(SaoZone.net) – NSƯT – ca sĩ Hồng Vân giọng hát hơn 70 tuổi vẫn chưa làm khán giả thất vọng, Hồ Trung Dũng, Nguyễn Hồng Ân tự sự với đêm nhạc “Tiếng xưa”.
Tình Khúc Vượt Thời Gian tháng 5, chủ đề “Tiếng xưa” là một chương trình đặc biệt giúp khán giả tìm về những cảnh cũ, người xưa, hay nhìn những bóng dáng từng thân quen, nay đã mờ dần theo sương khói thời gian.
Bài hát Trương Chi của nhạc sĩ Văn Cao nằm trong số những ca khúc hay nhất, tiêu biểu nhất của nền tân nhạc Việt Nam, từng được những danh ca hàng đầu thể hiện qua nhiều thế hệ. Trong chương trình, khán giả sẽ được nghe lại câu chuyện Trương Chi, với lối hát như kể chuyện của NSƯT Hồng Vân.
NSƯT Hồng Vân xuất thân trong một gia đình yêu nghệ thuật. Bản thân bà là người rất giỏi văn chương trước khi bén duyên với ca hát. NSƯT Hồng Vân từng là thành viên của tam ca Đông Phương (cùng Tuyết Hằng và Thu Hà) rất nổi tiếng tại Sài Gòn. Sau năm 1975, bà tiếp tục đi hát ở các đoàn Bông Sen, Bông Hồng, Hương Miền Nam… và rất được khán giả yêu mến qua những ca khúc nhạc dân ca ba miền, nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh, nhạc trữ tình… Với NSƯT Hồng Vân, còn sức khỏe để ngâm thơ, để hát cho khán giả và có người đồng cảm, chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật lúc về già đã là một phúc lớn.
NSƯT Hồng Vân dù đã hơn 70 tuổi và là một gương mặt thân quen của Tình Khúc Vượt Thời Gian cho biết: “Tình yêu âm nhạc không có biên giới. Mọi người ngày nay yêu nhạc trẻ, nhạc nhẹ, nhạc sôi động, tùy theo thời đại và tuổi tác nhưng mãi đến sau này tôi thấy có một số rất đông các nghệ sĩ trẻ hướng về dòng nhạc xa xưa. Các nhạc sĩ tài hoa dù khuất núi nhưng để lại cho đời nhiều bài nhạc bất tử, nốt nhạc bao giờ cũng hài hòa, dễ nhớ”.
Nhận định về việc ca sĩ trẻ thích hát nhạc xưa, NSƯT Hồng Vân cho biết nói về việc này phải tế nhị đừng như một ca sĩ nổi tiếng ngoài Bắc. Mỗi người có sở thích, trình độ âm nhạc riêng, không nên đụng chạm. “Trong cuộc đời của người nghệ sĩ, có những điều nói đúng nhưng đừng nói thì đúng hơn. Chúng ta sống trong nghề này, phải nguyện theo, bám vào nhau mà sống. Các em phải giữ cái tâm đẹp, đừng giận hờn, thù oán ai để mang đến niềm vui, tiếng hát mới tồn tại với thời gian”.
NSƯT Hồng Vân lên tiếng về việc các ca sĩ trẻ tạo scandal:
https://www.youtube.com/watch?v=E1bmWLaISn0
NSƯT Hồng Vân là chứng nhân của hai chế độ âm nhạc, dù lớn tuổi nhưng hàng ngày vẫn đi hát. “Khi còn trẻ, tôi bước trên sân khấu truyền hình, đến bây giờ tôi đã có cháu ngoại, ánh đèn lộng lẫy nơi đây vẫn đón tiếp tôi. Những người xem tôi hát, họ nói họ chưa thất vọng, họ vẫn yêu, Đài vẫn mời, thì tôi vẫn còn đi hát. Niềm hạnh phúc đó là điều tôi sẽ mang theo đến cuối cuộc đời. Tôi mệt mỏi, ăn ngủ không ngon, mệt mỏi liên tục nhưng khi họ bảo tôi hát thì tôi không cảm thấy mệt mỏi gì cả”.
