(SaoZone.net) – Trong tập 6, “bể cá mập” mùa 3 chính thức gia nhập thêm một thành viên mới là Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn NextTech. Với mục tiêu trở thành “Tri kỷ của Startup” và tìm kiếm các cơ hội đầu tư cho Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Next100.vc của NextTech, Shark Bình đã có màn ra mắt vô cùng ấn tượng với những lời khuyên khởi nghiệp rất thực tế dành cho các startup tham gia chương trình.

Thương vụ mở màn tập 6 Shark Tank Việt Nam đến từ nhà sáng lập ứng dụng Tối nay ăn gì – Lê Thị Thùy Linh. Ý tưởng kinh doanh giúp những người phụ nữ hiện đại vừa đảm đương công việc ngoài xã hội vừa chu toàn việc nhà của Thùy Linh khiến nhà đầu tư mới và cũ bất đồng quan điểm về tầm nhìn thị trường. Và lần đầu tiên trong lịch sử Shark Tank, startup đã bắt tay nhận lời cá cược trị giá 2,5 tỷ đồng với nhà đầu tư.

4/5 cá mập từ chối, Shark Việt trở thành “Mr Wonderful” rót  2,5 tỷ cho giấc mơ của startup

Mở đầu phần thuyết trình, Thùy Linh gửi đến các nhà đầu tư lời mời 5 tỷ đồng cho 1% cổ phần công ty, kèm ưu đãi voucher sử dụng miễn phí trọn đời sản phẩm.

Startup giới thiệu, “Tối nay ăn gì” là một Mobile App giúp cho khách hàng có thể nhanh chóng tìm thấy thực đơn ưa thích của gia đình mình trên app, đặt mua nguyên liệu nhanh chóng và nhận thực phẩm được sơ chế tiện dụng tại địa điểm nhận hàng mà mình chọn. Thực phẩm tươi, sạch, lành mạnh, với thời gian từ lúc thu hái tới lúc chế biến không quá 24h để giữ được hương vị và chất dinh dưỡng. Và thời gian giao hàng diễn ra nhanh chóng thuận tiện cho người mua.

Được thành lập cách đây 3 năm, startup hiện đã phát triển được 6 ứng dụng xoay quanh việc vận hành của “Tối nay ăn gì” bao gồm: Mobile App cho người dùng, Mobile App cho Coder, Mobile App cho nhà cung cấp, Mobile App cho đơn vị vận chuyển và Website dùng cho Help BOT quản lý hoàn toàn hệ thống.

Chia sẻ về doanh thu, Thùy Linh cho hay, ứng dụng triển khai chạy thử trong 1 tháng đã đạt doanh số 700 triệu đồng. Tuy nhiên, startup đã cho dừng lại để hoàn thiện ứng dụng. Trong 60 khách hàng áp dụng thử nghiệm, “Tối nay ăn gì” ghi nhận 40 khách hàng sử dụng thường xuyên tối thiểu 5 lần/ tuần và 19 khách hàng sử dụng ít hơn. 

Sản phẩm vẫn chưa chính thức tung ra thị trường nhưng đã tự tin định giá doanh nghiệp ở mức 250 tỷ đồng, nhà sáng lập “Tối nay ăn gì” ngay lập tức vấp phải hàng loạt ánh mắt nghi ngờ của nhà đầu tư. Thùy Linh giải thích IRR (hiệu suất lợi nhuận) rơi vào khoảng 18%, tối đa 400 tỷ trong vòng 1 năm chia cho phí sử dụng vốn 6 tỷ/ năm. Vì vậy, startup này định giá doanh nghiệp rơi vào khoảng 225 tỷ. Thùy Linh tự tin cam kết: “Theo dự tính, cuối năm thứ 2 chúng tôi có thể đạt được 400 tỷ doanh thu, cỡ 9 tháng là hòa vốn”.

