(SaoZone.net)  –  Ngọc Trinh – một cái tên chưa từng bước vào hàng sao, nhưng nhắc đến chị khán giả đều nhớ. Trên sân khấu, chị gây chú ý với những nhân vật trẻ trung, vô tư, hơi tưng tưng, nhưng phía sau bức màn nhung là những nỗi niềm riêng.

Tình duyên lận đận, một thời gian sức khỏe sa sút, Ngọc Trinh lại phải vướng vào vụ kiện tụng kéo dài ròng rã bốn năm trời vừa kết thúc gần đây…

“Chết” vai osin, con nhà nghèo

Sinh ra ở mảnh đất Sài Gòn trong gia đình thiếu thốn đủ thứ, từ nhỏ Ngọc Trinh đã cùng gia đình đi ở nhờ hết nhà dì, tới nhà cậu, nhà ngoại. Hồi đó mê cải lương nên Trinh từng mơ thi vào khoa kịch hát dân tộc nhưng vì lịch học của khoa trùng với lịch học văn hóa ở trường phổ thông nên cô đành nuối tiếc chuyển qua học kịch.

Vô trường học, trở ngại đầu tiên của Trinh chính là giọng nói. Thầy dạy tiếng nói sân khấu hồi đó hay phiền vì giọng cô nghe cứ… lói chói. Mỗi lần có tiết học, thấy thầy khen bạn khác còn mình cứ bị rầy khiến cô sinh viên buồn rầu. Phải mấy năm trời miệt mài luyện nói trước gương, cầm tờ báo đọc bắt người nhà nghe, lúc nào thấy âm nào chói tai quá phải… tuýt còi liền. Vậy mà tới năm 3, Trinh mới phần nào khắc phục được tiếng nói sân khấu của mình.

Ra trường, Ngọc Trinh về Đoàn kịch trẻ thành phố, mấy năm trời cùng đoàn lưu diễn phục vụ khán giả bất kể vùng sâu, vùng xa. Gia đình khó khăn nên lúc nào cô cũng có ý thức chắt bóp để phụ ba mẹ nuôi em. Tiền thanh sắc mỗi tháng được 50.000 đồng thì 40.000 đưa má, dằn túi 10.000 để chi tiêu lặt vặt.

Mới ra nghề, thường người ta thích làm đào chánh, còn Ngọc Trinh rất ghét bị giao vai nhà giàu, vai đẹp vì sợ tốn tiền lo phục trang. Vậy nên cho đến mãi sau này, cô “chết” với những vai osin, tì nữ, con nhà nghèo…

Thời tấu hài rầm rộ, cô gia nhập nhóm hài Tuổi Đôi Mươi, xin diễn ít nhất một, hai sô mỗi đêm. Nhóm nào cần tăng cường hú một tiếng là có Ngọc Trinh, giờ cuối ai bị kẹt kêu đúp vai Ngọc Trinh cũng nhận mà không lăn tăn.

“Cô cọp” lì lợm

26 tuổi, cô cả gan mua một căn chung cư cũ cho gia đình. 50% tiền tích cóp, 50% tiền đi vay. Vậy mà chừng hai năm sau Trinh trả hết nợ nần, gia đình chính thức thoát khỏi cảnh ở nhờ. Đó là những năm tháng cô gái trẻ cắm đầu chạy sô mà không biết đến thú vui. Bạn bè rủ đi ăn uống cũng không dám nhận, vì bữa nay người ta bao, ngày mai mình không có tiền bao lại cũng thiệt kỳ. “Người quen thấy vậy bảo sức đâu mà tôi cày ghê vậy. Tôi cười: Ai biểu tôi sinh ra nhằm tuổi con cọp, mà lại cọp lì mới gan vậy đó!” – Ngọc Trinh nhớ lại.

Vất vả vậy nhưng những nhân vật trên sân khấu của Trinh cứ trẻ hoài, vô tư và tửng không ai bằng. Cô cười hóm hỉnh: “Tôi cố tình đem lại sự vui nhộn, lạc quan cho nhân vật của mình. Kiểu như mình thiếu gì thì bù đó. Nhân vật đâu phải là mình, tội tình gì chịu cái khổ, đắng cay của mình!”.

Nói vậy nhưng đến một lúc không còn bị áp lực tiền bạc, lại cứ bị đóng khung với những vai “trẻ con, hề hề” hoài cô gái trẻ cũng đâm quạu. Đã yêu nghiệp diễn, ai không mong mình có được nhân vật đầy trăn trở dưới ánh đèn sân khấu. Và giấc mơ đó cứ nung nấu, vai nữ sinh Hương trong Thuyền tình ở Idecaf là một trong những vai diễn phần nào giúp mọi người thay đổi cái nhìn về Trinh.

Bốn năm kế tiếp ở sân khấu Thế Giới Trẻ là quãng thời gian cô đảm nhiệm những nhân vật đa chiều gây được chú ý như Bé Ba của Đời như ý, Mai trong Bí mật nhà xác…

Bốn năm đeo đuổi vụ kiện Nhà hát Kịch TP.HCM là quãng thời gian “trầm” dường như rất nặng nề với Ngọc Trinh. Gia đình định cư hết ở Mỹ, còn cô vẫn ở lại Việt Nam. Khi sóng gió nhất, mẹ gọi điện van nài con gái sum họp với gia đình nhưng cô từ chối. Nước mắt, âu lo của mẹ Trinh biết hết và tự biết mình nợ mẹ rất nhiều lời xin lỗi.

