(SaoZone) –  “Tôi suy đi nghĩ lại, tất cả đều do định mệnh, số trời hết. Đến giờ đây tôi muốn sanh con. Tổ nghiệp đã chọn tôi và đến lúc tổ nghiệp bảo tôi dừng lại. Cho dù thanh sắc vẫn còn, cũng phải chiều theo duyên tổ. Tôi dừng lại thôi”, nữ ca sĩ từng được mệnh danh là “Madona Việt Nam” chia sẻ.

Ca sĩ Y Phụng đã dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện thú vị. Nữ ca sĩ từng được mệnh danh là Madonna  Việt Nam không ngại chia sẻ những điều sâu kín của riêng mình đến độc giả.

Tôi tự thấy mình giống nhân vật Võ Tắc Thiên

Nổi tiếng khắp cả nước từ lúc mới 15 tuổi trong những thập niên 90, bằng cách trình diễn kết hợp vũ đạo và y phục “bốc lửa” như danh ca Madona. Có thể nói Y Phụng là ca sĩ tiên phong mang lối trình diễn phương Tây hiện đại vào Việt Nam vào những năm 90, Y Phụng có thể nhớ lại mức cát-xê của mình ngày đó?

Cám ơn anh vẫn còn nhớ đến những hoạt động văn nghệ ngày xưa của Y Phụng khi còn ở quê nhà. Nói thật với anh: Xưa kia vì mê thần tượng của mình là Madona nên tôi đã bắt chước ca sĩ này từ cách ăn mặc cho đến phong cách trình diễn. Trong mắt tôi thì từ xưa đến giờ vẫn thế, Madona là biểu tượng huyền thoại của lòng mình.

Ngày còn nhỏ, tôi vì đam mê ca hát nên khi được ba mẹ đồng ý và hỗ trợ thì tôi như con thiêu thân lao vào nghiệp tổ. Tôi đã từng đi hát lót cho các ngôi sao thời bấy giờ: Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Sơn, Lê Tuấn… Tuy không có tiền lương nhưng lòng tôi vẫn rộn ràng vui như ngày tết. Đến sau này, được khán giả biết đến, hâm mộ, tôi lại càng tự tin sống chết với nghề hơn.

 Những ngày đó, tôi chỉ biết “làm nhiệm vụ” chọn kiểu quần áo mặc làm sao cho đẹp, bắt mắt trên sân khấu và nỗ lực hát hay. Tiền lương thì ba mẹ lãnh hết. Cho đến tận khi lập gia đình, xa xứ thì ba mẹ mới hết quản lý tài chính cho tôi.

Ở độ tuổi U40 nhưng ca sĩ Y Phụng vẫn còn giữ được nét thanh xuân

 Nổi tiếng đình đám, được các sân khấu, phòng trà, quán bar săn đón khi còn quá nhỏ tuổi, Y Phụng có bị choáng ngợp?

Từ một ca sĩ vô danh, đi hát lót, tôi phải nỗ lực rất nhiều và đã trở thành một trong những cái tên được săn đón và chiều chuộng của bầu sô. Tôi choáng ngợp với tình thương yêu của khán giả dành cho mình, càng say máu nghề, cho đến tận bây giờ. Thắm thoát, tôi đã ăn cơm tổ nghiệp được 20 năm, coi như đã đi được nửa đời người rồi.

Xuất thân từ một gia đình nổi tiếng về nghệ thuật cải lương, ba mẹ là NSƯT Minh Phụng-Kiều Tiên, thuộc thế hệ nghệ sĩ cải lương tiền bối, “cây đa, cây đề”. Thời đó, có lời đồn NSƯT Minh Phụng “từ” con gái, chỉ vì con ăn mặc quá sexy, cách trình diễn “nổi loạn”, đi ngược hoàn toàn với truyền thống nghệ thuật của gia đình?

Lời đồn hoàn toàn sai. Ba tôi chỉ buồn đôi chút khi tôi quyết định bỏ học để theo sự nghiệp ca hát. Ba mẹ muốn tôi học ít nhất phải hết lớp 12, rồi đi hát cũng chưa muộn. Nhưng con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh, tôi mê hát hơn học. Và sau một năm thử thách với nghề, duyên số đưa đẩy, Tổ nghiệp đã chọn tôi.

Và đến tận bây giờ, tôi tự hào là đã không làm cho ba mẹ buồn lòng, thất vọng. Sự ưu ái của khán giả là một minh chứng cho thấy tôi tiếp nối con đường nghệ thuật của ba mẹ là một quyết định đúng nhất.

                    “Ba tôi chỉ buồn đôi chút khi tôi quyết định bỏ học để theo sự nghiệp ca hát”

Tôi có dịp gặp NSƯT Minh Phụng trong những ngày cuối đời. Ông nói về con gái bằng tất cả sự tự hào. Ông cũng cho biết chị là đứa con gái hiếu thảo, gánh vác tất cả cho gia đình, nhất là lúc ông mang trọng bệnh. Y Phụng có thể nói về việc này đôi chút?