Giải đáp thắc mắc về lợi thế cạnh tranh của “Tối nay ăn gì”, nhà sáng lập cho hay sản phẩm có hai điểm khác biệt. Thứ nhất, giao diện của người đặt hàng, không hề hiển thị bất kỳ chữ nào trên giao diện đặt hàng, người dùng chỉ cần thao tác lựa chọn món ăn vào mâm cơm riêng. Thứ hai, ứng dụng có thể thu thập các dữ liệu sức khỏe của người thân người dùng đồng thời với địa chỉ mua hàng để nắm bắt, tính toán được độ tuổi, chiều cao, cân nặng của khách.

Thùy Linh cũng khẳng định, với các đối thủ đang áp dụng mô hình gần như tương tự, phần thực phẩm chế biến sẵn của siêu thị hay cửa hàng thực phẩm đều vô cùng nghèo nàn và không định vị người bán với người mua hàng tối ưu như “Tối nay ăn gì”.

Đề cập đến nguồn nguyên liệu thực phẩm và kiểm soát hàng tồn, nhà sáng lập cho hay công ty đang chịu sự phụ thuộc nguyên liệu từ nhà cung cấp. Đồng thời, vẫn đang tìm đơn vị để ký kết bảo hiểm quyền lợi cho khách hàng. Còn với các sản phẩm “bị bom hàng”, sẽ được lưu kho trong 72 giờ và chuyển vào bệnh viện hoặc các bếp ăn của trẻ mồ côi. 

Đánh giá mô hình của startup chưa chín muồi, chưa trúng long mạch mà đã lên gọi vốn với giá trị không tưởng Shark Nguyễn Hòa Bình đưa ra dẫn chứng: 92% startup trên thế giới ra đời bị chết trong ba năm đầu, 47% trong số đó làm những thứ mà xã hội không cần hoặc có cũng được mà không có cũng được. Và “Tối nay ăn gì” cũng đang mắc sai lầm tương tự như thế khi đây là mô hình đã được các chuỗi siêu thị triển khai chứ không phải là ý tưởng mới như startup tự tin.

“Vị cá mập mới” thẳng thắng khuyên startup: “Khi startup, chúng ta phải tính toán rất kỹ nếu không sẽ mất mát cực lớn. Tiêu chí thứ nhất, chúng ta nên tìm vào lĩnh vực nào đấy mà tiên phong trong đại dương xanh. Thứ hai, cần có sự khác biệt hoặc nếu không khác biệt phải cực nhiều tiền để đè chết các đối thủ trước. Anh đề nghị em nên triển khai mô hình khác tiên phong trong đại dương xanh là Cloud Kitchen trong lĩnh vực thực phẩm – mô hình đang rất thành công trên thế giới. Nếu đổi mô hình này, hệ sinh thái của NextTech sẽ hỗ trợ được cho em, còn nếu không thì có chia nhiều % cổ phần đi nữa anh cũng không đầu tư”.

Trái ngược với đánh giá của Shark Bình, “vị cá mập” đến từ Quỹ đầu tư Cyber Agent Thái Lan & Việt Nam – Shark Dzung Nguyễn cho rằng sản phẩm có nhu cầu thị trường, tuy nhiên startup chưa phân biệt được mình đang là công ty thực phẩm ứng dụng công nghệ hay công ty công nghệ cung cấp thực phẩm. Và mù tịt về các lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, đến khi startup chín muồi, nhà đầu tư có thể bắt tay cùng startup.

Đồng quan điểm, đánh giá cao nhu cầu thị trường nhưng mô hình, hướng đi của startup không hợp lý, Shark Phạm Thanh Hưng tuyên bố rút lui. Tiếp đến, Shark Đỗ Liên cũng lắc đầu từ chối vì cho rằng startup chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm.

Bị 4/5 “cá mập” từ chối, mọi hy vọng của startup đổ dồn vào Shark Nguyễn Thanh Việt. Startup tiết lộ thêm thông tin công ty có hai cổ đông với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, hiện đã rót vào 19 tỷ đồng. Đội ngũ công nghệ của “Tối nay ăn gì” gồm 8 người.