Rồi để mọi người an tâm về mình, cô cứ dối lòng rằng mình vẫn ổn. Cô nén tâm sự vào trong không dám tỏ bày, cẩn trọng ngay cả những dòng status ngắn ngủi trên Facebook. Và chuyện gì đến sẽ đến, một ngày cô chợt nhận ra mình biếng giao tiếp, luôn mang trong lòng ưu tư nặng trĩu với những suy nghĩ tiêu cực.

Cô đến gặp bác sĩ tâm lý và chấp nhận mình phải chữa trị trầm cảm suốt mấy tháng trời. Cái dạ dày khốn khổ luôn hành hạ cô với những cơn đau… Dạo ấy gặp Trinh trông cô xuống sắc thấy rõ.

Quả ngọt cho diễn viên – đạo diễn – bà bầu

Trải qua bao biến cố, dường như nghề nghiệp và cuộc sống Ngọc Trinh đang có chiều hướng tích cực, lạc quan. Vở kịch Tiếng giày đêm do chị đầu tư thắng lớn tại Liên hoan kịch nói toàn quốc tháng 4 năm nay tại TP.HCM với huy chương vàng dành cho vở diễn, giải đạo diễn và tác giả xuất sắc nhất, 3 huy chương vàng dành cho diễn viên Đàm Loan, Ngọc Trinh, Đại Nghĩa và 2 huy chương bạc cho Hữu Tiến, Tấn Phát.

Sau vài năm vắng bóng, chị vừa được mời tham gia phim điện ảnh Thạch thảo, chị cũng là nhân vật chính trong bộ phim sitcom đang quay của VTV – Nè biết gì chưa 888. Cùng thời gian đó, chị còn xuôi ngược giữa Sài Gòn – Đồng Tháp để thực hiện vai trò đạo diễn cho chương trình cải lương Tài tử miệt vườn (đang rất thu hút của Đài PT-TH Đồng Tháp, sẽ kéo dài đến tháng 12 năm nay).

Nhiều người nôn nóng hỏi Ngọc Trinh bao giờ tiếp tục mở sân khấu sau thất bại khi hợp tác với Nhà hát Kịch TP.HCM, chị cười an nhiên mà rằng: “Khi nhận thấy điều kiện chín muồi tôi sẽ lại tiếp tục. Bây giờ tôi không muốn tự gây áp lực cho bản thân…”.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần sống một mình

Trinh lận đận chuyện tình cảm. Mối tình đầu kéo dài nhiều năm trời với đạo diễn Công Ninh, rồi sau đó cô kết hôn với vị đạo diễn Hàn Quốc, người có duyên gặp gỡ khi cô hợp tác làm phim Những lẵng hoa tình yêu và Mùi ngò gai. Khi kết thúc với Công Ninh, họ rất lặng lẽ, không những lời kể lể, “tố” nhau trên báo, khán giả tò mò muốn biết lý do họ xa nhau cũng đành chịu vì cả hai đều kín tiếng.

Đến khi Công Ninh đã yên ổn với một mái ấm, trong những ngày Trinh hầu tòa, luôn có chị Ngọc, bà xã Công Ninh, đến ủng hộ tinh thần Ngọc Trinh. Hai người phụ nữ tưởng là “tình địch” vẫn thường xuyên dắt tay nhau đi shopping, làm đẹp…

Và đến nay, khi có những xì xào về cuộc hôn nhân của mình, Trinh vẫn im lặng. Cô nói: “Chuyện tình cảm tôi cứ để tự nhiên, thậm chí tôi đã chuẩn bị tinh thần sống một mình. Cứ mong muốn thế này thế kia, khi không được sẽ tự làm khổ mình!”.

Muốn đi đến tận cùng

Ngọc Trinh (phải) trong vai trò đạo diễn chương trình Tài tử miệt vườn – Ảnh: NVCC

Ngọc Trinh chia sẻ cuộc sống vất vả từ nhỏ đã hình thành cho cô tính tự lập, cứng rắn, làm gì cũng cố gắng đi đến tận cùng. Nhìn cô diễn viên nhỏ bé đó không ai nghĩ cô kiên trì đeo đuổi vụ kiện Nhà hát Kịch TP.HCM suốt bốn năm trời (Ngọc Trinh kiện yêu cầu nhà hát bồi thường vì vi phạm hợp đồng hợp tác biểu diễn). Vụ kiện đó gây xôn xao dư luận và trong mỗi phiên xử đều có rất đông nghệ sĩ đến ủng hộ tinh thần Ngọc Trinh. Ủng hộ thì ủng hộ vậy nhưng không nhiều người tin tưởng cô có thể thắng kiện. Vậy mà cô đã thắng kiện với tiền lệ dường như chưa có.

Sau vụ đó, Ngọc Trinh ít muốn đề cập, cô nói: “Lúc đó đi kiện tôi chỉ muốn tìm câu trả lời cho bản thân là mình sai ở chỗ nào, biết để rút kinh nghiệm lần sau đừng mắc lỗi nữa. Nghệ sĩ tỏa sáng nhất, hạnh phúc nhất là sản phẩm nghệ thuật. Vụ kiện đó với tôi là sự cố nghề nghiệp, không phải được nhắc đến như thành tích!”.

Theo tuoitre.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here