Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Lừa đảo việc tặng quà cuối năm, Cẩn trọng khi làm đẹp cấp tốc đón Tết.
Lừa đảo việc tặng quà cuối năm
Đang lướt mạng xã hội, chị N.T.K.V ở TP.HCM nhận được tin nhắn trúng thưởng 200 triệu đồng từ một chương trình tri ân khách hàng. Phía ban tổ chức yêu cầu chị V nộp 2 triệu đồng để làm hồ sơ nhận thưởng và 10% thuế thu nhập cá nhân. Và để tăng tính thuyết phục, ban tổ chức tiết lộ hỗ trợ thêm 12 triệu đồng, chị V chỉ cần nộp thêm 10 triệu để nhận thưởng và phải nộp số tiền này trong vòng 30 phút, nếu không phần thưởng sẽ bị hủy. Tin rằng mình thật sự may mắn, chị đã nhanh chóng chuyển tiền theo yêu cầu, tuy nhiên, sau khi chuyển tiền chị V bị chặn tất cả liên lạc, lúc này chị đã nhận ra mình bị lừa.
“Cái nơi tổ chức giải thưởng là nơi tôi mua đồ nhiều trong năm vừa rồi nên không có sự nghi ngờ gì. Tôi thấy giá trị lớn nhưng số tiền bỏ ra không bao nhiêu nên tôi không suy nghĩ gì nhiều, chuyển khoản luôn. Mà không ngờ là bị lừa đảo”, chị K.V kể lại.
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải (Khoa luật dân sự, trường ĐH luật TP.HCM) cho biết, hành vi lừa đảo tặng quà là dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra hành vi trên còn được xử phạt theo quy định của pháp luật về hành chính.
Dịp cuối năm những chiêu trò lừa đảo bằng cách giả danh tặng quà xảy ra thường xuyên hơn. Các đối tượng này thường nhắm đến sự thiếu cảnh giác và lòng tham quà của nhiều người. Họ tạo dựng các kịch bản đáng tin cậy, như tự nhận mình là nhân viên của các cửa hàng uy tín hoặc công ty lớn mà nạn nhân từng mua sắm. Để hành vi lừa đảo này dễ thành công, các đối tượng còn lợi dụng tâm lý nạn nhân sợ mất phần thưởng hoặc bị lỡ cơ hội để yêu cầu chuyển tiền nhanh chóng mà không cho thời gian kiểm chứng thông tin. Thêm vào đó, tiền yêu cầu nộp thường không quá lớn so với phần thưởng hứa hẹn, làm cho nhiều người chấp nhận rủi ro mà không suy nghĩ kỹ càng.
Cần cảnh giác nhiều hơn về các thủ đoạn này, không lộ thông tin căn cước, giấy khai sinh, lên mạng xã hội hoặc cung cấp cho người lạ. Nạn nhân cần thu thập lưu lại các bằng chứng như tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, giao dịch chuyển tiền, hình ảnh, tố cáo hành vị lừa đảo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Cẩn trọng khi làm đẹp cấp tốc đón Tết
Làm đẹp da mặt, làm móng, uốn mi làm tóc, tiêm filler, giảm cân, botox, phẫu thuật thẩm mỹ nhanh là hình thức được đông đảo chị em lựa chọn. Sẽ có chẳng có gì để nói khi việc làm đẹp được đầu tư đúng nơi, đảm bảo được chất lượng và mang lại hiệu quả, nhưng trên thực tế đã có không ít trường hợp xảy ra biến chứng nguy hiểm, do làm đẹp cấp tốc tại những cơ sở không uy tín.
Điển hình như trường hợp của cô gái trẻ ở Đồng Nai. Mới đây chị đã được bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận trong tình trạng mắt trái sụp mi, sưng bầm mắt, xuất huyết kết mạc, mù mắt trái. Nguyên nhân do cô gái này đã tiêm filler vào môi và cằm tại một spa trá hình dưới hình thức một tiệm cắt tóc gội đầu. Nguy hiểm hơn là trường hợp của một người phụ nữ 49 tuổi, ngụ tại TP.HCM đến một cơ sở thẩm mỹ ở quận 10 để tiêm tan mỡ với giá 10 triệu đồng cùng với lời cam kết tan mỡ sau 5-10 ngày. Tuy nhiên sau tiêm 1 tuần thì cơ thể nổi nhiều nốt đỏ. Khi quay lại cơ sở trên thì được một nhân viên giới thiệu qua một phòng khám khác để chích thuốc, rạch các nốt viêm, rút mủ, tuy nhiên các nốt viêm mủ dày đặc gây đau nhức, bệnh nhân sau đó quay lại cơ sở thẩm mỹ nhưng cơ sở này đã đóng cửa.
Thạc sĩ, bác sĩ Tạ quốc Hưng (Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da bệnh viện ĐH Y dược) cho biết, tất cả những phương pháp làm đẹp hiện nay trên thị trường như tiêm filler, làm trắng, căng chỉ, nếu như thực hiện đúng cách thì nó đem lại hiệu quả tốt, tuy nhiên nếu chúng ta thực hiện sai sẽ đem lại hậu quả nặng nề, gây triệu chứng, biến chứng nặng như nhiễm trùng, sưng bầm, tắc mạch hoại tử, mù mắt, ảnh hưởng đến tính mạng.
Sở dĩ có biến chứng sau khi làm đẹp là do có nhiều cơ sở hoạt động chui, không có giấy phép, không thuộc chuyên ngành da liễu hay phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí không được đào tạo y tế, vẫn thực hiện các thủ thuật làm đẹp như tiêm filler nâng mũi, hút mỡ. Người thực hiện thường thiếu kiến thức về giải phẫu, lão hóa, hoặc sử dụng chất liệu không phù hợp dẫn đến tai biến.
Bác sĩ Tạ Quốc Hưng khuyến cáo người dân cần đến cơ sở làm đẹp uy tín, chất lượng, an toàn, từ con người đến cơ sở vật chất, trang thiết bị. Cần lên lịch trình làm đẹp phù hợp, không nên đợi sát Tết mới đi làm,không đạt được mong muốn đẹp ngay. Chăm sóc da như chống nắng, dưỡng ẩm, thấu hiểu làn da, không nên có những ước muốn, kỳ vọng, quá khả năng sự tiếp nhận của làn da.
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội..
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.