Sau phần chia sẻ của startup, Shark Việt đã đưa ra đề nghị 2,5 tỷ đồng cho 36% cổ phần vì tin tưởng vào Thùy Linh và đội ngũ của “Tối nay ăn gì”. Shark Việt bày tỏ mong muốn góp phần giúp startup bổ sung những thiếu sót trong việc định hình lại mô hình kinh doanh cũng như phương án kinh doanh của mình. 

Chỉ muốn chia sẻ tối đa 20% trong vòng này, startup ngập ngừng mong nhà đầu tư hạ số cổ phần. Tuy nhiên, nhà đầu tư không đồng ý. Shark Việt khuyên startup: “Ý tưởng rất tốt và Giấc mơ của em rất đẹp nhưng cần người định hướng cùng em. Đã mơ thì phải mơ cho rực rỡ lên”.

Cuối cùng, Thùy Linh đã gật đầu hợp tác cùng Shark Việt. Tưởng như thương vụ khép lại sau màn bắt tay giữa nhà sáng lập “Tối nay ăn gì” với nhà đầu tư thì startup bất ngờ nhận ngay lời thách thức đến từ Shark Bình. 

Không tin mô hình startup đang theo đuổi có thể thành công, Shark Bình tuyên bố: “Từ sự tiếc rẻ 19 tỷ vốn điều lệ đã đóng và 2,5 tỷ Shark Việt sắp góp anh xin em đừng làm mô hình kinh doanh này nữa vì em sẽ mất tiền. Anh cá với em thêm 2,5 tỷ nữa nếu em làm thành công mô hình này. Anh xin em hãy chuyển mô hình kinh doanh đi như anh đã gợi ý”.

Bắt tay cá cược với Chủ tịch Tập đoàn NextTech trước sự chứng kiến của 4 nhà đầu tư khác,  nhà sáng lập “Tối nay ăn gì” thể hiện sự quyết tâm cao độ để chứng minh cho Shark thấy sự tiềm năng từ ý tưởng kinh doanh của mình.

Shark Bình “say xẩm” vì startup công nghệ “sổ” thuật ngữ công nghệ và sống từ hành tinh khác

Thương vụ thứ hai đến từ nữ kỹ sư công nghệ Kim Phụng và nữ sinh viên y khoa Hồng Nguyên – Hai nhà sáng lập của cộng đồng công nghệ sức khỏe DrExpedia. Gởi đến các Shark lời mời đầu tư 5,5 tỷ cho 5% cổ phần (dạng trái phiếu chuyển đổi), Hồng Nguyên chia sẻ ý tưởng dự án ra đời nhằm giúp các bác sĩ có thêm thu nhập theo đuổi đam mê của mình. Giúp bệnh nhân giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh và tạo ra các công nghệ ứng dụng cho y tế Việt Nam.

DrExpedia gồm ba sản phẩm chính là: nền tảng y tế chia sẻ DrExpedia.com cho phép người dùng kết nối với các phòng gym, bác sỹ, dược sỹ để sử dụng các dịch vụ cao cấp y tế. Thứ hai, Wearable device được thiết kế theo dạng OEM. Thứ 3, DrExpedia Cloud – giải pháp số hóa cho các doanh nghiệp.

Điểm đáng chú ý, DrExpedia chưa thành lập doanh nghiệp nhưng chỉ dựa vào 3 sản phẩm kể trên, hai nhà sáng lập định giá doanh nghiệp ở mức 110 tỷ đồng. 

Choáng váng trước con số của startup, Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch tập đoàn NextTech lập tức tuyên bố không đầu tư với lý do: “Anh thấy từ đầu vào các em cho anh một loạt key word làm anh say xẩm mặt mày, nào là iOT, AI, Cloud, computer vision… Anh làm doanh nghiệp công nghệ được khoảng 20 năm rồi, ngay ở Việt Nam các công nghệ em vừa nói được ứng dụng còn rất hạn hẹp và nó đều là thuật ngữ “chém” cho tương lai. Các em tự định giá mình 110 tỷ có khi các em không phải người của trái đất này. Anh không đầu tư lý do vì em là người của hành tinh khác”.

