một danh thắng của đất Quảng Ngãi hôm nay. Chinh phục trái tim du khách phương xa với vẻ đẹp nên thơ, khiến lữ thứ tha phương khi đến dạo chơi và khi về đều nặng nhớ nhớ thương thương, lưu hoài trong tâm khảm, chính Trường Kha cũng từng tâm tư “Quê Hương – Đi Để Trở Về”:
“Cổ Luỹ đó thời hùng binh, Âm linh quẩn quanh nơi đây, Chờ những đêm thanh Bàn Cờ, Vào lễ tế nơi Chùa Hang!”
Dương Thủy