(SaoZone.net) – Sáng nay 22-3, linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đưa về quê nhà trên con đường xuyên Á. Con đường ấy, con đường ông ra đi và trở về, gắn với một quyết định có tầm nhìn xa khi ông làm Thủ tướng.

1

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Phan Văn Khải kiên quyết xây dựng đường xuyên Á từ trạm 2 (Thủ Đức) đến Mộc Bài (Tây Ninh) với quy mô 4 làn xe, cho dù ngân hàng châu Á (ADB) ban đầu chỉ đồng ý cho vay để xây 2 làn xe.

Mở rộng cửa ngõ tây bắc TP.HCM

Ông Đỗ Ngọc Dũng – phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long, Bộ GTVT (trước đây là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận) – chính là người chứng kiến và thực hiện quyết định ấy của ông Phan Văn Khải.

Ông Dũng kể lại năm 1998 ADB chỉ đồng ý cho vay 50 triệu USD để làm đường xuyên Á với quy mô 2 làn xe. Nhưng ông Phan Văn Khải yêu cầu tổ đàm phán phải thuyết phục được ADB cho vay 100 triệu USD để làm đường 4 làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ.

“Quyết định này không nhận được tuyệt đối sự đồng tình. Bởi khi đó huyết mạch đất nước là quốc lộ 1 cũng chỉ 2 làn xe, trong khi đường xuyên Á nối Mộc Bài nhà cửa còn thưa thớt và lưu lượng xe chưa nhiều”.

“Ban đầu ADB còn không đồng ý cả việc làm cầu vượt An Sương vì thấy chưa cần thiết. Chưa kể thuyết phục ADB không đơn giản, nếu đòi hỏi cao quá có thể ảnh hưởng quá trình tài trợ” – ông Dũng nhớ lại.

Nhưng ông Phan Văn Khải vẫn giữ ý định, ông thường xuyên trao đổi với Bộ GTVT để nắm và trao đổi về việc đàm phán và có những cuộc gặp gỡ với lãnh đạo ADB.

Cuối cùng, năm 1999 ADB đã đồng ý cho vay 100 triệu USD để xây dựng đường xuyên Á với quy mô 4 làn xe.

2

Người dân đứng bên đường xuyên Á (quốc lộ 22) đưa tiễn cố Thủ tướng Phan Văn Khải về đất mẹ sáng 22-3 – Ảnh: THUẬN THẮNG

“Việc tài trợ này không chỉ có ý nghĩa với đường xuyên Á mà từ nguồn vốn dư sau khi đấu thầu, chúng ta đã đàm phán tiếp với ADB cho phép dùng vốn vào việc mở rộng đường Trường Chinh để nối với quốc lộ 22 (đường xuyên Á), giúp cửa ngõ phía tây bắc TP.HCM thông thoáng hơn” – ông Dũng nói.

“Cách đây 20 năm, nhiều người nghi ngờ, nhưng giờ nhìn lại nếu chỉ có 2 làn xe không biết quốc lộ 22 sẽ lưu thông ra sao. Và nếu ông Phan Văn Khải không quyết liệt, thì nay để làm đường xuyên Á 4 làn xe phải mất thêm hàng trăm triệu USD và lỡ rất nhiều cơ hội giao thương, đi lại của người dân” – ông Dũng đánh giá.

Tầm nhìn cao tốc

Với công trình cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng thể hiện tầm nhìn dài hạn.

Ông Dũng cho biết vốn đầu tư cho tuyến cao tốc đầu tiên ở phía Nam này lên đến 8.000 – 9.000 tỉ đồng, không một đơn vị trong nước nào có thể đáp ứng nổi vào thời điểm đó. Nhưng may mắn Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định cho ứng vốn ngân sách để thực hiện.

3

Ông Đỗ Ngọc Dũng – phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long – Ảnh: VIỄN SỰ

“Nếu nhìn lại dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn ì ạch vì không đủ vốn mới thấy tầm quan trọng trong quyết định này” – ông Dũng nói.

Và dù chỉ mới xây 4 làn, nhưng cao tốc TP.HCM – Trung Lương được ông Phan Văn Khải quyết định giải phóng mặt bằng đủ cho 8 làn xe, cầu Tân An, cầu Bến Lức cũng được cho làm móng để xây 8 làn sau này.

Đặc biệt, việc nguyên Thủ tướng Phan Khải quyết định làm 15km cầu cạn trên toàn tuyến ban đầu cũng không được sự thống nhất cao vì chi phí đội từ 50 tỉ đồng/km lên 200 tỉ đồng/km, nhưng khi đưa vào sử dụng mới thấy giá trị.

Các đoạn cầu cạn này ngoài độ bền cao, không sợ lún sụt vì nền đất yếu còn giúp dòng thoát lũ từ Đồng Tháp Mười đổ ra biển không bị ngăn cắt, thuận với tự nhiên của vùng đất này.

“Một lý do nữa, sau này khi con đường hoàn thành, ông Phan Văn Khải hay nhắc đó là những đoạn có cầu cạn đều băng qua khu vực đông dân cư, có nhiều tuyến đường giao thông địa phương. Ông nói nếu không làm cầu cạn thì nhiều xóm làng sẽ bị chia cắt vì cao tốc” – ông Dũng kể lại.

4

Theo: tuoitre.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here