Bị một “cá mập” dứt khoát từ chối, startup tha thiết xin các nhà đầu tư cơ hội lắng nghe để họ được trình bày hết phần thuyết trình của mình. Hồng Nguyên cho hay, nguồn thu của DrExpedia đến từ 4 phần: thứ nhất cung cấp nhân sự y tế để label train AI model chuẩn đoán dữ liệu y khoa, cung cấp cho các thị trường chiến lược ở Canada, Campuchia và Thái Lan, thiết bị telemedicine, đồng hồ thiết bị đeo tay, cung cấp giải pháp số hóa cho các doanh nghiệp thông qua Cloud, AI, 5G, Blockchain. Nhờ sản phẩm trí tuệ được đăng kí ở Mỹ và Canada.

Startup cũng bày tỏ tham vọng gia nhập cuộc chơi ở hai nền tảng Mediacare Tech và Care Tech với những dịch vụ vươn ra toàn cầu. Kim Phụng tự tin chia sẻ, DrExpedia có thể duy trì trong suốt 1 năm qua mà không mất nhiều chi phí vì có đội ngũ công nghệ thông tin có thể nhận dự án Out source. Và bản thân startup cũng là người dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, từng làm cho nhiều công ty Quốc tế lớn. 

Dẫu vậy, dự án đầy mơ mộng này không thể lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư. “Cá mập công nghệ” Dzung Nguyễn thẳng thắng nhận xét: “Cái quan trọng nhất khi em khởi nghiệp là phải nhìn thấy bước đi cụ thể, anh thấy hai em đang mông lung như 1 trò đùa. Cái em nói nếu như chưa nghe bao giờ thì nghe rất hay nhưng với người hiểu biết, cái em nói rất chi là mơ mộng. Anh biết rằng cái em có chính là tuổi trẻ, cái anh có chính là kinh nghiệm nhưng nếu em đi sai, em sẽ mất tuổi trẻ, mất niềm tin. Và niềm tin đó sẽ làm cho em khó thành công”. 

Giải đáp về số vốn rót thực tế nếu nhà đầu tư đổ vào để lấy 5,5%, startup cho hay họ sẵn sàng rót đủ số cổ phần còn lại vì nhà đầu tư thiên thần của DrExpedia sẵn sàng cho mượn để lấp vào con số 95% cổ phần còn lại. Cho rằng bắt Shark bỏ 5 tỷ mà chỉ 5,5% là con số vô lý và startup chưa có phương án kinh doanh thuyết phục. Cả ba Shark Đỗ Liên, Nguyễn Thanh Việt và Phạm Thanh Hưng đều từ chối.

Trước khi kết thúc thương vụ, Kim Phụng mạnh dạn gặn hỏi Shark “tri kỷ” lý do ông rút lui quá sớm, đến mức không cho startup có cơ hội để trình bày. Bởi ngoài mục đích kêu gọi số vốn 5 tỷ, startup còn muốn nhận được sự đồng hành từ Shark Bình. 

Trước sự tha thiết của startup, Shark Bình chia sẻ ông nhìn thấy hình ảnh mình của 20 năm trước trong con ngườu hai nhà sáng lập. Vì vậy, để startup không ra về tay trắng, Shark Bình đã quyết định đồng ý làm mentor cho startup cùng những lời khuyên: “Làm kinh doanh phải tập trung một cái thôi, không lan man. Thứ hai, tập trung vào nhu cầu thị trường và bán như thế nào. Thứ ba là vấn đề tiền, Shark Tank là sân chơi chỉ nói về tiền thôi, lợi nhuận, exit như thế nào”.

Khung xếp đa năng bị từ chối vì sản phẩm đơn giản nhưng định giá trên trời

Thương vụ cuối cùng đến từ startup Lê Nguyễn Khánh Trình – Founder & CEO Công ty cổ phần Khánh Trình. Khánh Trình bày tỏ mong muốn kêu gọi 5 triệu USD đổi lấy 10% cổ phần để đẩy mạnh xuất khẩu khung xếp đa năng Khánh Trình – một sản phẩm do chính anh sáng chế, để ra thị trường thế giới.