Chăm lo, hiếu thào với cha mẹ, có gì đâu mà phải khoe khoang? Tôi thấy đó là bổn phận làm con của mình. Con cái có cho cha mẹ cách mấy, cũng không bằng công mẹ mang nặng đẻ đau, ba vất vả nuôi dưỡng mình khôn lớn. Những ngày ba tôi còn sống, hay dạy tôi câu: “Phải biết hiếu thảo làm đầu. Sợ đến lúc ba mẹ nhắm mắt xuôi tay mình vẫn chưa trả tròn chữ hiếu”.

Y Phụng ảnh hưởng điều gì lớn nhất từ cha mẹ?

Tính tình của tôi giống ba đến 99%. Ông sống rất hòa đồng, hoạt bát, thương người, kính trọng các bậc tiền bối đàn anh, đàn chị đi trước. Ông không phách lối, khoe khoang. Ăn chén cơm ngày hôm nay, phải biết nhớ khó khăn ngày hôm qua.  Tính của ba tôi cực kỳ phóng khoáng: Làm ra bao nhiêu tiền là chơi xả láng, mai tính tiếp.

Nhưng tôi có một tật xấu không biết giống ai. Đó là thù dai. Ai phản tôi và gây oán với tôi, tôi sẽ để bụng. Có khi đến 30 năm sau tôi cũng chưa quên, trả thù vẫn chưa muộn. Tôi ghét nhất là những người ruột thịt phản mình, tôi sẽ tiễn vong không thương tiếc. Coi vậy đó, nhưng ai từng giúp tôi, tôi tìm mọi cách trả ơn. Tôi tôi rõ ràng chuyện ơn nghĩa, ân oán. Tôi tự thấy mình giống nhân vật Võ Tắc Thiên là vậy.

Trở thành người yêu của “thần tượng” Lý Hùng chỉ tròng vòng 2 tháng

Y Phụng đột ngột sang Mỹ sinh sống, hoạt động nghệ thuật vì muốn “phong cách phương Tây” của mình phát triển mạnh mẽ  hay vì lý do nào khác?

Lấy chồng thì phải theo chồng. Tôi nói ra không ai tin, tính tôi ngang bướng và ngược đời lắm. Con gái lớn lên ai cũng có mơ ước được lấy chồng, đám cưới rình rang. Nhưng tôi thì khác hẳn, tôi thích sống bám vào gia đình, vì được ba mẹ cưng chiều từ nhỏ. Tôi sợ lấy chồng sẽ cực khổ. Thế nhưng, định mệnh là do ông trời đã sắp đặt, không thể cãi. Lấy chồng, xa nhà cũng là một cách tôi trả hiếu cho ba mẹ đó.

Y Phụng trong vở tuồng Xin một lần yêu nhau

Tài, sắc vẹn toàn. Ngoài thành công trong âm nhạc, Y Phụng còn đóng phim. Đã từng đóng phim chung với  những tài tử đẹp trai nhất thời đó. Có bao giờ Y Phụng bị xao xuyến hay xảy ra tình cảm?

Có chứ. Con người nhiều cảm xúc, đâu phải sỏi đá đâu. Bằng chứng là anh Lý Hùng. Tôi đóng chung với anh một phim, mới đầu cũng có cảm mến. Chưa đầy hai tháng là chúng tôi chính thức yêu nhau.

Lúc nhỏ, có lần tôi chạy chiếc charly đến nhà anh ấy ở đường 3/2 xin hình chữ ký, tại anh ấy không nhớ. Ai ngờ 7 năm sau, người mà tôi từng thần tượng lại trở thành người yêu.

Y Phụng có thể cho biết những khó khăn trong những ngày đầu sang Mỹ không? Theo tôi nghĩ: Người Việt tha hương luôn hướng về cội nguồn, chắc chắn yêu thích nghe một câu ca cải lương, điệu nhạc quê hương hơn là kiểu trình diễn phương Tây quá đại trà tại đó. Thấy Y Phụng có chuyển hướng sang hát dòng nhạc bolero, không còn hát nhiều thể loại nhạc trẻ, kết hợp vũ đạo sôi động. Có phải Y Phụng đã điều chỉnh xu hướng nghệ thuật cho phù hợp? 

Giới thưởng ngoạn ở hải ngoại yêu thích dòng nhạc xưa. Người Việt tha hương luôn nhớ về cội nguồn.  Vì vậy những dòng nhạc quê hương theo chân người Việt Nam khắp nơi trên thế giới, nằm sâu trong tâm khảm từng người. Thế hệ con cháu sau này sinh ra và lớn lên ở hải ngoại cũng vậy, dù tiếng Việt nói không rành, ăn mặc hiện đại nhưng lại thuộc hết những bài nhạc bolero.