NSƯT Hồng Vân thổ lộ ai trong đời cũng có những bi kịch nhưng niềm vui âm nhạc thắng mọi sự bất hạnh khác. Cô dùng tiếng hát để mang lại sự ấm áp, giữ lại một chút lãng mạn trong đời sống mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền.
Những tình khúc vượt thời gian, ký ức về những điều xưa cũ không dễ mất đi, bởi “Tiếng xưa” vẫn còn đó, vẫn vang vọng… cùng tiếng hát, những bài nhạc trữ tình được yêu thích như Trăng sáng vườn chè (NSƯT Hồng Vân), Tiếng xưa (Chung Tử Lưu), Liên khúc kỷ niệm – Thuyền viễn xứ (Hồ Trung Dũng), Ngàn thu áo tím (Thu Trang), Áo lụa Hà Đông (Nguyễn Hồng Ân), Thoi tơ, Cô hàng cà phê (Hồng Mơ), Mắt biếc (Triệu Long), Đôi mắt người Sơn Tây (Phương Trang), Gợi giấc mơ xưa (Khắc Minh).
Những tình khúc trong tháng 5 là sự ngậm ngùi tiếc nuối mà các nhạc sĩ đã đưa vào bài hát, từ bóng hình ngàn thu áo tím, đến những giấc mơ xưa và cả những cô gái quay tơ nay đều chỉ còn là bóng hình hoài niệm.
Trailer Tình Khúc Vượt Thời Gian tháng 5, chủ đề Tiếng xưa:
https://www.youtube.com/watch?v=1GmfuorhN4w
Nguyễn Hồng Ân mang nhiều tâm trạng sau khi trình diễn ca khúc Áo lụa Hà Đông. Nguyễn Hồng Ân cho biết Áo lụa Hà Đông là một ca khúc mà anh yêu thích, và nằm trong album Ngô Thụy Miên mà anh đã phát hành cách đây 10 năm. Anh lớn lên cùng thời gian nhưng những kỷ niệm về Sài Gòn xưa không còn nữa nhưng khi thể hiện ca khúc, ca từ hay giai điệu cho anh một khung trời đẹp.
Nguyễn Hồng Ân thú nhận bản thân lãng mạn và hoài niệm là thứ anh luôn luôn giữ bên mình. “Con người khi có những hoài niệm, những kỷ niệm dù vui hay buồn thì sẽ làm chính mình có những động lực trong cuộc sống. Mặc dù có ngày buồn nhưng tôi nhốt nó lại trong một khung trời vui để hình ảnh đó mãi đẹp trong tâm hồn và sống với giây phút hiện tại”, anh nói.
Một hình bóng nổi tiếng trong văn nghệ Việt Nam từ 70 năm trước, một nàng thơ đã là người trong mộng của bao văn nghệ sĩ trên những nẻo đường kháng chiến chống Pháp… Nay không biết nàng thơ ấy đi đâu về đâu, nhưng ít nhất bóng dáng ấy còn lại trong hai bài thơ của thi sĩ Quang Dũng – đó là bài Đôi bờ, và bài Đôi mắt người Sơn Tây… Hai bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành bài ca bất hủ Đôi mắt người Sơn Tây sẽ được giọng ca ngọt ngào Phương Trang thể hiện.
Trong chương trình, bài hát chủ đề Tiếng xưa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước với tiếng hát ca sĩ Chung Tử Lưu sẽ mở đầu Tình Khúc Vượt Thời Gian tháng 5. Lời bài hát như một bài thơ cổ, với những điển tích, những hình ảnh tưởng đâu từ ngàn năm trước vọng về sẽ mang đến khán giả cảm xúc dạt dào.
Tình Khúc Vượt Thời Gian tháng 5 chủ đề “Tiếng xưa” sẽ được phát sóng lúc 20h30 thứ bảy ngày 25/5 trên VTV9. Chương trình được dàn dựng bởi đạo diễn Hòa Yên, biên tập Quốc Quân, dẫn chương trình Minh Ngọc. Tình Khúc Vượt Thời Gian do VTV9 cùng Jet Studio phối hợp thực hiện.
Ảnh: Hoàng Khôi
Nhật Hạ