(SaoZone.net) – Cùng với các quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học từ 1-2 tuần phòng dịch bệnh virus Covid-19, lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM còn có thêm những đề xuất khác: Nghỉ học hết tháng 3, hoặc tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm học.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều ngày 14/2 vừa qua, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Sở GD-ĐT đề xuất Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như nhiều quốc gia khác.

Theo ông Chung, nếu phân kỳ học cho học sinh 4 kỳ/năm thì tổng thời gian nghỉ hè vẫn là 3 tháng, trong đó nghỉ hè kéo dài 35 ngày, nghỉ tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần. Ông cho biết, việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn.

“Tới đây, chúng ta có thể có ý kiến đề xuất với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cũng như Bộ Nội vụ để tính toán lịch. Chúng ta nghiên cứu xem các nước làm thế nào, nếu có hiệu quả, ứng dụng được thì có thể áp dụng ngay từ năm tới” – ông Chung đề xuất.

Hà Nội đề xuất cho học sinh 4 kỳ nghỉ trong năm học

Có thể nghỉ học hết tháng 3, tổ chức 4 kỳ nghỉ trong năm học?

TP.HCM có 1,7 triệu học sinh trong đó có hơn 1 triệu học sinh mầm non và tiểu học (Ảnh: Thanh Tùng)

Chiều tối cùng ngày, UBND TP.HCM thông tin sẽ tiếp tục báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố nghỉ học đến hết tháng 3/2020. Cùng với đó, sẽ điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7/2020 để hoàn tất chương trình.

Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, đây là quyết định quan trọng của Thường trực Thành uỷ. TP.HCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến THPT với 2.353 trường học. Dù ngành giáo dục thành phố đã có các phương án đối phó với dịch virus corona nhưng nỗi lo vẫn hiện hữu khi dịch bệnh phức tạp.

Nghỉ tiếp tháng 3, nên hay không?

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, phân tích nếu nghỉ thêm tháng 3 và dời thời gian năm học sang tháng 6 và 7 cũng không quá khó khăn. Về điều kiện thời tiết, dù mùa xuân hay hè thì tính mạng con người vẫn là quan trọng.

TS luật Nguyễn Ngọc Sơn cũng nhìn nhận kiến nghị cho học sinh nghỉ tháng 3 là sự cẩn trọng cần thiết. Ông Sơn nói thêm WHO vẫn chưa dự đoán được diễn biến của dịch và thời điểm kết thúc, do vậy nên có một kế hoạch vững chắc cho các cháu (về cách và phương pháp học trong mùa dịch) thay vì mỗi tuần cứ chờ đợi thông báo. Và có thể nghiên cứu việc cho nghỉ một tháng (từ 15/2 đến 15/3) rồi sau đó sẽ tính và có kế hoạch mới.

Cho rằng việc kéo dài thời gian năm học sang tháng 7 có ảnh hưởng tới các kì thi “nhưng sẽ phải điều chỉnh vì sức khỏe học sinh là trên hết”, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, TP.HCM đề xuất “Thậm chí, có thể việc tốt nghiệp không thi mà công nhận tốt nghiệp bằng cách cho các em làm những bài luận”.

Còn ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ những kinh nghiệm trong lịch sử: “Năm Mậu Thân 1968, chúng tôi nghỉ cả tháng và Bộ GD-ĐT làm kế hoạch cho học sinh trong bối cảnh phải nghỉ. Năm 1978, lũ lụt xảy ra nghiêm trọng ở miền Tây, học sinh các khối đều nghỉ kéo dài cả tháng, trừ học sinh lớp 12 phải học trên lầu”.

Thận trọng

Quyết định tiếp tục đến trường hay nghỉ học tuần tới thực sự là cân não đối với lãnh đạo các địa phương trong những tuần qua. Không những thế, ý kiến thăm dò dư luận cũng có những kết quả khác biệt. Đến ngày 14/2, tâm nguyện của phụ huynh qua một số kênh khảo sát trên diễn đàn xã hội và báo chí là phần lớn muốn cho nghỉ học thêm 1-2 tuần (tỷ lệ bỏ phiếu đồng ý tiếp tục nghỉ học lên đến 80-85%). Đến khi có thông tin “Bộ GD-ĐT đề xuất xem xét kéo dài thời gian nghỉ học đến hết tháng 2” và “TP.HCM đề xuất nghỉ đến hết tháng 3”, thì xu hướng ý kiến đã thay đổi. Chẳng hạn, theo một khảo sát nhỏ trên báo điện tử VNExpress với 34.000 lượt thăm dò, có hơn 60% đồng ý “nghỉ hết tháng 3” và 34% cho rằng nghỉ hết tháng 2 là đủ; khảo sát trên VietNamNet với số lượng tham gia ít hơn, nhưng tỷ lệ cũng tương tự (với 59% đồng ý hết tháng 3 và 35% cho rằng nghỉ hết tháng 2 là đủ).