 Duyên số đã đưa đẩy, tôi từ một ca sĩ theo phong cách sôi động, ăn mặc sexy nhưng qua Mỹ đã chuyển sang dòng nhạc quê hương, tiền chiến.

Qua đó được chừng 6 tháng, tôi đã được một trung tâm âm nhạc có uy tín chào đón và xuất hiện đầu tiên ở hải ngoại với nhạc phẩm Yêu một mình, một sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân. Ngay lập tức, tôi được kiều bào khắp thế giới đón nhận, kéo dài suốt 11 năm nay. Khán giả rất yêu thích tôi trong tà áo dài, hát những dòng nhạc quê hương. CD nhạc quê hương của tôi bán chạy hơn các ca sĩ hát nhạc trẻ đó!

Chừng 10 năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam trình diễn. Có phải do lớp khán giả lớn tuổi đã dần mai một, thế hệ người Việt trẻ bên Mỹ chỉ còn xem các ca sĩ nước ngoài trình diễn nên “đất” trình diễn bị hạn hẹp?

Mỗi dòng nhạc có khán giả riêng. Ca sĩ cũng thế. Vườn hoa âm nhạc có nhiều loại hoa, bông hoa. Ai cũng muốn mang lời ca, tiếng hát của mình đến khán giả khắp nơi.

 Công bằng mà nói, giữa hát ở Mỹ và Việt Nam thì nơi nào có thu nhập cao hơn?

Ở Việt Nam đi hát có thu nhập nhiều hơn, vì được đi hát cả năm trời không ngừng nghỉ, có khán giả đông. Ở Mỹ ai cũng đi làm bận rộn. Ngay cả cha mẹ, con cái cũng chỉ gặp nhau vào cuối tuần, miễn tiếp khách lạ vì còn phải ngủ sớm để làm việc đầu tuần. Vì vậy người ta cũng ít có thời gian đi xem ca nhạc, ca sĩ không đi hát thường xuyên được.

Những tài sản hiện có của tôi như nhà, xe… tại Mỹ, đều do khán giả ở Việt Nam “ban tặng”, mua bằng tiền dành dụm từ thời còn hát trong nước. Tôi chỉ mới qua Mỹ 11 năm thôi, lại hát không đều, đâu đủ tiền mua được những thứ đó.

Từ ngày ba tôi mất, cuộc sống của tôi không được may mắn

Y Phụng đã chia sẻ nguyên nhân đổ vỡ cuộc hôn nhân lần 1, vì lý do không muốn sinh con. Có phải chỉ vì muốn giữ hình ảnh “bốc lửa” ngày xưa mà chị không thực hiện thiên chức làm mẹ, giữ hạnh phúc gia đình?

Đúng vậy. Tôi sợ sanh xong mình xấu đi và không còn được khán giả đón nhận như xưa nữa. Tôi cũng sợ mang bầu là phải nghỉ hát cả năm, xuất hiện trở lại thì khán giả sẽ quên mình. Vì thế chần chừ mãi chẳng muốn có em bé.

Người chồng doanh nhân hiện tại của Y Phụng có ra điều kiện con cái trước khi “góp gạo thổi cơm chung” không?

Số tôi may mắn trong chuyện tình cảm. Xưa nay chưa có người đàn ông nào được nắm quyền với tôi cả, Tất cả là do tôi quyết định.

Từ ngày ba tôi mất, cuộc sống của tôi không được may mắn. Những chuyện xui xẻo, tai tiếng cứ bám lấy mình nhưng tính tôi không thích giải thích, phân bua. Ai nói oan ức cho tôi thì người đó bị nghiệp chướng.  Chỉ trong vòng một năm mà tôi bị tai nạn 3 lần và dành trọn hai năm nằm nhà dưỡng thương, không xuất hiện trước công chúng. Có lời mời đi hát nhưng gương mặt sưng vù đành phải chịu.

Tôi suy đi nghĩ lại, tất cả đều do định mệnh, số trời hết. Đến giờ đây tôi muốn sanh con. Tổ nghiệp đã chọn tôi và đến lúc tổ nghiệp bảo tôi dừng lại. Cho dù thanh sắc vẫn còn, cũng chiều theo duyên tổ. Tôi dừng lại thôi…. Không ai tránh được số trời.

Y Phọng trong vở tuồng Xin một lần yêu nhau. Cô chia sẻ: “Mỗi khi đóng cải lương là lại nhớ ba”

 Quay lại Việt Nam sau nhiều năm xa cách, Y Phụng có bao giờ sợ khán giả quên mình, nhất là các khán giả trẻ?

Tôi rấy hãnh diện khi về đến quê nhà vẫn được khán giả thương yêu và giới truyền thông để mắt tới.
Như tôi đã nói, Tổ nghiệp đã chọn tôi, tôi được sống trong tình yêu thương của khán giả đến tận bây giờ. Tôi sẽ  mãi mãi  trân trọng, gìn giữ những tình những tình cảm đó của mọi người.
Cảm ơn Y Phụng!
Theo Motthegioi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here