Startup cho biết, khung xếp đa năng Khánh Trình có thể giúp khách hàng giải quyết 4 vấn đề sau: Thứ nhất kéo dãn cột sống để phòng ngừa đau lưng và điều trị một số bệnh cột sống, giúp trẻ em và thanh thiếu niên tăng chiều cao hiệu quả, giúp người tiêu dùng tập luyện thể thao ngay tại nhà, cuối cùng khung treo đa năng.

Bắt đầu đưa ra thị trường Việt Nam từ năm 2010, khung xếp đa năng Khánh Trình đã xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm đến hơn 40 quốc gia với giá bán 7 triệu đồng/ bộ sản phẩm. Hiện được phân phối qua website và Amazone với lợi thế cạnh tranh nổi bật của sản phẩm nằm ở tính linh hoạt, có thể thay đổi độ phù hợp với mọi lứa tuổi. 

 

Thị trường tiêu thụ Amazone Mỹ chiếm 80%, lãi gộp 70%/ bộ. Doanh thu trung bình trong nước chiếm khoảng 300 triệu, thị trường nước ngoài là 1 tỷ đồng.

Do đó, startup muốn kêu gọi đầu tư để đẩy mạnh marketing thương hiệu, bán sản phẩm tại thị trường Mỹ và Nhật Bản trong năm đầu tiên. Với 5 triệu USD, Khánh Trình sẽ trích từ 20 – 30% để quảng cáo thương hiệu, số còn lại dùng vào sản xuất. Dự kiến, từ 3-5 năm tới Shark có thể thu hồi vốn. 

Khánh Trình chia sẻ: “Trong 5 quốc gia đã nhận bằng sáng chế : Việt Nam, Mỹ, Nigeria, Nam Phi và Úc. Dân số 5 quốc gia là 670 triệu người. Dự tính nếu chiếm được 1% thị trường thì chúng em có thể đạt doanh thu 670 triệu USD”.

Gọi 5 triệu USD cho 10%, tự định giá 45 triệu USD nhưng doanh thu chỉ đạt vài trăm triệu/ tháng. Shark “tri kỷ” Nguyễn Hòa Bình ngay lập tức chỉ ra điểm định giá phi lý của startup: “Lợi nhuận của em hiện nay là 400 triệu/ tháng, một năm lợi nhuận khoảng 6 tỷ một năm. Doanh nghiệp của em định giá cao nhất chỉ được 30 tỷ. Đó còn chưa kể tính các chi phí rủi ro khác. Đừng “ngáo giá”.

Đánh giá sản phẩm thực sự có thị trường nhưng con số định giá 1000 tỷ đồng quá phi lý nên các Shark Phạm Thanh Hưng, Đỗ Liên, Nguyễn Thanh Việt và Dzung Nguyễn không thể đầu tư vào startup. “Cá mập công nghệ” cho startup lời khuyên như sau: “Anh nghĩ sản phẩm của em rất hợp thị trường Mỹ, em nên tập trung bán ở thị trường đấy và không cần gọi số vốn lớn như thế”.

Tập 6 khép lại với chỉ một thương vụ được đầu tư. Cả ba thương vụ đều là sản phẩm có thị trường tuy nhiên các nhà sáng lập đều mắc phải chung sai lầm về định giá Không có phương pháp nên thiếu thuyết phục, thậm chí đưa ra những mức không tưởng, phí lý khiến các cá mập “nổi giận”. Thứ hai là mô hình kinh doanh còn “xanh” và “non” chưa được chứng thực (chưa có doanh thu, hoặc lượng khách hàng dùng thử quá ít) nhưng định giá trên mây. Dẫu vậy, với những lời khuyên đầy chân tình từ các nhà đầu tư của Shark Tank, hy vọng các startup sẽ có bước điều chỉnh chiến lược phát triển hợp lý hơn.

Tập 7 Shark Tank Việt Nam – Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ 3 sẽ phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 4/9/2019 trên kênh VTV3. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here