Có thể nghỉ học hết tháng 3, tổ chức 4 kỳ nghỉ trong năm học?
Thành phố sẽ kiến nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3 để tránh dịch virus corona (Ảnh: Thanh Tùng)
Từ chối bày tỏ quan điểm trên báo chí, nhưng một số ý kiến cá nhân trên mạng xã hội những ngày qua đã phân tích sâu hơn về đề xuất nghỉ kéo dài này. Chẳng hạn, nếu đi học lại từ tháng 4 thì sẽ vướng những ngày nghỉ lắt nhắt, hay học thêm tháng hè thì nhiệt độ nắng nóng lớp học tập trung cũng ảnh hưởng sức khoẻ. Điều quan trọng nhất là lịch thi THPT quốc gia sẽ phải thay đổi sau tháng 7 (thay vì thường diễn ra trong tháng 6 như thông lệ).

Một khuyến nghị khác đang gây chú ý là phân tích chủ trương “đóng cửa trường dựa trên lý thuyết về chính sách công”. Theo đó, chi phí cho việc hàng chục triệu học sinh nghỉ học dài ngày rất lớn, vấn đề then chốt là xem “lợi ích” của việc đóng cửa trường do lo ngại sự lây lan của virus có “bù đắp” được các “chi phí” thiệt hại hay không.

Anh Hoàng Văn, phụ huynh duy nhất bỏ phiếu “tiếp tục đi học” trong lớp của con mình, bày tỏ: Dù là bên ít ỏi ủng hộ mở trường học bình thường, tôi cũng không cho rằng quyết định đóng cửa trường học trên tâm nguyện của số đông phụ huynh là sai. Chỉ có điều, khi có những biện pháp gây xáo trộn đời sống xã hội thì cũng cần xác định rằng những lợi ích kinh tế sẽ bị hi sinh; rồi việc làm, tiền lương…của phụ huynh sẽ ảnh hưởng.

Chị Phạm Mai, một phụ huynh quan tâm về giáo dục bày tỏ ủng hộ việc nghỉ Tết dài nhưng không nên chia 4 lần: “4 lần nghỉ 1 năm không phù hợp với lịch học 2 học kỳ chung của Việt Nam. Theo tôi, có thể nghỉ 2 lần, Tết 1 tháng, hè 2 tháng”.

“Còn kiến nghị cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3 thì luôn phải dựa trên cơ sở các kịch bản phòng chống dịch. Trong đó phải tính tới các yếu tố nguy cơ và cấp độ cao thấp của nó, cân nhắc lợi ích và thiệt hại của cộng đồng, có biện pháp hỗ trợ những nhóm thiểu số khó khăn. Khi đã có kịch bản đầy đủ thì có thể ra quyết định và cho nhân dân được biết phần nào để yên tâm tuân thủ. Nếu xét thấy nguy cơ dịch bệnh là rất cao thì cho nghỉ hết tháng 3 cũng cần thiết. Nhưng nếu nguy cơ thấp thì rõ ràng là không cần nghỉ dài như vậy. Vấn đề là phải làm sao cho dân hiểu và yên tâm tin vào quyết định của lãnh đạo”.

Nghỉ đông: Chưa có; lịch thi THPT quốc gia: Chưa chốt

Mặc dù Bộ GD-ĐT không phải là cơ quan quyết định lịch nghỉ học cụ thể ở từng địa phương (theo luật thì quyết định này thuộc về UBND các tỉnh, thành); nhưng Bộ lại có vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho các nơi thực thi những kế hoạch phù hợp; chẳng hạn xác định lịch thi THPT quốc gia.

Trước ý tưởng “nghỉ đông thay nghỉ hè”, trao đổi với VietNamNet tối 14/2, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cho biết khi điều chỉnh, phải tính đến việc học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 không phải tất cả đều giống nhau.

“Học sinh cuối cấp buộc phải có những kỳ thi chuyển cấp, chẳng hạn như học sinh lớp 9 có kỳ thi vào lớp 10, học sinh lớp 12 có kỳ thi THPT quốc gia, không thể lùi sang năm sau được. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn nêu rõ thẩm quyền cho học sinh nghỉ hay đi học lại thuộc về UBND cấp tỉnh/thành phố, nhưng căn cứ tình hình thực tiễn mà có thể quyết định theo đối tượng học sinh hoặc địa bàn”.

Ông Thành cho biết năm học 2019-2020 sẽ kéo dài 2-3 tuần và đến nay Bộ GD-ĐT chưa chốt lịch thi THPT quốc gia. Tinh thần “phòng chống dịch” của ngành giáo dục đào tạo là “nhà quản lý sẵn sàng nhận phần khó về phía mình”. Tuy nhiên, với ngành giáo dục, không dễ gì thay đổi quán tính của cách tổ chức học tập chỉ có 1 kỳ nghỉ dài là kỳ nghỉ hè như thông lệ lâu nay.

Theo Vietnamnet

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here